Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

VN không ngại khi nguồn tài trợ giảm

Khánh An & Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2010-12-08
CG 2010 đã thảo luận về những vấn đề của kinh tế vĩ mô năm 2010, cũng như định hướng chiến lược phát triển cho những năm sắp tới trong điều kiện của một quốc gia có mức thu nhập trung bình.


AFP photo/Hoang Dinh Nam
Toàn cảnh lễ khai mạc cuộc họp hai ngày (7 & 8 tháng 12) giữa Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, Liên Hiệp Quốc và các nước viện trợ cho VN tại Hà Nội.



Khánh An và Vũ Hoàng có cuộc phỏng vấn với PGS. TS. Ngô Doãn Vịnh, Viện trưởng Viện Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư, xung quanh vấn đề này.


"Lượng nào thì chất đó"

Khánh An: Thưa TS. Ngô Doãn Vịnh, nhiều chuyên gia nhận xét rằng chính sách kinh tế của Việt Nam hiện nay thiên về mục tiêu tăng trưởng hơn là mục tiêu giảm phát. Thế thì Việt Nam sắp tới có những kế hoạch gì để cân bằng hai mục tiêu này, thưa ông?


TS. Ngô Doãn Vịnh: Theo tôi, thứ nhất, nếu ai đó nói Việt Nam chỉ quan tâm đến tăng trưởng là hàm ý nói là tăng trưởng nhanh nhưng không chú ý đến phát triển bền vững và chất lượng của tăng trưởng thì đây là một quan niệm không đúng. Bởi vì theo tư duy triết học, lượng nào thì chất đó.


Lượng đổi thì chất mới đổi. Như vậy, chỉ khi có chất lượng thì mới có tăng trưởng nhanh. Còn nếu như phát triển không có chất lượng thì không bao giờ có tăng trưởng nhanh cả. Ví dụ nếu dân cứ biểu tình, nếu dân cứ bãi công thì không có chất lượng cuộc sống.

Như vậy, không thể có tăng trưởng được. Do đó, nói rằng Việt Nam chỉ quan tâm tăng trưởng nhanh mà không chú ý đến chất lượng thì điều đó không đúng. Thứ hai, lạm phát, tăng trưởng nếu tăng trưởng nóng thì cực kỳ nguy hiểm, dẫn đến lạm phát. Theo tôi, điều đó khó tránh khỏi.


Vũ Hoàng: Thưa ông, khi Việt Nam áp dụng các biện pháp kinh tế vĩ mô bằng chính sách tiền tệ, chính sách tài chính, thì hay tạo ra những tác động trái ngược lên thị trường. Theo ông, Việt Nam cần có chính sách tổng thể thế nào để nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới?


TS. Ngô Doãn Vịnh: Tôi ủng hộ quan niệm là khi thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô để đảm bảo ổn định nền kinh tế và có tăng trưởng chất lượng, tôi nghĩ rằng đó là một quan niệm đúng.


Không thể chỉ có một chính sách tiền tệ hoặc một chính sách tài chính nhất thời, mà theo tôi, đúng là phải có một hệ thống chính sách mang tính chất đồng bộ ở một tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn mà kể cả dài hạn. Tôi lấy ví dụ, không thể lấy vốn ngắn hạn để đầu tư cho những công trình dài hạn, hoặc không thể mang những công trình dài hạn để so sánh, cạnh tranh với công trình ngắn hạn.




Giám đốc WB Victoria Kwakwa (P), Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (G), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (T) tại lễ khai mạc CG 2010 hôm 7/12/2010. AFP photo




Vũ Hoàng: Còn trong vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, đây cũng là vấn đề khiến cho năng lượng cạnh tranh của Việt Nam không cao. Theo ông, chiến lược trung và dài hạn sắp tới của Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng là như thế nào để khắc phục vấn đề này, cũng như chiến lược trung và dài hạn của Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường?

TS. Ngô Doãn Vịnh: Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được điều này. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã biết điều này. Người dân Việt Nam cũng đã biết điều này. Cho nên chính phủ cũng như người dân Việt Nam đã tập trung nỗ lực vào để cải thiện lĩnh vực kết cấu hạ tầng.


Cụ thể là chúng tôi làm cảng, có một chiến lược phát triển cảng đến năm 2020, chiến lược phát triển sân bay đến năm 2020, chiến lược phát triển đường cao tốc đến năm 2020 và đang xây dựng một chiến lược phát triển đường sắt, đặc biệt có chiến lược đảm bảo năng lượng đến năm 2020. Chúng tôi đang từng bước để hoàn thiện dần những chiến lược này, gắn kết chúng lại thành một hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo yếu tố nền tảng cho phát triển lâu dài.


Chúng tôi đang làm nhưng thực sự Việt Nam cũng đang khó khăn về vấn đề vốn để đảm bảo tăng tốc việc xây dựng đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng của mình. Đây là một khó khăn nhưng chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của các nhà đầu tư, tài trợ ở nước ngoài, thí dụ như các ngân hàng, các tổ chức tài chính quốc tế, các chính phủ các nước cho vay để chúng tôi làm đường, làm cầu cống, sân bay và nhiều công trình khác nữa.


Chúng tôi cũng đang chủ trương là gọi cả các nhà đầu tư nước ngoài vào làm năng lượng để đảm bảo điều kiện nền tảng cho sự phát triển tăng tốc và bền vững.


Quản lý vốn ODA

Khánh An: Ông vừa nhắc đến vấn đề khó khăn về vốn. Như vậy, Việt Nam đã được nâng lên từ mức thu nhập thấp lên nhóm quốc gia thu nhập trung bình thì điều này có ảnh hưởng gì đến kế hoạch viện trợ vốn ODA năm tới cho Việt Nam không?


TS. Ngô Doãn Vịnh: Chắc chắn có ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng đấy chưa thấy nhiều và chúng tôi cũng không ngại cái ảnh hưởng nếu như họ cho vay ít đi hay thế này thế kia thì chúng tôi cũng không ngại vì vốn hiện nay ở Việt Nam không thiếu mà quan trọng là sử dụng hiệu quả nguồn vốn.


Khánh An: Dạ vâng, ông muốn nhắc đến vấn đề quản trị, quản lý nguồn vốn?


TS. Ngô Doãn Vịnh: Vâng.


Khánh An: Như vậy, trong việc quản lý nguồn vốn thì Việt Nam có kế hoạch gì để nâng cao việc quản lý vốn một cách hiệu quả?


TS. Ngô Doãn Vịnh: Chính phủ Việt Nam hiện nay đang thực thi một giải pháp tôi cho là rất quan trọng và đúng hướng, đó là các đoàn liên ngành để kiểm tra, giám sát việc thực hiện vốn nhà nước. Tôi cho đây là một biện pháp sẽ mang lại hiệu quả tốt và đang phát huy tác dụng.


Người đàn ông nai lưng kéo xe cho một công trình xây dựng khu công nghiệp ở vùng ngoại ô Hà Nội ngày 03/12/2010. AFP photo




Vũ Hoàng: Vâng thưa ông, có nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ cải cách không phải chỉ riêng cho khối doanh nghiệp nhà nước mà trong cả việc đầu tư nhà nước nữa. Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn kế hoạch sắp tới của Việt Nam trong việc cải cách quản lý trong khối doanh nghiệp nhà nước không, thưa ông?


TS. Ngô Doãn Vịnh: Đó cũng là vấn đề mà chính phủ Việt Nam đang làm và sẽ làm. Hiện nay, chính phủ Việt Nam đang tập trung sức lực để giải quyết tốt vấn đề cải cách hành chính và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Chúng tôi bước đầu đã thu được kết quả rất tốt.


Khánh An: Dạ, ông có thể nói cụ thể hơn những biện pháp sẽ làm là như thế nào không?


TS. Ngô Doãn Vịnh: Ví dụ như chúng tôi giảm thủ tục hành chính. Chúng tôi đã có chiến lược cải cách hành chính 5 năm, 2011 – 2015. Trước đó, chúng tôi cũng đã có kế hoạch cải cách tổng thể 2006 – 2010 và kế hoạch 2006 – 2010 chúng tôi thu được kết quả rất tốt. Còn về những điểm khác, ví dụ như quản trị quốc gia thì chúng tôi đang nghiên cứu để xây dựng lại hệ thống bộ máy của chính phủ. Ví dụ như chúng tôi muốn giảm đầu mối các bộ, tăng cường cho các bộ có chức năng tổng hợp. Đấy là chiều hướng mà chúng tôi đang thực thi.


Khánh An: Thưa ông, trong điều kiện sắp tới có thể nguồn vốn ODA giảm và điều kiện được tài trợ các nguồn vốn thay đổi, Việt Nam có chính sách thế nào để có thể vẫn tiếp tục thu hút các đối tác nước ngoài tham gia vào việc phát triển kinh tế Việt Nam?


TS. Ngô Doãn Vịnh: Đây là một kế hoạch mà Việt Nam đã đưa ra. Các nhà kinh tế thì quan tâm đến chuyện này, đặc biệt là đường lối mà chúng tôi chủ trương là “công – tư kết hợp đầu tư” để phát triển kết cấu hạ tầng. Chúng tôi kêu gọi cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt, chính phủ Việt Nam có một kế hoạch để huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế tư nhân để tham gia vào đầu tư phát triển.


Tôi cho rằng đây là một chủ trương đã, đang và sẽ mang lại hiệu quả tốt cho Việt Nam.


Khánh An: Cám ơn ông rất nhiều đã dành thời gian cho RFA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét