Pages

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Tâm thư gửi Quốc Hội

Kính gửi: Ông Chủ tịch Quốc Hội,
Đồng kính gửi các vị đại biểu Quốc Hội

Tôi là Trầm Lâm, (vài nét lý lịch được ghi ở dưới), xin đề xuất với Quốc hội các kiến nghị sau:

Kiến nghị 1:

Trình độ pháp luật của ta còn hạn chế. Việc đấu tranh nghị trường, việc Quốc Hội hoạt động như thế nào còn thật là mới mẻ. Một tổ chức lớn như Quốc Hội đòi hỏi phải có một bộ máy vận hành thành thạo, một sự điều hành vững vàng.
Vì thế tôi đề nghị: trước khi tổ chức bầu cử Quốc Hội mới, có thể tổ chức bầu tái nhiệm 1/3 đại biểu Quốc Hội cũ, coi như giữ lại cốt cán cho Quốc Hội mới.

Quốc Hội là cơ quan lập pháp, đề xuất và thực hiện việc này là không quá khó khăn, không vượt quá thẩm quyền.

Nói về Đảng, có thể bầu Bí thư Tỉnh ủy trước khi mở Đại hội, mà Bí thư Tỉnh ủy mặc nhiên là Ủy viên Trung ương thì coi như đã bầu trước khi mở Đại hội 65 Ủy viên Trung ương.

Việc này Đảng làm được thì Quốc hội có thể làm được việc kia, việc tuy mới nhưng cần thiết thì nên làm, làm rồi sẽ quen đi, sẽ thành nếp.

Bất cứ tổ chức nào dù lớn hay nhỏ đều phải có cốt cán, rường cột mới mong tổ chức ấy hoạt động hữu hiệu.

Đó là suy nghĩ của tôi trước đề nghị này.

Kiến nghị 2:

Gần đây Quốc hội thẩm tra với thái độ thận trọng và triệt để các việc lớn của đất nước: Vinashin; Bauxite; Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội… dư luận tán đồng, Quốc Hội từ thụ động đến năng động, có hiệu lực và có kết quả rõ ràng.

Vẫn còn một băn khoăn: gần đây rất nhiều việc lớn về chính trị, về ngoại giao, có những việc vang động thế giới, xoay chuyển tình hình khu vực, đảo nghịch quan hệ giữa các nước ở Đông Nam Á… Việt Nam đã có những động thái, những cuộc vận động quốc tế ngoạn mục, nâng cao vị thế ASEAN, vị thế Việt Nam. Nổi bật là việc Mỹ trở lại Đông Nam Á… Những thay đổi này, những thành tựu mà Việt Nam đạt được trên phương diện chính trị và ngoại giao, làm nức lòng những người hiểu biết, nếu được quảng bá rộng rãi sẽ có tác động to lớn.

Chúng ta thấy trên phương tiện thông tin đại chúng, tình hình và tin tức các việc này như “mưa bay gió thoảng”. Phải chăng, thông tin đã bị hạn chế?

Quốc hội không thấy có sự xem xét, thẩm tra mặt ngoại giao chính trị này, đấy là một sự băn khoăn của nhiều người.

Tháng 12 tới, Trung Quốc sẽ cử người tham gia tu chỉnh công ước ứng xử ở Biển Đông, hoạt động ngoại giao này vô cùng quan trọng, thiết nghĩ cần được Quốc Hội xem xét kíp thời, có những ý kiến đề xuất, những đòi hỏi, với thái độ rõ ràng, thể hiện việc Quốc Hội tham gia vào một việc lớn của đất nước. Như thế vai trò của Quốc Hội mới toàn diện, nhằm đúng vào những điểm then chốt của đất nước.

Kiến nghị 3:

Xét trên các phương diện truyền thông, trên các mặt hoạt động, trên các việc lớn của quốc gia, có thể nhận thấy trong lãnh đạo có sự phân hóa – phe cánh đã hé lộ… Đây là một tình trạng vô cùng nguy hiểm, cuộc tranh chấp gây ra hỗn loạn, kẻ thù trong ngoài có thể lợi dụng, biết bao những khó khăn, những mối nguy hiểm, có thể xảy ra đến mức không có lối thoát.

Ở nước ta hiện nay không có đa đảng, không có lãnh tụ kiệt xuất, không có nhóm người lãnh đạo tinh hoa đã được nhân dân công nhận… cho nên, cần phải nhen nhóm và khởi động, việc này chỉ có Quốc Hội làm được.

Mong Quốc Hội hiểu cho điều này, Quốc Hội đã tiến bước tới “vì dân”, nếu Quốc Hội tiến thêm một bước nữa, nhân dân sẽ nhìn thấy vai trò của Quốc Hội, sẽ tin tưởng Quốc Hội, coi như Quốc Hội là của mình, thế là Quốc Hội trở thành “của dân”.

Trong đợt hoạt động chính trị ngoại giao trong mấy tháng vừa qua với những thành quả vang dội. Có thành quả thì phải có người tạo nên. Thái độ có lẽ lúc này phải: “Đối sự, không đối nhân”, ai làm nên thành tích, không cần nêu đích danh nhưng ít nhất cũng phải làm cho nhân dân suy nghĩ về những tác nhân, tôn vinh họ, không vì lý do họ là ai, họ như thế nào, rồi từ đó không đả động gì đến họ.

Đợt hoạt động chính trị ngoại giao vừa rồi gây chấn động thế giới, thế mà dư luận ở trong nước im lặng một cách đáng sợ. Người ta nghĩ đến một sự can thiệp của nước ngoài, một sự e ngại – sợ sệt của ta đối với nước ngoài, sự việc bị bưng bít là vì thế. Thế là ta tự hại ta. Phải chăng việc im lặng của Quốc hội đối với sự việc này cần có một sự bổ khuyết kịp thời.

Xin kính gửi Ông Chủ tịch Quốc Hội, đồng kính gửi các vị đại biểu Quốc Hội lời chào trân trọng.

Vài nét về lý lịch

Tên thường gọi: Trần Lâm
Năm sinh: 1925
Ngày vào Đảng: 14/03/1947

Những công việc đã làm – nơi làm việc – thời gian:

1945: Tham gia công tác.

1945: Ban Tuyên truyền Tỉnh bộ Việt Minh, Lạng Sơn.

1946: Học lớp Thông tin Tuyên truyền do Bộ Thông tin Tuyên truyền tổ chức, Bộ trưởng Trần Huy Liệu trực tiếp giảng dạy.

1946 – 1948: Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền Hải Phòng.
Trưởng ty Thông tin tuyên truyền liên tỉnh Quảng Yên, Hồng Gai.
1949 – 1960: Trưởng Ban Tuyên huấn – Hiệu trưởng Trường Đảng tỉnh Kiến An.

1963 – 1964: Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hải Phòng.
Được Trung ương công nhận là Giảng viên Chương trình Lý luận Trung – Cao cấp. Đã đứng lớp 02 khóa.

1965: Vụ phó Ủy ban kế hoạch Nhà nước.
Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

1982: Về hưu – mở trưởng tư thục trung học và làm Luật sư thuộc đoàn Luật sư Hải Phòng.

© Trần Lâm

© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét