Pages

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Khổng Giáo hậu Tần chỉ là chủ nghĩa Mác-Lênin của bá quyền Tàu

Nhiều nhà bình luận Tây phương cho sở dĩ Trung Quốc ngày nay có trật tự xã hội, ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế là nhờ Đặng Tiểu Bình đã biết khôi phục lại Khổng Giáo để thay thế tư tưởng Maoít và chủ nghĩa Mácxít-Lêninít. Những người này còn suy luận là Đặng Tiểu Bình chỉ bắt chước Minh Trị Thiên Hoàng nước Nhật cách đây hơn một thế kỷ đã thành công trong việc phối hợp tư tưởng Khổng Tử với tư bản chủ nghĩa.
Tôi thì nghĩ cần phải phân biệt Khổng Giáo nguyên thủy với Khổng Giáo hậu Tần: Không ai biết tư tưởng thật sự của Khổng Tử trong Khổng giáo nguyên thủy là gì vì những sách thời Khổng Tử đã bị Tần Thủy Hoàng đốt hết. Khổng Giáo sau này chỉ là những bịa đặt của bá quyền Đại Hán nhân danh Khổng Tử áp đặt trên đầu trên cổ dân tộc Trung Hoa và dân tộc những vùng đất bị Tàu xâm chiếm một thể chế trung ương tập quyền có một không hai trong lịch sử thế giới. Dưới chiêu bài chủ nghĩa Mác-Lênin Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ tiếp tục thực thi Khổng Giáo của bá quyền Đại Hán khi tự phong mình là thiên tử, coi mọi dân Tàu chỉ là thần dân của Đảng để mặc sức bóc lột sức lực dân Tàu, thực thi chủ nghĩa tư bản dã man của Tây phương hồi cuối thế kỷ thứ XIX. Cũng có thể nói ngược lại là cái gọi là Khổng Giáo từ thời nhà Hán chỉ là một thứ “chủ nghĩa Mác-Lênin” của bá quyền Tàu.

Nhật Bản có một nền văn hoá riêng biệt không dính dáng gì với Khổng Giáo của Tàu. Cái hay của người Nhật là đã biết phối hợp nền văn hoá đó với tư tưởng Tây phương để trở thành một nước hùng cường và đi đến dân chủ. Sau khi giành được độc lập cách đây hơn một ngàn năm, Việt Nam có đủ điều kiện để kiến tạo một nền văn hoá riêng, và ở cùng một hoàn cảnh như Nhật Bản khi bắt đầu tiếp xúc với Tây phương từ thế kỷ thứ XVI. Tiếc là các vua chúa thời đó vẫn quá lệ thuộc tư duy Khổng Giáo nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội không biết lợi dụng những hiểu biết của Tây phương như Nhật Bản.

Trong bài viết này, tôi xin chứng minh:

■ Không ai biết những ý tưởng của Khổng Tử là những ý tưởng nào vì 5 cuốn sách do chính tay Khổng Tử biên soạn gọi là Ngũ Kinh đều đã bị Tần Thủy Hoàng thiêu hủy cùng với bộ Tứ Thư gồm 3 cuốn sách do các môn đệ Khổng Tử biên tập cộng với cuốn sách của các đồ đệ Mạnh Tử viết 200 năm sau khi Khổng Tử mất.

■ Không có bằng chứng những giáo điều đầy ẩn ý chính trị nằm trong cuốn Luận Ngữ được viết lại dưới thời Hán Vũ đế là của Khổng Tử: những “chuẩn mực” giềng mối của Khổng Giáo như Tam cương, Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức quá là vô nhân nếu không muốn nói là sát nhân, vô đạo đức, sơ đẳng hoá xã hội chỉ có 2 hạng người, kỳ thị chủng tộc… và hoàn toàn mâu thuẫn với những ý niệm về Thiên lý, về Tâm, về Nhân còn nằm rải rác trong Ngũ Kinh, tuy vẫn chỉ là những sách đã được viết lại, nhưng cũng phản ánh một phần nào những ý nghĩ chân thật của Khổng Tử.

■ Nhật Bản không phải là nước theo Khổng Giáo.

■ Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong lịch sử nên cho tới bây giờ vẫn lệ thuộc tư duy Khổng Giáo của Tàu.

I. Tứ Thư và Ngũ Kinh:

1. Ngũ Kinh:

Gồm 5 cuốn sách có từ thời Khổng Tử còn sống: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu. Nhưng chính Khổng Tử tự công nhận chỉ sáng tác có 1 cuốn là Kinh Xuân Thu:

° Kinh Thi gồm những bài thơ của dân gian được Khổng Tử sưu tập.

° Kinh Thư kể lại những truyền thuyết về những vị vua hiền đức như vua Nghiêu, vua Thuấn đối lại với những ông vua tàn ác như vua Kiệt, vua Trụ.

° Kinh Dịch nói lại những phương cách bói toán được đặt ra từ cả ngàn năm trước thời Khổng Tử gồm những Vạch, liền (dương), đứt (âm), được xếp với nhau tạo thành những Quẻ. Tất cả có 8 quẻ gọi là bát quái biểu thị những biến hoá của âm dương. Khi soạn thảo thành cuốn sách Kinh Dịch, Khổng Tử chỉ cắt nghĩa thêm cho rõ ý nghĩa của những quẻ này và “triết học hoá” nó, biến nó thành những khái niệm âm dương về sự sinh thành và biến chuyển của vạn vật trong Lý Thái Cực, tương đồng với Logos của Héraclite và Vô Thường của Phật, gần như cùng thời. Có thể nói những ý niệm chính của triết học Khổng Tử nằm trong cuốn sách này.

° Kinh Lễ chỉ chép lại những lễ nghi nhờ đó giữ được trật tự phân minh trong xã hội. Thật ra những lễ nghi được bày đặt ra chỉ cốt để che giấu những luật lệ pháp trị của một chế độ trung ương tập quyền có từ đời nhà Tần được nhà Hán tiếp tục dưới một chiêu bài khác.

° Kinh Xuân Thu là cuốn sách duy nhất do Khổng Tử sáng tác và Khổng Tử rất ưng ý khi nói: “Thiên hạ biết ta là cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu, người trách tội ta là cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu“. Kinh này ghi lại những biến cố xảy ra ở nước Lỗ và một vài sự việc của nhà Chu và các nước chư hầu. Là cuốn sách độc nhất do Khổng Tử sáng tác, nên muốn tìm những tư tưởng chính trị của Khổng Tử phải tìm trong cuốn sách này.

Vấn đề là Tần Thủy Hoàng chôn sống học trò, đốt hết sách của Khổng Giáo nguyên thủy, vậy thì Ngũ Kinh mà người Tàu và người Việt phải học từ 2000 năm nay là Ngũ Kinh nào? Chắc chắn chỉ là những cuốn sách mạo danh Khổng Tử viết lại 400 năm sau khi Khổng Tử chết theo lệnh của Hán Vũ Đế. Chứng cớ là cụ Trần Trọng Kim có viết trong cuốn Nho Giáo (trang 191): “Nhưng vì Kinh Thư bị nhà Tần đốt mất, đến đời nhà Hán mới có quan bác sĩ đời nhà Tần là Phục Sinh (có người nói là con gái ông ấy) nhớ thuộc lòng đọc được 29 thiên. Sau ở nước Lỗ lại tìm được trong vách nhà Khổng Tử một tập 25 thiên viết bằng chữ cổ. Những thiên của Phục Sinh đọc ra viết bằng kim văn, những thiên tìm được gọi là cổ văn. Về sau quan bác sĩ là Khổng An Quốc đời Đông Hán xếp cả kim văn lẫn cổ văn làm thành ra Kinh Thư truyền đến ngày nay”. Một người có chút suy luận có thể tin được rằng một người con gái không biết chừng bao nhiêu tuổi nhưng chắc là chưa đến tuổi cập kê (16 tuổi ta, tuổi xuất giá) học ở đâu, thời nào, mà có thể nhớ được 29 thiên viết bằng kim văn? Vô lý hơn nữa là 600 năm sau mà còn tìm thấy trong vách nhà Khổng Tử 25 thiên viết bằng cổ văn! Nhà ngày xưa vách làm bằng đất thó trộn rơm và chữ cổ viết trên các thanh tre (gọi là sử xanh), làm sao tồn tại được 600 năm và tre chép sử không mục? Kinh Thư mà còn như vậy thi Kinh Xuân Thu do đích danh Khổng Tử sáng tác để diễn giảng những tư tưởng chính trị của mình, ai là người không sợ Tần Thủy Hoàng chôn sống dám giấu diếm?

2. Tứ Thư:

Gồm 4 cuốn. Cần nhắc lại là nguyên bản những sách này cũng đều đã bị Tần Thủy Hoàng thiêu hủy nên đây chỉ là những bản được viết lại sau này nhằm mục đích lợi dụng danh nghĩa Khổng Tử để đề cao trật tự xã hội của bá quyền Đại Hán:

° Luận Ngữ: Cuốn sách chính trong bộ Tứ Thư ghi chép lại những câu nói của Khổng Tử. Vì đệ tử chính của Khổng Tử là Tăng Tử và các đồng môn nhớ được đến đâu viết đến đó nên thiếu mạch lạc và rất lộn xộn và có nghĩa trái ngược nhau, chứng tỏ được thêm vào sau này. Những ý niệm then chốt của Khổng Giáo về quân tử, tiểu nhân, tam cương, ngũ thường… đều nằm trong Luận Ngữ.

° Đại Học: Thời Tăng Tử chỉ là 1 thiên trong sách Lễ Ký được Tăng Tử trích ra để giải diễn những lời Khổng Tử dạy phép làm người, dạy sửa mình để trở thành quân tử. Đến đời Tống mới in riêng ra và chắc là được thêm thắt nhiều để thành một cuốn sách.

° Trung Dung: Do cháu nội của Khổng Tử là Khổng Cấp học trò của Tăng Tử soạn thảo ra. Theo Hán Thư sách này có 23 thiên bị thất lạc hết chỉ còn 1 thiên chép lại trong sách Lễ Ký đến đời Tống mới in riêng ra thành sách. Sách này nói về đạo Trung Dung: Trung là giữa không nghiêng lệch về bên nào và là cái tính tự nhiên của trời đất và là đức hạnh của người quân tử vì muốn theo đạo này phải đạt được 3 cái đức là trí, nhân, dũng. Trí là biết rõ các sự lý; Nhân là để hiểu điều lành phải làm; Dũng là có khí cường kiện để làm điều lành cho đến cùng. Có thể đó là đạo Trung Dung thời Khổng Tử nhằm mục đích tu thân để trở thành người minh triết, đạo đức, công bằng như nghĩa “le sage” của Socrate – Platon, “l’honnête homme” của Montaigne. Đạo Trung Dung đời Tống nhằm mục đích trở thành một siêu nhân gọi là người quân tử để thắng thế bọn tiểu nhân rồi nắm quyền trị vì thiên hạ (Tề gia; Trị quốc; Bình thiên hạ). Ý niệm thành quân tử để bình thiên hạ chắc chắn là được các triều đại Tàu từ Hán đến Tống thêm vào để biến 1 thiên trong Lễ Ký thành 1 cuốn sách như trong trường hợp cuốn Đại Học.

° Mạnh Tử: Cuốn sách do các đồ đệ Mạnh Tử viết để gom lại những lời giảng dạy của Mạnh Tử về Thiện và Tâm. Mạnh Tử sinh sau Khổng Tử gần 200 năm, coi mọi người sinh ra đều bình đẳng vì ai cũng đã mang trong người tính Thiện “nhân chi sơ, tính bản thiện“. Ý tưởng bản tính Thiện có sẵn trong mỗi con người của Mạnh Tử tương đồng với những ý niệm Thiện “le bien” của Socrate – Platon và gần với ý niệm Phật tính của Phật, trái với ý niệm của Khổng Giáo là trời đất sinh ra đã có 2 hạng người quân tử và tiểu nhân. Ý tưởng của Mạnh Tử có vẻ “nhân đạo” hơn và ít có tính cách chính trị hơn so với những sách kể trên, nên dầu có được viết lại chắc cũng phản ánh đúng những tư tưởng của Mạnh Tử hơn.

Nói tóm lại: Trong 5 cuốn Ngũ Kinh chỉ có 1 cuốn do Khổng Tử sáng tác là Kinh Xuân Thu. Trong 4 cuốn sách viết sau khi Khổng Tử chết chỉ có 1 cuốn thật sự do các môn đệ của Không Tử viết là cuốn Luận Ngữ. Cuốn Mạnh Tử là do học trò Mạnh Tử viết 200 năm sau. Hai cuốn Đại Học, Trung Dung chỉ là 2 thiên của Lễ Ký đến đời Tống mới được “bồi bổ” thành sách.

II. Những chuẩn mực định đoạt thứ bực mọi thành phần trong xã hội nằm trong Luận Ngữ như Quân tử – Tiểu nhân, Tam cương, Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức, quá là vô nhân khiến phải đặt câu hỏi Khổng Tử không có lẽ “ác ôn” như vậy:

Quân tử – Tiểu nhân:

Khổng Tử phân biệt trong xã hội có hai hạng người: Quân tử và Tiểu nhân. “Quân” có nghĩa là vua, “tử” có nghĩa là tầng lớp trên cùng của xã hội, tầng lớp của vua. Người quân tử là người vì học đạo thánh hiền biết tu thân sửa mình nên có tính khí cao thượng và có địa vị tôn quí trong xã hội. Tiểu nhân là người thường dân và đàn bà, bị coi là không học đạo thánh hiền nên có tính khí hèn hạ nên không có địa vị gì trong xã hội. Từ đó suy luận là theo Khổng Tử (hay đúng ra là theo Khổng Giáo), những người đã học đạo thánh hiền đều là người quân tử và có bổn phận “hành đạo” nghĩa là ra làm quan và tiểu nhân và đàn bà sẽ không bao giờ thành người quân tử được, sẽ chỉ là người thường dân hèn hạ không có địa vị gì trong xã hội. ĐCSTQ lợi dụng triệt để cái ý niệm này: Đạo thánh hiền “Đổi mới” là “Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung Quốc” ở bên Tàu, là “Chủ nghĩa Mác-Lênin – Tư tưởng Hồ Chí Minh” ở Việt Nam. Muốn trở thành người quân tử của Đảng để có địa vị cao sang trong xã hội, phải là người thuộc tầng lớp Đảng viên.
Tam cương là 3 giềng mối, 3 mối quan hệ được bá quyền Đại Hán nhân danh Khổng tử đặt ra thành những quy tắc “chết người”:

♦ Quân thần (vua tôi) người làm tôi bị vua “thắt cổ” bằng chữ Trung: “Quân xử thần tử, Thần bất tử bất trung“.

♦ Phụ tử (cha con): cha “thắt cổ” con bằng chữ Hiếu: “Phụ xử tử vong, Tử bất vong bất hiếu“. (Cha bảo con chết thì con phải chết. Con không chịu chết là con bất hiếu). Lẽ tất nhiên là người Tàu trọng nam khinh nữ chỉ bóp cổ con gái thôi như vẫn thường xảy ra ở bên Tàu hiện nay với chính sách một con.

♦ Phu phụ (vợ chồng): “Phu xướng phụ tùy“. (Chồng nói vợ phải theo). Nam nữ bình quyền còn quá xa lạ ngay với người Tàu bây giờ vì vẫn còn quá thấm nhuần Khổng Giáo.

Tam tòng là 3 điều người phụ nữ phải theo: “Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử“. (Khi còn con gái phải theo cha, khi đi lấy chồng phải theo chồng, khi chồng chết phải theo con trai). Làm đàn bà Tàu khổ như vậy, phải theo và phục tòng đàn ông từ lớn đến nhỏ như con chó. Giữa đàn ông và đàn bà mà còn như vậy thì bao giờ có dân chủ được.

Tứ đức: Người đàn bà còn phải có 4 cái đức để hầu hạ và chiều chuộng người đàn ông là:
♦ Công: khéo léo trong việc làm
♦ Dung: hoà nhã trong sắc đẹp.
♦ Ngôn: mềm mại trong lời nói.
♦ Hạnh: nhu mì trong tính nết.

Cái đức của người đàn bà là như vậy khác với Ngũ thường của người đàn ông là Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín. Làm người đàn bà không cần có Ngũ thường vì có được tiếp xúc với ai ở ngoài đời đâu.

Giữa người và người cùng trong một nước mà Khổng Tử còn phân biệt thứ hạng và đàn ông đàn bà như vậy, thì đối với những dân tộc lân bang không cùng tộc Hoa, Khổng Tử còn tệ hại hơn, quá coi khinh những dân tộc này khi nói: “Các nước Di, Địch dù có vua cũng không bằng Hoa Hạ (Trung Hoa) không có vua”. Quan niệm coi mình là con Trời, triều đại mình là thiên triều, nước mình là trung tâm của vũ trụ (Trung Hoa, Trung Quốc), xung quanh chỉ là những dân tộc man di mọi rợ cũng là bắt nguồn từ Khổng Giáo và đã tạo ra tư tưởng bá quyền trong đầu óc mọi người Tàu kể cả những người bần tiện nhất. Cái lạ là ĐCSVN lại a dua với Tàu, bắt mọi người phải gọi nước Tàu là Trung Quốc để tự coi mình là một nước phiên bang trong khi cả thế giới vẫn gọi nước Tàu là nước Tần (Qin), đọc là Chine, là China. Đại Việt ta ngày xưa chỉ gọi là nước Tàu, là người Tầu (ở chữ Tần mà ra), là người (giặc) Tần, là người (giặc) Ngô. Trong Nam chỉ gọi là “mấy chú chệt” (từ chữ chinois, chinetoque), mấy chú (trú) khách (khách qua ẩn trú bên nước ta khi nhà Minh mất).

Nói tóm lại ông Khổng Tử được Tàu coi là một ông thánh mà có những ý nghĩ phân biệt giữa người và người, giữa dân tộc này với dân tộc khác, khuyến khích cha giết con, người cầm quyền giết dân thì quá là ác độc hơn Bin Laden bội phần! Hi vọng là phương châm “giết người” kiểu Khổng Tử của ĐCSVN “trung với Đảng hiếu với dân” không bao giờ được đề cao nữa.

III. Nhật Bản chưa bao giờ là nước theo Khổng giáo. Việt Nam là nước độc nhất vẫn lệ thuộc tư duy Khổng Giáo của Tàu cho tới bây giờ.

1. Người Nhật chỉ chọn lọc một vài ý niệm của Khổng giáo để thực dụng:

Người Nhật chỉ biết Khổng Giáo dưới hình thức biết chữ Hán từ đầu thế kỷ thứ V qua người Cao Ly. Những người này trốn chạy xâm lược Tàu có mặt ở Nhật từ đầu thế kỷ thứ III đem những kỹ thuật nông nghiệp, làm đồ sắt, dệt vải truyền bá cho người Nhật (nước Nam Việt của Triệu Vũ Vương biết những kỹ thuật này từ 200 TCN nên Lã Hậu mới cấm bán sắt và những đồ điền khí cho Nam Việt). Các nhà nho Cao Ly (lettrés, theo nghĩa biết viết chữ Hán) dùng chữ Hán giúp Nhật làm văn khố, lập thư viện, giúp vua chúa Nhật tổ chức hành chính phỏng theo Tàu. Chỉ bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII dưới triều đại nhà Đường người Nhật mới thấy cần phải giao thiệp thẳng với Tàu để học thêm: lập sứ quán ở Tràng An, lập những cư xá tụ tập từ 100 đến 200 người đủ hạng: sứ thần, nhà sư đi học đạo Phật, những người học nghề, học kiến trúc, văn chương v.v. Có cả thảy tới 5 trung tâm như vậy luôn luôn đầy ắp người vì có từng đội thuyền gồm 4 chiếc (thành ngữ tiếng Nhật “4 thuyền” có nghĩa là đi du học) luân phiên nhau chở người đi qua Tàu học. Muốn học văn chương chữ Hán bắt buộc phải học Tứ Thư, Ngũ Kinh của Khổng Giáo nhưng không có nghĩa là những người này sẽ theo Khổng Giáo khi trở về Nhật. Vả lại dưới thời đại nhà Đường, Khổng Giáo không được coi trọng bằng đạo Phật. Truyền thống học hỏi và lợi dụng những hiểu biết của nước ngoài mà không bắt chước y hệt vẫn được tiếp tục khi bắt đầu tiếp xúc với Tây phương thế kỷ thứ XIV và dưới thời Minh Trị khi đi phương Tây du học.

2. Người Nhật không theo chế độ tôn quân quyền nên không tuyển người cai trị theo kiểu Khổng Giáo:

Cái khác với Việt Nam, người Nhật học Khổng Giáo không phải để bắt chước Tàu mở kỳ thi tuyển quan lại cai trị dân thực thi chủ nghĩa tôn quân quyền như Việt Nam mà là để mượn văn tự Hán và lấy văn hoá Khổng Giáo bồi bổ cho nền văn hoá riêng biệt của mình là truyền thống Thần Đạo. Địa lý nước Nhật không phải như nước Tàu với những đồng bằng mênh mông ở lưu vực sông Hoàng Hà cần phải có một cơ cấu hành chánh trung ương tập quyền để kiểm sát dân và phân phối nước cho đồng ruộng. Khổng Giáo được bá quyền Đại Hán tạo ra là cốt để tuyển người phục vụ cái thể chế đó. Nước Nhật gồm nhiều đồng bằng nhỏ bé phân cách nhau bằng nhiều ngọn đồi chỉ có thể thông thương với nhau bằng đường biển nên nước bị chia ra làm nhiều miền, mỗi miền có một dòng họ, một lãnh chúa (shogun) cai trị, hay tranh giành nhau, đánh lẫn nhau. Cũng vì vậy cần phải có một ông vua vô quyền đứng làm trọng tài hay đứng tượng trưng, và tuy được suy tôn là Thiên Hoàng, dân chúng phải thờ lạy, nhưng luôn luôn bị các lãnh chúa bắt nạt. Tất nhiên là những Shogun (Đại tướng quân) luôn luôn đánh lẫn nhau cần phải có sự hỗ trợ của một tầng lớp thượng võ dưới quyền là tầng lớp Võ sĩ đạo (Samourai). Tầng lớp này coi văn là phụ và học văn là cốt để thay mặt Shogun cai trị dân. Khổng Giáo ngược lại trọng chữ thánh hiền khinh võ. Quan niệm cộng sản (Tàu và Việt Nam) cũng vậy: Tướng chính ủy Nguyễn Chí Thanh giỏi chữ thánh hiền Mác-Lênin có nhiều quyền hành hơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tuy tướng Võ có biệt hiệu là anh Văn.

Cũng cần phải nói thêm là chữ Nhật chỉ mượn 1945 chữ trong số 80.000 chữ Hán để kết hợp với 45 vần Hiragana phiên âm tiếng gốc Nhật và 45 vần Katakana phiên âm tiếng nước ngoài. Cách phiên âm này được một nhà sư Nhật tạo ra cách đây 1.000 năm. Nhờ vậy mà người Nhật không cần phải học Khổng Giáo để biết viết như Việt Nam. Công của nhà sư Nhật này cũng ngang với công của giáo sĩ Đắc Lộ tạo ra chữ quốc ngữ cách đây gần 400 năm. Cách đây không lâu có người phản biện tôi đã quá ca tụng công của ông cố đạo gián điệp (!!) của thực dân Pháp này vì mình trước đó đã có chữ nôm rồi. May có nhiều người phản biện lại là muốn viết được chữ nôm phải viết được chữ Hán. Tôi xin nói thêm là phải biết 2 lần chữ Hán hơn người Tàu vì 1 chữ nôm là 2 chữ Hán ghép lại với nhau: 1 chữ tượng ý, 1 chữ tượng âm. Lịch sử chữ viết cho thấy là chữ viết tượng hình tượng ý của Tàu quá sơ đẳng so với hầu hết mọi chữ viết đều là chữ phiên âm xuất phát từ Trung Đông cách đây 3.000 năm.

3. Ý niệm “Trung – Hiếu”, nòng cốt của Khổng Giáo xa lạ với tâm thức người Nhật:

Như tôi đã nói trên, Thiên Hoàng chỉ tượng trưng nước Nhật chứ không có quyền hành gì. Một người lính Nhật thua trận tự rạch bụng tự tử là vì thấy không làm tròn bổn phận đối với đất nước chứ không phải vì trung với vua “Quân xử thần tử, Thần bất tử bất trung” như cái chủ nghĩa “quân thần” ác ôn này của Khổng Giáo. Khổng Giáo không có đất nước mà chỉ có vua. “Trung với Đảng” cũng có nghĩa như vậy.

Trái lại một người võ sĩ đạo rạch bụng tự tử không phải vì hiếu với lãnh chúa (shogun) mà vì tự cảm thấy nhục không làm tròn nhiệm vụ được giao phó. Hai người võ sĩ đạo đấu kiếm với nhau người thua yêu cầu người thắng giết mình không thì cũng tự mổ bụng mà chết.

IV. Việt Nam trong lịch sử đã bỏ lỡ nhiều cơ hội nên cho tới bây giờ vẫn không thoát khỏi tư duy Khổng Giáo Tàu:

Từ khi giành được độc lập cách đây hơn 1.000 năm cho đến nay, Việt Nam có nhiều khả năng và cơ hội hơn Nhật để tự tạo ra một nền văn hoá riêng biệt, thoát khỏi tư duy Tàu, hội nhập với Tây phương và trở thành 1 nước lớn mạnh nhất Đông Nam Á. Nhưng vì quá nô lệ tư duy Tàu nên mọi cơ hội đều đã bị bỏ mất:

1. Triều đại nhà Lý có công đánh Tống diệt Chiêm mở mang đất nước cho tới Quảng Bình Quảng Trị, lập kinh đô Thăng Long, lấy đạo Phật làm quốc giáo, lẽ ra phải biết kết hợp truyền thống thờ thành hoàng với đạo Phật (không phải Đại Thừa của Tàu) để làm nền tảng cho một nền văn hoá riêng biệt như Nhật đã làm với Thần đạo, thì lại bắt chước Tàu mở khoa thi (năm 1075) lấy lại Khổng Giáo làm quốc giáo để tự chui vào cái gông cùm văn hoá tư duy Tàu.

2. Tiếp xúc với Tây phương từ thế kỷ thứ XVI cùng thời với Nhật, các vua chúa đàng Trong cũng như đàng Ngoài (trừ chúa Sãi) đã không biết làm như các Shogun Nhật, lợi dụng sự hiểu biết kỹ thuật của Tây phương để cải tiến kinh tế, cải tiến kỹ thuật đi biển, mở rộng thông thương, phát triển thương mại đưa đất nước đến thịnh vượng. Nhưng cái ngu xuẩn nhất là đã không biết dùng chữ quốc ngữ để thoát khỏi chữ Hán và tư duy Tàu. Các vua nhà Nguyễn sau này lại còn sợ “tà đạo” Cơ đốc lợi dụng chữ quốc ngữ xâm nhập phá đạo thánh hiền của Tàu nên ra sức giết đạo, bế quan toả cảng, khiến cho thực dân Pháp mượn cớ bênh đạo hợp cùng với Y Pha Nho nổ súng xâm lăng đầu tiên ở Đà Nẵng.

3. Vừa thoát khỏi tròng thực dân Pháp thì lại tự chui đầu vào thòng lọng Tàu, lao đầu vào cuộc nội chiến kéo dài 20 năm vì cũng vẫn giữ tư duy trung ương tập quyền của Khổng Giáo: một nước không thể có hai miền Nam – Bắc được. Không thấy là Nhật Bản nhờ có nhiều Shogunat (Mạc phủ) cạnh tranh nhau mà mạnh. Và sở dĩ đất nước Việt Nam được mở rộng tới tận mũi Cà Mau và có thời cai trị cả Lào và Cao Miên, là vì có 2 mạc phủ đàng Trong – đàng Ngoài.

Kết luận

Vì vẫn không chịu thoát khỏi vòng cương toả của chính trị và tư duy Tàu nên tương lai Việt Nam chưa bao giờ mù mịt như bây giờ: Đối với Bắc Kinh, ĐCSVN còn thua cả đảng cộng sản một tỉnh nhỏ nhất của Tàu. Chính trị, kinh tế, tài nguyên, đất biển, ngoại giao, nhân sự… đều dưới sự khống chế của bá quyền Bắc Kinh. Tân Tổng Bí thư Đảng cũng là do Bắc Kinh lựa chọn trong số những người lú lẫn và dễ bảo nhất. Muốn biết người Tàu, dù chỉ là Tàu Đài Loan, coi thường người Giao chỉ Ố Nàn như thế nào thì chỉ cần đọc cuốn sách nói Nguyễn Ái Quốc chết từ đời tám ngoãnh nào rồi, Hồ Chí Minh là người Tàu chính cống. Lẽ tất nhiên nếu hỏi bất cứ chú chệt bán ve chai nào là một người nói tiếng Tàu, làm thơ Tàu, lấy vợ Tàu, bận quần áo Tàu có phải là người Tàu không, thì chú này cũng sẽ trả lời đó là một người Tàu chánh hiệu con nai.

Phong Uyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét