LTS: Nhân dịp Hạ Viện Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi đưa Việt Nam vào danh sách cần quan tâm đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo, báo Người Việt có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với một tác giả nghị quyết này, Dân Biểu Ed Royce.
Hà Giang (NV): Thưa Dân Biểu Ed Royce, là tác giả của nghị quyết 20, yêu cầu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC) vì vi phạm tự do tôn giáo, xin ông vui lòng chia sẻ cảm tưởng của mình sau khi nghị quyết này đó được thông qua vào sáng sớm hôm nay?
Dân Biểu Ed Royce ( Hình: Dan Huynh/NguoiViet)
DB Ed Royce: Vâng, chúng tôi đã có một cuộc tranh luận rất căng thẳng tối hôm qua, trong đó ba người chúng tôi gồm Dân Biểu Joseph Cao, Dân Biểu Chris Smith, và tôi, đã cố gắng đưa ra những dẫn chứng tại sao Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cần phải đưa Việt Nam vào danh sách “quốc gia cần quan tâm đặc biệt”. Dân Biểu Cao đã kể lại những kinh nghiệm xảy ra cho thân quyến của mình, và Dân Biểu Chris Smith cũng hùng biện không kém. Trong khi đó ông Faleomavaega, chủ tịch của tiểu ban về Á Châu thì chống nghị quyết này. Rất may, chúng tôi đã chiếm được ưu thế, thuyết phục được mọi người, và cuối cùng thì nghị quyết đã được thông qua.
NV: Trước những quan điểm không thuận lợi cho nghị quyết, phe ủng hộ đã chiếm được ưu thế, thuyết phục được mọi người là nhờ yếu tố nào?
DB Royce: Lập luận hùng hồn nhất để thuyết phục Hạ Viện đi đến quyết định thông qua nghị quyết này là dữ kiện hiện có hơn 600 nhà thờ Ki Tô Giáo không được chính quyền cho phép hoạt động, việc có 355 tín đồ Ki Tô Giáo đang phải ngồi tù vì tín ngưỡng của họ, sự kiện lãnh đạo của Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị ngồi tù hay quản chế, và việc các tín đồ Công Giáo tiếp tục bị ngược đãi. Chúng tôi cũng đọc bản tường trình của Human Rights Watch về những gì đang xảy ra trong việc đất đai của Giáo Hội Công Giáo bị tước đoạt, và tín đồ Công Giáo bị đánh đập khi đất đai của nhà thờ bị cưỡng chế. Chúng tôi cũng đưa ra hình ảnh một số tín đồ Công Giáo bị đánh đập và tra tấn cho đến chết. Tôi nghĩ đó là một trong những lý do khiến chúng tôi thuyết phục được các bạn đồng viện.
NV: Thế thì bên chống đối nghị quyết, chẳng hạn như ông Faleomavaega, chủ tịch của tiểu ban về Á Châu, họ đã lập luận thế nào, thưa ông?
DB Royce: Ông Faleomavaega dùng những lập luận giống như lập luận của nhà cầm quyền Hà Nội. Câu hỏi này khiến tôi nhớ đến một sự kiện rất thích thú, đó là việc tờ The Hill, một tờ báo tại Capitol Hill, mà tất cả mọi người làm việc tại Washington D.C. đều đọc, có một bài viết đặc biệt đăng trên trang 9, với tựa đề: “Tôn Giáo tại Việt Nam”. Ðể lăng xê bài báo này, tờ The Hill chạy một tít lớn trên trang nhất, là “Tôn Giáo tại Việt Nam - xem trang 9”. Thế nhưng khi đọc kỹ thì người ta thấy đây thực ra là một bài quảng cáo, được trả tiền bởi chính phủ Việt Nam. Bài viết này đầy rẫy những lập luận tại sao không nên bỏ Việt Nam vào danh sách những “quốc gia cần quan tâm đặc biệt”. Rõ ràng là qua tờ The Hill, nhà cầm quyền Việt Nam đã tìm cách thuyết phục các thành viên của Quốc Hội tại sao không nên ủng hộ nghị quyết 20, nếu không thì tại sao bài viết quảng cáo này lại được ngụy trang cho giống một bài phóng sự? Và tại sao lại được đăng đúng ngày Quốc Hội bỏ phiếu?
NV: Liệu một nghị quyết được thông qua tại Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ mang đến những ảnh hưởng gì cho tự do tôn giáo ở tận Việt Nam thưa ông?
DB Royce: Ðây là một bước rất quan trọng, bởi vì Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (US Commission on International Religious Freedom - USIRF) nhận định rằng tình hình tự do tín ngưỡng của Việt Nam đã đi từ bết bát đến tồi tệ. Trong cuộc tranh luận tối qua, tôi đã nhắc lại những điểm mà USIRF đã nêu, đó là: Những công an thuộc ban an ninh tôn giáo và công an mặc thường phục thường xuyên quấy nhiễu, hăm dọa tín đồ của những tôn giáo không được chính quyền chấp nhận. Bản tường trình của USIRF đã viết rõ là những tín đồ này bị đánh bằng roi điện, còn những tăng ni thì bị tấn công tình dục, USIRF cũng lập luận rằng chính quyền Việt Nam tịch thu tài sản của nhà thờ, điều mà chúng ta ai cũng biết; ngoài ra USIRF cũng còn nhắc đến những vụ cưỡng chế đất đai. Vì thế, tôi cho rằng việc nghị quyết 20 được Hạ Viện thông qua rất quan trọng, cũng quan trọng như việc chúng ta phải nhớ rằng Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ đã trải 33 năm của đời mình hoặc trong tù, hoặc trong tình trạng bị quản chế. Tôi đã gặp gỡ trò chuyện với ông khi ông bị quản chế, nên tôi biết rất rõ thực trạng của tự do tôn giáo dưới chế độ độc tài ở Việt Nam hiện nay.
NV: Cám ơn dân biểu đã dành cho báo Người Việt cuộc phỏng vấn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét