Việt Hà, phóng viên RFA
2010-11-10
Sự cố lũ bùn đỏ ở tỉnh Cao Bằng xảy ra hôm thứ 6 tuần trước cho đến giờ vẫn còn chưa được khắc phục xong.
Photo courtesy of sgtt
Bùn đỏ tràn vào khu vực dân cư ở Cao Bằng hôm 5 tháng 11 năm 2010.
Những người chịu thiệt hại nặng nề nhất do sự cố này chính là những người dân ở xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng. Mặc dù bùn đang rút dần, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, và hơn thế nữa là những lo lắng của người dân do hậu quả của lũ bùn này chưa có lời giải đáp rõ ràng.
Bùn đỏ khắp nơi
Những ngày đầu tháng 11 năm nay là những ngày bận rộn khác thường và đầy lo lắng đối với những người dân ở xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng, sau khi đập chắn nước thải công trình tuyển rửa quặng sắt của tập đoàn TKV ở Cao Bằng bị vỡ, tạo nên một dòng lũ bùn đỏ tràn về xã.
Ông Nguyễn Văn Túc, người dân ở xóm Nà Gà, xã Duyệt Trung, vẫn còn nhớ như in cái hình ảnh của dòng lũ kinh hoàng lúc đó. Dòng lũ như con rắn màu đỏ trườn đi trong đêm tối, đổ vào từng nhà. Ông nói:
"Nó lừ lừ như con rắn cuộn về toàn bùn không thôi. Cứ thế lặng lẽ lặng lẽ nó đi. Chỗ thấp thì nó tiến vào, chỗ cao thì nó vượt lên như con rắn ngóc đầu lên. Nó đi rất chậm. Trong độ một cây số nó đi khoảng 2 tiếng đồng hồ toàn bùn không, cao khoảng 3 mét. Nó tràn vào cánh đồng, vào nhà tôi, tràn vào giếng, vào sân."
Lũ bùn tràn về vào khoảng 8 giờ tối ngày 5 tháng 11 đã khiến cho hầu hết toàn bộ dân xã Duyệt Trung phải mất cả đêm để dọn dẹp sơ tán khỏi nhà. Nhà ông Túc cũng bị bùn đỏ tràn vào hết tầng 1. Cả nhà phải dọn lên tầng 2 để ở. Trong khi đó, có một số nhà, bùn đỏ tràn vào hết nửa nhà, khiến họ phải chuyển sang những nhà khác để ở nhờ.
Ngay sau khi lũ bùn tràn về, người dân đã gọi điện lên ủy ban nhân dân xã để báo tình hình. Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng thuộc tập đoàn TKV đã ngay lập tức tìm cách bít lại lỗ hổng của đập bị vỡ. Bùn ngừng trào ra nhưng cho đến ngày hôm sau độ cao của bùn vẫn giữ nguyên như cũ. Theo ông Túc cho đến ngày 9 tháng 11, bùn đã bắt đầu rút khá nhiều do người dân cùng công nhân xí nghiệp đang tích cực dọn dẹp. Tuy nhiên ông nói vẫn còn một số nhà bùn vẫn chưa rút hết, người dân vẫn chưa thể dọn về. Ngoài đồng ruộng thì vẫn còn mênh mông bùn.
Ông Túc cũng như nhiều người dân khác, không chỉ phải mất cả một đêm mất ngủ và nhiều ngày làm việc vất vả dọn dẹp bùn, mà còn phải gánh chịu những thiệt hại nhất định. Ông nói, gia đình mình không nhiều đất nên hoa màu mất mát không đáng bao nhiều, còn các gia đình khác trong xã thì khá nhiều. Ông cho biết:
"Thiệt hại về hoa màu thì ít thôi không đáng kể, chẳng qua nó vào sân và đồ dùng hàng ngày thôi. Hoa cỏ thì ít thôi vì mình không có nhiều đất lắm vì chiều dài thì dài thật nhưng còn chuồng lợn, chăn nuôi, còn rau cỏ thì khoảng 15m2, còn mất một chuồng lợn, còn nửa chuồng. Trong xã mất khá nhiều."
Ông Túc nói cũng may là lúa đã thu hoạch chứ nếu lũ bùn chỉ cần về sớm hơn vài ngày thì năm nay cả xã đói.
Bùn đỏ tràn vào khu vực dân cư ở Cao Bằng hôm 5 tháng 11 năm 2010. Photo courtesy of sgtt.
Hầu hết các giếng nước trong xã, nguồn nước ăn chủ yếu của người dân trong xã đều bị ngập bùn. Nhà ông Túc đã dọn sạch bùn trong giếng nhưng không dám dùng nước vì sợ độc. Ông và một số gia đình đang xin mắc ống nước để lấy nước máy dùng thay cho nước giếng.
Ông Túc cho biết đã chính quyền địa phương phối hợp với xí nghiệp đã cho người đến đo lượng bùn tại các nhà, riêng nhà ông, lượng bùn đo được khoảng 18 m3. Tuy nhiên, cho đến lúc này ông cùng nhiều người khác vẫn chưa biết phương án đền bù thiệt hai ban đầu về tài sản của dân là bao nhiêu. Ông nói:
"Nói đền bù nhưng chưa thấy gì. Bây giờ người ta mới đang đi khảo sát thống kê, chưa nói ruộng, mới có vườn cây ăn quả, có cây thì ngập hết. Những vườn này đang khảo sát. Chưa biết được đền như thế nào."
Chưa có giải pháp
Hôm 8 tháng 11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã có phiên họp đột xuất với các cơ quan chức năng và đại diện xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nói công ty khoáng sản luyên kim Cao Bằng, cơ quan chủ quản của xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng, phải có trách nhiệm với những người dân chịu thiệt hại. Xí nghiệp Nhà Lũng phải có giải pháp đưa toàn bộ số bùn thải công nghiệp ra kỏi nhà dân cũng như đồng ruộng và dòng suối.
Tối ngày 10/11, ông chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Hoàng Anh cũng đã có bài phát biểu trên truyền hình Việt Nam đề cập đến phương án giải quyết hậu quả của vụ vỡ đập gây tràn bùn.
Trả lời đài Á châu tự do, ông Lê Ngọc Quang, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Cao Bằng nói, việc khắc phục hậu quả chắc còn phải mất một thời gian:
"Chắc là kế hoạch thì đồng chí Chủ tịch chỉ đạo trong 12 tháng mới xong được. Giờ phải xác định mức độ thiệt hại thế nào, khả năng khôi phục để canh tác ra làm sao?"
Một lãnh đạo của công ty TKV nói với báo Dân Việt rằng các hộ dân bị bùn đổ vào nhà đã được công ty di dời và hỗ trợ mỗi hộ 7 triệu đồng. Công ty cũng đang huy động đến 400 người để xử lý sự cố.
Đại diện công ty cho rằng mặc dù vụ tràn bùn có gây ảnh hưởng đến môi trường nhưng nhiều lần cục bảo vệ môi trường lấy mẫu bùn thải để xét nghiệm mà không thấy có kim loại nặng gây độc hại cho sức khỏe con người.
Ông Nguyễn Văn Túc cho biết, những người dân như ông không biết mức độ độc hại của bùn đỏ đến đâu, ông chỉ biết là dòng suối Nà Lũng vốn trước kia rất trong và là nguồn nước để bà con sử dụng thì nay đã chết kể từ khi xí nghiệp khai thác quặng dọn về. Ông nói:
"Trước đây chưa có xí nghiệp quặng về thì nước suối trong, bà con dùng để tắm rửa, giặt giũ. Từ lức xí nghiệp quặng về đây khai thác thì nó đục. Trước đây suối này có cá tôm đầy đủ nhưng giờ thì không có gì sống được nữa."
Không những thế, cũng theo ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, từ năm 2005 đến nay, xí nghiệp Nà Lũng đã có 4 lần bị xử phạt vì tội xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn chưa có biện pháp nào đủ mạnh để chấm dứt tình trạng này. Tuy nhiên, ông cũng trấn an dư luận rằng nếu xí nghiệp khai thác còn vi phạm và không triệt để khắc phục hậu quả thì tỉnh sẽ kiên quyết đóng cửa mỏ.
Nói thì nói vậy, nhưng đối với nhiều người dân ở đây, dù biết những tác hại đối với môi trường mà bùn đỏ từ xí nghiệp khai thác quặng gây ra, họ cũng không còn lựa chọn nào khác bởi xí nghiệp cũng tạo công ăn việc làm cho người dân ở địa phương sau khi ruộng đất bị lấy đi cho phát triển đô thị và công nghiệp, giờ lại thêm bùn đỏ tràn khắp các cánh đồng, chưa biết khả năng phục hồi canh tác ra sao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét