Pages

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

Sài Gòn: Lo Sợ Nước Thải Y Tế Gây Ô Nhiễm Thê Thảm

Xử lý nước thải bằng bồn lọc vi sinh tại Viện 175 ( Tổng y viện Cộng Hòa cũ)




SAIGON (VB) -- Vừa qua, báo cáo với đoàn giám sát của Ban Kinh tế và ngân sách Hội Đồng ND thành phố Sài Gòn, Sở Y tế cho biết hiện nay trên địa bàn TP có 113 bệnh viện (BV) đang hoạt động, trong đó chỉ có 59 BV đã có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc “đã hoàn thành dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải”.
Nước thải y tế ở thành phố Sài Gòn tiếp tục là một câu chuyện đáng lo ngại, dù đã được đặt lên bàn họp HĐND cách đây 4 năm.
Khi ấy, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường đã đổ lỗi cho... lịch sử, rằng do nhiều BV đã xây dựng quá lâu, hệ thống xử lý nước thải xuống cấp, trong khi lượng bệnh nhân ngày càng tăng nên không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Cả giám đốc Sở TN-MT và Sở Y tế đều phân bua rằng không thể cải thiện ngay lập tức mà cần phải có thời gian để các BV nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới.
Song sau 4 năm, không ít BV vẫn còn loay hoay chuẩn bị đầu tư xử lý nước thải, điển hình là các BV Quận 4, Quận 11, Củ Chi, Cần Giờ, Phú Nhuận, Bình Chánh.v.v….
Còn về 34 BV tư nhân thì có 15 BV theo Sở Y tế là đã quá tải công suất khám chữa bệnh, bắt buộc phải nâng cấp đầu tư hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải. Chưa kể hiện ở Sài Gòn còn có hơn 7200 phòng khám tư nhân và hầu hết xử lý nước thải rất đơn giản, chỉ qua bể tự hoại, khử trùng sơ rồi thải trái phép ra cống rãnh.
Đúng ra, từ nhiều năm nay chính quyền Sài Gòn đã có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế theo hình thức xã hội hóa.
Theo đó, sẽ mời các nhà đầu tư có năng lực “bao” trọn gói, từ xây dựng đến vận hành, hệ thống xử lý nước thải cho các BV và các BV trả chi phí xử lý cho nhà đầu tư.
Kết quả đến nay là chỉ mới có Công ty TNHH Môi Trường Việt - Nhật được chọn làm đối tác đầu tư xử lý nước thải cho BV Nhi Đồng 1 (công suất 1000m3/ngày) và BV Hùng Vương (1000m3/ngày). Chủ trương “xã hội hóa” này được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng mới đây, họ đều cho rằng bị trói tay trói chân bởi các thủ tục hành chính rườm rà.
Theo các nhà đầu tư này, với công nghệ hiện nay việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các BV chỉ cần 1-2 tháng, thậm chí 1-2 tuần vì đã được thiết kế sẵn thành dạng container hoặc bồn chứa di động, chỉ cần chọn vị trí lắp đặt và không chiếm nhiều diện tích.
Với những công nghệ mới này chi phí xử lý 1m3 nước thải y tế chỉ khoảng 1000-1500 đồng, rẻ hơn nhiều so với mức trung bình 5000 đồng/m3 hiện nay. Điều này cho thấy chính quyền Sài Gòn hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề nước thải y tế trong một thời gian ngắn nếu tháo gỡ hết những rào cản thủ tục, thay vì quản lý cứng nhắc để tình trạng này kéo dài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét