Pages

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Giải mã "lợi ích cốt lõi" và "đường lưỡi bò" của Trung Quốc

Huỳnh Phan




GS Tonneson.


Tuần Việt Nam thử tìm sự giải mã cho hai khái niệm này thông qua cuộc trao đổi khá kỹ với Giáo sư Stein Tonnesson từ Viện Nghiên cứu Hoà bình Oslo (Na Uy).

Trong hơn một năm rưỡi trở lại đây, hai khái niệm được phía Trung Quốc đưa ra liên quan đến tranh chấp Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" và "đường lưỡi bò" đã dấy lên nhiều tranh cãi, nhiều khi đến căng thẳng, trong các diễn đàn khu vực. Bất kể đó là diễn đàn của các nhà hoạch định chính sách đối ngoại, quốc phòng (ARF và ADMM+), hay giữa các học giả (hội thảo quốc tế Biển Đông).

Cũng có nhiều giả thiết, hay cách suy luận được đưa ra từ phía giới hoạch định chính sách, hay giới nghiên cứu nước ngoài. Cũng có nhiều cách giải thích ở các mức độ khác nhau từ giới hoạch định chính sách và giới học giả Trung Quốc.

Nhưng, tựu trung, dư luận vẫn tỏ ra khá mơ hồ về về hai khái niệm này. Thậm chí, có vị học giả như Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Indonesia Hasjim Djalal nhận xét với phóng viên Tuần Việt Nam rằng Trung Quốc có thói quen cứ đưa ra quan điểm mập mờ như vậy để thiên hạ thi nhau đoán già đoán non, và mỗi quốc gia sẽ chọn cách ứng xử theo suy đoán của mình. Và, theo nhà ngoại giao kỳ cựu này, Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ những phương án có lợi nhất đối với họ.

Có những vị học giả khác, như Giáo sư Leszek Buszynski từ Úc, lại cho rằng thức chất Trung Quốc cũng chưa biết họ thực sự muốn gì, bởi ngay trong nội bộ họ cũng chưa thống nhất được quan điểm.

Tuần Việt Nam thử tìm sự giải mã cho hai khái niệm này thông qua cuộc trao đổi khá kỹ với Giáo sư Stein Tonnesson từ Viện Nghiên cứu Hoà bình Oslo (Na Uy) - người tham gia cả hai cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông, được tổ chức tại Việt Nam thời gian qua.

Sự mập mờ trong khái niệm "lợi ích cốt lõi"

Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông vừa qua, có những học giả, trong đó có Giáo sư Leszek Buszynski, lập luận rằng Trung Quốc có nhiều trường phái với quan niệm và lợi ích khác nhau, không đồng nhất trong quan niệm về lợi ích cốt lõi, lợi ích chiến lược, hay lợi ích quốc gia. Chính vì vậy, vì vậy Trung Quốc đã sử dụng các thuật ngữ này một cách lỏng lẻo, chứ không có định nghĩa chính thức, rõ ràng.

Xin Giáo sư cho biết quan điểm của mình.

Điều này thực sự là một vấn đề được tranh luận khá căng thẳng tại hội thảo. Và rõ ràng rằng cho đến nay không hề có một phát ngôn chính thống nào của Trung Quốc về việc họ coi Biển Hoa Nam (Biển Đông) là "lợi ích cốt lõi", tương tự như Đài Loan và Tây Tạng, hay thậm chí Tân Cương.

Có một thực tế là tháng 3.2009, sau sự kiện một tàu khảo sát của Mỹ (Impeccable) tiến sâu vào lãnh hải của Trung Quốc (cách đảo Hải Nam 75 hải lý), đã có một cuộc gặp giữa nhà hoạch định chính sách đối ngoại số một Trung Quốc, Uỷ viên Quốc Vụ Đới Bỉnh Quốc, và đại diện phía Mỹ. Trong cuộc gặp này, ông Đới Bỉnh Quốc được dẫn là đã nói với phía Mỹ rằng "đây là nơi Trung Quốc cho rằng có lợi ích cốt lõi".

Và chính sự mơ hồ trong lời nói của Đới Bỉnh Quốc đã gây ra sự tranh cãi căng thẳng không chỉ trên truyền thông, hay trên các diễn đàn an ninh khu vực, mà cả giữa các học giả, như trong hai cuộc hội thảo về Biển Đông tại Việt Nam.

Xin Giáo sư giải thích rõ hơn?

Sự mập mờ nằm ở từ "đây". Liệu đó có phải là toàn bộ Biển Hoa Nam (Biển Đông) hay không? Hay "đây" chỉ là vùng nước phía nam đảo Hải Nam? Bởi rõ ràng vùng nước này cực kỳ quan trọng đối với hải quân Trung Quốc và họ đã xây dựng căn cứ hải quân Tam Á, hiện tại dành cho cả tàu ngầm, và tương lai có thể là căn cứ của hàng không mẫu hạm.


Hải quân Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: LAD



Khả năng thứ hai hoàn toàn dễ hiểu và dễ chấp nhận, bởi bất cứ quốc gia nào trong trường hợp tương tự đều coi vùng nước gần căn cứ hải quân của họ là khu vực có "lợi ích cốt lõi". Và việc Trung Quốc không chấp nhận tàu khảo sát của Mỹ tiến gần tới căn cứ hải quân của họ là hoàn toàn có thể giải thích được.

Hơn nữa, Mỹ chắc cũng chẳng vui vẻ gì khi tàu khảo sát của Trung Quốc tiếp cận bờ biển của họ. Và, tôi nghĩ, hầu hết các quốc gia duyên hải có thể hiểu được quan điểm của Trung Quốc trong trường hợp này, bởi phạm vi hoạt động của tàu khảo sát không nhất thiết được điều chỉnh bởi nguyên tắc tự do hàng hải.

Theo tôi, Việt Nam, Malaysia, Philippines, hay Indonesia cũng chưa hẳn đã chia sẻ quan điểm với phía Mỹ. Thế nhưng, đối với tranh chấp Biển Hoa Nam (Biển Đông) các quốc gia Đông Nam Á này coi việc Mỹ khẳng định lập trường của họ về tự do hàng hải như một sự đối trọng với Trung Quốc.

Nói chung chẳng ai hiểu thực chất cái gọi là "lợi ích cốt lõi" là gì, mà chỉ biết về nó qua những gì mà người Mỹ và người Nhật công bố bằng văn bản vào tháng 4, hoặc mùa hè năm ngoái, sau khi nhận xét của ông Đới Bỉnh Quốc được đưa ra. Và cũng chưa có bất cứ nguồn tin nào từ Trung Quốc khẳng định điều này một cách chính thức.

Về việc này, tôi nghĩ người Trung Quốc đã không ngờ rằng trong câu chuyện trao đổi kín với tinh thần thẳng thắn và cởi mở với phía Mỹ lại bị đưa ra công khai.

Trung Quốc không khôn ngoan như người ta tưởng

Một học giả đến từ Indonesia tên là Hasjim Djalal, đã nhận xét rằng ông có cảm giác người Trung Quốc luôn có cách hành xử một cách bí hiểm. Mọi quốc gia liên quan phải tự đoán xem Trung Quốc muốn gì và mỗi quốc gia sẽ phải quyết định một lối ứng xử trên trên cơ sở sự suy đoán của mình. Từ đó, Trung Quốc sẽ lựa chọn phương án có lợi nhất cho mình.

Người Việt Nam có câu "người khôn ăn nói nửa chừng..." Giáo sư có nghĩ như vậy không?

Tôi không nghĩ là người Trung Quốc lại đủ khôn như vậy đâu. Tôi thiên về quan điểm của Giáo sư Leszek Buszynski rằng Trung Quốc thực sự cũng chưa biết mình muốn gì. Bởi đơn giản, ở Trung Quốc có nhiều nhóm lợi ích. Mặc dù, cũng không nhất thiết là mỗi nhóm lợi ích này đều đã bộc lộ rõ quan điểm, sự hiểu biết và mong muốn của họ.

Ngay tại hội thảo về Biển Đông lần thứ nhất, một trong những mối quan tâm lớn nhất là ngay cả ở Trung Quốc cũng có những cách hiểu khác nhau về đường lưỡi bò. Tức là bản thân người Trung Quốc cũng không thể thống nhất với nhau. Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc Vụ viện nước này cũng không tỏ ra nỗ lực làm sáng tỏ khái niệm này.

Vì vậy, một trong những cách diễn giải nó là viện dẫn tới khái niệm "vùng nước lịch sử". Nếu đọc Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), rõ ràng anh sẽ thấy cách giải thích này không thể chấp nhận được. Cái gọi là "vùng nước lịch sử" bắt buộc phải nằm bên trong lãnh thổ một quốc gia, chứ không thể nằm giữa lãnh thổ hai, hoặc nhiều quốc gia, như trường hợp của Biển Hoa Nam (Biển Đông).

Nếu thực sự Trung Quốc tin rằng họ đúng, họ phải thuyết phục các quốc gia có liên quan ở khu vực này chấp nhận cách hiểu khác đi. Tất nhiên là theo tinh thần của một luật biển mới, do người Trung Quốc soạn thảo ra, chứ không phải là theo tinh thần của UNCLOS.

Giáo sư có nghĩ là người Trung Quốc có thể lạc quan với ý tưởng về một bộ luật biển hoàn toàn mới như vậy hay không?

Tôi đoan chắc rằng sẽ chẳng nước nào sẽ chịu chấp nhận. Thậm chí trong trường hợp Trung Quốc dùng vũ lực để ép buộc họ phải chấp nhận.

Thế còn những khả năng khác, thưa Giáo sư?

Đó là cách diễn giải rằng tất cả các đảo thuộc vùng nước này đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và là phần lãnh thổ kéo dài của nước này. Và vì vậy, chúng được hưởng qui chế về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh. Về lý thuyết, người Trung Quốc được quyền đưa ra những lập luận thuyết phục về chuyện này, nhưng phải trong khuôn khổ UNCLOS.

Nhưng, trong thực tế, ngay cả trong trường hợp họ chứng minh được hai quần đảo này là phần lãnh thổ kéo dài của lục địa Trung Hoa, thì khoảng cách từ vùng bờ biển gần nhất của họ đến hai quần đảo này cũng xa hơn so với khoảng cách giữa chúng và bờ biển của Việt Nam, Brunei, hay Philippines – những quốc gia có yêu sách chủ quyền khác.

Tức là đường lưỡi bò khó có thể chấp nhận dưới cả góc độ này lẫn góc độ kia. Nhưng tại sao vẫn có những người ở đất nước này tin vào câu chuyện hoang đường đó, thưa Giáo sư?

Tuy nhiên, liên quan đến "đường lưỡi bò", theo tinh thần của luật biển quốc tế, vẫn có một khả năng được coi là dễ chấp nhận hơn cả. Đó là việc "đường lưỡi bò" thể hiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo bên trong đường này.

Trong trường hợp này, Trung Quốc phải chứng minh, theo tinh thần của UNCLOS, rằng họ có những chứng cứ lịch sử và pháp lý đối với Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa) mạnh hơn hẳn so với các chứng cứ của bất kỳ quốc gia có yêu sách chủ quyền nào khác. Đó là điều sớm muộn cũng phải được giải quyết một cách rõ ràng và dứt khoát.

H. P.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét