Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

VN bó tay trước chỉ tiêu kiềm chế lạm phát


Giá lương thực thực phẩm đã tăng 15% trong một năm qua

Mức lạm phát trong tháng 11 ở Việt Nam tăng ở mức cao nhất trong năm 2010 và mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 8% đã phá sản.

Tính theo tháng, lạm phát trong tháng 11 tăng hơn 1,8% so với tháng 10 trong khi mức tăng giá cả của 11 tháng đầu năm nay là 9.6%.

Nếu tính từ tháng 11 năm ngoái tới nay, giá cả các mặt hàng ở Việt Nam đã tăng hơn 11% và đây cũng được cho là mức cao nhất trong 20 tháng qua, theo hãng tin kinh doanh Bloomberg.

Hãng này cũng trích lời các doanh gia than phiền về giá lương thực thực phẩm tăng.

"Giá tất cả các mặt hàng chúng tôi mua ở chợ địa phương đã tăng đáng kể trong tháng trước," ông Craig Jackson, Giám đốc chuỗi cửa hàng Al Fresco ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội được dẫn lời nói.

Theo thống kê chính thức, giá lương thực thực phẩm tăng 15% trong 12 tháng qua.

Báo tài chính của Anh Financial Times nói các kinh tế gia cho rằng lụt lội ở miền Trung, vốn đã hủy họa mùa màng, khiến cho giá lương thực tăng.

Trong khi đó tiền đồng yếu đi cũng tăng sức ép lên lạm phát vì gia hàng nhập khẩu tăng cao.

Báo này nói tiền đồng, hiện đang có giá chợ đen thấp hơn 10% so với tỷ giá đồng - đô la chính thức của Ngân hàng Nhà nước, có thể sẽ yếu đi nữa trong vòng xoáy lạm phát.

"Nó trở lại câu hỏi làm sao có thể khôi phục niềm tin vào tiền đồng để người dân không chuyển tài sản của họ sang vàng và đô la," kinh tế gia trưởng của công ty môi giới chứng khoán VinaSecurities, Alan Phạm, nói với Financial Times.

"Nếu có thể làm như vậy, tiền đồng sẽ mạnh lên và lạm phát sẽ giảm."

'Nhập khẩu lạm phát'

Hiện chính phủ Việt Nam đã phản ứng trước lạm phát tăng cao bằng biện pháp tăng lãi suất lên 9% đồng thời tiếp tục kế hoạch kiểm soát giá một số mặt hàng chính trong đó có xi măng, sắt, phân bón, đường và sữa.

Financial Times cũng trích lời một chuyên gia kinh tế của ngân hàng ANZ tại Singapore nói rằng lãi suất ở Việt Nam có thể sẽ không tăng trước Tết nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong quý tới nhằm đảm bảo mức lạm phát trong năm 2011 ở mức 7%.

Việt Nam có nền kinh tế mở nên không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng bởi giá cả trên thế giới.

Adam McCarty, Kinh tế gia trưởng của hãng tư vấn Mekong Economics
Bloomberg nói mức lạm phát của Việt Nam cũng một phần bị ảnh hưởng bởi mức giá tăng trên thị trường thế giới.

"Việt Nam có nền kinh tế mở nên không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng bởi giá cả trên thế giới," ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của hãng tư vấn Mekong Economics nói.

"Một nền kinh tế như thế này không thể tránh được việc nhập khẩu lạm phát."

Thời báo Kinh tế Việt Nam nói mức nhập siêu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm đã ở mức gần 11 tỷ đồng.

Báo này cũng trích nguồn của Tổng Cục Thống kê nói mức nhập siêu của tháng 11 "có thể đạt mức 1,3 tỷ USD, cao nhất trong vòng 9 tháng qua."

Chính phủ Việt Nam đang chịu sức ép phải kiềm chế mức nhập siêu để giảm lạm phát và sức ép lên tiền đồng.

Nhưng các chuyên gia nói họ "không chắc chắn về chính sách" của Ngân hàng Trung ương trong 12 tháng qua trong lúc có chỉ trích rằng lãnh đạo Ngân hàng miễn cưỡng trong việc thắt chặt tiền tệ trước Đại hội Đảng vào tháng Một năm 2011.

Chứng khoán èo uột

Mức lạm phát cao của Việt Nam cũng được cho là góp phần giữ giá chứng khoán Việt Nam ở mức thấp thứ nhì tại Châu Á, chỉ hơn thị trường chứng khoán Karachi ở Pakistan.

Các chuyên gia của VinaSecurities nói với Bloomberg rằng các quan chức ở Hà Nội cần tăng mức lãi suất cao thêm, ổn định giá trị tiền đồng và tăng dự trữ ngoại hối.

Chỉ số chứng khoán Việt Nam đã giảm hơn 60% từ mức kỷ lục hơn 1.170 điểm hồi tháng Ba năm 2007.

Người phụ trách nghiên cứu chứng khoán của VinaSecurities, ông Adrian Cundy, nói một số lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam có mức lợi tức tốt trong đó có hàng tiêu dùng, năng lượng và các sản phẩm nông nghiệp.

Ông Cundy nói nên thận trọng với bất động sản, các công ty dịch vụ điện, nước và một số ngân hàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét