Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Nghĩ gì về câu chuyện chủ tịch nước chưa giải được bài toán như thầy mong muốn?

Câu chuyện về ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết trước khi ra Hà Nội nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết đã thăm thầy dạy hồi tiểu học trong vùng kháng chiến. Thầy giáo dặn ông: “Lần này, em ra Hà Nội tôi kì vọng em lắm” được báo Vietnamnet đăng đã để cho 80 triệu người dân Việt nam suy nghĩ rất nhiều chăng? “Ngày xưa em học toán giỏi, làm toán rất nhanh. Bây giờ em ra làm Chủ tịch nước thì có một bài toán mà tôi mong em giải thật tốt, đó là bài toán chống tham nhũng”.

Những câu chuyện của các vị lãnh đạo khi sắp về hưu trao quyền cho người khác hay đã ngồi nhà an vị thường hay đưa ra những câu chuyện về ý tưởng của mình khi trẻ muốn làm mà tiếc chưa hoàn thành v.v… nay đã quá nhiều khiến người dân phải tự đặt ra câu hỏi là khi tại vị, có chức cao như vậy sao không làm được? Hay không muốn làm? Nay gần đất xa trời nên có vẻ ân hận chăng? Cả một đời làm vị chủ tịch nước mà tham nhũng dưới thời mình làm không những không giảm lại tăng cao hơn, trắng trợn hơn thì nói như câu chuyện ở trên nghe chưa có sức thuyết phục lắm. Trong giáo lý nhà Phật có câu: “dưới địa ngục có nhiều dự kiến kế hoạch đẹp được mở ra”. Đúng rồi khi có chức quyền ăn cơm của dân, mặc áo dân, ở 3 đến 4 nhà nguy nga lấy tiền của dân, lương bổng quá khủng từ thuế dân đóng vậy mà chẳng thấy vì dân. Nay sắp về hưu, sắp xuống mồ thì nói lời này để làm gì nhỉ? Thật đáng ân hận quá sao?

Sách Thánh hiền xưa có nói: “Người ta sinh ra ở đời đều phải có trách nhiệm của mình đó là báo hiếu cha mẹ, báo hiếu thầy cô giáo và báo hiếu nhân dân. Người dân thường có nghĩa vụ của người công dân với đất nước nhưng người lãnh đạo ngoài nghĩa vụ công dân ấy còn phải có nghĩa vụ của người lãnh đạo đất nước.”

Vậy anh đã làm được gì và làm thế nào? Đó là câu trả lời dân đang cần anh phải đáp trả khi đang làm công việc, đang tại nhiệm chứ không cần anh nói khi anh không còn đảm nhiệm chức vụ nữa, khi anh về hưu. Chuyện đó để anh kể với Diêm-Vương, đó là chuyện của anh phải giải trình với vị này khi qua cẩu Nội Hà vào cõi U-minh giới. “Chủ Tịch” Hồ Chí Minh vẫn nói câu: “Đảng là người đầy tớ trung thành của nhân dân” và “người cán bộ là người phải biết chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân, lo trước dân, hưởng sau dân”, “dân không sợ khổ chỉ sợ không công bằng!” Xét thấy chẳng cần phải lấy đâu xa đạo lý này nếu làm tốt cũng là hết đất cho những tham nhũng và hành dân.

Tấm gương cho mọi người cán bộ noi theo hiện nay đâu phải đâu xa mà ngay từ con người hết đời vì dân vì nước hãy còn đó, hai tấm gương thực sáng là nói và làm khi đang sống và khi dù đã về già vẫn làm được đạo lý vì dân vì nước, đó là Đại-tướng Võ Nguyên Giáp và cố bí thư Đảng Nguyễn Văn Linh mà người dân Việt nam vẫn thường nhắc nhở cho nhau noi theo. Khi nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp cả cuộc đời của ông nói rất ít mà làm thì đã thành công biết bao chuyện kỳ vĩ, đó là đã chứng minh cái đạo lý vì dân báo nước với Điện Biên Phủ Tây bắc 1954 lẫy lừng và Điện Biên phủ trên không 1968 -1972. Ngay cả khi ông gian nan nhận chức “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, sinh đẻ có kế hoạch” mà nhiều người nghĩ là vị tướng lừng danh ấy sẽ bỏ cuộc về hưu, nhưng trái lại ngài vẫn thản nhiên vui vẻ đảm nhận và hoàn thành xuất sắc công việc này đã tròn 100 tuổi, sức khoẻ yếu nhiều mà vẫn nghĩ về Bauxít Tây nguyên và biên giới đất nước cùng các đảo xa. Còn ông Linh thì với “việc cần làm ngay” đưa bao quan tham ra chốn đầu đài và làm trôi chảy các công việc hành chính đất nước vào nề nếp. Người dân công minh đều biết hết, lịch sử chẳng quyên sót một ai.

Còn chuyện ông Nguyễn Phú Trọng, vị tân Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam được báo chí kể về việc đã đạp xe đến thăm thầy giáo nghe cũng thật cảm động và người ta kỳ vọng cờ nay đến tay ông sẽ làm được những gì mà ông muốn để lại cho đời, những bài học đạo đức quý chăng? Nếu ông thật là vì dân vì nước, vì đạo thầy trò, đạo vua tôi và đạo lý Thánh hiền thì nhiệm kỳ này là cơ hội để cho ông trổ tài chứng minh về con người và phẩm hạnh của ông. Nhân dân và đất nước rất mong muốn nhìn thấy dấu vết xe đạo của ông không đi vào vết ô tô sang trọng của người đi trước mà hễ mưa đến là hết vết, chẳng ai muốn nhắc nhở đến, hay có nói chỉ kèm theo theo tiếng thở dài chép miệng đối với những ông lãnh đạo chỉ nói đẹp khi đã về hưu.

© Nguyễn Hoàng Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét