Pages

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Lợi ích cốt lõi tại Biển Đông : Hỏa mù của Trung Quốc

Trọng Nghĩa
Trung Quốc có thực là đã nâng Biển Đông lên hàng lợi ích cốt lõi của họ hay là vấn đề này bị đã bị Mỹ thổi phồng ? Đây là câu hỏi đã được đặt ra từ đầu năm đến nay trong bối cảnh hồ sơ Biển Đông càng lúc càng nổi cộm. Theo đa số các nhà phân tích, Trung Quốc quả thực là đã thông báo quyết định của họ cho Hoa Kỳ, nhưng trước các phản ứng mạnh mẽ của Washington cùng nhiều nước Đông Nam Á, Bắc Kinh đã phải tung
hỏa mù nhằm xoa dịu dư luận phản đối.

Ngoại truởng Mỹ Hillary Clinton (P) và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc
Nguồn : state.gov


Trung Quốc có thực là đã nâng Biển Đông lên hàng lợi ích cốt lõi của họ như Hoa Kỳ và nhiều nước Đông Nam Á vẫn khẳng định, hay là vấn đề này bị đã bị Mỹ thổi phồng để lấy cớ dấn thân sâu hơn vào vùng Đông Nam Á ? Đây là câu hỏi đã được đặt ra từ đầu năm đến nay trong bối cảnh hồ sơ Biển Đông càng lúc càng thu hút mối quan tâm của các tác nhân chủ chốt trong vùng và dư luận báo chí quốc tế.

Theo đa số các nhà phân tích, Trung Quốc quả thực là đã thông báo quyết định của họ cho Hoa Kỳ, đối thủ cạnh tranh với Bắc Kinh tại Châu Á, nhưng trước phản ứng mạnh mẽ của Washington cùng với nhiều nước Đông Nam Á đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng Biển Đông, Bắc Kinh đã phải tìm cách đối phó. Biện pháp đổ lỗi cho phía Mỹ đã tung tin này ra, kèm theo với các tuyên bố là trên bình diện chính thức Trung Quốc không hề có văn bản về vấn đề ''lợi ích cốt lõi" được cho là hình thức tung hỏa mù nhằm xoa dịu phản ứng của Mỹ và các láng giềng.

Gần đây nhất, nhân hội nghị khoa học quốc tế về Biển Đông, mở ra tại Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 11 và 12 vừa qua, giáo sư Trung Quốc Tô Hạo thuộc Đại học Ngoại giao Bắc Kinh đã một lần nữa biện minh rằng chưa bao giờ Trung Quốc sử dụng thuật ngữ "lợi ích cốt lõi" trong các tài liệu chính thức.

Lời biện minh này đi theo cùng một hướng với một loạt tuyên bố trước đó cũng của giới ‘’học giả’’ Trung Quốc. Ông Dương Danh Dy, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam từng công tác tại Trung Quốc đã cho biết là trong tháng 10/2010 vừa qua, một cán bộ cao cấp Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng đã giải thích rằng theo ý ông, Biển Đông chỉ thuộc diện ‘’lợi ích quan trọng’’ của Trung Quốc mà thôi, đứng sau ‘’lợi ích cốt lõi’’.

Từ phát ngôn viên bộ Ngoại giao đến Sứ quán Trung Quốc ở Mỹ đều từng xác nhận lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh tại Biển Đông

Trả lời phỏng vấn của RFI, chuyên gia Dương Danh Dy đã nêu lên hai động thái mới đây của Trung Quốc : một mặt « tung tin là họ không coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi nữa », và một mặt khác « chủ động thanh minh rằng nói Biển Đông là lợi ích cốt lõi là do hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa ra, còn Trung Quốc chưa bao giờ chính thức coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi cả ».

Vấn đề là bản tin của hãng Kyodo đưa ra vào thượng tuần tháng 7/2010, nhưng nhắc lại sự kiện là Trung Quốc đã thông báo vấn đề ‘’lợi ích cốt lõi’’ của họ tại Biển Đông từ tháng 3/2010. Trong khoảng thời gian đó, từ giới nghiên cứu cho đến báo chí Trung Quốc, thậm chí nhiều quan chức Trung Quốc cũng đã lên tiếng nhất mực bảo vệ quan điểm này.

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đã nhắc lại sự kiện là chính phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã « chính thức nói rằng Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và nói rõ lợi ích cốt lõi có nghĩa là có tầm quan trọng như vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan ».

Trong bản báo cáo thường niên về quan hệ Mỹ -Trung công bố ngày 17/11/2010, Ủy ban Xét duyệt Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ - Trung Quốc - một định chế tham vấn cho Quốc hội Mỹ - cũng đã nêu lên vấn đề Bắc Kinh xác định Biển Đông thuộc phạm trù lợi ích cốt lõi của họ. Bản báo cáo còn nói rõ là vấn đề này đã được chính Tham tán công sứ, phụ trách quan hệ với Quốc hội Mỹ tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ xác định trong một công hàm ngày 29/06. Nguyên văn phần phân tích về các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng Đông Nam Á được viết như sau :

« Nguyên nhân chủ yếu khiến cho căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và nhiều nước ở Đông Nam Á là việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên quá nhiều vùng ở Biển Đông. Trung Quốc xác đinh chủ quyền ''không thể chối cãi 'trên gần như toàn bộ vùng biển cùng với các dãy đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan, Brunei tranh chấp (với Trung Quốc) nhiều phần hoặc toàn bộ yêu cầu của Trung Quốc.

Nhân chuyến đi tìm hiểu tại Trung Quốc vào tháng Bảy năm 2010 của Ủy ban Xét duyệt, một đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên hàng trăm năm lịch sử, trong khi các nước khác chỉ bắt đầu lên tiếng đòi hỏi trong những năm 1970 mà thôi.

Để làm cho vấn đề trầm trọng thêm, gần đây Bắc Kinh đã xác định Biển Đông là một phần của ''quan tâm cốt lõi’’ của họ về chủ quyền, tương tự như Đài Loan và Tây Tạng. Theo một tuyên bố chính thức do Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington trao cho Ủy ban,''Vấn đề của Biển Đông liên quan đến các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc [và] rất phức tạp và nhạy cảm''.

Tiến sĩ Scobell trong một cuộc điều trần đã giải thích rằng sở dĩ Trung Quốc đã nâng cao tầm quan trọng của Biển Đông trong những năm gần đây, đó là do nhu cầu năng lượng đang phát triển của đất nước này. Bắc Kinh tin là đáy Biển Đông Nam Trung Hoa đáy biển chứa đựng những khối lượng lớn dầu và khí đốt chưa được khai thác, có thể giúp quốc gia này đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao. Hơn nữa, như đã đề cập trước đây, phần lớn dầu và khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc đều đi qua Biển Đông ».

Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc là người đã loan báo quyết định về lợi ích cốt lõi

Ngay trước lúc báo cáo của Ủy ban Xét duyệt Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ - Trung Quốc được công bố, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã công khai xác nhận sự kiện này. Bà đồng thời giải tỏa một thắc mắc về lãnh đạo Trung Quốc nào đã loan báo cho phía Mỹ về quyết định nâng Biển Đông lên hàng lợi ích cốt lõi. Theo bà Clinton, đó là ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, người được cho là lãnh đạo cao cấp nhất của ngành ngoại giao nước này.

Tong bài phỏng vấn dành cho nhà báo Greg Sheridan, phụ trách mục đối ngoại của nhật báo Úc The Australian, nhân chuyến công du nước Úc vừa qua, Ngoại trưởng Clinton đã nêu vấn đề Biển Đông như là một ví dụ về phản ứng của Mỹ trước các hành động gần đây của Trung Quốc. Trong bài tường trình công bố ngày 13/11, ông Sheridan đã trích dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ nói rõ như sau :

« Khi phía Trung Quốc lần đầu tiên nói với chúng tôi nhân một cuộc họp của cơ chế Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (Mỹ-Trung) rằng họ xem Biển Đông như là một lợi ích cốt lõi, tôi đã trả lời ngay lập tức là chúng tôi không đồng ý với điều đó ».

Nhà báo Sheridan kể tiếp : « Bà Clinton xác nhận với tôi rằng chính ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại là người đã mô tả với bà rằng Biển Đông là một lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Điểm này quan trọng bởi vì một vài người phát ngôn của Trung Quốc đã tìm cách tạo ra hoài nghi về việc tuyên bố này có thực hay không, bởi vì việc này đã làm dấy lên cả một thái độ ác cảm trong khu vực (đối với Trung Quốc).


Nguyên nhân là vì khái niệm "lợi ích cốt lõi" rõ ràng đã nâng cao các đòi hỏi chủ quyền thực sự vô lý của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ Biển Đông lên cùng cấp với quan điểm về chủ quyền của Trung Quốc với Tây Tạng và Đài Loan, mà trong cả hai trường hợp đó, họ luôn luôn nhắc đi nhắc lại là sẵn sàng dụng binh để bảo vệ ».

Tóm lại, sau khi tung ra quan điểm Biển Đông thuộc phạm vi "lợi ích cốt lõi" của mình, gây phản ứng mạnh từ phía Hoa Kỳ và ASEAN, Trung Quốc đang có dấu hiệu lùi bước, cho rằng đó không phải là chinh sách chính thức. Trong bài viết mang tựa đề : "Diễn biến gần đây ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và tác động đến an ninh và thịnh vượng khu vực" (Recent Developments in the South China Sea and Implications for Regional Security and Prosperity), trình bày tại cuộc Hội thảo Quốc tế lần thứ hai về Biển Đông, tổ chức ngày 11-12/11/2010 ở Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia về Biển Đông Carlyle Thayer tại Học Viện Quốc phòng Úc đã phân tích sâu hơn về động thái kể trên của Bắc Kinh.

Giáo sư Thayer đã khởi sự từ bài báo của Edward Wong, lần đầu tiên tiết lộ quyết định của Trung Quốc về lợi ích cốt lõi, tìm hiểu thêm thực hư của vấn đề thông qua các nguồn tin riêng của ông tại Bắc Kinh và Washington, để kết luận rằng trong hồ sơ này, Trung Quốc đã phải lùi bước trước phản ứng của các nước có liên can. Sau đây là nguyên văn phần phân tích của giáo sư Thayer :

Theo Edward Wong, thông tín viên báo The New York Times tại Bắc Kinh :

“Một quan chức Mỹ liên quan đến chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ cho biết : Vào tháng 03/2010, các quan chức Trung Quốc đã nói với hai vị khách đến thăm là các ông Jeffrey A. Bader và James B. Steinberg, hai quan chức cao cấp trong chính quyền Obama, rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ một sự can thiệp nào vào vùng Biển Đông, giờ đây là một phần trong ‘lợi ích cốt lõi’ về chủ quyền của Trung Quốc. Theo viên chức đó, thì đây là lần đầu tiên mà người Trung Quốc liệt Biển Đông vào diện quyền lợi cốt lõi, ngang hàng với Đài Loan và Tây Tạng".

Vào tháng Tám, khi tôi trình bày về vấn đề triển vọng an ninh của Việt Nam tại Đại học Quốc gia Úc (ANU) và đề cập đến nguồn tin về "lợi ích cốt lõi" đó, một học giả trong cử tọa đã nói rằng một khách mời người Trung Quốc đã đảm bảo trong một cuộc hội thảo tại trường ANU trước đó không lâu, rằng đó không phải là chính sách chính thức của chính phủ Trung Quốc.


Một tháng sau, khi tôi trích dẫn bài báo của Edward Wong trong dự thảo bản Báo cáo Chiến lược mà tôi chuẩn bị cho Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), một nhà phản biện có uy tín, với kinh nghiệm sâu rộng trong giới tình báo-ngoại giao, đã nhận xét : "Lời khẳng định này (trong văn bản) đă được đề cập lần đầu tiên trong tờ New York Times, và sau đó đã bị các quan chức Mỹ có liên quan bác bỏ." Do đó, tôi đã tìm cách điều tra vấn đề kỹ hơn bằng cách liên lạc với các nguồn tin quan trọng tại Bắc Kinh và Washington.


Nguồn tin tại Bắc Kinh, người được tiếp cận với những người tham gia vào các cuộc thảo luận vào tháng Ba giữa Trung Quốc và các quan chức Mỹ, đã quả quyết rằng một quan chức Mỹ đã nói với ông rằng "các quan chức Trung Quốc đã sử dụng thuật ngữ 'lợi ích cốt lõi' để nói về Biển Đông. Tất nhiên, không rõ là ai là người đã có tuyên bố đó, và điều đó phản ánh đến mức độ nào một hướng chính sách mới, nếu quả thực là có thay đổi trong chính sách."


Trung Quốc đang lùi bước trên vấn đề "lợi ích cốt lõi"

Nguồn tin của tôi tại Washington đã trả lời thắc mắc của tôi như sau : « Chúng tôi đã có cuộc tranh luận giữa [đã xóa tên]... Nhóm phụ trách Trung Quốc đã được các đồng nhiệm Trung Quốc vận động để nói rằng họ không hề phát biểu với USG [Chính phủ Hoa Kỳ] rằng Biển Đông là "lợi ích cốt lõi". Điều này có thể đúng về mặt kỹ thuật, vì tôi không có văn bản ghi chép nào xác nhận lời lẽ như vậy của họ trong một cuộc tiếp xúc chính thức Trung Quốc-Hoa Kỳ hoặc đa phương giữa chính phủ với chính phủ. Tuy nhiên, rõ ràng là trong văn bản ghi chép có ghi nhận rằng các quan chức Trung Quốc đã gọi Biển Đông là 'lợi ích cốt lõi' của Trung Quốc. Họ đã làm như vậy rất nhiều lần.

Tôi không hề được biết về bất kỳ quan chức Mỹ nào đã bác bỏ thông tin trên tờ New York Times. Có thể là tôi đã bị lỡ dịp, nhưng tôi chưa hề thấy điều đó. Rõ ràng là Trung Quốc đang cố gắng rút ra khỏi cái ‘’hộp’’ chính sách mà chính họ tự tạo ra trên vấn đề này. Họ làm như vậy là khôn ngoan, và có lẽ điều cũng khôn ngoan là tạo cơ hội cho họ thoát ra khỏi cái hộp đó ».

Vấn đề quan chức Trung Quốc nào đã nói về ‘’lợi ích cốt lõi’’ với phia Mỹ vẫn còn mập mờ. Một bản tin ghi nhận :

« Hồi tháng ba, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Thôi Thiên Khai (Cui Tiankai) đã nói với hai quan chức cao cấp Hoa Kỳ rằng Trung Quốc bây giờ xem đòi hỏi chủ quyền của họ trên vùng biển rộng 1,3 triệu dặm vuông ngang tầm với yêu sách của họ đối với vùng Tây Tạng và Đài Loan, một hòn đảo mà Trung Quốc cho rằng thuộc quyền của Bắc Kinh ».

Trong khi đó, một nguồn tin khác, thân cận với giới lý luận gia chính thức của Trung Quốc về các vấn đề quốc phòng và an ninh, thì xác định là chính Cố vấn Nhà nước Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc (Dai Bingguo) đã nói với ông Jeffrey Bader rằng "đảo Hải Nam và vùng biển xung quanh" là "lợi ích quốc gia cốt lõi" của Trung Quốc. Tuyên bố này được vị Cố vấn Nhà nước Trung Quốc đưa ra theo yêu cầu cụ thể của quân đội Trung Quốc. Theo nguồn tin này, Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc không gộp quần đảo Trường Sa vào diện "lợi ích quốc gia cốt lõi," đó chỉ là một suy diễn từ phía các quan chức Mỹ.

Sau khi những nhận định kể trên được loan tải trong công chúng, các quan chức Trung Quốc đã cảm thấy là họ khó có thể phủ nhận thẳng thừng rằng Biển Đông là không phải "lợi ích quốc gia cốt lõi" vì sợ gây ra phản ứng dữ dội trong nước từ phía các thành phần dân tộc chủ nghĩa.

Từ khi bài báo tháng Ba xuất hiện, rõ ràng là các quan chức Trung Quốc đã không thúc đẩy đòi hỏi theo đó Biển Đông là "lợi ích quốc gia cốt lõi." Một phóng viên theo dõi cuộc Đối thoại Shangri-la ở Singapore vào tháng 06/2010, đã kể lại cho tôi biết là một Thiếu tướng Quân đội Trung Quốc đã nói với ông ấy rằng Biển Đông "không hoàn toàn giống như Tây Tạng hay Đài Loan."

Ngược lại, các phương tiện truyền thông Trung Quốc lại thường xuyên sử dụng từ ngữ "lợi ích cốt lõi", đặc biệt trong giai đoạn tháng 7, tháng 8. Đơn cử một ví dụ, một bài xã luận trên tờ Global Times (ngày 26/07/2010) khẳng định :

« Thái độ khoan dung của Trung Quốc đôi khi đã bị các nước láng giềng lợi dụng để chiếm giữ các hòn đảo không người ở cướp lấy tài nguyên thiên nhiên thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Không nên ngộ nhận chiến lược dài hạn của Trung Quốc với một thế yếu. Rõ ràng là xung đột quân sự có hậu quả xấu cho tất cả các nước tham chiến trong khu vực, nhưng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền dùng phương tiện quân sự để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình ».

Một bản tập hợp các bình luận báo chí và quan điểm học thuật về vấn đề này đã kết luận :

« Trong khi không một quan chức Trung Quốc nào giải thích rõ thế nào là các "lợi ích quốc gia cốt lõi", thì ngày càng có tiếng nói vang lên trong nước, đòi quân đội Trung Quốc bảo vệ những lợi ích cốt lõi đó trong khu vực tranh chấp. Nhiều bài báo gần đây đã đưa vấn đề "lợi ích quốc gia cốt lõi" vào trọng tâm chú ý, tương tự như "chủ quyền dân tộc" và " toàn vẹn lãnh thổ ", và nêu lên vấn đề là Trung Quốc định nghĩa vấn đề đó như thế nào và xác định phạm vi ra sao ».

Walter Lohman, một nhà phân tích tại viện Heritage Foundation ở Washington kết luận rằng : "Việc Trung Quốc xác định Biển Đông là một 'lợi ích cốt lõi… chỉ là một sự nhầm lẫn to lớn hoặc là một điều đang trong quá trình được phía Trung Quốc rút lại."


Từ những phân tích nêu trên, tôi đã đi đến đánh giá như sau trong bản Báo cáo Chiến lược ASPI của tôi :

« Thái độ quyết đoán của Trung Quốc tại vùng Biển Đông đã tạo ra những mối quan ngại đặc biệt. Trong tháng ba năm 2010, truyền thông Mỹ cho biết là các quan chức Trung Quốc đã nói với phái viên cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ là Biển Đông đã được nâng lên hàng "lợi ích cốt lõi" cùng với Đài Loan và Tây Tạng, và Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ một sự can thiệp vào Biển Đông. Các quan chức Trung Quốc lập đi lập lại lời khẳng định đó trong các cuộc tiếp xúc kín với các nhà ngoại giao nước ngoài, và thuật ngữ "lợi ích quốc gia cốt lõi" được báo chí Trung Quốc sử dụng. Các tuyên cáo đó đã làm tăng thêm một bực nỗi lo lắng về tham vọng chiến lược mới của Bắc Kinh trong vùng Biển Đông. Sau đó, các quan chức Trung Quốc lùi bước và bây giờ thì phủ nhận là đã có tuyên bố như vậy...

Trong trường hợp các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc kiên quyết nâng cao vùng Biển Đông thành "lợi ích cốt lõi", điều đó hàm nghĩa là Bắc Kinh sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ chủ quyền của họ ».

Vào tháng 10/2010, một quan chức Mỹ ghi nhận là có một cuộc tranh luận nội bộ ở Trung Quốc về vấn đề "lợi ích cốt lõi". "Vào lúc này, ít ra là trong một số cuộc tiếp xúc với chúng ta (tức là với Hoa Kỳ), dường như Trung Quốc đã từ bỏ lập luận về lợi ích cốt lõi và có vẻ như đang tìm cách khác để điều hòa cách tiếp cận của họ trên những vấn đề này."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét