CÀ MAU 25-12 (TH) - Tổng cộng gần 60 quan tham đã chia nhau xâu xét tiền viện trợ “khuyến ngư” ở tỉnh Cà Mau, nhưng chỉ có 5 quan bị truy tố.
Theo tin của Bee.net, “Ngày 24 tháng 12, cơ quan CSÐT Bộ Công An triển khai quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thông Nhận, nguyên PGÐ Sở NN- PTNT và ông Nguyễn Trung Chánh, nguyên PGÐ Trung Tâm Khuyến Ngư tỉnh Cà Mau. Ba cán bộ khác của Trung Tâm Khuyến Ngư là ông Hà Phú Lợi, Lê Quốc Tuấn và bà Hoàng Thị Bút cũng bị khởi tố bị can nhưng cho tại ngoại. 5 vị quan chức này bị khởi tố về hành vi tham ô tài sản theo điều 278 Bộ luật Hình sự.”
Bee.net dựa vào tin từ cơ quan điều tra nói rằng, dự án “Nâng cao năng lực nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Cà Mau” do chính phủ Ðan Mạch tài trợ (2006-2008) “đã bị lập chứng từ khống” để chia nhau nuốt 2.1 tỷ đồng, chi sai nguyên tắc 1.9 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Thông Nhận là giám đốc dự án “chiếm đoạt 55 triệu đồng, ông Nguyễn Trung Chánh là phó giám đốc dự án chiếm đoạt 129 triệu đồng”.
Ngoài 5 người bị truy tố, vẫn theo tin của Bee.net, dính trong vụ này “có gần 60 cán bộ thuộc ngành NN-PTNT tỉnh Cà Mau” nhưng chỉ “bị xử lý hành chính và buộc hoàn trả tiền chiếm đoạt”.
Mỗi khi có “dự án” là có tiền đút túi nên quan chức đủ mọi ngành đã đua nhau lập các dự án để chia chác, tham nhũng. Trong cuộc họp cấp viện ở Hà Nội hồi đầu tháng, chế độ Hà Nội đã bị đòi hỏi chống tham nhũng mạnh mẽ nhưng tình hình không có gì thay đổi.
Mới đây, ngày 16 tháng 12, 2010 tờ báo điện tử VietNamNet trực thuộc Bộ Thông Tin Truyền Thông đã phải đăng lời xin lỗi vì loan tin hôm 14 tháng 12, 2010 là công an CSVN tham nhũng nhất, dựa theo bản phúc trình của Tổ Chức Minh Bạch Thế Giới.
Tổng biên tập VietNamNet nhận biện pháp kỷ luật tự “khiển khách”, một kiểu tự tay tát má mình. Còn ký giả dịch tóm tắt bản phúc trình của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế thì cũng bị cảnh cáo và sẽ không được tái cấp thẻ hành nghề ký giả khi hết hạn.
Ngày 8 tháng 12, đại sứ Thụy Ðiển tại Việt Nam Staffan Herrstrom nói trong cuộc họp cấp viện rằng hiệu quả chống tham nhũng sẽ gia tăng nếu Quốc Hội của chế độ thông qua luật về quyền tiếp cận thông tin. Bởi vì quyền tự do thông tin thật sự là yếu tố hàng đầu để chống tham nhũng.
Toàn bộ guồng máy thông tin tuyên truyền ở Việt Nam đều nằm ở trong tay nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét