Pages

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

ĐẢNG CHỮA CHÁY, NHÀ NƯỚC NÓI QUANH

Phạm Trần



Chỉ còn hơn tháng nữa đến ngày đại hội XI, nhưng nội bộ Đảng như nhà có đám ma còn Chính phủ thì thay nhau vá víu, giải trình cứu nguy dự án khai thác Bauxite và cố vớt lên con tầu đã chìm Vinashin.

Tất cả những chuyện rối ren này đã thể hiện trong các bài viết của cán bộ cao cấp trong đảng và tại cuộc chất vấn trong 3 ngày i ngày 22, 23 và 24 tháng 11 (2010) của Quốc hội với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, và một số Bộ trưởng là những người có trách nhiệm trong vụ làm ăn thua lỗ của Tổng công ty tầu chìm Vinashin và Dự án khai thác Bauxite.

LO XOẮN VÓ LÊN

Nhưng trước hết, hãy nói về “phong trào” phản công các ý kiến chống đảng đã và đang rộn ràng nẩy sinh ngay trong nội bộ đảng.

Nguyên do bắt đầu từ “Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)” , sẽ được thông qua tại Đại hội đảng vào tháng 1/2011, theo đó đảng kiên định lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động của đảng để xây dựng đất nước và chủ trương “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” của nên kinh tế quốc gia.

Nhiều cựu Lãnh đạo, đảng viên, Sỹ quan cao cấp nghỉ hưu và trí thức trong nước đã chỉ trích Cương lĩnh vẫn còn tiềm ẩn lạc hậu, lạc lõng, mất định hướng, mơ hồ, cũ rích, bảo thủ, lừa dối, không có ý thức thời đại và hão huyền.

Họ chất vấn hai chữ “qúa độ” lên xã hội chủ nghĩa cho đến bao giờ và cái xã hội được vẽ vời là “lý tưởng” này ở đâu và như thế nào?

Những người chỉ trích đảng cũng chê nhóm sọan thảo ra Cương lĩnh đã “ảo tưởng” khi viết rằng : “ Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động các nước sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.”

Lối 20 Nhà Trí thức. cựu lãnh đạo Chính phủ còn phê bình Cương lĩnh có nhiều điểm “lừa dối” trong cuộc thảo luận của họ vào ngày 7-10 (2010) tại Hà Nội, bởi vì Cương lĩnh có đọan viết : “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.”

Ngoài phản ứng bất lợi cho đảng đã tạo được nhiều ảnh hưởng trong nước của giới Trí thức, các văn kiện đảng còn bị nhiều người Việt Nam ở nước ngòai lên án là “chậm tiến” và chỉ kéo dài đói nghèo, lạc hậu cho dân tộc.
Do đó, lần đầu tiên kể từ khi đảng tổ chức Đại Hội Đại biểu tòan quốc lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương từ ngày 27-31/3/1935, đảng đã phải đương đầu với sự chống đối công khai và quyết liệt của chính những cựu Lãnh đạo trong đảng, Nhà nước và Quân đội đối với chủ trương và đường lối của đảng.

Nhưng đảng đã chống những người quay lưng lại với quyền lãnh đạo bất khả xâm phạm của mình như thế nào?

Xuyên qua một số bài viết tiêu biểu được chọn để phổ biến truớc Đại hội đảng thì vũ khí duy nhất của đảng sử dụng là 2 chiếc mũ thù địch vô hình “những thế lực thù địch” và “diễn biến hòa bình” để đội lên đầu những người chống mình.

Chẳng hạn như Đông Quan đã viết trong bài “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên Báo Quân đội Nhân dân ngày 14/11/2010 rằng : “Lợi dụng góp ý vào các dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội XI, có kẻ đã quay lưng với lịch sử dân tộc và của chính mình khi tung lên mạng Internet những ý kiến, những bài viết kể lể những sai lầm, khuyết tật của mô hình cũ của CNXH với thứ văn chương và giọng điệu hằn học cũ rích và cuối cùng đi đến phủ nhận luận điểm “Loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” được ghi trong dự thảo Cương lĩnh bổ sung sửa đổi của Đảng với những lập luận, rằng: “Luận điểm trên chỉ nên xem là một phán đoán để ngỏ... Phán đoán này vốn không có ý nghĩa chính trị thiết thực, chưa đủ cơ sở lý luận và căn cứ thực tiễn… Tốt nhất là nên đưa ra khỏi Cương lĩnh”. Mới xem qua, người đọc cảm nhận đây là một ý kiến đáng quan tâm vì trong đó có sử dụng mấy thuật ngữ triết học. Song nếu đọc kỹ hơn một chút, người ta thấy đó là quan điểm phủ nhận chủ nghĩa xã hội.”

Đại tá Phó Giáo Sư, Tiến Sỹ Nguyễn Xuân Thành, Học viện Quốc phòng viết bài “65 năm kiên định nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước” trên báo diện tử của Trung ương đảng 19/11/2010 đã báo động rằng : “Hiện nay, các thế lực thù địch đang tiếp tục thực hiện “diễn biến hoà bình” nhằm thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tiến tới xoá bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Trên mặt trận tư tưởng, lý luận, chúng tập trung tiến công vào vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội, đòi “xóa bỏ điều 4 trong Hiếp pháp năm 1992 qui định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Điều đó không chỉ thể hiện trong những luận điệu công kích trực diện vào vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng nhằm xóa bỏ nguyên tắc cơ bản trên đây mà còn thông qua những luận điệu công kích bản chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, chia rẽ mối quan hệ giữa các thành tố cơ bản trong hệ thống chính trị XHCN Việt Nam.”

Nguyễn Xuân Thành vẽ ra bài bản chống đảng của “các thế lực thù địch” với nhiều mánh khoé, nhưng có 2 điểm nổi bật là :

(1) Công kích bản chất, vị trí, vai trò của nhà nước ta: Nội dung chủ yếu là xuyên tạc, phê phán bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của nhà nước ta, hạ thấp vị trí, vai trò của nhà nước Việt Nam XHCN…Về mặt lý luận, chúng khuyến khích, cổ vũ cho sự hình thành“chủ nghĩa chống nhà nước” (anti-étatisme) ở Việt Nam - một trào lưu lý luận chủ trương thực hiện“nhà nước càng ít càng tốt” ở phương Tây TBCN từ nửa cuối thế kỷ XX.

(2) “Trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh, chúng triệt để lợi dụng, kích động những mâu thuẫn về dân tộc, tôn giáo, mâu thuẫn vùng, miền, tìm cách hỗ trợ, xúi dục các phần tử phản động trong nước tiến hành các cuộc bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên, gây mất ổn định ở Tây Bắc, Tây Nam Bộ, khuyến khích xu hướng ly khai (thành lập “Nhà nước Đềga độc lập” ở Tây Nguyên, “Nhà nước H’Mông” ở Tây Bắc, “Nhà nước Khơme Crôm” ở Tây Nam Bộ), sử dụng các vấn đề “dân chủ, nhân quyền” làm ngòi nổ chống phá nhà nước và chế độ XHCN.”

Để đối phó, Thành kiến nghị đảng : “Chủ động và tích cực đẩy mạnh cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm thù địch, sai trái về bản chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta; vạch trần tính chất phản khoa học và phản động của âm mưu, thủ đoạn chia rẽ mối quan hệ giữa các thành tố cơ bản trong hệ thống chính trị XHCN Việt Nam và nhân dân, đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn thực hiện “phi chính trị hoá nhà nước”, tách nhà nước khỏi sự lãnh đạo của Đảng, chuyển hoá nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo mô hình nhà nước pháp quyền Tư Bản Chủ Nghĩa.”

Đến phiên Giáo Sư,Tiến Sỹ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương được lệnh tung hô đảng trên cùng trang báo (của đảng) trong bài “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của dân tộc Việt Nam” ngày 18/11/2010.

Theo Thắng thì : “Đảng Cộng sản Việt Nam đã biến cái có thể thành hiện thực khi tỏ rõ trách nhiệm và năng lực lãnh đạo của mình, nhận lĩnh trách nhiệm là người tiên phong đưa dân tộc phát triển. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, do đó, không tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Vai trò đó được xác lập trên cơ sở Đảng Cộng sản Việt Nam đã thay mặt giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, đáp ứng được yêu cầu phát triển của dân tộc.”

Chuyện Thắng khoe đảng đã “thay mặt giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp cách mạng” là chuyện “vơ vào” đã qúa quen thuộc trong lịch sử với người dân Việt Nam từ khi Việt Minh cướp chính quyền từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945.

Vì vậy, nếu ngày nay vẫn còn có người phủ nhận những “thành tích” được gọi là “cách mạng” của đảng cũng không có gì mới lạ, vì đảng đã “tự biên, tự diễn” nhiều “thành qủa” từ 65 năm qua rồi.

Điều này đã được chính Thắng xác nhận khi viết : “Song, một số ý kiến không cho rằng như vậy. Bằng nhiều cách lập luận khác nhau, một số ý kiến đó cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không những không có công lao gì mà ngược lại còn là lực cản cho sự phát triển của xã hội Việt Nam; rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam tạo ra sức ỳ làm cho đất nước bị tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; rằng, sở dĩ như vậy là vì Đảng Cộng sản Việt Nam đi theo một hệ tư tưởng lỗi thời là chủ nghĩa Mác - Lênin, hệ tư tưởng đó đã làm cho xã hội Việt Nam vận hành theo lối "Đảng trị", mất dân chủ, không tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc để phát triển; và như thế, Đảng Cộng sản Việt Nam không xứng đáng với vai trò tiên phong của dân tộc, v.v.

Một số người có sự biểu hiện của sự thâm thù đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, hằn học với sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Họ đã có thái độ cực đoan trên các vấn đề liên quan đến Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ yếu là phủ nhận những đóng góp của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam.”

TIẾP TỤC NGHI NGỜ

Nhưng tại sao gần đến ngày đại hội rồi mà trong dân vẫn còn có nhiều người nghi ngờ về đảng, vẫn đang có nhiều người đã từng sống chết với đảng cả cuộc đời mà bây giờ lại quay đầu không muốn nhìn mặt đảng nữa ?

Hãy lắng nghe Tiến Sỹ Đinh Quang Tuấn, Cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị ta thán trong bài “Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay”, cũng xuất hiện trong báo Điện tử Trung ương đảng ngày 17/11/2010 : “Chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XI. Đây là dịp mà các thế lực thù địch, chống cộng đẩy mạnh các hoạt động chống Đảng với nhiều âm mưu, thủ đoạn khác nhau. Ngoài các nội dung về tư tưởng, lý luận, vấn đề nhân sự, đoàn kết nội bộ, đường lối chủ trương của Đảng sẽ là những vấn đề nhạy cảm nhằm lợi dụng để kích động dư luận, lung lạc tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân gây mất lòng tin của nhân dân với Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị và công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Do đó, việc giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong xây dựng, đổi mới hệ thống chính trị và trong công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội là vấn đề đặc biệt quan trọng hiện nay.”

Lạ thật. Đảng CSVN đã độc quyền lãnh đạo cả nước 35 năm qua không bị ai tranh dành, muốn làm gì thì làm, muốn nói ngược nói xuôi sao thì nói, chả ai cãi được nửa lời và đảng cũng chẳng thèm nghe lời khuyên can của ai thế mà dân vẫn nghi ngờ, vẫn đòi đảng phải thay đổi để cho dân tộc tiến lên.

Tuấn thắc mắc : “Những thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội... của đất nước đạt được trong quá trình đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã chứng minh sự phát triển và trưởng thành của Đảng. Thành tựu đó rất to lớn và đáng tự hào, chứng minh tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Song các lực lượng chống đối vẫn tìm cách phủ nhận những thành tựu đó ở nhiều dạng khác nhau, có người cho rằng cứ để quá trình phát triển lịch sử tự nhiên quyết định việc nhân loại đi lên CNXH hay CNTB, không cần sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; hoặc phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng thì mới nâng cao được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; nếu chỉ có một đảng lãnh đạo là độc đoán, độc tài và thiếu dân chủ.v.v. Thực chất những tư tưởng, quan điểm sai trái đó không có gì mới, nhưng các thế lực thù địch vẫn tung hô, kích động đòi Đảng ta phải thế này, thế kia theo ý muốn của chúng; đã đi ngược với quy luật khách quan, muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng.”

Như thế thì đảng đã lâm nguy chưa, hay cứ tiếp tục đi theo đường cũ để chũi đầu xuống cát làm khổ dân tộc?

Vậy mà Tuấn vẫn cố gắng vẽ ra quan điểm cối chầy, cạn kiệt tư tưởng vòng vo tam quốc của mình rằng : “Hiện nay, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa Mác – Lê nin với các thứ chủ nghĩa cơ hội - xét lại, chủ nghĩa chống cộng và các quan điểm sai trái, phản động vẫn diễn ra gay go, quyết liệt trên nhiều vấn đề cơ bản như: vấn đề thời đại ngày nay là gì; sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân có còn không; thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; vấn đề dân chủ; con đường phát triển của các dân tộc; vai trò của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế v.v đang đòi hỏi Đảng ta phải triển khai mặt trận lý luận rộng rãi với chất lượng cao hơn để góp phần đấu tranh, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin trong điều kiện mới.“

Nhưng thế nào là “lý luận rộng rãi với chất lượng cao hơn” để nâng cao, đổi mới với thứ chủ nghĩa đã chết như Mác-Lênin?

Vấn đề bây giờ là tư duy của con người CSVN chứ không phải thứ lý luận cùn, bế tắc lối thoát như Tuấn viết rằng : “Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nói chung và ở Việt Nam nói riêng những năm đầu thế kỷ XXI đang đòi hỏi sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng phải vươn cao hơn nữa về chất lượng. Đảng phải thật sự có trí tuệ mà cốt lõi là tích cực nâng cao trình độ lý luận Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để tổng kết thực tiễn, xây dựng đường lối, chính sách đúng đắn.”

Nhưng đảng là ai và ai là đảng nếu không phải đó là tổ chức của những con người đã cạn kiệt lý trí và cằn cỗi tư duy, thoái trào và lạc hậu như Đinh Quang Tuấn?

NÓI CHUYỆN VỚI ĐẦU GỐI

Đó cũng là hậu qủa của 3 buổi chất vấn của Quốc hội trong 3 ngày 22, 23 và 24/11/2010 với các Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên , Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo cơ cấu lại Vinashin và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Sinh Hùng nói với Quốc hội rằng : “Nếu chúng ta quản trị tốt và làm ăn có hiệu quả, trước mắt năm nay, Vinashin vẫn tiếp tục lỗ, nhưng nếu thị trường tốt, quản trị tốt, thì năm 2011 có thể lỗ ít, năm 2012 có thể sẽ đứng vững và từ năm 2013 - 2014 sẽ trở lại lãi. Tính cả nợ ngắn hạn, nợ dài hạn, cộng với lãi suất do vay nợ gây ra thì Vinashin đều có khả năng đảm bảo trả nợ.” (VOA, Đài tiếng nói Việt Nam)

Theo Chính phủ thì tài sản của Vinashin hiện này trị tiá 104.000 tỷ đồng, nhưng nợ 86.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế không ai nắm vững vì ông Lê Quang Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết số tiền Vinashin mắc nợ lên tới 120.000 tỷ đồng.

Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, việc xử lý vi phạm đã và đang được tiến hành và hưá “những người cố ý làm trái, người vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.”

Hùng nói : “Bộ Chính trị cũng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc từ người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng liên quan một cách công bằng.”

Lời điều trần của Nguyễn Sinh Hùng chưa thuyết phục được Quốc hội vì tương lai của Vinashin vẫn còn tùy thuộc vào những chữ “nếu” to bằng cái làng của Nguyễn Sinh Hùng.

Vụ Vinashin cũng đã chiếm mất 2 tiếng đồng hồ chất vấn và trả lời của Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ tại Quốc hội hôm 24/11.

Dũng nói : “Việc cố ý làm trái của những người lãnh đạo tại tập đoàn, cơ quan chức năng xử lý theo đúng pháp luật, còn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm trong quản lý và quản lý của sở hữu ….Là người đứng đầu, tôi nhận trách nhiệm đó.”

Tuy nhiên không ai biết đảng và nhà nước sẽ xét xử trách nhiệm của Dũng như thế nào.

Báo chí Việt Nam trích lời Dũng nói với Quốc hội rằng : “Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có liên quan đến việc quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với vấn đề này đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm. Kết luận kiểm điểm như thế nào, trách nhiệm cụ thể như thế nào chúng tôi sẽ công khai.”

Cách nay vài tuần lễ, Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết của Tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu Ban Thường vụ Quốc hội lập Ủy ban điều tra trách nhiệm của Chính phủ trong vụ làm ăn thua lỗ nghiêm trọng của Vinashin và đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm Nguyễn Tấn Dũng và các Bộ trương có trách nhiệm trong vụ đổ vỡ Vinashin.

Tuy nhiên Ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc lập Ủy ban điều tra với lý do “không cần thiết vì bên đảng và chính phủ cũng đang điều tra rồi.” Tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa quyết định việc có đồng ý bỏ phiếu tín nhiệm Nguyễn Tấn Dũng và một số Bộ trưởng theo yêu cầu của Đại biểu Thuyết hay không.

Tại buổi chất vấn, Nguyễn Tấn Dũng tái xác nhận quyết tâm của Bộ Chính trị về việc “tái cơ cấu Vinashin” và hy vọng, việc làm này sẽ phục hồi Vinashin trong vài năm. Tuy nhiên, Dũng thừa nhận việc thực hiện đề án tái cơ cấu còn nhiều khó khăn và mong được Quốc hội và nhân dân “ chia sẻ, ủng hộ, giám sát.”

Theo báo cáo của Chính phủ thì Vinashin hiện bị thiếu nợ 86,000 Tỷ đồng nhưng nguồn tin Quốc hội cho biết số nợ này là 120,000 tỷ đồng, nên nhiều Đại biểu lo ngại nếu cứ tiếp tục lấy tiến của dân đổ vào con tầu không đáy này thì nền kinh tế sẽ lâm nguy.

VỤ BAUXITE

Về dự án khai thác Bauxite và bảo đảm tuyệt đối cho hồ chứa Bùn đỏ, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng chưa làm hài lòng các Đại biểu Quốc hội, nhưng Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho hay, khác với Hungary, Việt Nam đã nghiên cứu kỹ về thiết kế an tòan của hồ chứa bùn đỏ nên hoàn toàn bảo đảm.

Trong khi đó thì Nguyễn Tấn Dũng báo cáo với Quốc hội rằng : “Riêng về vấn đề an toàn hồ bùn đỏ, Đoàn khảo sát ở Hungari đã có báo cáo đánh giá giải pháp công nghệ và quản lý hồ bùn đỏ Tân Rai là hiện đại, có độ an toàn cao. Tuy vậy, sau khi có kết luận thẩm định lại của tư vấn nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định và chỉ tiếp tục thực hiện Dự án khi bảo đảm an toàn về môi trường.“

Dũng nói với Quốc hội : “Hiện nay Dự án Tân Rai đã hoàn thành nhiều hạng mục, dự kiến tháng 4 năm 2011 sẽ có alumin thương phẩm. Dự án Nhân Cơ đang hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến đầu năm 2011 sẽ khởi công xây dựng và đưa nhà máy vào vận hành cuối năm 2012.”

Nhằm trả lời cho sự o ngại có bàn tay của Trung Quốc, Dũng khẳng định : “Hai dự án này đều do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản là doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đầu tư, không liên doanh với nước ngoài. Tập đoàn Nhôm Trung Quốc là đơn vị được thuê làm tổng thầu EPC - xây dựng nhà máy theo hình thức chìa khoá trao tay và sẽ bàn giao nhà máy cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sau 2 năm xây dựng.”

Cũng nên nhắc lại là sau khi xẩy ra vụ hồ chứa Bùn đỏ ở Hung Gia Lợi bị vỡ ngày 4/10/2010, hang ngàn chuyên viên, trí thức và các nhà khoa học Việt Nam đã yêu cầu Chính phủ Việt Nam đình chỉ ngay dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên đề tránh hiềm họa về sau, bởi vì tất cả những bảo đảm về hồ chứa bùn đỏ của Việt Nam chỉ dựa trên lý thuyết hòan tòan không an tòan vĩnh viễn.

Nhiều Đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn về những lời cam kết chỉ dựa trên giấy của Chính phủ.

Trong số những người kỳ tên yêu cầu đình chỉ dự án Bauxite có cả Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch Nước đa lo ngại sinh mạng của hàng triệu con người ở Tây Nguyên và lưu vực sống Đồng Nai sẽ không được bảo đảm nếu đảng Nhà nước chỉ biết căn cứ vào lý thuyết để tiếp tục dự án có nhiều nguy cơ này.

AI CHỈ ĐẠI CHỐNG QUỐC HỘI?

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết chất vấn tại sao Chính phủ lại để cho Báo điện tử của nhà nước đăng các bài viết chỉ trích và lên án các Đại biểu Quốc hội đã phê bình chính phủ trong vụ Vinashin , Nguyễn Tấn Dũng nói : “Tôi thường xuyên quan tâm chỉ đạo báo chí, chỉ đạo qua các cơ quan chủ quản, qua các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về báo chí với tinh thần báo chí VN thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, làm tốt vai trò của báo chí cách mạng. .. Phải làm đúng tôn chỉ mục đích, làm đúng pháp luật.”

Dũng phân bua tiếp với Quốc hội : ”Tôi không có chỉ đạo trực tiếp hay quản lý trực tiếp một tờ báo nào. Website Chính phủ có chức năng là một tờ báo điện tử, thuộc văn phòng Chính phủ, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ đạo. Website là tờ báo điện tử Chính phủ phải thực hiện đúng quy định của pháp luật Nhà nước, đúng chủ trương của Đảng. Cũng như mọi tờ báo khác, nếu đăng tải sai pháp pháp luật, sai chủ trương của Đảng thì phải chịu trách nhiệm về việc đăng tải của mình.

Việc nói khôn ngoan hay không khôn ngoan tôi không biết nên nói thế nào. Từ tiêu chí yêu cầu, làm đúng pháp luật, tôi cũng đề nghị ĐB Thuyết xem xét theo đúng pháp luật hay không, đúng chủ trương của Đảng hay không.”

Nói cách khác thì Dũng muốn nói với Đại biểu Thuyết rằng mình không chỉ thị cho Báo chính phủ đăng các bài chỉ trích một số Đại biểu Quốc hội mà đó là trách nhiệm của Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Phải chăng đây là hành động “đánh bùn sang ao”, hay Dũng đã không biết cả những việc xẩy ran gay tại văn phòng làm việc của mình?

Phải chăng đó cũng là lý do tại sao cả nước không còn tin vào Đảng và Chính phủ như đã chứng minh trong các ý kiến chống đảng đang được loan truyền rộng rãi trước ngày Đại hội Đảng XI ?

Phạm Trần
(11/2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét