Pages

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Bao Giờ!

Kể từ khi Cộng sản thiết lập chế độ chuyên chính vô sản trên toàn cõi Việt Nam, đã 35 năm trôi qua, ngoại trừ một thiểu số lãnh đạo cộng sản và các nhóm quyền lực sống sung túc giầu có, do thâu tóm mọi quyền lực và tài nguyên đất nước vào trong tay, đất nước Việt Nam không có gì khá hơn, hay nói cho chính xác là đời sống người dân đã thụt lùi so với các nước lân bang. Lương của công nhân Việt Nam $49 USD/tháng chỉ hơn có Campuchia $47.36 USD/tháng là $1.46 đô la, ngoài ra thì thua tất cả các nước khác trong khu vực. Trong đó, công nhân tại Nam Dương được trả $82 USD/tháng, Trung Quốc $117 USD/tháng, Thái Lan $156 USD/tháng, Phi Luật Tân $167 USD/tháng, Mã Lai $336 USD/tháng, Ðài Loan $540 USD/tháng, Nam Hàn $830 USD/tháng, Tân Gia Ba $1,146 USD/tháng và Nhật Bản $1,810 USD/tháng.
Sự kiện công nhân Việt Nam làm việc cực nhọc với tiền lương rẻ nhìn từ xa là yếu tố lôi kéo thế giới đầu tư. Nhưng bản chất là bán sức lao động con người để lấy lợi nhuận, ngược lại khẩu hiệu “chấm dứt người bóc lột người” mà CSVN đã núp sau đó để thực hiện đấu tranh giai cấp, tạo bao nhiêu máu đổ thịt rơi suốt thời toàn trị.

Đi vào chi tiết kinh tế, xã hội, chính trị hiện nay của đất nước Việt Nam thì những nhà phân tích đều thấy rằng những gì mà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã đang thực hiện trên đất nước Việt Nam suốt 35 năm qua đều không nhắm vào sự phát triển lâu dài cho an ninh và phúc lợi dân tộc Việt Nam. Tất cả các đường lối chính sách của Bộ Chính Trị đều nhằm phục vụ cho quyền lợi của lãnh đạo và của đảng, qua sự bành trướng đế quốc Cộng sản trước khi Liên Xô sụp đổ, được gọi một cách mỹ miều là thi hành nghĩa vụ quốc tế vô sản. Tiếp theo là chạy theo ôm chân tài phiệt thế giới, từ hai thập niên nay, biến Việt Nam thành một đất nước mà con người và tài nguyên bị khai thác phục vụ cho những mục tiêu sinh lợi ngắn hạn, bất kể những thua thiệt trên mọi phương diện, với những hệ quả tai hại nặng nề tinh thần và vật chất cho các thế hệ tương lai.

Nhiều người quy những chuyện này cho lãnh đạo đảng. Nói thế thì cũng đúng, nhưng thật sự cốt lõi của vấn đề là toàn bộ hệ thống độc tài, từ trên xuống dưới, với những nhân sự ngu dốt và tàn độc, do tổ chức toàn trị tạo ra, được gọi là những con “người mới xã hội chủ nghĩa”. Nó cũng là thực tế phân rã của hệ thống này, với những cán bộ đảng viên cá mè một lứa, ở các cấp không có một kẻ nào có khả năng lãnh đạo, mà chỉ có những kẻ chấp nhận nhau cùng xâu xé chụp giật những cơ hội ở trong tầm tay, do tài phiệt thế giới mang đến. Cấp cao thì nhượng đất nhượng biển cho TQ, hay mua nợ máy bay phản lực dân sự tối tân mà thị trường không có là bao, hay là vụ Vinashin với món nợ 4.4 tỷ Mỹ Kim, mà cán bộ cấp nào dính líu vào cũng có miếng ăn hoặc nhiều hoặc ít. Hay hiện tượng lạm dụng bấu xấu đủ mặt trong dịp tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Trong vụ này, cán bộ cấp tép riu thì ăn bớt xi măng làm đường, làm vỉa hè, cán bộ văn hoá thì chấm mút trong các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật tuyên truyền, cho Trung quốc bao thầu sản xuất, cán bộ tỉnh thì bỏ túi các khoản tiền chỉnh trang thành phố. Không kể đến các vụ làm tiền kéo dài, qua buôn đi bán lại các ruộng đất bị cưỡng chế để gọi là thi hành những quy hoạch mở mang phát triển vân vân và vân vân. Cũng không thể không nói đến các vụ thi nhau lập công ty kinh doanh đủ loại để có tiền hoa hồng bỏ túi, qua chuyện mua máy móc cũ của các tài phiệt ngoại quốc, bất kể tốt xấu. Tất cả những chuyện chia nhau xâu xé đất nước này đã được che lấp, gọi một cách đẹp đẽ là “thi đua phát triển bề mặt” không hiệu quả.

Toàn bộ hệ thống đảng viên nếu mà đã có thể lộng hành như thế là cũng tại vì người dân đã để yên cho sự việc diễn ra như thế. Và cam tâm sống, hài lòng với tình cảnh hiện nay, mà kể ra thì có phần bớt khổ vật chất hơn thời toàn trị, nhưng cái nhục nhã thì thật là nặng nề cay đắng. Có người trong nước đã nói lên nỗi nhục này, và tự hỏi bao giờ thì người dân quyết định rời bỏ mối nhục đó. Thật cũng khó trả lời từ vị trí người đứng ngoài.

Tuệ Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét