Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Cần trừng phạt ngay hàng loạt tội ác mà TBT Nông Đức Mạnh đã chỉ rõ


BẢN VỊ, CÁ NHÂN, BÈ PHÁI, THAM VỌNG QUYỀN LỰC, TRANH CÔNG, ĐỔ LỖI…?

Phúc Lộc Thọ – Chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng bản vị, cục bộ địa phương, tham vọng quyền lực, tranh công đổ lỗi… là nguyên nhân chủ yếu gây ra chia rẽ, bè phái. Bệnh này rất tai hại cho Ðảng. Nó làm hại đến sự thống nhất và thanh danh của Ðảng. Ðó là một tội ác cần phải loại trừ(?!!)

(Trích diễn văn của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc tại Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh…)
Văn hào Nga Đoxtoievxky đã viết một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng: Tội ác và Trừng phạt; với cuốn tiểu thuyết này, bằng việc đi sâu vào phân tích, lộn trái thế giới nội tâm của nhân vật, nhà văn muốn nói về cái giá mà những kẻ gây tội ác với đời phải trả; nhưng những sự trừng phạt mà Đoxtoievxki nói đến vẫn là những trừng phạt, sự dày vò trong lương tâm đối với một con người…

Doxtoevxki là một nhà văn, nên ông chỉ có quyền và chỉ có thể đặt ra được vấn đề đến thế và như thế; ông bất tử nhờ vào việc ông đã lên tiếng từ góc độ nhà văn của mình về những hành vi tội ác trong đời sống xã hội…

Như mọi người đều biết: Đoxtoiexki là người có lối sống lập dị. Ông luôn phải viết văn để lấy tiền trả nợ các nhà xuất bản. Vậy ông đã làm gì dẫn đến phải mắc nợ? Ông ứng tiền các nhà xuất bản trước, sau đó ông dùng tiền cho mời đám cờ bạc, xã hội đen đến nhà ông chơi; ông cho họ tiền để họ chơi, mua rượu cho họ uống để họ vừa đánh bạc, du hí vừa kể chuyện đời cho ông nghe để ông lấy tài liệu viết văn. Điều đặc biệt trong hoạt động sáng tác của Đoxtoievxki đó là: ông thường sáng tác trong khi lên cơn động kinh, đó là giây phút thăng hoa nhất trong sáng tạo; còn lúc ông tỉnh táo thì thường giành thời gian để giao lưu, chơi bời với đám du đãng…

Sinh thời, nếu giả sử Đoxtoievxki có gửi cho Sa hoàng tác phẩm nào đó của ông mà cả thế giới đời sau coi là kiệt tác ấy, chỉ cần một cận thần buông một câu với Sa hoàng: Bệ hạ đọc làm gì cái thứ do một kẻ động kinh viết thì lập tức tác phẩm của ông sẽ bị ném vào sọt rác ngay.

Đọc và nghiền ngẫm các ý kiến của TBT Nông Đức Mạnh, nói về những loại tội ác chỉ có thể xảy ra trong đội ngũ đảng viên Đảng cộng sản VN, những đảng viên nằm trong bộ máy quản lý nhà nước vào diện trung và cao cấp, chứ có cấp thấp thì hậu quả không đáng kể. Đây là ý kiến được phát biểu tại một cuộc mít-tinh, trước phương tiện thông tin đại chúng tại buổi lễ trọng thể: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những ý kiến phát ra của TBT hoàn toàn khác với những điều mà Đoxtoievxki luận bàn trong những cơn động kinh.

Ý kiến của ông TBT về loại tội ác cần phải được loại trừ trong nội bộ Đảng, đó là một thứ tội ác rất tai hại cho Đảng như lời của TBT. Ý kiến của TBT Nông Đức Mạnh phát làm cho không ít người cảm thấy giật mình, bởi sự nghiêm trọng xảy ra trong đội ngũ cán bộ trung cao cấp của Đảng Cộng sản VN hiện nay. Bởi vì, hiện giới viết lách mới chỉ dám viết về sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận đảng viên ĐCSVN được biểu hiện như: tham ô, lãnh phí… chưa ai dám viết về các hành vi tội phạm có tổ chức trong nội bộ đảng cầm quyền.

Là nhà văn, Đoxtoievxky chỉ có thể dùng ngòi bút, trang giấy để bày tỏ chính kiến, tư tưởng, tình cảm và khát vọng của mình; còn đối với Tổng Bí thư một đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước như Điều 4 của Hiến pháp mặc định; những lý tưởng, tình cảm, ý chí, khát vọng không chỉ có thể chỉ dừng lại trên những trang giấy, lời phát biểu; tất nhiên nói ra cho nó minh bạch sòng phẳng cũng là quý. Những ý kiến đó phải được thế chế hóa, cụ thể bằng chủ trương, chính sách và các biện pháp hành chính – tổ chức như thanh tra, kiểm tra truy cứu, truy tố…Bởi các vị đang là người đương chức, đương quyền.

Điều làm cho nhiều người băn khoăn: giá những ý kiến này được TBT Nông Đức Mạnh phát ngay trong lần nhận chức Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ đầu tiên thì quý biết bao. Bây giờ ông sắp nghỉ rồi; hay bây giờ ông mới nghiệm ra, mới nhận ra sự thật ghê gớm này?

Đã là tội ác thì phải bị trừng phạt thích đáng, bởi đã là tội ác phải được điều chỉnh khác với những vi phạm thuộc phạm trù đạo đức, phẩm chất đảng viên là những thứ có thể sử dụng dư luận xã hội hay biện pháp tổ chức.

Trong thực tế: Đảng lại không có nhà tù riêng; không một Viện kiểm sát riêng nào có thể truy cứu, Không một Tòa án riêng nào có thể tuyên án một đảng viên nào đó gây tội ác trong Đảng và cho Đảng; Do vậy, để trừng phạt đảng viên phạm tội ác quả là điều chưa có “chế tài”? Liệu đây là kẽ hở về kỷ cương của Đảng không?

Loại tội ác mà TBT nêu lên lại rất khó áp theo các hành vi của phạm tội được quy định trong Luật Hình sự; Các hành vi: Chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng bản vị, cục bộ địa phương, tham vọng quyền lực, tranh công đổ lỗi… gây ra chia rẽ, bè phái là những hành vi không được quy định trong Luật Hình sự coi là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nên bị xử phạt?

Ngay như hành vi tham vọng quyền lực thường thấy có một số cán bộ đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn không chịu từ chức; đây rõ ràng là hành vi tội ác theo ý kiến của TBT, nhưng kết cho họ là phạm tội ác trong Đảng là rất khó. Bởi người ta sẽ nêu lý do rất chi là chính đáng: Vì yêu Đảng nên nguyện chiến đấu, hy sinh, làm việc cho Đảng đến hơi thở cuối cùng; như dân gian hay nói…Người ta giải trình như thế thì bảo họ là có tội với Đảng như thế nào được?

Sắp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, theo Phúc Lộc Thọ tôi, trong phần Xây dựng Đảng và bàn thảo về sửa đổi Điều lệ Đảng cần phải đưa nội dung này vào: Đó là việc Đảng phải có hình thức trừng phạt đối với các đảng viên gây tội ác; đây là loại tội ác có tổ chức cực kỳ tệ hại phát sinh trong nội bộ Đảng?

Hiện nay, thể chế tại một số nước phương Tây quy định: cho phép các đảng phái chính trị vận động tranh cử, nếu được bầu làm Tổng thống thì Tổng thống được quyền chỉ định Thủ tướng là người của Đảng mình và chỉ định một số thành viên nội các. Nhưng một số bộ quan trọng như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Cảnh sát, Bộ Ngoại giao lại được quy định: Những người làm việc trong các bộ này không được quyền tham gia bất cứ đảng phái chính trị nào. Quy định này để tránh các đảng phái chính trị sử dụng sức mạnh cứng của chính quyền để kéo bè kéo cánh, áp đặt ý chí và sức mạnh của chính đảng của mình.

Tất nhiên nếu loại trừ ngay thì có phần duy ý chí nhưng nhất thiết phải có lộ trình loại trừ những tội ác ngay trong Đảng, ngay những đảng viên có chức trọng, quyền cao ngay bắt đầu Đại hội XI này…

Có một chuyện đùa đang được lưu truyền: Tại một địa phương nọ, một Đảng bộ đã quyết định kỷ luật một đảng viên, tất nhiên do anh ta vi phạm điều lệ đảng chứ chưa đến mức gây tội ác với Đảng bộ đó. Thế nhưng khi khai trừ anh ta để trả anh ta về quần chúng thì quần chúng lại không chịu nhận, quần chúng yêu cầu Đảng bộ giữ lại để giáo dục, nếu loại ra quần chúng ngay sẽ làm ô nhiễm thói xấu ra quần chúng…

Ngay trong bộ máy Chính phủ, là bộ máy được luật định, luật hóa rất cụ thể, thế mà cán bộ có chức, có quyền làm sai, làm không có hiệu quả nhưng để trừng phạt quả không dễ. Còn nhớ theo chương trình hành động do Thủ tướng phát ngay trong tuần đầu năm 2010, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố: ”Trong thời gian tới, sẽ kiên quyết sắp xếp các tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý…” (Nguồn Vietnamanet)

Trong báo cáo Quốc hội hôm qua ngày 20/5, Chính phủ cũng đã báo cáo: một số tập đoàn nhà nước lãng phí vốn, tài sản và đất đai, mặc dù “khai đao” đầu xuân, Thủ tướng đã phát biểu là kiên quyết xử lý nhưng đã xử lý được ai đâu… Đáng lý ra, một vài tháng, Chính phủ đưa ra một vài tập đoàn ra để kỷ luật và có hính thức xử lý thích đáng. Mà xử lý những sai phạm trong lãng phí vốn, tài sản còn dễ hơn nhiều so với các tội ác do các đảng viên, cơ sở Đảng gây ra cho Đảng.

Hiện nay đối với loại tội ác hình sự, những vụ trọng án như cướp của giết người thì ngành công an phá án nhanh. Còn các tội ác kiểu như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói, đó là loại tội ác của các hành vi hoạt động chinh trị thì lại thấy chưa có “cơ chế, chế tài” trừng phạt.

Chả nhẽ, đến Tổng Bí thư, Thủ tướng là những người đứng đầu các cơ quan đầy đủ quyền lực trong tay mà còn botay.com với tội ác, những việc làm sai trong nội bộ, trong phạm vi chức trách do mình chịu trách nhiệm quản lý. Không nhẽ đến Tổng Bí thư, Thủ tướng cũng chỉ biết lên tiếng như các blogger, những người trong tay không có phương tiện gì, hàng ngày đang phải lo miếng cơm manh áo, nhưng do những bức xúc trước các vấn đề ngang trái đang xảy ra trong xã hội, họ không biết tác động, lên tiếng vào chỗ nào nên đành phải lên mạng để viết những điều mình trăn trở lên trời xanh???

Chả nhẽ đến Tổng Bí thư rồi cũng chỉ biết ra mít-tinh nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Cụ Hồ để phát; còn Thủ tướng thì lẫn lữa lẫn này lần khác cứ nêu ra rồi để đấy, để lần sau nhận thiếu sót tiếp…

P.L.T

http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=7138

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét