Pages
▼
Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010
Dân chủ trên Internet
(Khả năng và giới hạn của công nghệ thông tin)
Ian Bremmer, Foreign Affairs, November/December 2010
IAN BREMMER là chủ tịch của Eurasia Group và là tác giả cuốn The End of the Free Market: Who Wins the War Between the States and Corporations? (Sự kế thúc của thị trường tự do: Ai thắng cuộc chiến giữa các nhà nước và các tập đoàn kinh tế?)
“Công nghệ thông tin đã xóa bỏ thời gian và khoảng cách”, Walter Wriston, cựu tổng giám đốc của tiền thân công ty Citygroup đã viết như thế năm 1997. “Thay vì chứng minh viễn tượng Orwell rằng Anh Cả theo dõi người công dân, công nghệ thông tin cho phép người công dân giám sát Anh Cả. Và cứ thế con siêu vi tự do (the virus of freedom), vì không có thuốc trị, được các mạng điện tử giúp lây lan khắp bốn phương trời. Các cựu tổng thống Ronald Reagan, Bill Clinton, và George W. Bush đã từng đưa ra một viễn kiến tương tự, với luận điệu hùng hồn tương tự. Tất cả đều cho rằng sự tồn tại lâu dài của các nhà nước độc tài tùy thuộc vào khả năng kiểm soát luồng tư tưởng và thông tin ở bên trong và xuyên qua biên giới của mình. Khi những tiến bộ trong công nghệ truyền thông – như điện thoại di động, văn bản nhắn tin, Internet, mạng xã hội – cho phép một giới người ngày càng đông đảo chia sẻ tâm tư, nguyện vọng dễ dàng và ít tốn kém, công nghệ hiện đại sẽ triệt hạ biên giới giữa các dân tộc và các quốc gia. Theo quan điểm này, sự lây lan của “siêu vi tự do” sẽ khiến cho các nhà độc tài phải vất vả hơn và tốn kém hơn để cô lập nhân dân của mình với phần còn lại của thế giới. Công nghệ thông tin cũng trang bị cho người dân bình thường những phương tiện để tạo cho mình những thế mạnh khác. Lý luận này cho rằng, tiến trình dân chủ hoá các phương tiện truyền thông sẽ mang lại tiến trình dân chủ hóa thế giới.
Hình như có nhiều bằng chứng bênh vực cho những ý kiến này. Tại Philippines năm 2001, những người chống chính phủ đã gửi những văn bản tin nhắn (text messages) khắp nơi để tổ chức các cuộc biểu tình lật đổ tổng thống Joseph Estrada. Trong cuộc vận động dẫn đến cuộc tranh cử tổng thống tại Ucraine năm 2004, những người ủng hộ ông Victor Yushchenco, lãnh tụ phe đối lập bấy giờ, đã sử dụng văn bản tin nhắn để tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ, đưa đến cuộc Cách mạng màu da cam (the Orange Revolution). Tại Lebanon năm 2005, các nhà hoạt động đã phối hợp tổ chức, xuyên qua e-mail và văn bản tin nhắn, để đưa xuống đường một triệu người biểu tình, đòi hỏi chính phủ Syria chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Lebanon gần ba chục năm bằng cách rút ra khỏi nước này 14.000 quân của họ. (Syria đã thỏa mãn đòi hỏi một tháng sau đó, dưới sức ép đáng kể của thế giới). Trong vài năm qua, tại Colombia, Miến Điện, và Zimbabwe, những người biểu tình đã sử dụng điện thoại di động và Facebook để phối hợp các cuộc xuống đường và truyền đi các hình ảnh tố cáo các cuộc đàn áp của chính quyền. Dòng thác lũ gồm văn bản và hình ảnh được các người chống đối truyền đi tiếp theo sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi gay gắt tại Iran năm 2009 – được nhanh chóng mệnh danh là “cuộc cách mạng Twitter” – hình như đã củng cố quan niệm cho rằng chính quyền Tehran lo sợ “phương tiện truyền thông của người dân” hơn sợ các chiến hạm Hoa Kỳ đang tuần phòng trên vịnh Ba Tư (the Persian Gulf).
Nhưng một cái nhìn sâu sát hơn đối với những ví dụ nói trên sẽ cho thấy một thực tế phức tạp hơn nhiều. Chỉ tại các nước dân chủ – Philippines, Ukraine, Lebanon, và Colombia – những vũ khí truyền thông này mới đạt được mục tiêu nhanh chóng. Tại Miến Điện, Zimbabwe, và Iran, chúng có thể làm chính phủ bối rối nhưng không thể lật đổ được nó. Như Wriston nhìn nhận, cuộc cách mạng tin học là một tiến trình dài hạn, không gian xi-be là một không gian phức tạp, và tiến bộ kỹ thuật không thể thay thế cho trí tuệ con người. Những phát kiến trong ngành truyền thông hiện đại có thể trợ giúp cho việc bào mòn quyền lực độc tài qua thời gian lâu dài. Nhưng hiện nay, tác động của các phát kiến này lên chính trị quốc tế là không dễ dàng tiên đoán như người ta đã tưởng.
Có nhiều lý do giải thích tại sao quan điểm lạc quan về mối quan hệ giữa phương tiện truyền thông, thông tin, và dân chủ đã đâm chồi nẩy lộc tại Hoa Kỳ. Trước hết, những phương tiện truyền thông này là hiện thân của phát kiến (innovation) trong thế kỷ 21, và người Mỹ xưa nay vẫn tin tưởng ở sức mạnh của óc phát minh trong việc cổ vũ hòa bình và tạo ra thịnh vượng. Và họ có lý do vững chắc để tin tưởng như thế. Những người ngưỡng mộ Reagan lý luận rằng khả năng của Hoa Kỳ trong việc đầu tư vào lá chắn tên lửa chiến lược đã đưa giới lãnh đạo Liên-xô vào một cuộc khủng hoảng lòng tin mà họ không bao giờ gượng dậy được. Bóng điện, ô tô, và máy bay đã biến đổi thế giới, mang lại nhiều tự do cá nhân to lớn hơn cho người Mỹ. Trong một cách tương tự, người Mỹ tin rằng hàng triệu người trên thế giới đang sử dụng Internet, một phát minh của Mỹ, cuối cùng cũng sẽ chấp nhận tư duy chính trị của Mỹ, tương tự như nhiều người mang quần jean của Mỹ, xem phim Mỹ, và nhảy theo nhạc Mỹ. Những người chủ trương dùng sức mạnh của Internet để cổ vũ đa nguyên và nhân quyền đã viện dẫn các blogger tại Trung Quốc, Nga và thế giới Á-rập đang kêu gọi dân chủ và chế độ pháp trị (rule of law) cho đất nước họ, đôi khi bằng cả tiếng Anh.
Nhưng trong số hàng trăm triệu người sử dụng blog bằng chính ngôn ngữ của mình – chỉ nội Trung Quốc đã có hơn 75 triệu người – tuyệt đại đa số bloggers có các ưu tiên khác hơn dân chủ và nhân quyền. Ngày càng nhiều blogger tập trung vào các sinh hoạt văn hóa thịnh hành (pop culture) hơn là vào triết lý chính trị, vào các vấn đề liên quan ngân quĩ cá nhân hơn quyền lực chính trị, và vào niềm tự hào dân tộc hơn là các nguyện vọng quốc tế. Nói thế khác, những công cụ truyền thông hiện đại thỏa mãn một phạm vi rộng lớn gồm những đam mê và khát vọng của nhân loại như tiền thân của chúng đã làm trong thế kỷ 20, và nhiều đam mê và khát vọng của con người không hề liên quan đến dân chủ.
Tính trung lập của Internet
Một cái nhìn thận trọng nhắm vào ảnh hưởng hiện nay của các phương tiện truyền thông hiện đại đối với sự phát triển chính trị của những quốc gia độc tài sẽ khiến những ai chào đón những công nghệ này như công cụ của tiến trình dân chủ hoá cũng phải ngập ngừng. Những người có tính lạc quan công nghệ (techno-optimists) hình như đã quên rằng những công cụ truyền thông này có giá trị trung lập; chẳng có gì nội tại trong những phương tiện này là thiên dân chủ (pro-democratic). Sử dụng những phương tiện này là thể hiện một hình thức tự do, nhưng điều này không nhất thiết là một tự do để cổ vũ tự do của người khác.
Trong việc hỗ trợ tự do lựa chọn, sự gia nhập của Internet vào một nước độc tài có cùng một đặc tính cơ bản với sự thực hiện các cuộc bầu cử tại đó. Một số người lý luận rằng tổ chức bầu cử ở một nước tại Trung Đông sẽ tạo ra nhu cầu cho các cuộc bầu cử ở những nước khác trong vùng. “Một Iraq tự do sẽ khuyến khích những nước khác đòi hỏi cái điều mà tôi cho là một quyền phổ quát của con người”, tổng thống Bush đã nói như thế vào tháng Bảy 2006; theo luận cứ này, các cuộc bầu cử tại Iraq sẽ làm cho dân chúng các nước láng giềng tự hỏi tại sao người Iraq bây giờ được tự do chọn lãnh đạo còn họ thì không. Cũng một luận điệu tương tự, một số người cho rằng sự tự do đi liền với Internet nhất định sẽ dân chủ hóa Trung Quốc. Theo lý luận này, một khi người dân Trung Quốc đọc biết về các tự do mà dân chúng nước khác có được, họ sẽ muốn những tự do ấy cho chính mình. Những công cụ truyền thông hiện đại sẽ mở mắt cho người dân Trung Quốc thấy được những tự do chính trị mà họ chưa có và cho họ phương tiện đòi hỏi chúng.
Nhưng lịch sử hạn hẹp của các cuộc bầu cử tại Trung Đông cho thấy người dân không luôn luôn bầu chọn chế độ đa nguyên (pluralism). Khi thì họ bầu chọn an ninh xã hội hay chế độ chuyên chế (absolutism), khi thì họ bày tỏ sự phẫn nộ hay bảo vệ các lợi ích địa phương. Mô hình này cũng đúng cho Internet và các dạng thức khác của phương tiện truyền thông hiện đại. Những công nghệ này giúp con người tiếp cận thông tin đủ loại, những thông tin đáp ứng đủ mọi sở thích của con người – từ đùa bỡn đến hợp lý, từ hi vọng đến phẫn nộ. Chúng cho người sử dụng một số khán giả nhưng chúng không quyết định đuợc người đó sẽ nói gì. Phương tiện truyền thông hiện đại là một cái loa và có hiệu ứng nhân rộng (multiplier effect), nhưng chúng phục vụ cả người muốn thúc đẩy luồng thông tin vượt biên giới lẫn người muốn chuyển hướng hay dùng mánh khóe để lèo lái luồng thông tin đó.
Không gian xi-be có thể là một nơi rất hắc ám. Trong tác phẩm You Are Not a Gadget (mày không phải là một dụng cụ cải biến), Jaron Lanier cho rằng tính vô danh (anonymity) mà Internet cung ứng có thể đưa đến một loại “văn hóa bạo dâm”, kích thích thú tính của những người ngồi trên xe bắn xuống (drive-by attacks) hay những kẻ sử dụng công lý đám đông (mob justice). Tại Trung Quốc, Internet đã cung ứng phương tiện để nói lên một niềm tự hào quốc gia bị thương tổn, nói lên sự phẫn nộ đối với phương Tây và Nhật Bản về những tủi nhục vừa có thực vừa tưởng tượng, và bày tỏ sự thù nghịch đối người Tây Tạng, người Uighurs Hồi giáo ở Tân Cương, và các nhóm thiểu số khác. Internet cũng trở thành một loại quảng trường dành cho các dạng bạo hành tự chế (improvised violence). Trong một bài đăng trên Tạp chí New York Times vào đầu năm nay, Tom Downey mô tả hiện tượng “săn thịt người” tại Trung Quốc, “một hình thức đòi hỏi công lý trực tuyến, theo đó một số người sử dụng Internet để săn đuổi và trừng trị những kẻ gây căm phẫn cho họ”. Theo cách mô tả của Downey, mục tiêu của các cuộc lùng sục này, một loại “công tác điệp báo có gốc rễ trong đám đông”, có thể là những quan chức tham nhũng hay kẻ thù của quốc gia, hay chỉ là những người đã làm cho người khác tức giận.
Những vấn đề này không phải chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Tại Nga, bọn đầu trọc (skinheads) đã quay phim những vụ tấn công giết người nhắm vào các di dân khác màu da từ vùng Caucasus và Trung Á rồi đưa hình ảnh lên mạng. Cũng tại Nga – và cả tại Mỹ và châu Âu – các nhóm kỳ thị và bọn hiếu chiến đủ loại đang dùng Internet để tuyển mộ thành viên và phổ biến tài liệu tuyên truyền. Dĩ nhiên, ngoài các hình thức lo âu và thù ghét ra, ngày càng có nhiều người khắp thế giới sử dụng Internet như một thương xá toàn cầu và như một nguồn giải trí. Internet tạo điều kiện cho những người có sở thích chính trị phát hiện và liên hệ với những người cùng chí hướng, nhưng không có bao nhiêu bằng chứng vững chắc cho biết Internet có thể mở rộng đầu óc của họ để tiếp nhận những ý kiến và thông tin đi ngược với tư duy của họ. Internet nuôi dưỡng nhiều đam mê – như chủ nghĩa tiêu thụ và các giả thuyết về âm mưu, lòng căm thù và sự cuồng tín – nhưng nó chỉ yểm trợ những kêu đòi dân chủ ở những nơi nào đã có sẵn một nhu cầu đối với thể chế dân chủ. Nếu công nghệ đã giúp người công dân tạo sức ép lên các chính phủ độc tài tại một số quốc gia, điều này không phải vì công nghệ đã tạo được một đòi hỏi về sự thay đổi. Đòi hỏi đó phải phát xuất từ sự công phẫn của quần chúng đối với bản thân chế độ độc tài.
Phía nhà nước
Công dân không phải là những người duy nhất tich cực hoạt động trong không gian xi-be. Nhà nước cũng sử dụng Internet, để đưa ra quan điểm của mình và hạn chế những gì mà một người sử dụng Internet trung bình có thể được thấy và được làm. Những phát kiến trong công nghệ truyền thông cung cấp cho người dân các nguồn thông tin mới mẻ và các cơ hội mới mẻ để chia sẻ ý kiến, nhưng chúng cũng tăng sức cho các chính phủ muốn lèo lái công luận và theo dõi những điều người dân đang phát biểu.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Xô-viết cách đây một thế hệ đã dạy cho các lãnh tụ độc tài khắp thế giới rằng họ không thể ra lệnh (mandate) phát triển kinh tế liên tục và rằng họ phải chấp nhận chủ nghĩa tư bản nếu họ còn nuôi hi vọng tạo công ăn việc làm và nâng mức sống người dân nhằm đảm bảo sinh mệnh chính trị lâu dài của chính họ. Nhưng ôm lấy chủ nghĩa tư bản cũng có nghĩa là cho phép nhiều tự do nguy hiểm. Và vì thế, để phát triển kinh tế mạnh mẽ đồng thời vẫn tiếp tục nắm quyền kiểm soát chính trị, một số lãnh đạo độc tài đã quay qua chủ nghĩa tư bản nhà nước (state capitalism), một hệ thống giúp họ khống chế sinh hoạt thị trường bằng cách sử dụng các công ty dầu khí quốc gia, các xí nghiệp quốc doanh khác, các công ty lớn do tư nhân làm chủ nhưng trung thành với nhà nước (national champions), các ngân hàng quốc doanh, và các quĩ đầu tư quốc gia (sovereign wealth funds).
Theo cùng một lô-gíc, những chính phủ độc tài hiện nay đang cố gắng nắm chắc rằng luồng ý kiến và tư duy ngày càng tự do xuyên qua không gian xi-be sẽ nuôi dưỡng nền kinh tế nhưng không đe dọa quyền lực chính trị của họ. Vào tháng Sáu, lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc đã ra một tuyên bố chính thức về quyền và trách nhiệm của người sử dụng Internet. Văn bản này “đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân trên Internet cũng như quyền của dân chúng được biết, được tham gia, được lắng nghe, và được giám sát [chính phủ] phù hợp với pháp luật”. Nhưng văn bản cũng qui định rằng “trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc, Internet nằm dưới quyền tài phán thuộc chủ quyền Trung Quốc”. Qui định này đã hợp thức hóa “bức đại tường thành lửa” của Trung Quốc, một hệ thống có chức năng gạn lọc dữ liệu, chuyển đường nối kết đi hướng khác, hay đưa đến ngỏ cụt, một hệ thống được thiết kế để bắt người sử dụng Internet tại Trung Quốc phải ở trên con lộ thông tin trực tuyến được nhà nước chấp thuận.
Lãnh đạo Trung Quốc cũng sử dụng những phương tiện công nghệ thấp (low-tech) để bảo vệ lợi ích trên mạng của họ. Người lướt mạng có trình độ trung bình tại Trung Quốc không thể biết chắc mọi ý kiến hay quan niệm mà họ gặp trên mạng có thực sự phản ánh quan điểm người viết hay không. Chính phủ đã tạo ra Đảng 50 Xu (the 50 Cent Party), một đội ngũ gồm những người bình luận trực tuyến được chính phủ trả tiền cho mỗi bài viết trên blog hay mỗi thông điệp được đăng trên diễn đàn Internet có nội dung cổ vũ đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số đề tài nhạy cảm. Đây là một cách đơn giản, rẻ tiền để các chính phủ phổ biến và nguỵ trang quan điểm chính thống. Các nhà nước độc tài không dùng công nghệ chỉ để chặn đứng dòng luân lưu tự do của những tư tưởng trái chiều. Họ còn sử dụng công nghệ để phổ biến lập trường của mình.
Phong trào phi liên kết
Những người có tinh thần lạc quan công nghệ (techno-optimists), những người hi vọng rằng các phương tiện truyền thông hiện đại sẽ dân chủ hóa các quốc gia độc tài, cũng đang hi vọng rằng các phương tiện này sẽ tạo điều kiện liên kết lợi ích của các quốc gia phi dân chủ với lợi ích của các quốc gia dân chủ. Nhưng sự thật đã diễn ra ngược lại. Những nỗ lực của các nhà nước độc tài nhằm kiểm soát hoặc thủ đắc các phương tiện này tất yếu tạo ra các xung đột thương mại rồi dẫn đến các xung đột chính trị giữa các chính phủ.
Vào tháng Giêng, Google công khai phàn nàn các tài khoản Gmail (Gmail accounts) cá nhân đã bị xâm phạm vì những cuộc tấn công mạng phát xuất từ Trung Quốc – những cuộc tấn công mà giới chức Trung Quốc có vẻ đồng tình hay thậm chí chính họ đã tung ra. Để phản đối hành vi này, Google tuyên bố sẽ không tiếp tục kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm của người sử dụng tại lục địa Trung Quốc, điều mà trước đây công ty này đã miễn cưỡng chấp nhận khi bước vào thị trường Trung Quốc năm 2006. Bắc Kinh không chịu xuống nước, khiến Google tự động chuyển các tìm kiếm của người sử dụng tại Trung Quốc sang một máy tìm kiếm không kiểm duyệt của Google đặt tại Hồng Kông. Nhưng thật nhẹ nhõm cho những người sử dụng Google tại lục địa, chủ yếu là sinh viên và các nhà nghiên cứu vốn ưa thích các chức năng của Google hơn thích đối thủ chính của công ty này tại lục địa, tức công ty Baidu, giới chức Trung Quốc cuối cùng đã tuyên bố gia hạn giấy phép hoạt động của Google. (Cũng có thể họ xuống nước vì họ tin tưởng có thể kiểm soát Google hoặc sử dụng công ty này để theo dõi các hoạt động trực tuyến của những nhà bất đồng chính kiến).
Khi các công ty công nghệ Trung Quốc bắt đầu cạnh tranh ngang hàng với các công ty công nghệ phương Tây đồng thời chính phủ Trung Quốc sử dụng các phương tiện pháp lý và tài chính để tích cực hỗ trợ những công ty nội địa, tức những công ty vốn coi chế độ kiểm duyệt là cái giá bình thường phải trả khi làm doanh nghiệp, nhu cầu đối với các sản phẩm của Google sẽ suy giảm tại Trung Quốc. Tháng Tám 2010, Tân Hoa Xã và công ty China Mobile, công ty điện thoại di động lớn nhất nước, công bố kế hoạch liên doanh xây dựng một công ty truyền thông và máy tìm kiếm thông tin do nhà nước sở hữu. Để đối phó với tình hình này, các công ty công nghệ Hoa Kỳ dĩ nhiên sẽ hướng về các nhà lập pháp Hoa Kỳ để tìm sự hỗ trợ trong việc tạo ra và duy trì một sân chơi thương mại bằng phẳng tại Trung Quốc. Thay vì liên kết các giá trị chính trị Hoa Kỳ và Trung Quốc lại với nhau và giúp công dân hai nước xích lại gần nhau hơn, những xung đột về dòng thông tin luân lưu qua không gian xi-be sẽ làm phức tạp thêm nữa mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã rất đáng lo ngại.
Những dấu hiệu xung đột đã xuất hiện rõ rệt. Khi Google lần đầu tiên công bố những khiếu nại về các cuộc tấn công mạng và chế độ kiểm duyệt, Bắc Kinh không trực tiếp trả lời công ty này, một công ty mà Bắc Kinh coi như là một cánh tay công nghệ cao của chính phủ Hoa Kỳ, và đã trả lời trực tiếp với Washington. Một bản tin của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng một bài bình luận dưới tựa đề “Thế giới không hoan nghênh công ty Google của Nhà Trắng”; bài báo tranh luận: “Cứ mỗi lần chính phủ Hoa Kỳ đòi hỏi, Google lại dễ dàng trở thành một công cụ tiện lợi để cổ vũ ý chí chính trị và các giá trị của chính phủ Hoa Kỳ ở nước ngoài”. Để đáp lại, bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton khuyến khích các công ty như Google không nên cộng tác với “chế độ kiểm duyệt có động lực chính trị”, phát biều này đã nhấn mạnh hơn nữa sự dị biệt, chứ không phải là sự hợp lưu, giữa các giá trị chính trị của Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Cũng bày tỏ những lo sợ tương tự về tương lai của việc kiểm soát chính trị của mình, Tiểu vương quốc Á rập thống nhất (UAE) và Á rập Xê-út đã có hành động vào đầu năm nay chống lại công ty Research in Motion (RIM), một công ty của Canada sản xuất loạt máy BlackBerry, một loại điện thoại thông minh đa chức năng, vì đã trang bị trong máy của mình công nghệ mã hóa mà chính quyền không thể giải mã được. Bằng lý luận cho rằng bọn khủng bố và gián điệp có thể sử dụng máy BlackBerry để liên lạc nhau trong lãnh thổ UAE mà không sợ bị phát hiện, các giới chức Tiểu vương quốc công bố vào tháng Tám rằng họ sẽ chấm dứt dịch vụ của BlackBerry trong một tương lai gần trừ phi hãng RIM cung cấp cho các giới chức nhà nước một số phương tiện để theo dõi các văn bản tin nhắn trên máy BlackBerry. Hai ngày sau đó, Á rập Xê-út cũng công bố một lệnh cấm tương tự, mặc dù từ đó chính quyền Riyadh và hãng RIM đã đạt được một tương nhượng đòi hỏi hãng RIM phải thiết lập một máy chủ chuyển tiếp (relay server) trên lãnh thổ Xê-út, cho phép giới chức Xê-út theo dõi các tin nhắn gửi ra ngoài hay gửi đi trong nước. UAE chắc cũng sẽ đi đến một thỏa hiệp nào đó với hãng RIM: có khoảng nửa triệu người sử dụng BlackBerry tại UAE (khoảng 10 phần trăm dân số), và quốc gia này muốn duy trì tư thế một trung tâm thương mại và du lịch chủ yếu của thế giới Ả rập. Tuy nhiên, thay vì cổ vũ những giá trị phương Tây ở các nước độc tài phi-Tây phương (non-Western), điện thoại thông minh BlackBerry đã châm ngòi thêm một loạt tranh luận về sự kiện các công ty công nghệ phương Tây quyết tâm bảo vệ thị phần (market shares) của mình bằng cách đưa ra nhiều nhượng bộ có thể giúp các chính phủ độc tài theo dõi tư tưởng của người dân.
Công bằng với những chính phủ trên mà nói, các quốc gia dân chủ hàng đầu thế giới cũng không kém phần lo ngại về các tiềm năng đe dọa khủng bố được đặt ra do các văn bản nhắn tin không kiểm soát. Chính phủ Ấn Độ cũng đe dọa cấm sử dụng điện thoại thông minh BlackBerry trừ phi hãng RIM cho phép chính phủ này tiếp cận một số dữ liệu nhất định, và các viên chức chống khủng bố của Hoa Kỳ và châu Âu cũng đang cân nhắc lựa chọn biện pháp này. Xuyên qua các nỗ lực để tu chính Đạo luật về quyền riêng tư cá nhân trong truyền thông điện tử (the Electronic Communications Privacy Act), chính quyền Obama đã từng bước có những biện pháp giúp đỡ Cơ quan điều tra liên bang (FBI) tiếp cận “các hồ sơ dịch vụ truyền thông điện tử” – như địa chỉ người nhận, hồ sơ lưu giữ các hoạt động trực tuyến của người sử dụng, lịch sử các chương trình tìm kiếm trên máy tính – mà không cần đến lệnh tòa án nếu nhân viên điều tra nghi ngờ có dấu hiệu khủng bố hay gián điệp. Các chính trị gia và các công ty công nghệ như Google và RIM sẽ đối diện những cuộc tranh chấp này trong nhiều năm tới.
Hẳn nhiên, các chính phủ độc tài, khác với các thể chế dân chủ, còn phải lo ngại rằng các cá nhân không phải là khủng bố hay tình báo sẽ sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để thách thức tính hợp pháp chính trị của họ. Trung Quốc, Iran, Miến Điện, Bắc Hàn, Á-rập Xê-út, và các quốc gia độc tài khác không thể chặn đứng sự lan tràn của các loại vũ khí trong ngành truyền thông hiện đại, nhưng họ có thể cố gắng theo dõi và lèo lái chúng để phục vụ cho mục đích của mình. Cuộc phản công của họ cũng sẽ tiếp tục, bằng cách hạn chế khả năng của các công nghệ hiện đại trong việc tiếp sức cho phe đối lập chính trị tại những quốc gia này và bằng cách tạo thêm nhiều mâu thuẫn về các giá trị chính trị giữa các nước dân chủ và các nước độc tài.
Những vòng phản hồi tác dụng ngược lại
Mặc dù Internet có thể đã thay đổi thế giới, nhưng hiện nay thế giới đang thay đổi Internet. Trong 30 năm qua, các công nghệ truyền thông mới mẻ đã thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa, xu thế mang tính cách thời đại. Những công ty tạo ra các sản phẩm này đã thực hiện những kế hoạch dài hạn dựa trên nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu thụ, chứ không phải của các chính phủ. Lợi nhuận của họ đã tăng lên trong khi họ nối kết hằng tỉ khách hàng lại với nhau; biên giới quốc gia đã có một thời trở nên ít quan trọng.
Nhưng hiện nay, nhịp độ của những biến đổi công nghệ và mối đe dọa khủng bố đang buộc các nhà hoạch định chính sách phải nới rộng các định nghĩa về an ninh quốc gia và đang xét lại các định nghĩa về “cơ sở hạ tầng trọng yếu” của họ. Do đó, các chính phủ đang hướng về các hãng truyền thông công nghệ cao để nhờ chống đỡ những vị trí nhạy cảm về an ninh đang xuất hiện, và các hãng truyền thông công nghệ cao đã bắt đầu suy nghĩ ngày càng giống như các hãng thầu quốc phòng – các công ty mà sự thành công của chúng tùy thuộc vào tính bí mật, tính độc quyền, quan hệ chính trị, và hồ sơ an ninh không tì vết.
Do đó, các biên giới chính trị, mà có thời công nghệ thông tin tưởng chừng có thể xóa bỏ, hiện đang mang một tầm quan trọng mới: một chính sách cởi mở rộng lớn hơn sẽ tạo thêm nhiều vận hội hơn, nhưng đồng thời nó cũng tạo thêm nhiều lo ngại. Dù không thể bắt kịp các chi phí quốc phòng của Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc và Nga đã trở nên rất tinh khôn trong chiến tranh thông tin. Tháng Tám vừa qua, Lầu năm góc cho biết rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển các khả năng đánh cắp bí mật quân sự của Hoa Kỳ qua phương tiện điện tử và không cho phép các nước thù địch “tiếp cận các thông tin cần thiết cho việc điều động các cuộc hành quân tác chiến”. Năm 2007, một cuộc tấn công xi-be rộng lớn được tung ra từ bên trong nước Nga đã gây thiệt hại cho cơ hở hạ tầng kỹ thuật số (digital infrastructure) tại nước láng giềng Estonia. Những cơ sở nhạy cảm về an ninh của Hoa Kỳ gồm có, từ các nhà máy điện hạt nhân và các mạng lưới điện lực đến các hệ thống thông tin của các cơ quan chính phủ và các công ty lớn của Hoa Kỳ. Bất chấp sự cạnh tranh chính trị và thương mại giữa họ với nhau, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác đều chia sẻ một sự sơ hở đối với các cuộc tấn công xi-be, do đó họ cam kết cộng tác để xây dựng một chiến lược chung nhằm bảo vệ an ninh mạng lưới Internet. Nhưng trong vấn đề gián điệp, các quốc gia không bao giờ có thể tin tưởng nhau hoàn toàn. Và hẳn nhiên, chính quyền Obama không muốn chia sẻ các ngành công nghệ có thể tạo điều kiện dễ dãi hơn cho các quan chức công an tại Bắc Kinh hay Moscow theo dõi các hoạt động trực tuyến của các nhà bất đồng chính kiến.
Nhiều vấn đề khác sẽ làm cho các căng thẳng quốc tế trở nên tồi tệ hơn. Các hãng công nghệ tại Hoa Kỳ và châu Âu, từng lưu tâm theo dõi những rắc rối gần đây của Google tại Trung Quốc, sẽ hướng về chính phủ của họ để nhờ đáp ứng các nhu cầu an ninh riêng. Khi các đe dọa mạng trở nên tinh vi hơn bao giờ cả, những công ty này sẽ hợp tác tích cực hơn nữa với các cơ quan an ninh quốc gia trong việc phát triển các công nghệ mới. Tình trạng này sẽ lôi kéo thêm nhiều công ty công nghệ vào quỉ đạo của khu liên hợp quân sự-công nghiệp (the military-industrial complex). Tiếp đó, sự kiện này sẽ làm cho các công ty công nghệ trở nên khả nghi hơn nữa đối với các chế độ độc tài và có thêm nhiều khả năng trở thành mục tiêu cho tin tặc và gián điệp đủ loại. Biên giới quốc gia sẽ trở nên quan trọng hơn nhiều trong một tương lai không xa.
Hậu quả sẽ là, thế giới không phải chỉ có một Internet mà có một tập hợp gồm nhiều nội mạng nối kết với nhau (interlinked intranets), được theo dõi kỹ lưỡng bởi nhiều chính phủ khác nhau. Internet sẽ không biến mất trong một tương lai gần, nhưng lời tiên đoán cho rằng chỉ cần một mạng lưới Internet là có thể đáp ứng cả nhu cầu của phương Tây lẫn những đòi hỏi đang diễn ra của các nhà nước độc tài là không bao giờ thực tế. Người sử dụng mạng tại Hoa Kỳ và châu Âu sẽ tiếp cận cùng một Internet như trước, nhưng chính phủ Trung Quốc đã nói rõ ý định tuyên bố chủ quyền trên một Internet riêng của mình. Các quốc gia độc tài khác có đủ mọi động lực khuyến khích họ đi theo sự lãnh đạo của Trung Quốc.
Tuý Vân phỏng dịch theo Foreign Affairs,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét