Pages

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Quẳng facebook đi, tại sao không?


Bạn nhíu mày. Bạn không nhìn nhầm, tôi cũng không viết nhầm.

Tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề.

Quẳng facebook đi. Hollywood đã làm cả film “The Social Network” về sự ra đời của facebook, và tờ “Time” cũng chọn Mark Zuckerberg làm nhân vật của năm, nhưng facebook dù sao cũng chỉ là 1 trang mạng xã hội.

Quẳng facebook đi. Một khi bạn đã chọn làm một công dân ngoan ngoãn, còn suy nghĩ gì mà không chuyển sang go.vn? Ông Nguyễn Lâm Thanh, trợ lý tổng giám đốc VTC khi trả lời phỏng vấn trang Thông tin công nghệ đã tự tin cho rằng “Về mặt nội dung và tâm lý người sử dụng, Go.vn được người Việt Nam xây dựng nên hiểu phong cách, văn hóa sử dụng của người Việt hơn các mạng nước ngoài. Do đó, VTC tin tưởng Go.vn sẽ phục vụ người dùng Việt Nam tốt hơn so với mạng xã hội có nguồn gốc nước ngoài” và rằng go.vn sẽ thay thế facebook trong 6 tháng!

Quẳng facebook đi. Bạn nghiện facebook, có bạn mới bạn nghĩ ngay đến chuyện add trên facebook, chia sẻ bài hát bạn muốn đưa lên facebook, có 1 ý nghĩ trong đầu bạn muốn viết status trên facebook, muốn tổ chức sự kiện bạn nghĩ tới facebook, phản đối 1 sự kiện hoặc 1 cá nhân bạn đưa lên facebook, sáng mở mắt dậy bạn muốn kiểm tra facebook, cả ngày bạn muốn mở facebook, khi không có gì làm bạn mở facebook, bận rộn bài vở sắp kiểm tra bạn vẫn dành thì giờ cho facebook, bạn sử dụng facebook như hít khí trời. Đúng. Nhưng facebook không phải là khí trời. Trước khi facebook được thành lập bạn đã sống ra sao, sau này không có facebook bạn sẽ sống như thế. Mọi thứ là tương đối, sau 1 thời gian cái gì đó tưởng chừng như không chịu đựng nổi sẽ trở thành quen.

Quẳng facebook đi. Như trước kia yahoo 360 bạn đã lục tục kéo sang yahoo plus, hoặc nhiều người đang dùng myspace, twitter, blogspot… chuyển sang facebook, bạn có thể dùng bất kỳ cái gì khác. Không có gì là không thể thay thế. Bạn có thể sử dụng go.vn, trong lành, an toàn, không bao giờ lo bị chặn.

Quẳng facebook đi. Bạn có thể có nhiều thú vui khác. Tôi không khuyến khích, nhưng nếu muốn bạn có thể thoải mái chơi game online, đọc truyện “Cô giáo Thảo”, chuyền nhau “Sợi xích”, vào các trang web sex… và sẽ không ai cấm cửa bạn.

Quẳng facebook đi. Ừ thì không phải Na Uy, hay Anh, hay Pháp, hay New Zealand, hay Úc, hay Phần Lan… nhưng ít nhất ngoài Việt Nam cũng có Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh, Iran, Syria… chặn facebook, lạ lùng gì đâu. Và khi dân Trung Quốc hoan hỉ kéo sang Renren, tại sao người Việt Nam không chuyển sang go.vn?

Quẳng facebook đi. Việc gì phải tốn thời gian và công sức, và bực bội, khi phải cố gắng đủ cách để vượt tường lửa? Như đổi DNS, hay… À xin lỗi, khoản này tôi không rành. Tôi ở Na Uy, đôi khi sang chơi Pháp, Ý, Đức, Tiệp Khắc, Hà Lan… chưa bao giờ phải đổi cái gì để vào facebook nên không rõ lắm, bạn thông cảm.

Quẳng facebook đi. Bạn nói facebook là nơi bạn giữ liên lạc với bạn bè và người thân, thế khi yahoo 360 đóng cửa bạn làm gì? Mất một thời gian để tập trung ở 1 nơi và làm quen. Tương tự, khi bạn đã kéo mọi người sang go.vn và tụ họp bên đó, bạn sẽ có ngay 1 căn nhà mới, thân thiện và ấm cúng.

Quẳng facebook đi. Sẽ chẳng hiệu quả gì đâu nếu bạn lập các hội phản đối chặn facebook. Có hiệu quả gì không khi bạn ký kiến nghị phản đối dự án bauxite và mọi chuyện vẫn tiến hành? Sẽ chẳng có một tí hiệu lực gì hết và bạn chỉ khản cổ mà thôi. Cách giải quyết ngắn gọn và đơn giản nhất là quẳng facebook đi.

Như thế mọi chuyện được giải quyết.

Bạn được đi học, bạn được ăn uống đầy đủ, cũng tuyên bố không cần tự do ngôn luận, tự do dân chủ vì đã có thừa, thì đâu cần gì cái tự do sử dụng facebook.

Đảng, Đảng là số 1, Đảng là duy nhất, Đảng luôn luôn đúng, Đảng đôi khi mắc sai lầm nhưng làm gì có ai hoàn hảo, Đảng luôn làm điều tốt cho đất nước, và vì thế chống lại Đảng là chống lại quê hương dân tộc, là phản động, là phản bội, là mất gốc.

Muốn tự do dân chủ? Phản động! Muốn đa nguyên đa đảng? Phản động! Chỉ trích nhà nước? Phản động! Đề cập đến nhân quyền? Phản động! Cười vào các phát biểu của lãnh đạo? Phản động! Muốn thay đổi thể chế? Phản động! So sánh nước ta với nước ngoài? Phản động! Muốn tự do báo chí? Phản động! Muốn tự do ngôn luận? Phản động! Đề cập đến chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa và các chủ đề gắn mác nhạy cảm? Phản động! Blah blah blah.

Trước khi facebook chính thức bị chặn tôi đã biết trước điều đó, và nói với một số người bạn, khi nhìn thấy phản ứng của họ tôi đã có suy nghĩ tích cực, xét về mặt nào đó cái lợi của chuyện chặn facebook là người dân có cái nhìn rõ hơn về thực trạng xã hội. Một người có khả năng suy nghĩ độc lập biết cách đặt ngược lại vấn đề bằng cách đặt câu hỏi: Tại sao facebook bị chặn? Tại sao facebook chỉ bị chặn ở 1 số quốc gia nhất định? Nếu như vì bọn “phản động”, bọn đó nói gì và làm gì khiến facebook bị chặn? Tại sao những quốc gia khác cũng có những người có tiếng nói đi ngược với chính quyền nhưng mọi người vẫn vào thoải mái? Những người lãnh đạo nghĩ gì khi chặn facebook, phải chăng là “ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”, không đủ tự tin vào sự lãnh đạo của mình và sự tốt đẹp bền vững của chế độ nên phải bịt miệng đủ cách không cho nói không cho bàn, diệt từ trong trứng nước?

Nói cũng bằng thừa. Thực tế không luôn như tưởng tượng. Phản ứng của 1 số lượng facebookers khiến tôi bàng hoàng. Nền văn hóa Khổng giáo đề cập đến quan hệ vua tôi trên dưới, đến tôn ti trật tự trong xã hội, khiến học sinh ngồi yên không dám phản bác giáo viên, khiến người dân im lặng không dám phê bình nhà cầm quyền. Những lời kết tội của bạn với bọn “phản động” khiến facebook bị chặn, các bạn cứ bê nguyên văn mà nói với người nước ngoài, ở các nước có đa đảng, để xem người nghe có cười rũ rượi vào bạn không. Cùng lắm, bạn có thể nói chuyện với người Trung Quốc để tìm chút đồng cảm, suy nghĩ như nhau.

Facebook là trang mạng xã hội, là nơi con người thể hiện suy nghĩ của mình. Đó là nhu cầu rất bình thường của con người. Khi nhu cầu bình thường đó bị cấm cản, bạn đổ lỗi cho người trực tiếp cấm cản bạn, tước đoạt quyền nói của bạn, hay đổ lỗi cho chất xúc tác, cho những người khác cũng muốn thể hiện suy nghĩ, cũng muốn tranh luận như bạn? Nhìn vào lịch sử đi, chế độ cộng sản cũng như các chế độ khác sụp đổ đâu cần cái gì tương tự như facebook. Nếu bạn tin rằng mớ bài viết, blogs… khiến nhà nước đổ sụm được, tôi cho rằng bạn tin, nhưng không có đủ niềm tin vào cái nhà nước bạn đang ra sức bảo vệ. Trong 1 đất nước mà các trang xã hội bị chặn, người dân không được lên tiếng, ai sai? Những thành phần phản bác chính quyền có trong mọi quốc gia, phải chăng ở nước ta việc phản kháng là điều quá hiếm hoi, rằng mọi người đều được dạy để gật đầu, để đồng ý, để sống hùa, để nói cùng 1 giọng, để nghĩ cùng 1 hướng, để ác cảm với bất kỳ ai suy nghĩ khác, để bảo vệ nhà nước bằng cách im lặng và muốn mọi người khác đều học cách ngậm mồm?

Bạn có thể nhìn lại những lời kết tội của mình, và trả lời tất cả những câu hỏi tôi đã đặt ra trong bài. Còn nếu bạn nhìn lướt qua và khẳng định “vớ vỉn”, thế thì, quẳng facebook đi, tại sao không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét