Pages

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

'Chính sách tài chính của Việt Nam không đáng tin cậy'

SÀI GÒN (TH) - “Ngân Hàng Trung Ương của Việt Nam thiếu độc lập và không đáng tin cậy cũng như khung chính sách tiền tệ 'mơ hồ' nên đã để cho lạm phát tăng nhanh, theo phân tích của ngân hàng đầu tư tài chính JPMorgan Chase.


Một khách hàng đang xem những món đồ nội thất sang trọng nhập cảng từ ngoại quốc trong cuộc triển lãm ở Hà Nội. Loại hàng hóa này chỉ dành cho một giới rất nhỏ giàu có ở Việt Nam, lạm phát gia tăng khiến nhiều người nghèo càng nghèo thêm. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)



Những thứ chính sách như vậy đã gây ra mất ổn định nhiều hơn, không dự đoán được mức độ lạm phát, và dẫn đến việc phải phá giá đồng bạc.”

Ông Matt Hildebrandt, một kinh tế gia của ngân hàng đầu tư tài chính JPMorgan Chase ở Singapore bình luận như vậy trong một lời phát biểu dự trù trình bày tại cuộc hội thảo diễn ra ở Sài Gòn vào hôm Thứ Tư, 1 tháng 12.

Lạm phát ở Việt Nam đã leo lên tới 11.08% trong tháng 11, 2010 so với một năm trước với mức độ gia tăng nhanh chóng xảy ra ba tháng gần đây. Mức độ lạm phát hiện nay cũng là mức cao nhất kể từ tháng 3, 2009 mà trước đó, dân chúng đã kêu rên thê thiết vì vật giá leo thang vượt quá sức chịu đựng.

Sự minh bạch và độ tin cậy của chính sách tài chính của Việt Nam “là rất thấp,” ông Hildebrandt nói.

Ngân Hàng Trung Ương của Việt Nam phá giá đồng bạc 2% hồi tháng 8 vừa qua. Ðây là lần thứ ba Việt Nam phá giá đồng nội tệ kể từ tháng 11 năm ngoái. Ðồng bạc Việt Nam trao đổi chính thức 19,500 đồng/đô la vào 10 giờ sáng ngày Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010. Trước khi phá giá đồng bạc tháng 11, 2009 thì 17,886 đồng/đô la.

Hiện nay, tin tức cho hay giá chợ đen là 21,500 đồng/đô la chứng tỏ sự hoảng hốt của những người đang cầm đồng bạc Việt Nam.

VNExpress hôm Thứ Ba cho biết, bản báo cáo năng lực cạnh tranh năm 2010 của Việt Nam được công bố sáng nay “đã chỉ ra 3 điểm yếu của kinh tế Việt Nam hiện nay là năng suất lao động thấp, thiếu kinh tế cụm ngành và chính sách kinh tế vĩ mô không ổn định.”

Chu kỳ lạm phát của Việt Nam rất thất thường một phần vì có lịch sử tăng giá hàng hóa nhanh chóng, có nghĩa là dự báo lạm phát không bao giờ tính toán nổi. Hồi thập niên 1980, chỉ giá tiêu thụ đã gia tăng đến 500% ở Việt Nam, theo ghi nhận của ông Hildebrandt.

Theo ông, các công cụ thực hiện chính sách tài chính hay thay đổi, không hiệu quả và khó điều hành cũng là những yếu tố đóng góp.

“Lãi suất căn bản liên ngân hàng là công cụ chính của chính sách tài chính Việt Nam từ 2008 đến đầu năm 2009, nhưng bây giờ thì ít hơn.” Hildebrandt nói: “Bây giờ thì họ trông cậy nhiều hơn vào sự tuân phục, các biện pháp kiểm soát hành chính và mệnh lệnh.”

Ngân Hàng Trung Ương của Việt Nam tăng lãi suất căn bản từ 8% lên 9% ngày 5 tháng 11, 2010 vừa qua. Ðây là lần đầu tiên có hành động nâng lãi suất từ đầu năm đến nay như biện pháp giới hạn tín dụng và kềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, theo một bản nhân định của ngân hàng đầu tư tài chính Standard Chartered Plc., ngày 26 tháng 10, 2010 vừa qua, việc gỡ bỏ lãi suất tối đa của tín dụng liên quan đến lãi suất căn bản không phải là biện pháp hiệu quả, mà chỉ là một công cụ ra tín hiệu.

Cơ chế điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam yếu nên theo ông Hildebrandt, “hậu quả dẫn đến là Việt Nam xảy ra lạm phát cao, hỗn loạn thị trường, phí tổn dịch vụ tài chính tăng cao hơn, tín dụng cấp pháp bừa bãi, thiếu minh bạch và gia tăng bất ổn nhiều hơn.”

Một số kinh tế gia dự đoán, lẽ ra, Việt Nam đã phải phá giá đồng nội tệ thêm lần nữa, nhưng vì các lý do chính trị mà vẫn cố nín. Ðại hội đảng sắp đến vào tháng 1, Tết Nguyên Ðán đến sau đó.

Giá cả hàng hóa tăng đang tăng chóng mặt, nếu còn tiếp tục phi mã vào những ngày tới thì bất lợi cho những kẻ có tham vọng nắm giữ những vị trí chóp bu quyền lực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét