Pages

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Con đường mờ ảo của tư bản VN tiến vào kinh tế thị trường

Từ California nhìn về vụ Vinashin




Lý Kiến Trúc

(Câu Lạc Bộ Văn Hóa & Báo Chí)


Liên quan giữa cơ chế đảng và cơ chế kinh tế thị trường


Cho dù ông Nguyễn Tấn Dũng có tiếp tục làm thủ tướng, hay các ghế khác như chủ tịch nước, tổng bí thư, chủ tịch Quốc Hội, bí thư thường trực Trung Ương Ðảng như Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Phạm Quang Nghị, Tô Huy Rứa, Phùng Quang Thanh,... cũng chẳng quan trọng và ảnh hưởng gì với cộng đồng VN tị nạn trên khắp thế giới.

Vấn đề quan trọng là lượng kiều hối gởi về nước năm nay tăng hay giảm và đúng là bao nhiêu. Vấn đề quan trọng hiện nay là những nhân vật chóp bu nào vừa đáp ứng được hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam trong giai đoạn đa phương hóa, quốc tế hóa, vừa hài hòa địa phương tính, vừa ổn định được quyền lực, quyền lợi, vừa tạo đoàn kết nội bộ, v.v...

Vấn đề quan trọng hiện nay là chủ nhân ông của các tập đoàn kinh tế vĩ mô có đáp ứng được quyết sách kinh tế thị trường tự do để hội nhập vào nền kinh tế thị trường quốc tế “giải phóng” cái “mác” định hướng xã hội chủ nghĩa trong 10, 15 năm tới.

Thế cho nên, nếu tập chú vào quyền lực và quyền lợi của Ðại Hội XI sắp tới, vai trò của thủ tướng nổi bật hơn cả.

Câu chuyện thời sự các hội nghị cấp cao về an ninh quốc phòng, chính trị khu vực Ðông Nam Á nói riêng, Thái Bình Dương nói chung trong đó có vấn đề Biển Ðông tạm thời lắng dịu. Có vẻ như đâu vẫn hoàn đấy, nhường chỗ cho vàng, đôla, tiền đồng, giá cả thực phẩm lên cao vùn vụt và bữa ăn của toàn dân có đủ tiền trong túi để cho các bà nội trợ đi chợ hay không.

Toàn cảnh nền kinh tế VN đang có những báo hiệu khủng hoảng hay chững lại sau “cú nốc ao” Vinashin. Cả nước “sốc” vì không dè đứa con cưng của sếp mà còn bị lên đoạn đầu đài như vậy.

Nhân vật nào quyền bí đến độ khui vụ “vỡ nợ” của tập đoàn Vinashin ra trước kỳ Ðại hội đảng khóa XI làm “choáng” tất cả các sự kiện, lung lay đến cả Bộ Chính Trị?

Ai cũng biết, Vinashin lại là mô hình tiên tiến khởi đi từ năm 1996, là một trong các tập đoàn kinh tế cấp vĩ mô và vi mô của “founder” đương kim Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thời sự về sự kiện Ðại Hội XI đột nhiên diễn ra sôi nổi trên các diễn đàn quốc tế. Ở lề trái xuất hiện khá nhiều ý kiến về việc thay đổi nhân sự và cơ chế lãnh đạo trong Bộ Chính Trị. Nhân sự đi đôi với cơ chế. Từ các nhân sự cao cấp nhất của đảng giữ các vai trò trọng yếu của quốc gia, các nhà phân tích có thể thấy phần nào đường lối của quốc gia. Ðó là sự phán đoán về hình tướng còn khi đi sâu vào chính sách và thời gian không thể không tránh khỏi các diễn biến bất ngờ. Không ai ngờ được ông Mikhail Gorbachev khi lên ngôi ký ngay sắc lệnh giải thể đảng Cộng Sản Liên Xô.

Ðối với nhà nước cộng sản, có những tình huống không thể tưởng tượng được nhưng nó vẫn xảy ra, thí dụ như con trai 28 tuổi của thủ lãnh tối cao Bắc Hàn Kim Jong II chưa có một ngày cầm quân bỗng lên hàm đại tướng!

Thí dụ như trường hợp của Trung Tướng Thứ Trưởng Nguyễn Chí Vịnh; ông Vịnh tuy là thứ trưởng Quốc Phòng nhưng ông chưa được vào Trung Ương Ðảng, ông sẽ phải vào Trung Ương Ðảng kỳ này để hợp thức hóa vị trí của ông, độ hai ba năm nữa, ông sẽ phải là ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị, rồi ủy viên chính thức trong Bộ Chính Trị để lèo lái Bộ Quốc Phòng. Ông Vịnh được tiếng là người bạn của báo chí trong nước và giới trẻ hâm mộ, nhưng ông Vịnh cũng bị “oánh” tơi bời vì cái vụ Tổng Cục II.


Cũng có ý kiến thay đổi nhân sự không quan trọng bằng thay đổi cơ chế!


Thay đổi nhân sự liên quan như thế nào với thay đổi cơ chế. Nhân sự và cơ chế như hình với bóng. Ði sâu vào vấn đề này tác giả xin hẹn một bài khác.

Trước hết, không có nhân sự nào ngoài nhân sự từ Trung Ương đảng và Bộ Chính Trị? Các nhà phân tích ưa đặt nhân sự này thân Trung Quốc, nhân sự kia thân kia Mỹ, nhân sự nọ thân Nga, ông này có khuynh hướng trung lập? 150 Ủy viên Trung Ương nắm chủ chốt các bộ, quân khu, đặc khu, tỉnh, ai là người của ai trong 15 ủy viên Bộ chính Trị? Tập thể này cũng rất quan trọng trong việc bỏ phiếu phân nhiệm lãnh đạo tối cao và hoạch định chính sách. Phân nhiệm nhân sự và quyền lực của đảng CSVN chằng chịt, cực kỳ bí mật và rất khó hiểu.

Hiện đang diễn ra cao trào đòi hỏi phải có sự thay đổi về cơ chế cho phù hợp với yêu cầu của cách mạng thời đại, đòi hỏi về lý luận, đòi hỏi về dân chủ hóa, dân chủ tập trung, tăng cường tính độc lập tam quyền: hành pháp, lập pháp, tư pháp. Suy cho cùng, các đòi hỏi này đều tập trung vào việc cải tổ, cải cách hay canh tân nói như ông Ðại Sứ Michalak là “vì muốn đóng góp thêm vào việc hoạch định chính sách”; hay nói theo cách nói của nhà bình luận chính trị Bùi Tín “Chuyện như đùa, nhà cải cách cãi nhau với chính mình.” Nhà bình luận Bùi Tín còn nhận định về cơ chế của đảng CSVN hiện nay như sau: “Chế độ ‘nhóm lợi ích kinh tế-chính trị riêng,’ hay chế độ phe nhóm, cánh hẩu, tà lọt, lợi ích riêng... là chỉ những quan chức đảng từ trung ương đến các địa phương lập ra những phe nhóm trong bóng tối, theo những mưu đồ tư lợi riêng, một cách tự phát, không có cam kết, không có tuyên ngôn, điều lệ, theo kiểu cách mafia và luật rừng, để không có vết tích. Họ vô tình phá tan sự đoàn kết thống nhất của đảng, chà đạp Hiến Pháp và pháp luật, xé tan điều lệ đảng, vứt bỏ kỷ luật đảng, góp phần rất “xuất sắc” thúc đẩy đà tan rã của đảng Cộng Sản. (VOA- Trận tuyến đối lập không tiếng súng).

Vậy thì cơ chế nào trên thế giới là mô hình để cải tổ toàn diện nền chính trị VN trong ổn định và hòa bình mà vẫn duy trì được sự sống còn của đảng CSVN thay vì “giải thể” như thời Gorbachev? Cơ chế đại nghị do Quốc Hội bầu thủ tướng, Chủ tịch nước do cuộc bầu phiếu của toàn dân, hay cơ chế kiểu mới nào nữa đây? Nhưng kiểu nào đi nữa cũng không qua được triều đại kiên cố như con bạch tuộc bê tông đã dầy công xây dựng xã hội mới - con người mới cả nước suốt gần 40 năm nay.

Chưa ai giải đáp thỏa đáng các vấn đề nêu trên và nói chắc về các vấn đề này. Tuy nhiên chúng ta có quyền hy vọng tia sáng cuối đường hầm.

Trong bài diễn văn tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm 29, 30 tháng 9, 2010, Ngoại Trưởng Hillary Clinton nói: “Tôi nghĩ, vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể gia tăng mối quan hệ này hơn nữa. Và tôi tin chắc rằng thời gian 15 năm tới sẽ đưa Hoa Kỳ và Việt Nam gần lại nhau hơn nữa.”

“Chúng ta sẽ không đồng ý trên mọi phương diện. Chúng ta sẽ có hệ thống chính trị khác nhau. Nhưng chúng ta phải tìm cách để có một điểm chung và cùng làm việc tạo ra hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng.” (Người Việt 1 tháng 10, 2010)

Thời kỳ chiến tranh nhân dân giành độc lập dân tộc dân chủ, ông Mao và ông Hồ thân thiết nhau chừng nào thì sau 1975 ông Duẩn và ông Ðặng thù nhau ra mặt chừng đó. Thời nay, ông Triết, ông Mạnh, ông Dũng, ông Trọng khôn hơn, đa phương hơn. Một trong những lý do các ông này tỉnh hơn vì ông Hồ và ông Duẩn nghèo kiết xác. Các ông bây giờ là tỉ phú đôla phải khác chứ! Ðây cũng là đặc trưng của đảng CSVN.


Vinashin: “Bản tự khai phá sản”


Từ khi đổ bể vụ Vinashin, mọi chuyện đều đảo ngược. Ngược dòng thời gian, trước Mỹ, từ năm 1991, một số công ty nhỏ ngoại quốc đã lân la tới VN làm ăn, ngược lại, VN cũng bắt đầu học nghề từ các công ty nhỏ này để hoạch định đường lối kinh tế, cùng thời gian này, hầu như cả nước rộ lên phong trào “chợ trời” dưới sự “quản lý thu thuế” của chính quyền địa phương.

Các thí điểm chợ trời mọc lên như nấm.

“Chợ trời” là những ai? Là đủ mọi thành phần trong nhân dân. Họ tự mua bán, họ tự sản tự tiêu lớn nhỏ đủ mọi ngành nghề. Dưới con mắt chính quyền, họ là tư nhân kinh doanh. Lực lượng này có sức sáng tạo phi thường để kiếm sống. Sức sáng tạo trước mắt của họ là giải quyết cái đói cái nghèo, cái u tối. Ðối với chủ nghĩa cộng sản và các đảng viên, chợ trời là môi trường mới lạ có sức thu hút lạ thường đánh động bộ não tư duy kinh tế chính trị cấp lãnh đạo.

Sau hai mươi đổi mới, 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đa phương, đỉnh cao là mối quan hệ song phương Việt Mỹ, hết nguyên thủ này đến nguyên thủ khác trên thế giới kéo theo bộ sậu đến “thăm” VN. Bối cảnh đó kích thích các nhà đầu tư quốc tế an tâm đổ xô về VN, họ tỏ ra lạc quan với chỉ số tăng trưởng kinh tế thường niên, họ “bốc thơm” thị trường quốc gia này như một con hổ Châu Á thức dậy. Dựa trên báo cáo của các bộ chính phủ, chỉ số tăng trưởng thường niên của VN trên dưới 7% gây phấn khởi cho các nhà đầu tư, chỉ trong vòng có mấy năm, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ cộng với sự gầm gừ của Trung Quốc, từng bước, VN đã tham gia vào các tổ chức quốc tế và khu vực như Diễn Ðàn Á-Âu (ASEM), Diễn Ðàn APEC, Diễn Ðàn ASEAN +, Ủy viên không thường trực HÐBA LHQ hai năm, ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) từ năm 2001, gia nhập WTO, và mới đây Diễn Ðàn TPP. Quan hệ đối tác thương mại riêng với Mỹ trong vòng 15 năm đã nâng lên từ khoảng 500 triệu đôla lên tới 15,4 tỉ đôla trong năm 2009. (1)

Tuy nhiên không có con đường nào bằng phẳng cả.

Mức độ kinh tế tăng trưởng nhanh đến độ “ảo” khiến các nhà đầu tư và tư vấn hoài nghi về khả năng chi trả các khoản nợ vay. Chính sách và đường lối phát triển kinh tế “mờ mờ ảo ảo” của các doanh nghiệp hàng đầu nhà nước dẫn đến thái độ thiếu minh bạch chính trị đối với các quốc gia Ðông Nam Á, phương Tây lẫn phương Ðông.

Mới hôm 15 tháng 12, 2010: “Theo các công điện ngoại giao mật của Mỹ bị phát tán trên trang web Wikileaks, cựu Thủ Tướng Lý Quang Diệu của Singapore bình luận rằng lẽ ra Miến Ðiện, Campuchia, Lào và Việt Nam không nên được thâu nhận vào ASEAN trong những năm 1990” (VOA ố 15 tháng 12, 2010).

Rõ ràng, không thiếu sự hoài nghi đối với đường lối chính trị của VN khi nước này bước vào sân chơi kinh tế khu vực và sân chơi kinh tế quốc tế.

Theo số liệu của Bộ Ngoại Giao VN công bố trên trang nhà hôm 6 tháng 1, 2010, lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng lớn... vốn đăng ký tăng lên 64 tỉ năm 2008, hiện có 10,700 dự án đầu tư của 90 quốc gia với tổng số vốn gần 170 tỉ đôla.

Thế nhưng vụ Bauxite đã xảy ra, vụ Vinashin đã xảy ra và sắp tới đây...

Riêng vụ Vinashin đã “ngốn” 4.5 tỉ đôla, tại sao nó lại được “khui” ra ngay trước kỳ Ðại Hội Ðảng XI? Có nhằm đánh ông chủ lớn của nó không? Tương lai có tiếp tục “khui” thêm các tập đoàn khác nhằm đánh ông chủ lớn khác không? Ðánh gì thì đánh, trước mắt, quốc tế người ta đánh giá hiệu quả làm ăn của các tập đoàn chỉ số “âm” hay “dương,” các yếu tố chính trị, phe phái lại là vấn đề khác.

So với 20 năm trước, nhiều người cho rằng thế là khá lắm rồi, công ăn việc làm có, ruộng có, TV có, trên con đường xuyên Việt mái nhà gianh hầu như vắng bóng, thời kỳ bao cấp hợp tác xã đã lùi về quá khứ, dù cho là ta có một thị trường “nổi” hoa hòe, một thị trường “phồn vinh giả tạo” cũng không đến nỗi phải là tai họa.


Phồn vinh giả tạo có là chính sách của nhà nước không?


Nền kinh tế thị trường hiện nay thoát thai từ Ðại Hội VI, cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt từng đề ra chủ trương lớn hô hào nhiều thành phần kinh tế trong nước tham gia làm kinh tế. Khẩu hiệu bất hủ của ông Kiệt là “hãy làm giầu đi.” Tham vọng của các lý thuyết gia VN kết hợp sự phát triển kinh tế đi đôi với sự phát triển chính trị của đảng CSVN. 15 năm nay VN mở cửa tối đa mời chào quốc tế liên doanh, hợp doanh, tư doanh, khoán...

Tiếp cận với quốc tế, các cấp điều hành với trình độ quản lý ít kinh nghiệm, cộng với việc thu nhập cao gấp 10 lần, 100 lần so với công nhân, dần dần giai cấp mới này xa rời với đại bộ phận quần chúng, giai cấp trung lưu mới xuất hiện hình thành từ các thành thị, vấn đề ý thức hệ tranh cãi tới lui, giai cấp lãnh đạo bạc đầu với bạc tỉ đôla, vấn đề quản trị trở nên cấp bách và gai góc.

Một sớm một chiều bỗng nhiên cả nước nhiều tiền quá, người nhiều tiền càng mê tiền sinh ra tham nhũng, hối lộ, người ít tiền có tí quyền cũng tham nhũng, dọa nạt, xã hội sinh ra giai cấp giầu nghèo bất công. Tiền trên trời đổ vào như mưa, thừa cơ giá cả nhu yếu phẩm tăng lên theo nhịp độ của đôla, người dân bình thường, người công nhân, với bình quân cứ cho là 1,200 đôla/năm không cách nào sống nổi với thị trường chợ búa đắt đỏ như hiện nay.


Chủ nợ Credit Suisse: “Bắc thang lên hỏi ông Trời...”


Mỹ sẽ không cứu nổi VN khi nền kinh tế quốc dân sa lầy. Tầu cũng vậy. Chỉ có VN cải cách toàn diện mới tự cứu mình thôi. Nhưng cải cách cách nào? Cải cách về nhân sự hay về chính sách? Cả hai đều hóc búa. Vụ Vinashin chính là ngọn đèn báo bão có con vi trùng phát sinh trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhà nước sẽ còn phải nhức đầu nhiều nữa không phải chỉ có một vụ Vinashin mà còn 50 tập đoàn kinh tế chủ đạo và 10 tập đoàn kinh tế có doanh thu lớn nhất nước đang là mục tiêu của kinh tế thị trường.

Các nhà đầu tư bắt đầu dò xét tới các tập đoàn PetroVietnam, Than Khoáng Sản, Ngân Hàng Quốc Gia, Vietnam Airlines, Nguyên Tử Lực VN, Giấy, Gạo, Cà phê, Giầy da, May mặc, Du lịch, Hải sản, Lâm sản, Thị trường chứng khoán, Giáo dục, v.v... và tất nhiên họ sẽ dè dặt và siết chặt hơn khi bỏ tiền vào đầu tư ở các bản hợp đồng, dù biết giá nhân công rẻ mạt, tài nguyên dồi dào và sự ràng buộc kinh tế chính trị.

Vào tháng 7, dù Bộ Chính Trị kết luận, đưa ra các biện pháp “cứu hộ” khoản vay của Vinashin, trong đó có đoạn nói về vấn đề xử lý nợ của tập đoàn Vinashin, “theo quy định pháp luật VN và thông lệ quốc tế,” giải pháp Vinashin đã lộ ra từ từ.

Thành lập từ năm 1996, một tập đoàn tiên phong trong chính sách mở cửa kinh tế thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước do nhà nước quản trị, sau 14 năm “làm kinh tế,” tập đoàn này đã ngốn 4.5 tỉ đôla tiền từ các ngân hàng cho vay làm vốn.

Hôm cuối tháng 11, 2010, đại biểu Quốc Hội Nguyễn Minh Thuyết đăng đàn đàn hặc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vì “tội” bày ra tập đoàn Vinashin, dự án Bauxite Tây nguyên và nguyên tử năng. Bộ Chính Trị coi ba đề án này là đề án thế kỷ và là chủ trương đứng đắn của TT Nguyễn Tấn Dũng. đại biểu Dương Trung Quốc tỏ ra bình tĩnh phê rằng: “Có lẽ ông thủ tướng của Việt Nam có cái đặc thù riêng vì quyền hạn của ông ấy nằm trong cơ chế. Chính vì thế chúng ta không thể đòi hỏi ông ấy như một ông thủ tướng phương Tây được. Và cũng vì thế tôi nghĩ ngay cả cách ứng xử hay là trách nhiệm của ông ấy không thể hiểu như một cá nhân đơn thuần được. Vì thế tôi xin nhắc lại là ngày hôm nay ông không thể làm gì tốt hơn được nữa. Tôi cho là ông (Dũng) đã thể hiện tất cả bản lĩnh của mình và đương nhiên nó không thể đáp ứng lại được đòi hỏi của mọi người.” (2)

Qua lời bình luận của ông Dương Trung Quốc, thất bại của ông TT Dũng qua vụ Vinashin không phải do cá nhân ông mà do cơ chế, nói trắng ra do chủ trương và chính sách của Bộ Chính Trị.

Lại có ý kiến cho rằng do Bộ Chính Trị thiếu quả cảm trong việc cải tổ chính trị, bổ nhiệm lãnh đạo các bộ, các tập đoàn nặng về phe nhóm và chủ nghĩa gia tộc nên sinh ra tiêu cực, chưa kể đến các cuộc đấu thầu mà hầu như “đấu thóc” nào cũng lọt về tay ông Tầu!

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chính sách ngoại giao đa phương, chính trị đa phương, kinh tế đa phương của VN hiện nay vận hành tối đa để gia nhập càng nhanh càng tốt vào nền kinh tế thị trường thế giới vì “Theo thỏa thuận song phương với Mỹ, sau khi gia nhập WTO Việt Nam có lộ trình 12 năm trước khi được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. Như vậy nếu không có gì thay đổi phải đến năm 2019 Việt Nam mới đạt tới sự nhìn nhận này từ phía Mỹ.” (2)

Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết đi phó hội APEC ở Yokohama, Nhật Bản hôm 12 tháng 11, 2010; đây là hội nghị thượng đỉnh về doanh nghiệp nhằm tiến tới một cơ chế thương mại tự do ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương “với ý tưởng của Mỹ có thể là mô hình hiệp định thương mại tự do tiêu biểu của thế kỷ.” (2)

Riêng về Hội nghị TPP (Trans Pacific Parnership) Ðối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương hình thành vào năm 2005, hiện đã có 9 nước đang tham gia đàm phán là Brunei, Chi Lê, New Zealand, Singapore, Australia, Hoa Kỳ, Peru, Việt Nam, Malaysia, một số nước khác có khả năng tham gia đàm phán TPP trong tương lai là Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Indonesia (2). Tháng 11 năm 2009, Hoa kỳ tham gia vào TPP, Việt Nam cũng đã chính thức tham gia đàm phán TPP hôm 13 tháng 11, 2010.

Tham dự hội nghị, Chủ Tịch Triết một mặt đưa VN tiến sâu vào hiệp định TPP, một mặt ông muốn chứng minh với quốc tế, nhất là đối với Mỹ bộ mặt mới của VN đã “bỏ qua thời kỳ quá độ tiến nhanh tiến mạnh” trên bước đường của một quốc gia có nền kinh tế thị trường tự do.

Dưới trướng các ông trong Bộ Chính Trị và ủy viên Trung Ương đã có hàng chục tập đoàn tư bản với số vốn hàng tỉ đôla, trong đó có Vinashin, một tập đoàn tiêu biểu của khu vực doanh nghiệp nhà nuớc đã cổ phần hóa công ty, đã được chọn như một điển hình mở rộng khu vực mạng lưới tư nhân, hoặc liên doanh với tư nhân, làm đại diện cho nền kinh tế thị trường tự do.

Nghiệt ngã thay, các nhà quản trị hàng đầu của tập đoàn Vinashin khi mở rộng đã không ý thức được tầm quan trọng chính trị của vấn đề này, hoặc ý thức, nhưng đã sử dụng một đội ngũ điều hành bất tài và tham nhũờng, và cuối cùng phải báo cáo láo.

Thủ tướng lãnh đủ. Bộ Trưởng Kế Hoạch và Ðầu Tư Võ Hồng Phúc thú nhận một cách yếu ớt: “Vinashin là bài học của chúng tôi.” Ðáng lý ra ông Phúc phải nói rằng: “Vinashin là bài học của Bộ Chính Trị tiến vào nền kinh tế thị trường”!

“Trời bất dung gian,” nếu tập đoàn kinh tế Vinashin làm ăn ra trò, và các tập đoàn kinh tế khác noi gương, chỉ trong vòng 10 năm nữa, quốc tế, và nhất là Mỹ sẽ công nhận Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế thị trường. Tức khắc và hiển nhiên, quốc tế sẽ lột cái áo Mác Lênin, đảng CSVN có quyền rũ sạch cái quá khứ oan nghiệt hân hoan đổi tên đảng mới, cờ mới, quốc ca mới... gì đó và đối lập cũng sẽ chính thức ra đời.

Ðiểm đáng chú ý về biện pháp giải quyết vụ “vỡ nợ” này nếu căn cứ vào câu tuyên bố của ông Bộ Trưởng Phúc là “Vinashin phải tự trả nợ” (60 triệu đô la), diễn biến quanh vụ Vinashin cũng đã báo cho các nhà đầu tư thấy khả năng biến hóa khôn lường của chính phủ.

Thời hạn trả nợ 60 triệu đôla (một phần của nợ gốc, chủ nợ chính là Credit Suisse và các chủ nợ khác là Standard Chartered Bank Plc. DEPFA Plc, Kuwait SAK với khoản vay 600 triệu đôla), cuối cùng là ngày 20 tháng 12, 2010.

Giả sử, Credit Suisse có gia hạn thời gian trả nợ cho Vinashin thì cũng vô ích mà thôi, vì tập đoàn này khẳng định họ không có tiền để trả và khoản vay 600 triệu không có gì (tức là không có tài sản, bất động sản hay động sản) thế chấp; các chủ nợ trông cậy vào chính phủ, chính phủ đã “phủi” tay rồi.

Vậy thì giải pháp chung cuộc cho Vinashinh sẽ là gì? Theo quy định pháp luật VN và thông lệ quốc tế, Vinashin sẽ làm bản tự khai phá sản, tân Tổng Giám Ðốc Nguyễn Ngọc Sự lãnh trách nhiệm, và hai nhân vật tế thần là Phạm Thanh Bình, Trần Quang Vũ và hàng loạt các giám đốc công ty con ra hầu tòa về ở vi la!

Xin nhắc, trước đó, quyết định của TT Nguyễn Tấn Dũng ký hôm 18 tháng 11 đã phê duyệt đề án tái cơ cấu tập đoàn Vinashin chiết giảm từ gần 200 công ty con nay chỉ còn lại 15 công ty, thời gian tái cơ cấu kéo dài từ năm 2011 tới 2013 và bổ nhiệm tân Tổng Giám Ðốc Nguyễn Ngọc Sự, như vậy, có thể vụ Vinashin sẽ cù cưa cho đến ba năm.

Cách đây hai năm, TT Dũng dường như đã tiên liệu sự đổ vỡ của Vinashin khi tập đoàn này mở rộng mạng lưới vào thị trường tự do, ông tỏ ra không tin tưởng vào hệ thống quản trị của tập đoàn Vinashin, ông thú nhận trong cuộc phỏng vấn trên tờ The Wall Street Journal rằng VN cần có cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân mạnh (1). Nhà nước là nhà nước nào? Tư nhân là tư nhân nào?

Trên thực tế Vinashin đã tự giải thể rồi. Credit Suisse “Bắc thang lên hỏi ông Trời...”


Tham khảo:

(1) Bộ Ngoại Giao, VOA, BBC- Phỏng vấn Ðại Sứ Lê Công Phụng, BBC (16/7/2010 - 9/12/2010).

(2) RFA- Mặc Lâm (29/11/2010), RFA- Nam Nguyen (5/12/2010).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét