Pages

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Đông y chữa bệnh gút

Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh gút là khí huyết suy yếu khiến ngoại tà xâm nhập cơ thể, gây nghẽn tắc kinh lạc. Hậu quả là khí huyết rối loạn, tà độc tích tụ ở các khớp, gây đau nhức, vận động khó khăn.

Gút (thống phong) là một dạng bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa purine gây nên. Biểu hiện chủ
yếu là: khớp xương sưng tấy, nóng đỏ, đau nhức kịch liệt, tái phát nhiều lần. Bệnh lâu ngày có thể
dẫn đến dị dạng khớp, nổi u cục quanh khớp và dưới da, sỏi thận, suy thận...


Trong Đông y, thống phong là một loại bệnh Tý (chỉ trạng thái kinh mạch, xương khớp bị nghẽn
tắc, đau nhức, vận động khó khăn). Đau xuất hiện ở khắp các khớp xương, đau ghê gớm như bị hổ
cắn, nên còn gọi là chứng “Bạch hổ lịch tiết phong” (“lịch” là khắp cả, “tiết” chỉ khớp xương).

Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh tà sẽ thâm nhập vào sâu bên trong, gây tổn thương các tạng phủ,
chủ yếu là hai tạng can, thận. Bệnh kéo dài lâu ngày khiến công năng của các tạng phủ suy yếu
dần, khí huyết bị ứ trệ hóa thành cục “đàm” - đọng lại quanh các khớp dưới dạng những khối u.
Đông y gọi những khối u đó là “thống phong thạch” (đá thống phong).

Từ xưa, các thầy thuốc Đông y đã nhận thấy thống phong có những biểu hiện bệnh lý rất phức tạp,
không thể chỉ dùng một phương thuốc cố định mà chữa khỏi. Các bài thuốc gia truyền, kinh
nghiệm dân gian tuy có thể mang lại một số kết quả trị liệu nhất định nhưng ít khi chữa khỏi hoàn
toàn, tận gốc. Những người không hợp thuốc còn gặp tác dụng phụ ngoài mong muốn. Vì vậy, cần
căn cứ vào các chứng trạng cụ thể để phân loại bệnh và sử dụng các phép trị, bài thuốc tương ứng:

Thể thấp nhiệt nghẽn tắc kinh mạch

Khớp xương đột nhiên bị sưng tấy, nóng đỏ, xung huyết, khó cử động, đau kịch liệt - gân như bị
xé, xương như muốn nứt ra. Bệnh thường phát nặng vào ban đêm, kèm theo sốt cao, đau đầu,
buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, miệng khát, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô.

Dùng phép chữa thanh nhiệt trừ thấp, hoạt huyết thông lạc: Phòng phong, hạnh nhân, liên kiều,
tàm sa, xích tiểu đậu, khương hoàng, hải đồng bì, sơn chi mỗi thứ 10 g, ý dĩ nhân 30 g, hoạt thạch
15 g, bán hạ 6 g. Sắc kỹ với nước, chia 3 lần uống trong ngày.

Nếu khớp xương nóng đỏ nhiều, thêm nhẫn đông đằng (dây kim ngân) 30 g, hổ trượng căn (cốt

khí củ) 10 g. Nếu đau nhiều, thêm uy linh tiên 15 g, nhũ hương 6 g, cùng sắc uống.

Thể huyết ứ đàm trở

Bệnh kéo dài nhiều ngày, hay tái phát, khớp xương bị biến dạng và cứng lại, vùng da quanh khớp xương đen sạm, đau kịch liệt ở một số vị trí cố định, chân tay tê dại, khó co duỗi. Khi bệnh phát nặng, khớp xương có thể bị sưng, đau, nóng, đỏ, người phát sốt, khát nước, tiểu tiện sẻn đỏ; hoặc khớp xương lạnh ngắt, gặp thời tiết lạnh đau càng kịch liệt, được chườm nóng thì thấy dễ chịu. Chất lưỡi đỏ tía, có những điểm ứ huyết.

Dùng phép chữa hoạt huyết hóa ứ, hóa đàm thông lạc: Đào nhân, hồng hoa, khương hoạt, tần cửu,
đương quy mỗi thứ 12 g, địa long, ngưu tất mỗi thứ 20 g, ngũ linh chi, xuyên khung, mộc dược,
hương phụ mỗi thứ 9 g, cam thảo 6 g. Sắc kỹ với nước, chia 3 lần uống trong ngày.


Nếu quanh các khớp còn nổi lên những cục “thống phong thạch”, cần thêm bạch giới tử 10 g, bạch

cương tàm 10 g, cùng sắc uống.

Thể can thận suy hư

Bệnh kéo dài lâu ngày khiến cơ thể ngày càng tiều tụy, hai tạng can và thận bị hư tổn nặng. Sức đề kháng của cơ thể giảm khiến ngoại tà dễ xâm nhập vào cơ thể, dẫn đến những cơn đau lúc nặng lúc nhẹ, các khớp xương thỉnh thoảng lại sưng đau, nóng đỏ. Dạng bệnh này còn kèm theo các triệu chứng như: toàn thân mệt mỏi, kém ăn, sốt nhẹ về chiều, lưng đau gối mềm, phiền táo, tai ù, đầu choáng, mắt hoa, miệng háo, ra mồ hôi trộm khi nằm ngủ, đại tiện phân lỏng hoặc tiêu chảy vào lúc sáng sớm (ngũ canh tả), tiểu tiện nhiều lần, chất lưỡi đỏ ít rêu.

Dùng phép trị bổ ích can thận, trừ thấp, thông kinh lạc: Phòng phong, đương quy, địa hoàng, phục linh, tang ký sinh mỗi thứ 15 g, tần cửu, xuyên khung, bạch thược, đỗ trọng, ngưu tất mỗi thứ 10 g, tế tân 3 g, nhục quế 7 g, nhân sâm 12 g, cam thảo 6 g. Sắc kỹ với nước, chia 3 lần uống trong ngày.

Thêm phụ tử 8 g, can khương 8 g nếu người bệnh thiên về dương hư, với những biểu hiện như sợ
lạnh, da nhợt nhạt, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng, lưỡi trắng nhợt. Phụ tử là vị thuốc có độ độc
rất cao, cần được bào chế đúng phương pháp mới sử dụng được. Vì vậy, chỉ mua nó ở những cửa
hàng Đông Nam dược có uy tín. Mặt khác, phải cho phụ tử vào sắc trước - nấu sôi với nước ít nhất
1,5 giờ để độc tố có đủ thời gian phân giải bớt, sau đó mới cho các vị thuốc khác vào cùng sắc
uống.

Cần bỏ nhục quế, thêm kỷ tử 15 g, hà thủ ô chế 15 g để tư bổ can thận nếu có triệu chứng thiên về âm hư, với những biểu hiện như hai gò má ửng đỏ từng cơn, sốt cơn về chiều, phiền táo, ra mồ hôi trộm khi nằm ngủ, đầu mặt choáng váng, tai ù, miệng khô khát, chất lưỡi đỏ ít rêu.

Nếu lưng gối đau mỏi nhiều, thêm hoàng kỳ 30 g, tục đoạn 15 g để bổ thận, ích khí. Nếu chân tay

tê dại nhiều, cần thêm kê huyết đằng 30 g để dưỡng huyết, thông lạc.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét