Pages

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Ông Nguyễn Phú Trọng là “mèo trắng” hay “mèo đen”

Hoàng Cơ Định


Cách đây 10 hôm, một bạn sinh viên có liên lạc hỏi tôi dự đoán xem giữa 2 ông Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang, ai có triển vọng sẽ là Tổng Bí Thư Đảng CSVN và ai sẽ là Chủ Tịch Nước cho nhiệm khoá mới. Tôi có trả lời:

- Tôi thấy 2 anh này cũng làng nhàng như nhau, ngoài khuôn mặt của hai người rõ ràng có khác biệt; về bản chất, thành tích và chủ trương thì không khác gì, đúng hơn là chẳng thấy gì đặc biệt ! Đã là lãnh đạo CS thì họ chỉ là những con mèo, mèo trắng làm Tổng Bí Thư, mèo đen làm Chủ Tịch Nước, mèo nào cũng thế thôi...

Anh bạn sinh viên phụ họa thêm:

- Nói như Đặng Tiểu Bình, mèo trắng mèo đen không quan trọng, ăn thua là mèo nào bắt chuột giỏi.

Tôi vội cải chính:

- Tôi không có ý lập lại câu của Đặng Tiểu Bình, mà chỉ muốn nói rằng: Lãnh đạo CS là những con mèo, mèo trắng hay mèo đen thì đều ăn vụng và… bậy xong thì tìm cách dấu!

Sau khi cúp điện thoại với cậu sinh viên, tôi vào Internet để tìm thêm chi tiết về hai nhân vật này xem thành tích của họ ra sao, thì đúng như cảm nghĩ đã có của tôi, cả hai đều là những nhân vật mờ nhạt.

Ông Nguyễn Phú Trọng khai là tốt nghiệp Cử Nhân Văn Chương nhưng cả đời không thấy có tác phẩm hay bài viết gì về văn chương. Từ cái gốc Cử Nhân Văn Chương ông Trọng chuyển qua làm luận án Tiến Sĩ tại Liên Sô về chính trị, đề tài “Xây dựng Đảng”. Sau đó ông giữ chức Tổng biên tập tạp chí Cộng Sản, Chủ tịch hội đồng lý luận trung ương, rồi làm Bí Thư Thành Ủy Hà Nội và Chủ Tịch Quốc Hội. Đại đa số chi tiết về cuộc đời của Nguyễn Phú Trọng chỉ là những nét mờ mờ, chung chung và lời tuyên bố đầu tiên trong chức vị Tổng Bí Thư phản ánh khá rõ tác phong của lãnh đạo đảng CSVN ngày nay. Trước câu hỏi:

- Tổng Bí thư sẽ ưu tiên thúc đẩy nhiệm vụ nào trong nhiệm kỳ tới cũng như điểm nhấn để tạo dấu ấn của mình?

Thái độ của Nguyễn Phú Trọng là không nhận trách nhiệm cá nhân, giả bộ nhún nhường, nhưng núp sau lá bùa “nghị quyết của Đảng” để thực hiện chính sách độc tài, câu trả lời là:

- Tôi làm gì không vì mục đích tạo dấu ấn cá nhân, đánh bóng mình, mà vì trách nhiệm. Trách nhiệm của người đảng viên, cán bộ là thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng.

Nhìn vào trường hợp của Trương Tấn Sang, bức tranh cũng chẳng có gì rõ nét hay sáng sủa hơn. Tiểu sử của Trương Tấn Sang do cơ quan chính thức của đảng CSVN phổ biến chỉ vỏn vẹn vài dòng, không nhiều hơn những gì ghi trong tấm bằng lái xe. Những phát biểu của Trương Tấn Sang được báo chí Đảng tường thuật lại chỉ là những lời lập đi lập lại nào là đảng CSVN quang vinh, bác Hồ vĩ đại, kinh tế phồn vinh vv…

So sánh giữa Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang để xem ai có khả năng trở thành Tổng Bí Thư trước khi đại hội Đảng kết thúc, chẳng khác chi so sánh bề cao của 2 bóng mờ chập chờn trên vách. Nay Nguyễn phú Trọng đã được lựa chọn làm nhân vật số 1 của đảng CSVN, chính thức là “mèo trắng”, thì chẳng cần phải so sánh với Trương Tấn Sang mà chỉ cần tập trung vào nhân vật này để đánh giá guồng máy thống trị dân tộc VN mà ông ta đại diện.

Người dân Hà Nội truyền tụng câu vè nói về Nguyễn Phú Trọng cùng 3 người đồng chí của ông như sau:

“Giàu như Phú - Lú như Trọng - Lật lọng như Nghiên - Tiêu tiền như Triệu.’’

Bốn nhân vật này là nhóm lãnh đạo CS tại Hà Nội gồm Phùng Hữu Phú, chủ tịch UBND; Nguyễn Phú Trọng, bí thư; Hoàng Văn Nghiên, phó chủ tịch và Nguyễn Quốc Triệu, nguyên chủ tịch UBND. Câu vè tuy ngắn, nhưng nói lên đặc điểm nổi bật của mỗi người.

Đặc điểm nổi bật của ông Trọng là “lú”. Từ Điển Tiếng Việt của nhà xuất bàn Đà Nẵng định nghĩa tính từ “lú” như sau: “ở trạng thái trí tuệ kém, hầu như không có hoặc không còn trí nhớ, trí khôn”. Thường thì người ta hiểu “lú” có nghĩa là hay quên, hay lẫn lộn chuyện này với chuyện kia. Từ này hay được dùng để mô tả tình trạng kém trí nhớ của mấy ông già bà cả hay để la rầy những người giúp việc ở vị trí thấp kém đã quên đi những gì được sai bảo, dặn dò. Trường hợp Nguyễn Phú Trọng bị gọi là “lú” chẳng phải là vì ông ta hay quên, mà chỉ để diễn tả tình trạng ông ta phát biểu mỗi lúc một khác, nói chữ thì gọi là “tiền hậu bất nhất”, là lật lọng giống như Hoàng Văn Nghiên. Như vậy thì lú hay lật lọng cũng thế; nhưng với phó chủ tịch Hoàng Văn Nghiên thì dân Hà Nội dùng chữ “lật lọng”, chẳng qua là để có câu nói vần. Vì lọng vần với Trọng và lú vần với Phú. Tóm lại câu nói dân gian, chẳng phải là do bọn “phản động nước ngoài” đặt ra, mà chính là dân Hà Nội, nhận định về lãnh tụ CS Nguyễn Phú Trọng. Họ đánh giá Nguyễn Phú Trọng là con người mỗi lúc nói một khác, chẳng thể nào tin được!

Ngoài tật giảo hoạt và gian dối, Nguyễn Phú Trọng còn được coi là thân (tay sai) của Trung cộng. Đây là một chi tiết khó chứng minh một cách trực tiếp nhưng gián tiếp thì không phải không có. Vào tháng 4 năm 2007, sau khi vừa nhận chức Chủ Tịch Quốc Hội, Nguyễn Phú Trọng đã vội vã qua thăm Bắc Kinh. Thời gian này cũng là lúc Trung Quốc ra mặt ngăn cản hãng dầu BP hợp tác với Việt Nam để khai thác ngoài khơi Côn Sơn. Phát ngôn viên Tần Cương của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã tuyên bố trịch thượng rằng:

“Trung Quốc bầy tỏ hết sức quan tâm việc này và đã giao thiệp nghiêm khắc với Việt Nam”.

Trong vai trò khách viếng thăm, nhân danh Chủ Tịch Quốc Hội VN, Nguyễn Phú Trọng không những đã không dám có phản ứng để bênh vực chủ quyền và bảo vệ thể diện quốc gia, mà còn phụ họa và tâng bốc Trung Quốc như sau:

“Đáng mừng là, cùng với thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, Trung Quốc đang thể hiện sự quan tâm ngày càng nhiều hơn tới Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xây dựng một số nhà máy, công trình như: Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, nhiệt điện Quảng Ninh, nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám ở Ninh Bình …”.

Làm ngoại giao thì phải mềm dẻo, nhưng thái độ của Nguyễn Phú Trọng không còn là một sự mềm dẻo ngoại giao, mà đã trở thành su nịnh, luồn cúi.

Khi TƯĐ CSVN có một Tổng Bí Thư mới, những người tranh đấu cho dân chủ tại VN chẳng ai mơ tưởng người TBT mới này sẽ đi theo xu hướng … dân chủ, chẳng ai chờ đợi Nguyễn Phú Trọng sẽ mang lại sinh hoạt dân chủ cho VN. Nhưng nhìn tổng quát thì thấy rằng ông là một người tốt nghiệp về văn chương, chuyển sang ngành chính trị, qua Liên Sô học Tiến Sĩ, nay lại có một bộ mặt thân Tàu… Trong đời sống và công việc, ông Trọng thay đổi nay thế này mai thế khác, đóng kịch … “lú”. Trước năm 1991 Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Biên Tập Tạp Chí CS chuyên trình bầy và ngợi ca đường lối Đảng. Mười năm sau, được vào Bộ Chính Trị, Trọng nhận xét chủ trương của Đảng hồi trước 1991 là … “những quan niệm đơn giản, ấu trĩ.”

Như vậy định hướng thật của Nguyễn Phú Trọng là chỗ nào lợi thì tới, nếu cần phủ nhận quá khứ thì cũng … thoải mái thôi. Đây chẳng phải là đặc tính của riêng Nguyễn Phú Trọng mà còn của chính CS ngày nay. Đường lối của đảng CS không tới từ niềm tin giáo điều vào chủ nghĩa Mác Lê mà từ tương quan lợi nhuận trong đó sức mạnh của đối thủ là yếu tố rất quan trọng.

Vậy thì tương lai của nền dân chủ VN sẽ sáng sủa nếu cuộc đấu tranh có thêm nhiều người tham gia hơn, từ những đồng bào trong nước đang là nạn nhân tới khối đồng bào hải ngoại và bạn hữu khắp năm Châu…

Việt Nam sẽ có dân chủ khi chúng ta đấu tranh tích cực hơn, manh mẽ hơn, đa dạng hơn và khi những người CSVN ngày hôm nay hiểu rằng họ vẫn có chỗ đứng trong một xã hội dân chủ tương lai, miễn là không phải trên lưng hay trên đầu người khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét