Pages

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Khi tiếng nói yêu nước và lương tâm phải ẩn mình trong vỏ bọc


« …Nước Việt Nam bây giờ không đẹp như mày tưởng đâu, nợ nần chồng chất, lãnh đạo chỉ biết tranh quyền đoạt lợi, đua nhau tham nhũng, rút ruộc công trình. Tao rất mừng vì tuy mày xa tổ quốc nhưng vẫn hãnh diện là người Việt Nam cũng như tao vậy. Tao tuy rất xấu hổ với những đồng nghiệp nước ngoài về thực trạng đất nước nhưng lúc nào tao cũng không quên mình là người Việt Nam cả bởi vì tao biết trong tim tao dòng máu vẫn đỏ và ấm và tao vẫn còn lương tâm…»
Đây là một mẩu đối thoại trực tuyến trên mạng Facebook giữa hai người bạn gái trong lúc những thông tin nhạy cảm như thế đang bị kiểm soát gắt gao.

Kiểm soát lòng yêu nước

Vận nước có lúc thịnh, lúc suy đã là quy luật tất yếu. Tuy nhiên, đất nước Việt Nam là của toàn dân tộc, nước nhà có chuyện thì toàn dân Việt Nam phải gánh vác, đâu phải là nhiệm vụ của một cá nhân hay là một tổ chức nào. Hơn nữa, chính Đảng cộng sản Việt Nam cũng phải thừa nhận qua những bảng biểu dựng khắp phố phường “Bảo vệ tổ quốc là nghĩa vụ của công dân”. Điều nghịch lý chính là một đảng luôn tự nhận mình là đại diện của đất nước Việt Nam dù không cần ai đồng ý lại không bao giờ thực hiện những điều mình đã tuyên bố với quốc dân, đồng bào. Đất nước Việt Nam ngày nay quá tụt hậu so với các nước trong cùng khu vực là điều hiển nhiên ai cũng có thể thấy được. Các vấn đề về kinh tế, đạo đức, văn hóa, xã hội, chính trị, tư tưởng nghiêm trọng đến mức báo chí Việt Nam vốn bị kiểm soát chặt chẽ bởi Ban tư tưởng văn hóa trung ương cũng phải lên tiếng báo động.

Một mặt họ tiếp tục tận dụng quyền kiếm soát phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình để ra sức tô điểm, đánh bóng cho thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước dù trên thực tế chỉ là ảo ảnh. Mặt khác, họ tiếp tục vận dụng phương thức “bạo lực cách mạng” để bóp nghẹt bất kì tiếng nói trung thực phản kháng nào. Với báo chí, tất cả thông tin nhạy cảm liên quan đến nhân quyền hay Trung Quốc đều bị cấm đăng, hoặc một vài trường hợp cá biệt đã xuất hiện thì sẽ nhanh chóng bị gỡ bỏ kèm theo những răn đe hoặc hình phạt thích đáng. Biểu tình bảo vệ chủ quyền đất nước ư? Đừng mơ tưởng làm gì khi mà lực lượng công an, quân đội đông đảo và tận trung chức vụ sẽ dẹp tan ngay từ trong trứng nước để làm đẹp lòng quốc gia láng giềng phương Bắc. Để rồi sau đó họ tiếp tục khẳng định mục tiêu theo đuổi của họ là “mười sáu chữ vàng”, “bốn tốt” với nhà cầm quyền Trung Quốc bằng tuyên bố chắc nịch của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sau như một hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc, coi đây là chính sách nhất quán, lâu dài và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.1

Tất cả các website có chủ trương chống đối hoặc không đồng tình với chủ trương của Đảng, kể cả trong lẫn ngoài nước, ngay lập tức sẽ trở thành mục tiêu tấn công của các tin tặc. Nhà nước Việt Nam hiện nay luôn phủ nhận vai trò của họ và thường lập luận rằng đó là do một vài cá nhân tự phát. Nhưng thử hỏi các cá nhân này tại sao lại luôn nhắm vào những website chính trị mà không phải là những website có nội dung khiêu dâm, trụy lạc, ăn chơi vô đạo đức? Ngoài ra, tất cả các diễn đàn trong nước đều quy định điều lệ rất rõ ràng là diễn đàn phi chính trị. Tại sao lại phải cấm đoán thảo luận về đề tài chính trị một khi bản thân nó không phải là một phạm trù xấu? Và với việc các diễn đàn thay nhau ca ngợi Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đây chẳng lẽ không phải là vấn đề chính trị?

Không thể dập tắt được tiếng nói yêu nước

Ở thời đại điện tử thế kỷ XXI, với một máy vi tính được kết nối Internet là có thể tìm hiểu được ngay điều muốn biết trong vòng nửa phút. Nhờ vậy mà những người sống xa quê hương luôn cảm thấy như đang hiện diện ngay trên xứ sở của mình.

Phong trào viết blog ở Việt Nam tuy chỉ mới xuất hiện những năm gần đây nhưng nó lại nhanh chóng được yêu thích và trở nên phổ biến rất rộng. Các bloggers mượn bàn phím để truyền tải những tâm tư, suy nghĩ, nguyện vọng của mình… nhưng rồi sự can thiệp thô bạo từ phía chính quyền đã nhanh chóng xuất hiện. Các bloggers như Điếu Cày, Người Buôn Gió, Mẹ Nấm… đều bị công an bắt bớ, sách nhiễu và gán ghép cho đủ thứ tội vạ trên đời. Mặc dù vậy, số người này thật quá khiêm tốn và nhỏ bé so với số lượng bloggers ở Việt Nam. Những tưởng rằng các bloggers này đã bị ru ngủ hết thì gần đây tình cờ được xem phần đối thoại của hai bạn gái đã nêu ở phần đầu bài viết. Người viết đã hoàn toàn bất ngờ trước những câu chữ đánh thép, mạnh mẽ, trung thực và cũng rất tỉnh táo này vì blog cá nhân của người bạn gái ở Việt Nam ấy hầu hết là tràn ngập hình ảnh ăn uống tiệc tùng, du lịch hay thời trang hoặc bông đùa vô vị. Thật đáng kinh ngạc, vận mệnh nước nhà vẫn hoàn toàn không bị thờ ơ, lãng quên như mình đã tưởng mà ngược lại, nó lại đang được quan tâm một cách đặv biệt. Và điều đáng kinh ngạc hơn nữa chính là số lượng đông đảo các bloggers nữ trăn trở, lo âu cho thời cuộc – các bạn ấy thật đáng khâm phục, thật xứng đáng là dòng dõi của Bà Trưng, Bà Triệu.

Đại đa số người Việt chúng ta dù ở nơi đâu, đang làm gì vẫn là dòng dõi Lạc Hồng, vẫn mang trong mình dòng máu Văn Lang. Hôm nay đây chúng ta đang thắp lại ngọn lửa thiêng của hội thề Lũng Nhai năm nào. Ngọn lửa đang âm ỉ cháy trong từng câu chữ để rồi một mai sẽ trở thành ngọn đuốc soi tỏ con đường dân tộc Việt Nam cần và phải đi, cũng như quét sạch những đau thương, u tối.

DBTT
10 tháng 12, 2010
© 2010 Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC

phiatruoc.wordpress.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét