Pages

Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Đại biểu QH không tin Trung ương ít tham nhũng


Đại biểu QH Trần Văn Kiệt không tin cấp Trung ương ít tham nhũng


Một số đại biểu quốc hội không hoàn toàn đồng tình với Báo cáo cáo về tình trạng chống tham nhũng của chính phủ.

Nhất là số liệu cho rằng cấp cao ít tham nhũng. Báo cáo “Phòng ngừa tội phạm, chống Tham nhũng” cho hay tỷ lệ tham nhũng ở cấp phường xã là 31%. Trong khi cấp Trung ương chỉ là 0,3%.

Đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) cho hay ông cảm thấy “dở khóc dở cười” trước thống kê cho rằng rất ít nhân sự Trung ương có hành vi tham nhũng.

“Tham nhũng dưới địa phương không thể cao hơn Trung ương được,” ông Kiệt nói trước Quốc hội. “Con số khiến tôi dở khóc dở cười.”

Ông Kiệt hoài nghi về hiệu quả của “phong trào chống tham nhũng”. Theo ông tham nhũng ngày càng khó trị. Bằng chứng của chiến dịch chống tham nhũng đang thoái trào là chuyện bôi trơn hối lộ nay đã quá quen thuộc tại Việt Nam.

“Nó đã trở thành thứ quá quen thuộc, là liều thuốc bôi trơn của các cá nhân, tổ chức, đi tới đâu mà không lót tay thì không được việc,

“Lực lượng tham nhũng ngày càng thêm thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Tôi cho rằng tham nhũng chưa chấm dứt. Cái chính là năng lực, trình độ đội ngũ chống tham nhũng của ta chưa tương xứng.”

Đánh từ vai?

Đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) gọi báo cáo của chính phủ là “lạc quan.” Tỷ lệ tham nhũng ở cấp Trung ương thấp một cách bất thường, theo ông là do “càng ở cấp cao tham nhũng càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện hơn so với cơ sở,”

Và ông đặt câu hỏi: “Phải chăng trên ít tham nhũng. Hay là thủ đoạn tinh vi, cán bộ cấp cao nên không xử lý được?”

Sau đó đại biểu từ Long An đưa ra dẫn chứng dân ngày nay coi tham nhũng là chuyện bình thường, không muốn đấu tranh nữa. Ông gọi đây là xu thế “đáng lo”.

“Người dân sẵn sàng hối lộ để được việc khi làm việc với cơ quan nhà nước. Khi vi phạm giao thông, người ta sẵn sàng bỏ tiền để khỏi bị xử phạt. Cán bộ cũng quen dần với việc nhận tiền hối lộ”.

Gọi các vụ tham nhũng liên quan đến Vinashin, tiền polymer, thuốc tamiflu là “nổi cộm”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) kêu gọi cơ quan tư pháp vào cuộc điều tra sớm.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) lo ngại một khi quan chức, lãnh đạo chưa công khai thu nhập, chuyện ngăn chặn tham nhũng sẽ vẫn không hiệu quả.

Báo trong nước đưa tin cho đến nay mới có 24 tỉnh thực hiện thống kê tài sản, 39 tỉnh khác chưa làm xong. Ngay cả những nơi làm xong, chưa có đánh giá về chất lượng.

“Quan chức càng cao, càng phải công khai thu nhập. Nếu không thì không thể trả lời cho dân là vì sao cán bộ đó có biệt thự triệu đô, con cái xài xe sang,” ông Xuân nói.

Danh dự quốc gia?

Đánh giá của Viện Kiểm sát Nhân dân tp Hồ Chí Minh cho hay nhóm tội phạm tham nhũng có mức sống cao hơn nhiều so với mức trung bình của xã hội. Nhiều người có học vấn đại học, hoặc trên cử nhân.

Tham nhũng xuất hiện nhiều trong các lĩnh vực, bao gồm quản lý sử dụng đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao thông, tài chính, ngân hàng, thương mại.
Động cơ phạm tội là “muốn làm giàu bằng mọi giá,” bên cạnh việc “xem thường pháp luật.”

Qua vụ Huỳnh Ngọc Sĩ “nhận hối lộ”, vụ Mai Văn Dâu “lợi dụng chức quyền”, tham nhũng đang ảnh hưởng đến uy tín và thể diện quốc gia, theo đánh giá của Viện Kiểm sát Nhân dân tp Hồ Chí Minh.

“Ngoài thiệt hại về tài sản, tội phạm tham nhũng còn gây tác hại nghiêm trọng đến chính sách kinh tế - xã hội, làm mất danh dự, uy tín thể diện của quốc gia đối với các nhà tài trợ, các đối tác, tổ chức quốc tế.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét