Pages

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Ts Cù Huy Hà Vũ: Các giáo dân Cồn Dầu vô tội


Theo nguồn tin từ Hiệp hội nhân quyền Quốc tế (ISHR), hiệp hội này, dựa vào những lời khai của nhân chứng, gồm có những nạn nhân và thân nhân của họ, vừa công bố một tài liệu về những gì đã xảy ra tại Cồn Dầu từ ngày 4.5 (ngày đám tang bà Đặng Thị Tân) đến ngày 3.7 (ngày anh Nguyễn Thành Năm chết do hậu quả bị dân phòng tra tấn).

Tài liệu kết luận rằng đây là một vụ xâm phạm nghiêm trọng đến những nhân quyền căn bản như quyền tự do tôn giáo, quyền tư hữu, quyền được an toàn tính mệnh và thân thể. Tài liệu này đã được gửi đến chính phủ và các dân biểu Đức trong Ủy Ban nhân quyền Quốc hội. Nhiều dân biểu đã can thiệp với Bộ ngoại giao Đức.

Một số dân biểu đã ký tên chung vào một thư kêu gọi thủ tướng Nguyến Tấn Dũng trả tự do tức khắc cho những giáo dân bị bắt, mở cuộc điều tra sâu rộng về việc hành hung, tra tấn và đánh chết người, cũng như điều tra về vai trò của ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư thành ủy Đà Nẵng, trong vụ đàn áp dã man này. Trong khi đó, Tòa án quận Cẩm Lệ, Đà Nẳng, đã không chấp nhận cho văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội đứng ra bào chữa cho các giáo dân này. Từ Hà Nội, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trả lời RFI.

RFI: RFI xin chào luật sư Cù Huy Hà Vũ. Thưa ông, cho tới nay thì Văn Phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ vẫn không nhận được giấy phép để các luật sư của Văn Phòng đến bào chữa cho sáu giáo dân Cồn Dầu tại phiên tòa ngày mai ở Tòa án Nhân dân quận Cẩm Lệ. Vậy, theo ông, điều gì sẽ xảy ra nếu như phiên xử vẫn được tiến hành mà không có sự tham dự của các luật sư?

LS. Cù Huy Hà Vũ: Cho đến ngày hôm nay, chiều ngày 26, Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ không nhận được bất cứ hồi âm nào từ Tòa án Nhân dân quận Cẩm Lệ, mặc dù, ngày 23/10, Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ đã có Công văn gửi Chánh án Tòa án Nhân dân quận Cẩm Lệ – Tán Thị Thu Dung, yêu cầu khẩn trương cấp giấy chứng nhận bào chữa cho sáu giáo dân Cồn Dầu cho hai luật sư của Văn Phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ là luật sư Nguyễn Thị Dương Hà và luật sư Lương Quang Tuấn; đồng thời, cũng ngày 23/10, Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ cũng đã gửi Công văn đến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Trưởng ban Ban tôn giáo Chính phủ, Ủy ban TWMT Tổ quốc Việt Nam.

Thành ra, khả năng thứ nhất là, ngày mai, Tòa án bất chấp pháp luật, tức là bất chấp yêu cầu của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, bất chấp những yêu cầu có thể có từ phía Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tòa án Nhân dân Tối cao và các cơ quan Trung ương khác.

Tôi cho rằng, phiên tòa dù có diễn ra với các bản án đã được định sẵn cho sáu giáo dân Cồn Dầu, thì sau này cũng sẽ phải bị hủy bỏ, bởi việc từ chối cấp giấy phép bào chữa cho các luật sư là hoàn toàn trái pháp luật mà đã là trái pháp luật thì Chánh án Tán Thị Thu Dung của Tòa án Nhân dân quận Cẩm Lệ đã vi phạm nghiêm trọng Tố tụng Hình sự mà theo qui định của Pháp luật Tố tụng thì khi đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì kết quả của phiên tòa đó, hay bản thân phiên tòa đó là không hợp pháp và phải bị hủy bỏ tức là phải hủy bỏ và xét xử lại từ đầu.

Khả năng thứ hai, những yêu cầu của viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cũng như những yêu cầu có thể có – tức là kịp thời, từ phía Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ, UBTWMTTQ Việt Nam, mà Chánh án Tòa án Nhân dân Quận Cẩm Lệ – Tán Thị Thu Dung, phải hoãn phiên tòa để cấp giấy chứng nhận bào chữa sáu giáo dân Cồn Dầu cho Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ.

RFI: Thưa ông Cù Huy Hà Vũ, nhìn vào vụ án này, tức là sáu giáo dân Cồn Dầu bị xử vào cái tội: “Gây rối trật tự công cộng và chống người thì hành công vụ”, theo ông, hai tội danh đó có hợp lý hay không?

LS. Cù Huy Hà Vũ: Chúng tôi cho rằng, hai tội danh đó áp cho sáu giáo dân Cồn Dầu là hoàn toàn vô lý hay nói cách khác, sáu giáo dân Cồn Dầu là vô tội. Chứng cứ như sau:

Thứ nhất: Cái việc mà sáu giáo dân Cồn Dầu tham gia đưa tang một bà cụ, thì đây không phải là họ tham gia một cuộc biểu tình hay là một cuộc bạo động chống chính phủ. Họ chỉ đơn thuần đưa tang một bà cụ. Vậy, đây là một hành vi rất là bình thường.

Thứ hai: Gây rối trật tự công cộng thì phải chứng minh được những người bị bắt giữ ấy họ phải chủ động đến những nơi công cộng, tức là những nơi có phố xá hay các cơ sở sinh hoạt xôm tụ nào đó và làm náo loạn, đảo lộn trật tự ở những nơi đó. Trong trường hợp này, thì khu vực nghĩa trang có gì đâu mà đảo lộn. Họ chỉ chủ động đưa tang, đưa quan tài vào nghĩa trang đó thôi, có gì đâu mà đảo lộn sinh hoạt của bất kỳ ai. Vậy, điều tôi muốn nói hành vi gây rối trật tự công cộng phải gắn liền với cái sự đảo lộn trật tự sinh hoạt của người dân tại khu vực đó. Rõ ràng, trong trường hợp này tội “gây rối trật tự công cộng” là hoàn toàn không có cơ sở.

Về tội danh “Chống người thi hành công vụ”, nếu chống người thi hành công vụ thì phải nói, trước hết, các lực lượng thi hành công vụ phải làm đúng nghĩa vụ. Ở đây, việc thu hồi đất vẫn chưa hạ hồi phân giải, vẫn chưa có Quyết định thu hồi đất rõ ràng đối với giáo xứ Cồn Dầu, ngay cả với nghĩa trang Cồn Dầu – nghĩa trang Cồn Dầu thuộc giáo xứ Cồn Dầu. Nếu, làm thế nào có thể Nhà nước lại tự xác định là tất cả đất đai thuộc về toàn dân – thuộc về toàn dân, thì cũng từ rất lâu nay rồi, đất đai tuy thuộc về sở hữu toàn dân, nhưng lại thuộc quyền sử dụng của các cá nhân và các tổ chức cụ thể. Nghĩa trang Cồn Dầu là thuộc quyền quản lý của giáo xứ Cồn Dầu. Vậy, muốn ngăn cản người ta, đặc biệt là giáo dân Cồn Dầu đến cái nghĩa trang thuộc quyền quản lý của giáo xứ Cồn Dầu, thì đương nhiên, bảy tám trăm công an, cảnh sát cơ động đến ngăn cản đám tang tiến vào nghĩa trang Cồn Dầu thì chính những cảnh sát cơ động đó, chính những người thi hành công vụ lại chống lại công vụ, bởi vì chúng ta phải xác định công vụ là bảo vệ pháp luật. Trong trường hợp này, nghĩa trang Cồn Dầu thuộc giáo xứ Cồn Dầu từ cả hàng mấy trăm năm nay chứ không phải là từ khi chính quyền cộng sản lên cầm quyền ở miền Nam sau năm 1975. Nó đã có từ rất lâu rồi. Thành ra, việc cảnh sát cơ động, theo lệnh của ai đó, đến ngăn chặn cái đám tang của bà cụ Hồ Nhu ở nghĩa trang Cồn Dầu, là hành vi bất hợp pháp.

Tóm lại, tôi khẳng định rằng, tội danh “gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ” là hoàn toàn vô lý.

Tuy nhiên, bởi Tòa án Nhân dân quận Cẩm Lệ từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa cho hai luật sư của văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ, cho nên, mặc dù về lý, chúng tôi suy xét rằng, những người giáo dân sắp bị đưa ra xét xử là hoàn toàn vô tội; nhưng chúng tôi cũng mong rằng – chúng tôi yêu cầu thì đúng hơn, luật sư phải được cấp giấy chứng nhận bào chữa để từ đó luật sư có quyền tiếp cận hồ sơ vụ án, tiếp cận những bản kết luận điều tra của công an, kết luận những chứng cứ được lưu tại tòa án để có thể đối chứng, để có thể xác định rõ hơn sự vô tội của sáu giáo dân Cồn Dầu; cũng như xác định rõ hơn hành vi mà truy cứu trách nhiệm hình sự sáu giáo dân Cồn Dầu đó là những hành vi không đúng pháp luật hay nói cách khác, để xác định những kẻ thủ ác trong vụ án này, tức những người cố tình truy cứu trách nhiệm hình sự người vô tội mà ở đấy là sáu giáo dân Cồn Dầu.

RFI: Chúng tôi xin cám ơn ông Cù Huy Hà Vũ thuộc Văn Phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội đã trả lời phỏng vấn ngày hôm nay liên quan tới vụ xét xử sáu giáo dân giáo xứ Cồn Dầu.


Thanh Phương

Nguồn RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét