Pages

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ


Công Lý Giang San (danlambao)

“Chiều 17/12, Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố bị can Cù Huy Hà Vũ (sinh năm 1957, trú tại số 24 đường Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 88, Khoản 1, điểm c – Bộ luật hình sự.
Theo cáo trạng số 18/CT-VKS-P2, vụ án bắt nguồn từ tháng 10/2010 khi Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có công văn gửi Công an thành phố Hà Nội đề nghị làm rõ việc phát hiện trên mạng Internet có một số bài trả lời phỏng vấn của người tự xưng danh là Cù Huy Hà Vũ có nội dung chống phá Nhà nước, đòi xóa bỏ Điều 4 – Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Qua điều tra, đã xác định, trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến tháng 10/2010, Cù Huy Hà Vũ đã có nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn đăng tải trên mạng Internet có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các bài viết và trả lời phỏng vấn này đã xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền và thể chế Nhà nước, bôi nhọ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam. Xác định hành vi vi phạm của bị can Cù Huy Hà Vũ là nghiêm trọng, cần được xử lý nghiêm trước pháp luật nên các cơ quan tố tụng đã xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can này./.”

Theo K.A (TTXVN/Vietnam+)

*


Theo Điều 88, BLHS: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.”

Như vậy ông Cù Huy Hà Vũ bị truy tố vì cho rằng có hành vi phạm vào Điểm c, khoản 1, Điều 88 Bộ luật hình sự: “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” . Ngoài ra nếu cho rằng ông Cù Huy Hà Vũ có các hành vi khác như là: “Các bài viết và trả lời phỏng vấn này đã xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền và thể chế Nhà nước, bôi nhọ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam.” là hoàn toàn bịa đặt và trái pháp luật vì nó ngoài nội hàm của Điểm c, khoản 1, Điều 88 như đã dẫn ở trên.

Căn cứ Điều 196, Bộ luật tố tụng hình sự:

“Giới hạn của việc xét xử

Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.

Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.”

Như vậy, Viện Kiểm sát truy tố theo Điểm c, khoản 1 thì Tòa án chỉ có quyền xét xử theo Điểm c, khoản 1 hoặc nhẹ hơn mà thôi.

Vậy ông Cù Huy Hà Vũ có phải chịu trách nhiệm hình sự như Cáo trạng số 18/CT-VKS-P2, ngày17/12/2010 của VKS nhân dân thành phố Hà Nội truy tố không?

Như Cáo trạng thì ông Cù Huy Hà Vũ đã có những hành vi, trích: “… phát hiện trên mạng Internet có một số bài trả lời phỏng vấn của người tự xưng danh là Cù Huy Hà Vũ có nội dung chống phá Nhà nước, đòi xóa bỏ Điều 4 – Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, … Cù Huy Hà Vũ đã có nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn đăng tải trên mạng Internet có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Tóm lại là ông Cù Huy Hà Vũ đã phát biểu quan điểm bằng cách thông qua các cuộc phỏng vấn và các bài viết trên Internet.

1. Căn cứ Điều 19 Công ước Quốc tế về những quyền Dân sự và Chính trị năm (1966), Việt Nam đã tham gia ngày 24/9/1982:

1. Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp.

2. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
3. Việc hành sử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu:


a. Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác.
b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.”

Vậy bất luận ông nội dung quan điểm của ông Vũ phát biểu có là gì đi chăng nữa cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp điều đó nằm trong ít nhất 01 hoặc cả 02 Điểm (a, b) khoản 3 của chính Điều 19 Công ước quốc tế đã dẫn trên. Quan điểm của ông Vũ là xóa Điều 4, Hiến pháp năm 1992 có nội dung là: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Thứ nhất: (Về Điểm a), Việc yêu cầu xóa Điều 4, Hiến pháp năm 1992 hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền tự do và thanh danh của bất cứ cá nhân nào.

Thứ hai: (Về Điểm b), Việc yêu cầu xóa Điều 4, Hiến pháp năm 1992 cũng không làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.

Căn cứ Điều 82, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật:

“Hiệu lực về không gian và đối tượng áp dụng

Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước trung ương có hiệu lực trong phạm vi cả nước và được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp văn bản có quy định khác hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.”

Từ các căn cứ nêu trên đã dẫn đến một khẳng định là ông Cù Huy Hà Vũ không vi phạm bất cứ một tội nào mà BLHS đã quy định.

Hơn nữa, việc công dân có quan điểm xóa hoặc thay đổi một phần hay toàn bộ hiến pháp chính là thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước, quyền kiến nghị với cơ quan Nhà nước; quyền tự do ngôn luận đã được quy định bởi Hiến pháp năm 1992 tại các Điều 53, 69 dưới đây:

“Điều 53
Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.”

“Điều 69
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

Điều này lịch sử đã chứng minh qua 04 lần thay đổi Hiến pháp nhiều điều đã bị xoá một phần hoặc toàn bộ với sự đóng góp ý kiến của công dân.

2. Nhà nước Việt Nam từ khi được thành lập từ ngày 02/9/1945 cho đến này luôn là một chính thể như đã ghi nhận ngày 02/9/2010 là ngày Quốc khánh lần thứ 65 của Nhà nước Việt Nam, điều đó chứng tỏ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vẫn là một. Trong 35 năm đầu tức (1945 -1980), trong nội dung của Hiến pháp không có nội dung nào như Điều 4 của Hiến pháp 1992, nước Việt Nam vẫn đánh thắng các đế quốc xâm lược và chiến thắng trong chiến tranh biến giới bảo vệ tổ quốc, đồng thời đã hoàn thành các kế hoạch 5 năm xây dựng đất nước. Vậy không có lý gì nói rằng yêu cầu xóa Điều 4, Hiến pháp 1992 là chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

3. Phạm trù ĐCSVN không đồng nghĩa với Nhà nước, dẫn chứng là: từ khi khai sinh nước Việt Nam cho đến nay là 65 năm, Nhà nước Việt Nam chưa từng có một điều luật nào quy định ĐCSVN với Nhà nước Việt Nam là một. Vì vậy yêu cầu xoá Điều 4 Hiến pháp năm 1992 không thể gọi là hành vi chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với các căn cứ và lập luận trên đây đã dẫn đến một chân lý là ông Cù Huy Hà Vũ không có tội với nhân dân Việt Nam.



Việt Nam, 17/12/2010

Công Lý Giang San

danlambao.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét