Pages

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Lưu Hiểu Ba: Ngọn Đuốc Nhân Quyền Ở Trung Quốc


Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên Nobel Hoà bình 2010.



Bùi Văn Phú


10 tháng 12 là ngày Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, một văn kiện với những công ước kèm theo về quyền chính trị, kinh tế, giáo dục do Liên hiệp quốc ban hành năm 1948 và được nhiều quốc gia trên thế giới phê chuẩn. Tính đến nay bản Tuyên ngôn đã 62 tuổi và đang là kim chỉ nam cho các chính phủ tham khảo để ban hành và thực thi những chính sách nhằm thăng tiến quyền căn bản của con người trên thế giới.
Cũng ngày này hằng năm ở Olso, thủ đô Na-Uy có buổi lễ trao giải Nobel Hoà bình. Nhưng năm nay người được giải không thể đến dự và cũng không có thân nhân đại diện để nhận giải. Chiếc ghế dành cho khôi nguyên sẽ trống.
Sự việc Ủy ban Nobel Hoà bình quyết định trao giải cho ông Lưu Hiểu Ba, một nhà tranh đấu dân chủ ở Trung Quốc đang bị án tù 11 năm vì kêu gọi dân chủ hoá đất nước đông dân nhất hoàn cầu đã khiến Bắc Kinh bực tức lên án, kể cả việc hù doạ chính quyền Na-Uy trước ngày giải thưởng được công bố vào đầu tháng Mười vừa qua. Tuần trước Trung Quốc đã quyết định chấm dứt các thảo luận với Oslo để phản đối.
Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế và đang có ảnh hưởng lớn ở châu Á, châu Phi và có quan hệ thương mại ngày càng phát triển với châu Âu, châu Mỹ, nhưng phản ứng gay gắt của lãnh đạo nước này trước việc Lưu Hiểu Ba được trao giải chỉ làm trò cười cho chính phủ các nước tự do dân chủ. Ở những quốc gia này giới lãnh đạo đều hiểu rằng quyết định của Ủy ban Nobel Hoà bình là một quyết định hoàn toàn độc lập, chính quyền Oslo không có sức ép gì liên quan đến việc trao giải và cũng không thể can thiệp được vào việc chọn hay không chọn một nhân vật hay tổ chức trong số những ứng viên đã được đề nghị cho giải thưởng cao quí này.
Với sự vắng mặt của người được giải và sự kiện không có cả đại diện là một điều gây chú ý. Kể từ năm 1936, khi Nazi ngăn cấm người được giải đi Oslo, đây là lần đầu tiên chiếc ghế dành cho khôi nguyên Nobel Hoà bình lại bị bỏ trống.
Trong quá khứ đã có những khôi nguyên không thể đến dự vì hoàn cảnh và điều kiện chính trị tại quốc gia nơi người được giải sinh sống. Như trường hợp khoa học gia Liên-Xô Andrei Sakharov vào năm 1975, lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết Ba Lan Lech Walesa năm 1983 hay nhà tranh đấu cho dân chủ Myanmar là bà Aung San Suu Kyi năm 1991. Dù không được phép rời quê nhà đi Na-Uy nhận giải, hay vì lo sợ ra đi sẽ không có cơ hội trở về nguyên quán, nhưng những người được trao giải vẫn có thể gửi đại diện là người phối ngẫu hay thân nhân thay mặt đi dự.
Trường hợp Lưu Hiểu Ba thì đã bị chính quyền Bắc Kinh gay gắt làm khó dễ. Ngay sau khi giải thưởng được công bố, vợ ông được phép đi thăm để thông báo cho chồng còn trong tù và sau đó bà đã bị giam lỏng. Mọi liên lạc của vợ ông và anh em trong gia đình với thế giới bên ngoài bị cắt đứt. Nhà nước đã không cho phép bà hay bất cứ người thân nào, kể cả những người đã đồng ý với Lưu Hiểu Ba kí tên vào Linh bát Hiến chương kêu gọi dân chủ hoá Trung Quốc, có cơ hội rời quê hương vì e ngại họ có thể thay mặt Lưu Hiểu Ba nhận giải hoặc chỉ để tham dự buổi lễ tổ chức tại thị sảnh thành phố Olso vào ngày 10.12.
Trung Quốc còn tạo áp lực với nhiều quốc gia để chính phủ các nước tẩy chay buổi lễ. Trong số 65 đại diện ngoại giao được mời, 19 chính phủ cho biết họ sẽ không gửi đại sứ đến dự, trong đó có Việt Nam, Philippines, Cuba, Pakistan, Russia, Sudan, Tunisia, Venezuela, Egypt.
Bằng một hình thức phản đối khác, chính quyền Trung Quốc vừa lập ra giải Hoà bình Khổng Tử và người đầu tiên được chọn là Liên Chan, cựu phó tổng thống Đài Loan.


Biểu tình tại San Francisco phản đối Trung Quốc vi phạm nhân quyền trong dịp Thế vận hội Beijing 2008 (Ảnh Bùi Văn Phú)




Nhìn lại lịch sử giải Nobel Hoà bình, những khôi nguyên ít nhiều cũng đã giúp thăng tiến nhân quyền, bình đẳng, hoà bình, dân chủ cho đất nước của họ. Hoa Kỳ có Mục sư Martin Luther King Jr., Ba Lan có Lech Walesa, Nam Hàn có Kim Dae-jung, Nam Phi có Giám mục Desmond Tutu, Nga sô có Andrei Sakharov và Mikhail Gorbachev. Hay nếu chưa có dân chủ, tự do thì khôi nguyên của giải cũng như ngọn đuốc để thế giới nhìn vào và quan tâm hơn đến ước vọng của người dân nơi đó như trường hợp bà Aung San Suu Kyi của Myanmar.
Trung Quốc muốn trở thành cường quốc, hoà nhập với thế giới thì không thể tiếp tục chà đạp những quyền căn bản của con người, trong đó có tự do phát biểu chính kiến. Ở những nước cộng sản còn lại, trong đó có Trung Quốc, người dân thường bị kết tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” khi họ lên tiếng phát biểu quan điểm trái nghịch với nhà nước hay đòi hỏi dân chủ, cải cách chính trị.
Quyết định của Ủy ban Nobel Hoà bình khi trao giải cho Lưu Hiểu Ba không phải là một sự “can thiệp thô bạo vào nội bộ Trung Quốc” hay là “trò hề nhằm chống Trung Quốc” như quan chức Bắc Kinh lên tiếng phản bác.
Với giải Nobel Hoà bình trao cho nhà tranh đấu dân chủ Lưu Hiểu Ba, phát triển kinh tế của Trung Quốc có tăng trưởng thì nhân quyền ở đó cũng sẽ được thế giới chú ý đến hơn. Dù Bắc Kinh có thích chuyện này hay không.
© 2010 Buivanphu.wordpress.com

BÙI VĂN PHÚ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét