Pages

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Về tiến trình và lộ trình Dân Chủ Hóa VN

Trong hai bài trước, chúng tôi đã trình bày về chuyển hóa dân chủ nói chung và lộ trình chuyển hóa dân chủ khả thi và thích hợp với Việt Nam. Trong bài này chúng tôi sẽ phân tích cụ thể hơn về tiến trình này, qua việc giải thích rõ hơn ý nghĩa của 3 khái niệm đã được sử dụng: đó là chuyển hóa dân chủ, tiến trình và lộ trình dân chủ hóa.

Trước hết, về thuật ngữ chuyển hóa dân chủ. Thuật ngữ này bao gồm 2 khái niệm, chuyển hóa và dân chủ. Hai khái niệm này gắn liền với nhau trong quan điểm mới về dân chủ hóa, dân chủ qua chuyển hóa, được các nhà nghiên cứu sử dụng để diễn tả hiện tượng chuyển đổi thể chế từ độc tài sang dân chủ tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đợt dân chủ hóa thứ 3 kể từ cuối thế kỷ 20 đến nay. Nếu trong đợt dân chủ hóa thứ 1 (“làn sóng dân chủ” 1) tại các nước Âu Mỹ, cuộc cách mạng kỹ nghệ là tác nhân chính, thì trong làn sóng dân chủ thứ 2, bắt đầu từ sau đệ nhị thế chiến, biến động xã hội và sự nổi dậy của quần chúng đã đưa đến sự sụp đổ của chính quyền độc tài và thể chế dân chủ được thiết lập. Trong đợt sóng dân chủ thứ 3, các yếu tố kinh tế, văn hóa và chính trị cùng tạo ra các điều kiện thúc đẩy xã hội biến đổi nhanh chóng và toàn diện để cuối cùng dẫn đến dân chủ. Trong bối cảnh thay đổi xã hội toàn diện đó, dân chủ hóa cũng mang tính toàn diện, khởi đi bằng tự do hóa kinh tế thương mại đến tự do hóa văn hóa thông tin, sinh hoạt xã hội và chính trị. Đặc biệt, bước vào thế kỷ 21, có thêm một yếu tố mới tác động ngày một mạnh mẽ hơn vào tiến trình tự do hóa tại mỗi quốc gia: hiện tượng toàn cầu hóa toàn diện, từ kinh tế thương mại, đến văn hóa xã hội, và chính trị. Một cộng đồng nhân loại đã xuất hiện, với các sinh hoạt liên quốc gia, khu vực và toàn thế giới, với tính di động toàn cầu (global mobility) nhanh và sâu rộng, không biên giới hay biên giới mở, trong mọi lãnh vực sinh hoạt xã hội. Hiện tượng toàn cầu này không ngừng tác động vào sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng như vào chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền tại mỗi quốc gia, nhất là tại các nước đang phát triển. Hiện tượng toàn cầu hóa này đang tạo ra một số điều kiện mới thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển hóa từ độc tài, đóng cõi sang tự do, cởi mở.

Chuyển hóa dân chủ diễn ra toàn diện nhưng qua một tiến trình dân chủ hóa gồm nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn có các tính chất và lãnh vực chuyển hóa khác nhau. Có ba lãnh vực chính trong sinh hoạt xã hội: kinh tế, văn hóa và chính trị. Tiến trình dân chủ hóa diễn tả quá trình thay đổi khách quan của ba lãnh vực này qua thời gian và trong các điều kiện khách quan của toàn bộ xã hội, từ các thành phần quần chúng trong đáy tầng xã hội đến hệ thống chính quyền trên mặt tầng.

Lộ trình dân chủ hóa diễn tả hành động chủ quan của các tác nhân tác động vào tiến trình chuyển hóa khách quan. Không có sự tác động nào thì xã hội cũng ngày càng được tự do hóa và dân chủ hóa hơn vì đây là xu thế đương nhiên của thời đại, và do đó, tiến trình chuyển hóa dân chủ cũng sẽ xẩy ra, tuy nhiên việc thay đổi thường chậm và gặp nhiều may rủi. Đấy là chưa kể chính quyền độc tài thường tìm cách can thiệp vào tiến trình khách quan, ngăn cản hoặc làm chậm lại tiến trình này, như đang xẩy ra tại Việt Nam (đảng CS chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của “các thế lực thù địch”). Các nhóm dân chủ cần tìm cách tác động vào tiến trình dân chủ khách quan để vừa đẩy nhanh tiến trình này vừa vô hiệu hóa ý đồ can thiệp của chính quyền độc tài. Lộ trình dân chủ chính là kế hoạch chủ động của phe dân chủ trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển hóa khách quan, tuy chủ động nhưng không thể đi ngược lại hay đi ra ngoài tiến trình khách quan, vì sẽ không có hiệu quả. Lộ trình phải bao gồm các diễn biến và sự kiện xẩy ra trong ba lãnh vực kinh tế, văn hóa và chính trị. Có các diễn biến mang tính khách quan như cung thấp thì cầu cao, sản phẩm ít mà nhu cầu nhiều thì giá cả tăng, dân chúng bị đè nén áp bức thì sẽ nổi dậy khi có cơ hội…; có các diễn biến do các tác nhân (con người, chính sách và cơ chế) tạo ra. Lộ trình là kết hợp được các yếu tố khách quan và các tác nhân chủ quan trong một kế hoạch diễn tiến có trình tự thời gian từng giai đoạn.

Tiến trình dân chủ khách quan, trong làn sóng dân chủ hóa hiện nay, thường diễn ra qua 3 giai đoạn: thay đổi trong lãnh vực kinh tế đi trước một bước, dẫn tới thay đổi trong sinh hoạt văn hóa, thông tin, giáo dục và xã hội, để cuối cùng thúc đẩy tới thay đổi chính trị. Tại Liên Sô và các nước Đông Âu vào cuối thập niên 1980, trong giai đoạn chuyển tiếp từ làn sóng dân chủ thứ 2 sang làn sóng dân chủ thứ 3, thay đổi chính trị đã xẩy ra nhanh hơn thay đổi kinh tế và văn hóa, nhờ chiến tranh lạnh chấm dứt tạo điều kiện mở bung cánh cửa tự do dân chủ. Tại các nước cộng sản còn lại, tình hình quốc tế và khu vực của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, và hiện tượng toàn cầu hóa đã tạo ra những điều kiện và nhu cầu khác, trong đó phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế là các đòi hỏi của thời đại và tác động mạnh mẽ lên mọi biến chuyển xã hội.

Đảng CSVN, rút kinh nghiệm từ các biến động ở LS và các nước Đông Âu, đã chủ động tiến hành các thay đổi kinh tế kịp thời, đồng thời ngăn chặn và làm chậm lại sự thay đổi trong hai lãnh vực văn hóa và chính trị. Họ đã thực hiện một lộ trình chuyển hóa của họ, tức là chương trình “đổi mới”, đề ra Cương Lĩnh của “thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Đây không phải là một lộ trình dân chủ, mà là một lộ trình vẫn xây dựng trên một số tiền đề tư tưởng Mác-xit không tưởng, đã tan vỡ, như: chủ nghĩa tư bản vẫn mang đầy mâu thuẫn nội tại, và chủ nghĩa xã hội theo mô hình Mác xit là xu thế tất yếu của nhân loại. Lộ trình này không phản ảnh diễn biến thực tế của đất nước, của khu vực ĐNA và thế giới, chỉ tạo ra nghịch lý trong tiến trình phát triển. Dù chỉ chấp nhận tự do hóa các hoạt động kinh tế, nhưng ngay trong kinh tế cũng tạo ra các khu vực đặc quyền đặc lợi, tìm cách “kiểm soát” sự phát triển của nền kinh tế tự do. Kết quả là đã tạo ra một nền “tư bản hoang dã”. Trong lãnh vực văn hóa và chính trị thì hoặc kìm hãm các hoạt động “ngoài luồng”, hoặc đàn áp các tiếng nói và sáng tạo tư tưởng tự do, độc lập. Những nghịch lý này, đã được phân tích trong bài trước, đang thúc đẩy sự bùng vỡ từ trong đảng CS ra (“tự diễn biến”) và từ quần chúng đáy tầng xã hội lên (cách mạng mầu).

Những người dân chủ và dân tộc tiến bộ cần đề ra và thực hiện một lộ trình dân chủ toàn diện, vận dụng các nghịch lý hiện có, vô hiệu hóa lộ trình lạc hậu của đảng CS và đẩy nhanh tiến trình chuyển hóa toàn diện của xã hội, từ kinh tế đến văn hóa tư tưởng và chính trị-xã hội, để sớm đưa đến thay đổi chính trị. Nhưng để vạch ra và thực hiện được lộ trình này, chúng ta cần tìm hiểu tiến trình chuyển hóa khách quan tại Việt Nam, cần phân tích tình hình một cách toàn diện để xem hiện nay là giai đoạn nào trong tiến trình chuyển hóa. Sau đó nhận diện ra được các yếu tố và các tác nhân có khả năng tác động vào giai đoạn chuyển hóa này, để từ đó khai dụng các yếu tố và tác nhân tích cực cho tiến trình dân chủ hóa, và triệt tiêu hay giảm thiểu tác hại của các yếu tố và tác nhân tiêu cực.

Từ năm 2000, chúng tôi đã phổ biến hai tài liệu, đưa ra sách lược tiến trình khách quan và lộ trình chủ động vận động dân chủ hóa Việt Nam (*). Từ 2005, trong chuyến đi vận động tại Âu Châu, và năm 2009, trong buổi hội thảo chính trị tại Washington DC, chúng tôi cho rằng chuyển hóa dân chủ tại Việt Nam đã bước vào cuối giai đoạn 2, thay đổi trong lãnh vực văn hóa-giáo dục-thông tin, và đang chuyển vào đầu giai đoạn 3, thay đổi trong sinh hoạt chính trị-xã hội của người dân và trong cơ chế chính quyền. Những thay đổi này là những đòi hỏi khách quan của phát triển xã hội sau giai đoạn phát triển kinh tế.

Khi đất nước còn nằm trong chế độ độc tài, qui luật phát triển khách quan là: người dân càng được tự do, xã hội càng phát triển. Nông dân được giải thoát khỏi sự kìm kẹp của cơ chế hợp tác xã quốc doanh, chỉ sau vài năm, đã giúp Việt Nam dư gạo để xuất khẩu, đứng hàng thứ ba trên thế giới. Kinh tế Việt Nam phát triển ngoạn mục chính nhờ người dân được tự do kinh doanh. Ngày nay, nền kinh tế đã tương đối phát triển, đời sống vật chất của một bộ phận nhân dân được cải thiện, nhưng các bệnh thái văn hóa xã hội ngày một trầm trọng, tình trạng tham nhũng lạm quyền, áp bức nhân dân không kiềm tỏa được. Chỉ có tiếp tục con đường tự do hóa văn hóa và chính trị mới giải quyết được tệ nạn này. Các nhà nghiên cứu quốc tế gọi đó là “Đổi mới 2” (Renovation 2). Đảng CSVN vẫn cưỡng lại hoặc trì hoãn đổi mới 2, vì thành công của nó tất yếu dẫn đến một xã hội dân chủ, có tự do toàn diện, có cạnh tranh trong kinh tế cũng như trong văn hóa và chính trị.

Tự do hóa toàn diện là điều kiện cần thiết để thiết lập nền dân chủ toàn dân và chân chính. Chương trình hành động của phía dân chủ trong ngoài nước là tìm mọi cách giúp mở rộng tự do sinh hoạt cho người dân, và thu hẹp khả năng kiềm tỏa của nhà nước CS, trong hai lãnh vực văn hóa và chính trị. Tự do càng toàn dân toàn diện, dân chủ đến càng nhanh.

© Đoàn Viết Hoạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét