Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Việt Nam đang là mục tiêu của tin tặc

Trong những ngày vừa qua, khảo sát của hãng bảo mật McAfee cho ra thông cáo rằng Việt Nam được coi là đích ngắm của tội phạm trên mạng internet.



Photo courtesy of bkav.com.vn

Thạc sĩ Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Việt Nam.





Thêm vào đó, hãng SecureWorks, một công ty an ninh mạng, cho rằng chính phủ Việt Nam có thể đứng sau những cuộc tấn công này. Sự thật của sự việc ra sao?


Liên quan chính quyền Việt Nam?

Hãng bảo mật McAfee cho biết theo những thống kê mới nhất, Việt Nam là đích đến của các tên tội phạm trên mạnh internet trong năm 2010, trong khi năm ngoái Việt Nam chỉ đứng hạng thứ 39 trên danh sách này.


“Năm ngoái cũng theo phân tích của McAfee thì Việt Nam đứng thứ 39, năm nay nhảy vọt lên thứ nhất như vậy thì đấy là một sự rất là đột biến thì nó phải có một lý do gì rất là đặc biệt.


Nguyễn Tử Quảng
McAfee chỉ ra nhiều cách khác nhau mà những người sử dụng mạng có thể bị tấn công như các trang dược phẩm giả hoặc quảng cáo pop-up có chứa virus, hay là các loại hình lừa gạt người sử dụng khi họ đăng nhập mã độc vào máy tính cá nhân.


Thạc sĩ Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh Mạng Việt Nam, cho biết ông cũng đã xem qua các thống kê của McAfee nhưng còn nhiều điểm chưa thật sự thuyết phục. Ông trình bày thêm:


“Hiện nay chúng tôi cũng nghiên cứu kết quả phân tích của McAfee, nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, tôi cũng có một vài nhận định tổng quát như thế này. Thứ nhất tôi nghĩ rằng bản báo cáo này có vấn đề gì đó về số liệu, vì nếu 58% có nghĩa là hơn một nửa số tên miền có chứa mã độc như thế thì với những gì chúng tôi nắm được thì khó có thể xảy ra. Thứ hai, dù mới nhìn sơ bộ nhưng bản báo cáo nói là có 24.000 tên miền nhưng ở Việt Nam, thực tế có 170 nghìn tên miền chấm vn và chúng tôi thấy là số liệu đó chưa đủ để đại diện. Thứ ba nữa là năm ngoái cũng theo phân tích của McAfee thì Việt Nam đứng thứ 39, năm nay nhảy vọt lên thứ nhất như vậy thì đấy là một sự rất là đột biến thì nó phải có một lý do gì rất là đặc biệt.”




Trang mạng xã hội go.vn - AFP photo / Hoang Dinh Nam.

Ông Paula Greve, giám đốc nghiên cứu bảo mật web của McAfee, cho rằng hoạt động tội phạm trên mạng ngày càng gia tăng là do Việt Nam là một trong những quốc gia có chi phí thấp và rất dễ để đăng ký tên miền; thêm vào đó, tên miền có thể an toàn năm nay nhưng năm tới sẽ là đích nhắm của hackers.


Tuy nhiên, theo SecureWorks, một công ty an ninh mạng cho rằng Việt Nam có nguy cơ là mục đích của các tay hackers không đơn thuần là vì tên miền nhưng còn có lý do chính trị.
Công ty này nêu ra thí dụ các bloggers của Việt Nam đã bị tấn công trên các trang mạng của họ và có thể chính quyền Việt Nam đứng sau những vụ việc này.


Cần cẩn trọng

Chị Mạc Việt Hồng, chủ nhiệm trang Đàn Chim Việt, cho biết trang mạng nhà của chị thường xuyên bị đánh phá và còn mất luôn cả tên miền.


Trả lời đài Á Châu Tự Do, chị Hồng chia sẻ về kinh nghiệm này:


“Chừng 6 tháng trở lại đây, hầu như không có ngày nào chúng tôi không bị đánh bằng DDOS, tức là họ làm cho trang web của chúng tôi chậm lại và nhiều khi bị ngưng trệ, độc giả không thể truy cập được. Khi bấm vào www.danchimviet.com thì nó hiện lên cái thông báo của tin tặc là trang web đã đóng cửa vĩnh viễn vì lý do này, lý do kia, xong phía dưới nó còn cài cái link có virus vào đó. Bây giờ tên miền của Đàn Chim Việt là do một bọn bên Anh làm chủ.”


“Chừng 6 tháng trở lại đây, hầu như không có ngày nào chúng tôi không bị đánh bằng DDOS, tức là họ làm cho trang web của chúng tôi chậm lại và nhiều khi bị ngưng trệ.


Mạc Việt Hồng
Ông Joe Sewart, Giám đốc nghiên cứu thuộc bộ phận chuyên trách chống việc đột nhập hay lấy cắp dữ liệu trên computer trong công ty SecureWorks, nói rằng nhóm hackers phá hoại này chỉ nhắm mục đích ngăn chận sự phát tán tư tưởng chính trị của các bloggers chứ không để ăn cắp tiền như những hackers khác trên thế giới.


Ông Stewart còn cho rằng chủ đích của việc phá hoại này là để đàn áp các tiếng nói của những ý kiến trái ngược với chính phủ Việt Nam khi những ý kiến này có thể được nghe đến nhiều hơn, vượt khỏi biên giới của quốc gia này.


Tin tức của hãng thông tấn AP tập hợp lại tất cả các trường hợp bloggers của Việt Nam bị đàn áp với nhiều tội danh trong thời gian qua, nhưng tất cả họ đều có một điểm chung là đã nói lên ý kiến của mình vể những sự việc mắt thấy tai nghe về nhà nước và chính quyền Việt Nam.


Thạc sĩ Nguyễn Tử Quảng, khi được hỏi ý kiến của ông về điều SecureWorks suy luận, ông cho rằng ông chỉ nghiên cứu theo lĩnh vực chuyên môn và không bày tỏ ý kiến về vấn đề chính trị tại Việt Nam.


McAfee và SecureWorks, cả hai công ty đều đưa ra một thống kê tương tự nhau khi nói Việt Nam có thể là đích nhắm của tin tặc, duy chỉ có bản kết quả không liên quan đến nhân quyền hay chính trị thì được quan tâm đến, điều đó cho thấy nhà nước Việt Nam đang bao bọc dân chúng của họ trong một thế giới luôn bị kiểm soát.


Không chỉ những bloggers mà những sinh viên, học sinh hay tất cả những người nối mạng internet nên cẩn thận khi sử dụng các trang mạng nhằm tự bảo vệ mình và người thân vì chúng ta không biết ai đang là tin tặc và họ đang nhắm đến thông tin cá nhân, tiền tài hay chính tư tưởng của chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét