Pages

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Những thay đổi buồn tẻ ở Việt Nam tại Đại hội Đảng thứ 11


David Koh - Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức từ ngày 12 tới 19 tháng 1 năm 2011. Đại hội chẳng kéo theo thay đổi nào lớn về chính trị, xã hội hay kinh tế, khi mà các nhà lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản đã quyết định không quá mạo hiểm trong việc thiết kế đường lối cho đất nước.
Vượt lên trên tất cả mọi thứ và thậm chí vượt cả lên cuộc tranh luận về hình thức chủ nghĩa xã hội đang được thực thi ở Việt Nam, là sự quan tâm to lớn tới việc những ai sẽ là các lãnh đạo cao nhất của đất nước kể từ sau ngày 19-1-2011. Thật mỉa mai là, vấn đề ít nhiều đã được giải quyết vài tuần trước khi Đại hội khai mạc, khi Bộ Chính trị nhất trí nội bộ rằng sẽ đề cử ông Nguyễn Phú Trọng vào cương vị lãnh đạo tối cao. Ban Chấp hành Trung ương khóa 10 chấp nhận đề cử, và Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 được bầu chọn tại Đại hội Đảng thứ 11 đã phê chuẩn sự lựa chọn đó.

Ông Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch Quốc hội từ năm 2006 tới năm 2011. Kể từ giữa năm 2010 khi tên tuổi ông bắt đầu nổi lên như là ứng cử viên cho vị trí Tổng Bí thư nhiệm kỳ tới, những đối thủ của ông trong hậu trường đã phá ông một chút. Nhưng việc Bộ Chính trị lựa chọn ông Trọng cũng dễ hiểu, xuất phát từ hai quan điểm. Thứ nhất là nếu không chọn ông Trọng thì hai vị trí lãnh đạo cao nhất là Tổng Bí thư và Thủ tướng có thể đều rơi vào tay người miền Nam. Công thức lựa chọn lãnh đạo tối cao luôn luôn đòi hỏi phải cân bằng giữa người miền Bắc, miền Nam và miền Trung. Trong quá khứ, không phải lúc nào cũng có thể đưa các nhà chính trị khu vực miền Trung vào cơ cấu, nhưng đã luôn có một sự cân bằng sít sao giữa Bắc và Nam. Thêm vào đó, cái tư duy thường được chấp nhận là người miền Bắc giỏi hơn trong lĩnh vực chính trị và lý luận, người miền Nam thì giỏi chơi bóng trực tiếp hơn. Đấy là lý do tại sao người miền Bắc thường được ưu tiên vào chức vụ Tổng Bí thư, còn người Nam vào vị trí Thủ tướng.

Nếu ông Trọng (ngoại trừ vị Chủ tịch được tôn sùng, ông Hồ Chí Minh, được gọi là Bác Hồ, người Việt Nam nói chung được gọi bằng tên) không trở thành Tổng Bí thư, sẽ khó mà còn người miền Bắc nào khác trong Bộ Chính trị vào được vị trí này. Một người miền Bắc khác có thể là ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên kinh nghiệm của ông trong chính phủ chưa bao giờ bao gồm cả kinh nghiệm về chính sách kinh tế và xã hội. Một người Bắc nữa, ông Phạm Quang Nghị, thì vẫn chưa đủ thâm niên bởi ông chỉ mới làm một nhiệm kỳ ở Bộ Chính trị, là nơi cung cấp nhân sự cho chức vụ Tổng Bí thư. Đương kim Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng mới làm được một nhiệm kỳ đầu tiên, mặc dù ông có tương đối kinh nghiệm trong chính phủ và là người miền Bắc. Người miền Bắc cuối cùng là Hồ Đức Việt, Trưởng Ban Tổ chức và Nhân sự của Đảng, từng có một nhiệm kỳ khó quên, đã bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 gạt khỏi Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ này (và do đó phải rời Bộ Chính trị cũng như các cương vị khác). Một điều cũng rất quan trọng là vấn đề thâm niên: Ngoài ông Trọng ra, những người miền Bắc khác đều ít thâm niên hơn những người miền Nam cùng cạnh tranh vào chức vụ Tổng Bí thư. Do đó, đối với cánh miền Bắc, giao ghế cho ông Trọng còn tốt hơn cho một người miền Nam, bởi người miền Nam còn có thể được nhận chức Thủ tướng nữa.

Lý do thứ hai giải thích tại sao ông Trọng được Bộ Chính trị hiện tại lựa chọn là logic “người đáng tin cậy”. Ông Trọng tạo dựng sự nghiệp chính trị của mình trong lĩnh vực lý luận về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội; ông là người được hai nhà lý luận Đào Duy Tùng và Nguyễn Đức Bình bảo trợ, mặc dù tư duy của ông ít bảo thủ hơn họ. Nhiều thập niên kinh nghiệm làm việc ở Tạp chí Cộng sản (tạp chí lý luận của Đảng) và trong Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, dạy và điều hành công việc giảng dạy bộ môn Chủ nghĩa Mác-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, hẳn đã cho ông lợi thế hơn các nhà lãnh đạo khác trong công việc diễn giải ý thức hệ của Đảng.

Tuy nhiên ngoài những “quyền được ủy nhiệm” này, ông Trọng có quá ít kinh nghiệm ở cấp chính quyền trung ương so với các đối thủ khác cũng cạnh tranh vào chức Tổng Bí thư. Trước khi trở thành Chủ tịch Quốc hội, ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội. (Trước đó nữa, ông làm việc tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Khi ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, báo chí hỏi ông làm thế nào có thể xử lý công việc khi chưa có kinh nghiệm nghị trường. Ông bảo ông sẽ học từ công việc. Đó là một phương pháp luận kiểu “cứ làm đi đã”, nhưng nó không đảm bảo được là đã chọn đúng người đúng việc. Tuy nhiên ông Trọng chắc chắn là sẽ cảm thấy thoải mái hơn trên cương vị Tổng Bí thư, với bề dày kinh nghiệm của ông trong lĩnh vực lý luận.

Điều đó cũng có nghĩa là căn bản quyền lực của ông Trọng thật sự không phải trong nhánh hành pháp, bởi lẽ Tổng Bí thư, tuy mang tính primus inter pares (một từ Latin, có nghĩa là đứng đầu nhưng bình đẳng-ND), phải chịu trách nhiệm về chính sách nhưng không phải về việc thực thi chính sách. Phần thực thi là nhiệm vụ của Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng. Chẳng thế mà cương vị chính trị và nghi thức của chức Tổng Bí thư là số 1, trong khi Thủ tướng chỉ đứng số 3 (số 2 là Chủ tịch nước); tuy nhiên, nhiều quyền lực chính trị ở Việt Nam thì lại có được thông qua hệ thống ngân sách và hợp đồng mà Chính phủ chi ra. Trên thực tế, ở bất kỳ cấp nào, các chức vụ trong Chính phủ cũng đáng thèm muốn hơn các vị trí trong Đảng nói chung, mặc dù sở hữu một trong những chiếc ghế cao nhất trong hàng ngũ của Đảng là chìa khóa để đạt được chức vụ cao nhất trong bộ máy Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 bỏ phiếu ủng hộ để ông làm thêm một nhiệm kỳ nữa. Người ta thường nói rằng ở Việt Nam, mọi chính trị gia khi đã đạt được thành công vừa sức ông ta (đa phần chính trị gia ở Việt Nam là đàn ông) đều sẽ muốn trở thành Tổng Bí thư, nhưng có vẻ như ông Dũng không làm được việc này, và điều ấy có vài lý do.

Thứ nhất, có những tiếng nói rất ảnh hưởng cho rằng Thủ tướng và Chính phủ của ông ta có lỗi trong cuộc khủng hoảng tài chính ở Việt Nam năm 2007 (cùng thời với khủng hoảng tài chính toàn cầu), cũng như bất ổn kinh tế vĩ mô giai đoạn cuối 2010. Thứ hai, tình trạng gần như phá sản của Vinashin, tập đoàn đóng tàu nằm trực tiếp dưới sự quản lý của Thủ tướng, làm sứt mẻ danh tiếng của Thủ tướng. Có tin đồn là còn nhiều Vinashin nữa sắp xảy ra. Thứ ba, suốt hai năm qua, tin tức về vụ nhượng cho Trung Quốc khai thác mỏ bauxite trên Tây Nguyên và cho thuê rừng ở nhiều nơi khác cũng đã làm Chính phủ mang tiếng xấu. Và hãy lấy một ví dụ là việc Quốc hội bác đề nghị của Chính phủ xây đường sắt cao tốc Bắc Nam. Dự án này có tính chiến lược và có giá trị cực kỳ to lớn, nhưng đề nghị của Chính phủ thì được viết thật vắn tắt và thiếu chuyên nghiệp. Ấn tượng nó tạo ra là một Chính phủ cố sức thông qua mọi thứ thật vội vã mà không hề tập trung một cách thích đáng vào khâu chuẩn bị tài liệu và thuyết phục. Hay là, hãy xem vụ hợp nhất tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, một việc làm bị coi là quá vội vã của Chính phủ, bất chấp nhiều ý kiến cho rằng chủ trương sáp nhập là không khôn ngoan.

Tuy nhiên, cũng cần có sự thông cảm tương đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chính phủ. Hầu hết những sai lầm trên không phải chỉ của mình Chính phủ. Lý do là, lãnh đạo ở Việt Nam là một công việc tập thể, và phần lớn các quyết định căn bản và quan trọng do Thủ tướng đưa ra thì đều có dấu vết của quyền lực từ Bộ Chính trị. Các quyết định được thảo luận, và việc bỏ phiếu ở những lĩnh vực có sự bất đồng là chuyện thường xảy ra. Do có sự lãnh đạo tập thể và cơ chế làm việc ở Bộ Chính trị thì bí mật, không dễ xác định ai chịu trách nhiệm cho một sáng kiến chính sách nào đó. Là một nhóm, Bộ Chính trị giữ cương vị đứng đầu và không có một thiết chế nào ở bên ngoài nó để làm đối trọng sau khi nó đã ra quyết định.

Chức Chủ tịch nước, sau khi ông Nguyễn Minh Triết rời ghế, sẽ thuộc về ông Trương Tấn Sang. Ông Trương Tấn Sang đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình ở cương vị Thường trực Ban Bí thư trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ năm 2006 tới năm 2011, và nhiều ý kiến coi ông ngang hàng với ông Nguyễn Tấn Dũng về mặt năng lực. Trên thực tế, trong danh sách các thành viên Bộ Chính trị, công bố sau Đại hội 11 của Ban Chấp hành Trung ương, ông Sang đứng đầu, còn Tổng Bí thư và Thủ tướng xếp dưới. Theo một lời giải thích chưa được xác nhận, danh sách này được sắp xếp theo số phiếu bầu từ cao nhất xuống thấp nhất. Do đó, ông Sang hẳn đã nhận được nhiều phiếu nhất từ những đồng sự của mình trong Bộ Chính trị ở Ban Chấp hành Trung ương khóa 11. Trước Đại hội, người ta thậm chí còn cho rằng ông đang chạy đua cùng ông Nguyễn Tấn Dũng để giành chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ tới, như điện tín của Wikileaks đã hé lộ. Song chức Chủ tịch nước cũng là một cái giải an ủi (giải khuyến khích), và ông Sang, với tính cách chủ động đi tiên phong, được kỳ vọng sẽ mang lại đổi thay cho một định chế mà quá nhiều người coi là chỉ có tính nghi thức.

Chức vụ lãnh đạo quan trọng thứ tư là Chủ tịch Quốc hội. Ngẫu nhiên thế nào, ông Nguyễn Phú Trọng là người thứ hai liên tiếp đi theo con đường từ vị trí Chủ tịch Quốc hội trở thành Tổng Bí thư. Người trước ông là ông Nông Đức Mạnh (2001-2011). Có tin cho rằng Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị có thể đã được đề nghị trở thành Chủ tịch Quốc hội khóa tới, nhưng hình như chưa đạt được sự nhất trí đối với việc này. Do vậy vai trò ứng viên của ông Nghị có vẻ còn gây nghi hoặc. Một bức ảnh chụp những người đứng đầu trong Bộ Chính trị, chụp sau Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng, cho thấy ông Nguyễn Sinh Hùng, đương kim Phó Thủ tướng, có thể trở thành Chủ tịch Quốc hội. Tân Tổng Bí thư có mái đầu bạc trắng; Thủ tướng Dũng và Chủ tịch tương lai Trương Tấn Sang đứng hai bên phải và trái Tổng Bí thư. Có lẽ không có lý do nào để ông Nguyễn Sinh Hùng đứng ngay cạnh Chủ tịch nước Tương lai bởi vì cương vị hiện tại của ông – Phó Thủ tướng – không cao đến thế.

Nói về chính sách, Đại hội Đảng thứ 11 không phải là một bước ngoặt. Việt Nam vẫn đang thụ hưởng thành quả và danh tiếng của việc là con hổ kinh tế tiếp theo ở ASEAN. Sự thịnh vượng và mức sống đang tăng lên chứng tỏ tính đúng đắn của chính sách mở cửa và hội nhập với cộng đồng toàn cầu. Đại hội sẽ không thay đổi điều này. Chỉ dấu quan trọng nhất cho thấy điều ấy là sự thống nhất rộng rãi về Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội mà Đại hội Đảng thông qua. Điều này cho thấy rằng những kẻ có lợi ích đều chung suy nghĩ rằng con đường Việt Nam đã đi từ thời Đổi Mới năm 1986 là đúng đắn.

Có vài quan điểm khác biệt về việc thế hệ các lãnh đạo kế tiếp (chứ không phải lãnh đạo mới) có thể làm được gì. Những người lạc quan tin rằng những thay đổi, theo hướng đi tới một trình độ quản lý tốt hơn để nhìn ra được vô số các vấn đề nói trên, có thể mất thời gian đấy, nhưng chắc chắn thay đổi sẽ đến, và cần phải có sự chuyển giao thế hệ dần từng bước để những đổi thay đó diễn ra. Họ cũng cho rằng tốc độ không phải vấn đề sống còn; sự thận trọng mới là sống còn. Những người bi quan thì tin là các vấn đề được nêu trên bắt nguồn từ một thể chế do đảng cộng sản tạo dựng nên và do đó không tồn tại ý chí phải thay đổi hệ thống một cách căn bản, chờ đợi thay đổi đến thật là vô nghĩa; đất nước sẽ tiếp tục luẩn quẩn thế này. Và cũng có những người cho rằng thay đổi là có thể, ngay từ thế hệ này hoặc sang thế hệ kế tiếp, và cần gây áp lực mạnh lên các nhà lãnh đạo để các thay đổi đó diễn ra càng sớm càng tốt. Họ tin là trì hoãn thay đổi chỉ một, hai thế hệ nữa, sẽ là muộn màng không cứu vãn được.

Cho dù ai đó có theo quan điểm nào, Đại hội lần thứ 11 của Đảng cũng không qua đi mà không được chú ý. Nhưng những việc thật sự phải làm để cải thiện tình hình đất nước sẽ sớm được giao vào tay bộ máy quan chức cũng như trông cậy vào năng lực của Thủ tướng và Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng Bí thư, để có thể tiến mạnh lên phía trước mà không giống như đang ăn thì nhai phải sạn. Hai con người này sẽ chia sẻ quan điểm và chính sách tới mức nào, họ có thể hợp tác tới đâu để thuyết phục những nhà làm chính sách đồng sự trong Bộ Chính trị tuân theo sự lãnh đạo của họ, điều ấy sẽ quyết định khả năng cất cánh – hay là hạ cánh một cách khó khăn – của Việt Nam trong vòng 5 năm tới, cho đến Đại hội toàn quốc của Đảng năm 2016.

David Koh là nhà nghiên cứu cao cấp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.

Người dịch: Đan Thanh

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét