Pages

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Vinashin Thấy Rõ Sắp Vỡ Nợ, Quả Đấm Thép Thành Sắt Vụn

Nợ của Vinashin ảnh hưởng tiêu cực đến các ngân hàng Việt Nam, đài RFI loan tin theo các thông tấn quốc tế. Đặc biệt, bài phân tích của kỹ sư Trần Thành Nam trên mạng Boxit VN cho biết thực ra Vinashin chỉ là quả bom chưa nổ, vì các con số trong sổ sách chỉ là số ma, số dỏm...
Hãng tin AFP hôm Thứ Hai trích nhận xét của cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor's cho biết, món nợ khổng lồ của Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam Vinashin đã làm suy yếu hệ thống ngân hàng Việt Nam và ảnh hưởng đến khả năng vay nợ của cả nước.
Nợ của tập đoàn Vinashin lên đến 86.000 tỉ đồng Việt Nam (khoảng 4,4 tỉ đô la), tương đương 4,5% tổng sản phẩm nội địa năm 2009. Tập đoàn này vừa xin hoãn trả đợt đầu 60 triệu đô la nợ đáo hạn ngày 20/12 tới, trong số nợ 600 triệu đô la do Ngân hàng Crédit Suisse đứng ra làm đầu mối cho vay.
Thông báo của Standard & Poor's nhận định, hồ sơ này «có khả năng làm lung lay ngành ngân hàng Việt Nam, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Vụ Vinashin đã làm nổi bật sự thiếu vắng tính minh bạch, sự kém cỏi trong kiểm toán và quản lý các tập đoàn tại Việt Nam». Cơ quan thẩm định tài chính nói thêm : « Lo ngại đang dâng cao quanh việc trả nợ ngắn hạn của Vinashin bằng ngoại tệ, và chúng tôi cho rằng Vinashin có thể không trả nổi ».
AFP nhận xét, vụ xì-căng-đan trên đã bị các đối thủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khai thác, trong bối cảnh Đại hội Đảng, sẽ diễn ra vào tháng giêng tới, sẽ bố trí người vào các chức vụ chủ chốt. AFP nhắc lại rằng ông Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch Vinashin đã bị giam giữ từ sáu tháng qua. Nhiều bộ trưởng gần đây đã cho biết chính phủ sẽ không trả nợ thay cho Vinashin, vốn đã được tái cơ cấu.
RFI cũng ghi rằng, Standard & Poor's nhấn mạnh, vụ này đã gây ra những nghi ngại về ý định của chính phủ hỗ trợ cho Vinashin khỏi phá sản, và nhắc lại «tầm quan trọng của việc đánh giá rủi ro ». Cơ quan này khuyến cáo các ngân hàng nên «phân biệt rõ các công ty Nhà nước theo khả năng tài chính của họ» và tỏ ý tiếc là việc quản lý rủi ro tín dụng còn yếu kém, so với nhịp độ phát triển của hệ thống ngân hàng.
Đặc biệt, trên mạng Boxit VN hôm 13-12-2010, bài viết nhan đề “Thực trạng Vinashin: những quả bom chưa nổ…” do kỹ sư Trần Thành Nam viết đã cho biết các con số của Vinashin tại nhiều tổng công ty chỉ là số ma, số dỏm, và như thế viễn ảnh trả nợ hầu như vô vọng.
Bài viết của vị kỹ sư này viết, trích:
“...tất cả những con số về Vinashin bấy nay như doanh số, tài sản, lãi, lỗ, đơn hàng, hợp đồng đã ký… đều là hư ảo, mà Chính phủ và Ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận là do Vinashin báo cáo không trung thực. Điều lạ là đến nay các con số không trung thực đó vẫn được dùng lại trong các báo cáo rồi kế hoạch cải tổ của Chính phủ và ban lãnh đạo mới của Tâp đoàn Vinashin…
Tôi chỉ xin đơn cử câu chuyện thực về một con người và những con số về tài sản, tức giá trị đã đầu tư trong một tổng công ty của Vinashin ở Hải Phòng như sau:
Anh bạn chí thân của tôi, một chuyên gia cơ khí giỏi với gần 30 năm trong ngành, nguyên Phó Giám đốc Kỹ thuật một công ty con của một tổng công ty to trong tập đoàn Vinashin, từ giữa năm 2008 được rút về Tổng công ty làm quản lý kỹ thuật cho một dự án đầu tư lớn nhưng chưa xong, tâm sự:
“Sáu tháng nay công ty mình không trả lương, những người biết làm việc và có trình độ trong ban Kỹ thuật của mình đã lần lượt bỏ công ty đi hết rồi, chỉ còn chủ yếu là những người không ai ở ngoài muốn thuê thì ở lại, nhưng cũng không có việc làm vì đầu tư đã xong đâu. Thế là Tổng công ty quyết định giải tán công ty, hàng trăm con người tự nhiên “ra đường” sau sáu tháng không lương, chỉ giữ lại ban quản lý dự án đầu tư, vẫn làm việc không lương. Nhưng lương bổng không phải vấn đề làm mình đau đầu nhất.”
Bạn tôi là dân kỹ thuật, thật như đếm, không biết kinh doanh chút nào, nên đi đâu cũng phụ trách kỹ thuật thôi…
“Đáng sợ nhất là dự án đầu tư dở dang mình đang phải nhận, cảm giác chẳng khác nào đang ôm vào một quả bom chưa nổ! Đời thuở nhà nào mà có chuyện người ta giao cho mình công trình trị giá trên sổ sách những hơn nghìn tỷ gồm nhà xưởng trống trơ, máy móc ngổn ngang hoen rỉ, bến bãi lôm nhôm cỏ nước… tất cả đang thực hiện dở dang nhưng không có chứng từ, tài liệu, số sách, hợp đồng… gì hết. Tất cả những công ty, con người đã làm việc này vốn là các công ty sân sau, thân hữu… của Tổng công ty đều đã biến mất, không dấu vết!”
Anh bạn tôi, kỹ sư chế tạo máy tốt nghiệp xuất sắc K21 Bách Khoa Hà Nội được xung thẳng vào pháo binh, vào Đảng và trở thành chiến sĩ thi đua toàn quân sau 3 năm phục vụ quân đội, trung úy đại đội trưởng pháo binh lục quân trước khi về ngành đóng tàu, mà lại tin người ta có phép thần thông như của Tôn Ngộ Không (!), nói tiếp:
“Bàn giao diễn ra thế này: Họ dẫn ra hiện trường và khoát tay: đấy mấy nhà xưởng kia đã chi hơn 300 tỷ, các máy móc, cần cẩu kia hơn 200 tỷ, còn bãi cát kia mấy chục hecta đã san lấp mất gần 200 tỷ, con lại các thứ lặt vặt như văn phòng tường rào và thiết bị văn phòng, chi phí quản lý ba năm qua là gần 200 tỷ nữa, còn thiếu 500 tỷ là công trình hoàn thành để khai thác, nhưng… đề nghị anh ký nhận trong biên bản bàn giao này!”...” (hết trích)
Tất nhiên vị kỹ sư K21 Bách Khoa Hà Nội phải bó tay, vì không thể làm cách nào cho các đống sắt dỏm kia sinh lợi...
Thế nên, tiền nhà nước đổ vào Vinashin, có trời biết là vào túi những ai, mà bây giờ chỉ còn sắt vụn chạp phô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét