Pages

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Cái chết đầy uẩn khúc tại đồn công an

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2011-01-24
Năm 2010 là năm xảy ra ít nhất sáu vụ chết người trong quá trình bị hỏi cung hay bị làm việc tại đồn công an.

Hình chụp từ video do nhân chứng đưa lên youtube
Hàng ngàn người dân đưa xe đến trước UBND tỉnh Bắc Giang hôm 25-7-2001, phản đối công an đánh chết người.

Một trong những trường hợp điển hình là cư dân Võ Văn Khánh ở huyện Đại Lộc, thiệt mạng trong khi đang làm việc với công an nhưng được cho là tự sát bằng cách treo cổ.


Tháng Năm 2010, gia đình anh Võ Văn Khánh ở xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam hay tin anh đã chết tại đồn công an huyện Điện Bàn sau khi tự thắt cổ bằng một sợi dây giày. Lúc đó anh mới 29 tuổi.


Tối ngày 8 tháng Năm, thân phụ anh Võ Văn Khánh, ông Võ Văn Thành, đưa thi thể con trai về nhà. Theo gia đình thuật lại thì cách đó ít hôm, trên đường chạy xe mô tô xuống Điện Bàn, anh Khánh vì không mang theo giấy tờ nên bị cảnh sát giao thông giữ xe, hẹn đến thứ Sáu trở lại để giải quyết.


Đi sống, về chết

Sáng ngày 7 tháng Năm, anh Khánh trở lại đồn công an huyện Điện Bàn cùng với giấy tờ chiếc xe mô tô đang bị tạm giữ. Đến chín giờ tối cùng ngày, hai công an đến nhà mời ông Võ Văn Thành, cha ruột của anh Võ Văn Khánh, đến trụ sở công an Điện Bàn để giải quyết vụ chiếc xe. Tới nơi thì ông mới được báo con trai ông đã tự vẫn chết bằng một sợi dây giày. Khi đưa xác về nhà, công an còn đưa cho ông Võ Văn Thành một bao thơ trong đó có mười triệu đồng.


Vì trên mặt người chết có vết trầy xước, rồi lúc khâm liệm lại thấy sườn trái bị gãy, phía dưới vai trái có vết bầm tím, gia đình nghi ngờ Khánh đã bị công an đánh trong lúc điều tra. Từ xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, ông Võ Văn Thành kể lại:


"Trên ngực nó bầm đen, có dấu vết bầm, coi như gãy trên cái ba sườn. Cái hồi tôi xuống dưới nớ là tôi khủng hoảng rồi. Tự nhiên nghe một đứa con mất là tôi không còn tinh thần, tôi chết lên chết xuống, khám nghiệm tử thi lần thứ nhất là như thế nào tôi cũng không biết được."


Khi đó công an huyện Điện Bàn giải thích những vết bầm dập trên cơ thể người chết là do anh Khánh tự tử. Ông Thành bức xúc nói:

"Họ nói là cháu Khánh tự tử rồi bốn người công an khiêng ra thì bị té cho nên hắn bầm. Mấy cái đó tôi thấy vô lý quá, không hiểu được. Cái chuyện họ nói tự tử như vậy thì tôi không đồng tình. Vì răng? Vì tôi thấy không có cái lý do gì mà tự tử. Cái dây giày chỉ có ba mươi phân đó không thể tự tử được, mà cái lam cửa nhà tạm giam thì đã hai mươi - ba mươi, cái dây chỉ có ba mươi làm răng mà đủ?


Mà trọng lượng thằng nhỏ là trên năm mươi kg, thì không đủ cái lực để tự tử chỗ nớ. Hai dây cũng không đủ chứ đừng nói một dây!
Cho nên hoàn toàn là tôi không thống nhất cái chuyện nớ rồi. Nhưng mà bây giờ nói chung luật pháp mình nắm được, cho nên có nhiều cái là phóng viên nơi này nơi kia, những người quan tâm ni kia, giúp đỡ được chừng nào đó chứ tôi không biết làm sao hết trơn."


Khi đó tin tức về cái chết đáng ngờ của anh Võ Văn Khánh tại đồn công an Điện Bàn đã được báo Lao Động trong nước đăng tải. Kết quả khám nghiệm lần thứ nhất cũng phát hiện những vết thâm tím trên thi thể người chết.


Đến ngày 10 tháng Năm, thể theo yêu cầu của gia đình, tổ pháp y thuộc Sở Y Tế Đà Nẵng đã cùng với đại diện thanh tra công an tỉnh Quảng Nam tiến hành khám nghiệm tử thi lần thứ nhì. Vẫn lời ông Võ Văn Thành:


"Khám nghiệm lần thứ hai mà họ nói tui chờ ba mươi ngày là tui thấy đó là điều vô lý rồi. Tui nói bây giờ cho tui xin lại cái giấy bảo trì để nhận lại cái số tiền của hắn, tui hỏi thì họ nói “anh phải viết giấy coi như là nó tự tử”. Thì tui nói lại tui không đồng tình nếu nói là con tôi tự tử, cho nên tui không làm chuyện nớ, tui vẫn để im rứa."

Ông Võ Văn Thành gởi đơn kêu oan, khiếu nại và đòi làm rõ vụ việc nhưng đến giờ vẫn không có kết quả. Gia cảnh người chết thuộc diện nghèo khó ở địa phương, thân nhân phải đi vay mượn để làm đám tang cho con trai:



Một người dân tham dự đám tang ở Cồn Dầu bị công an đánh bất tỉnh. RFA files


"Đơn thì gởi vô trong kia mà không nghe cái gì hết. Nếu ra ngoài nớ thì chỉ có đi trực tiếp, mà điều kiện thì khó khăn, mẹ hắn bị tai biến nằm một chỗ, con cái thì ni kia, cho nên tôi không đủ điều kiện. Cả mấy tháng nay cũng không nghe nói chi hết trơn. Mà công an của tỉnh Quảng Nam khám nghiệm lần thứ hai cũng không trả lời chi cho tôi hết."


Báo chí trong nước cũng đưa tin là nhiều người dân ở xã Đại An huyện Đại Lộc, hàng xóm của ông Võ Văn Thành, bày tỏ sự bức xúc trước cái chết oan uổng mang nhiều nghi vấn của Võ Văn Khánh, một thanh niên mà họ mô tả là hiền lành chứ không quậy phá. Một số người kéo đến nghe ngóng tin tức về cuộc giải phẫu khám nghiệm tử thi. Thân phụ người chết, ông Võ Văn Thành, tâm sự:


"Tôi không cần một cái gì, chỉ cần trả lại sự công bằng cho nó thôi. Chết một đứa con vô lý quá, tức quá tôi chịu không nổi, phải như mà hồi mô chừ nó quậy nó phá hay làm cái gì… Riêng cái ngày hôm đó, coi như là sáng hôm đó, công an tới nhà tui rất đông, từ công an huyện tới công an xã, giống như là bao vây rứa. Họ rải công an từ dưới Điện Bàn lên tới trên ni. Sau thì tui mới hiểu chắc họ sợ tôi đem con tui xuống dưới nớ."


Ông còn tiết lộ một chi tiết đáng ngờ là ngay hôm Võ Văn Khánh chết tại đồn công an Điện Bàn, thì cậu ruột của anh, chánh thanh tra huyện Đại Lộc, tới nhà để đi cùng với ông Võ Văn Thành xuống đồn công an mà không hề báo cho anh rể biết Võ Văn Khánh đã chết. Ông cho "đó lại là cái điều vô lý nhất. Bởi vậy tôi nói cái sự việc ni toàn là dàn xếp hết trơn rồi."


Đó là uẩn khúc của những cái chết bỗng dưng trong lúc đang làm việc tại đồn công an.


Vì sao chết?

Luật pháp Việt Nam không cho phép hành hạ tra tấn nghi phạm trong quá trình điều tra, thế nhưng một vài trường hợp chết người một cách bất thường đã xảy ra khiến dư luận nghi ngờ công an có thể quá tay trong lúc đánh người để khai thác hoặc muốn ép cung.


Lược qua năm 2010, những vụ thẩm cung mà có người bị công an đánh chết được báo chí trong nước đề cập đến, là:


Tháng Sáu 2010, Vũ Văn Hiền ở Thái Nguyên, bị bắt vì xô xát với mẹ, sau đó tử vong do xuất huyết trong não, vỡ xương hàm và gãy xương sườn.

Tháng Bảy 2010, một giáo dân Cồn Dầu tên Nguyễn Thành Nam, bị dân phòng tạm giữ, chết tại nhà ngày hôm sau do chấn thương với những dấu tích bị đánh đập trên người.


Tháng Tám 2010, một người tên Trần Duy Hải bị công an bắt vì tình nghi giật dây chuyền của một phụ nữ, đã chết sau đó và được công an báo là treo cổ tự tử.


Tháng Mười 2010, ông Trần Ngọc Đường, bị bắt vì tranh cãi với hàng xóm, đột nhiên qua đời vài tiếng sau đó khi còn đang bị tạm giam tại trụ sở ủy ban nhân dân xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.


Trong tất cả những vụ việc đáng tiếc, gọi là công an đánh chết người này, chưa trường hợp nào được giải thích thỏa đáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét