Pages
▼
Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010
Minh bạch nguồn thu khai khoáng
Rõ ràng, chúng ta chưa có một công cụ để giám sát quá trình khai thác khoáng sản. Ảnh minh hoạ. Ảnh: TL SGTT
SGTT.VN - “Ai giữ được tài nguyên thiên nhiên, người đó sẽ thắng ở cuộc đua tiếp. Việt Nam chưa có một công cụ để giám sát quá trình khai khoáng. Giải pháp đơn giản hiện nay là minh bạch nguồn thu trong khai khoáng” – GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị.
Những trăn trở của ông Võ được đưa ra trong bối cảnh luật Khoáng sản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, thay thế cho luật cũ bị cho có nhiều bất cập. Ông nói:
Sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi, các nước đã nghiệm ra rằng, đẩy GDP quá và đưa năng lực tài chính làm trung tâm có thể dẫn đến thảm hoạ kinh tế. Chỉ có hai yếu tố quyết định sự phát triển là tri thức và tài nguyên. Trong hai yếu tố đó, tri thức tạo nên sự khôn khéo trong quá trình phát triển. Tài nguyên thiên nhiên là năng lực để phát triển. Điều này thúc giục chúng ta phải thận trọng trong việc khai thác tài nguyên, nếu không sẽ thất bại trong cuộc đua về sau.
Hiện thế giới, trên cơ sở đánh giá vai trò của tài nguyên thiên nhiên, đã đưa ra những tiêu chí về tiết kiệm tài nguyên, quy hoạch hợp lý, cách thức khai thác, xử lý những tác động của khai thác tài nguyên vào môi trường…
Một số nước như Mỹ hay Trung Quốc, đường lối sử dụng tài nguyên đặt ra khá rõ: đóng cửa khai thác tài nguyên trong nước, mua tài nguyên nước ngoài…
Thưa ông, trong xu thế này, đề xuất minh bạch hoá nguồn thu trong khai thác khai khoáng của ông có ý nghĩa gì?
Ba đến bốn năm gần đây, vấn đề khai thác khoáng sản trở nên nóng. Thậm chí, tại nhiều địa phương, có thể nóng hơn vấn đề đất đai. Cơ chế quản lý vẫn còn kiểu từ hồi bao cấp, nhiều điểm chưa rõ ràng. Chẳng hạn, thế nào là khai thác tận thu hay không tận thu? Chúng ta thiếu một bộ tiêu chí chính xác. Thêm vào đó, hệ thống quản lý lại chưa đủ mạnh. Còn nhiều chính quyền cấp xã ở những vùng hẻo lánh cho phép một doanh nghiệp vào khai thác khoáng sản…. Rõ ràng, chúng ta chưa có một công cụ để giám sát quá trình khai thác khoáng sản.
Tham gia tổ chức minh bạch nguồn thu trong khai khoáng quốc tế, chúng ta sẽ có điều kiện giải quyết được những tồn tại này.
Ông có thể nói rõ hơn?
Việc công khai minh bạch nguồn thu tưởng chừng đơn giản nhưng nó làm được một điều rất lớn cho từng nước. Cụ thể, nó cho biết tài nguyên hiện đang mất bao nhiêu? Làm lợi cho những ai? Được và mất đã tương xứng chưa? Tham gia tổ chức này còn có điều kiện để học kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống quản lý, sớm giải quyết tốt vấn đề giá trị. Những vấn đề tiếp theo cũng sẽ được xử lý, ví dụ như doanh nghiệp chưa đầu tư đúng mức vào việc bảo vệ môi trường thì phải đầu tư thêm. Thuế môi trường chưa thoả đáng với quyền lợi nhà nước, nhân dân được hưởng thì sẽ phải tăng thuế… Từ đó, sẽ có cơ sở để đưa ra quyết định tiếp tục giữ lại hay khai thác, bao nhiêu? Nên khai thác, quản lý khai khoáng như thế nào? Và sẽ đưa ra được cách tính tổng thể để giải quyết tận gốc bài toán lợi ích – chi phí của việc khai thác tài nguyên thiên nhiên hiện nay.
Minh bạch là bước đi quan trọng nhất để tạo được nền hành chính vì dân, đồng thời ngăn ngừa tham nhũng. Mà xin nói rằng, khai khoáng cũng dễ nảy sinh tham nhũng.
“Tổ chức quốc tế về minh bạch hóa nguồn thu trong khai thác tài nguyên thiên nhiên” ra đời gần đây được xem như là sáng kiến tốt. Hiện đã trên mười quốc gia tham gia. Trong đó, ở Đông Nam Á có Indonesia – nước đang làm rất tốt việc khai khoáng. Tham gia một cộng đồng lấy minh bạch làm trọng tâm sẽ tác động đến tư duy quản lý nhiều hơn. Chúng ta có điều kiện để đổi mới tư duy. Vào đấy, chúng ta được trao đổi kinh nghiệm, được hỗ trợ, hợp tác… Như vậy, chỉ một giải pháp là minh bạch hoá nguồn thu khai khoáng có thể giải quyết được nhiều vấn đề trọng đại thì tại sao không làm?
Ông đánh giá việc minh bạch về khai khoáng hiện nay ở Việt Nam?
Việt Nam hiện có nhiều việc vẫn chưa được minh bạch hoá. Chẳng hạn, pháp luật chúng ta yêu cầu minh bạch hoàn toàn, công khai hoàn toàn về quy hoạch sử dụng đất. Nhưng vừa rồi ngân hàng Thế giới đã có một cuộc truy cập vào các trang web về quy hoạch sử dụng đất thì thấy nhiều nơi còn để trống. Nhiều nơi chỉ công bố một phần nhỏ và nhiều nơi đưa những thông tin không phải quy hoạch sử dụng đất vào đó.
Minh bạch là bước đi quan trọng nhất để tạo được nền hành chính vì dân, đồng thời ngăn ngừa tham nhũng. Mà xin nói rằng, khai khoáng cũng dễ nảy sinh tham nhũng. Vì vậy, chúng ta cần một quyết tâm để minh bạch toàn bộ quá trình này.
Vừa rồi khi thảo luận Luật khoáng sản, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau giữa đấu giá, không đấu giá, chỉ đấu giá việc khai thác hay đấu giá cả việc thăm dò, hình thức đấu giá thế nào hợp lý… Đấu giá cũng là hướng đến minh bạch.
Thế nhưng, cuối cùng Quốc hội vẫn chưa liệt “quyền thăm dò khoáng sản” vào diện phải đấu giá, ông có lấy làm tiếc vì điều này?
Cả hai luồng ý kiến về đấu giá hay không đấu giá quyền thăm dò đều có lý lẽ riêng. Thăm dò cũng như đang đi đánh cá, có hôm bắt được con to, hôm bắt được con bé, nhiều ít khác nhau. Nếu đấu giá quyền đánh cá khi chưa biết kết quả thế nào, e rằng làm thui chột động lực doanh nghiệp tham gia vào quá trình tìm kiếm tài nguyên cho đất nước. Nghe cũng có lý. Thế nhưng, khi thị trường thật mạnh, thật hoàn chỉnh, thì ngay cả khi chưa biết chắc ở dưới có cá hay không người ta vẫn tham gia đấu giá, ai tự tin thì chấp nhận đầu tư rủi ro (khi đó, họ sẽ được hưởng lợi ích lớn hơn). Quan điểm riêng của tôi là nên quy định đấu giá từ khâu thăm dò vì một khi giải quyết bằng biện pháp hành chính thì sẽ mất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Hà Minh (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét