Pages

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Sắp khánh thành Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Đỗ Hiếu, phóng viên RFA

Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đặt tại Dung Quất, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sẽ được khánh thành vào ngày 6 tháng 1 tới đây. Buổi lễ sẽ được truyền hình trực tiếp đến khán giả cả nước.

AFP photo
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong Lễ khai trương nhà máy lọc dầu Dung Quất hôm 22 tháng 2 năm 2009.

Nhà máy Dung Quất là công trình có tầm vóc quốc gia được chánh phủ giao trách nhiệm cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam triển khai dự án, thực hiện kế hoạch xây dựng và sản xuất với số vốn đầu tư trên 3 tỷ đô la. Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy Dung Quất đạt 6 triệu rưỡi tấn dầu, một năm và đáp ứng hơn 3 % nhu cầu xăng dầu cả nước hiện nay.


Báo chí trong nước cho hay, khu kinh tế Dung Quất-Quảng Ngãi là một trong những “điểm sáng” thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Trong tương lai, nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ là niềm tự hào của ngành lọc hóa dầu của Việt Nam. Theo Ban giám đốc thì trong những ngày đầu của năm 2011, nhà máy Dung Quất đã hoạt động vượt công suất 105%.


Năm 2010, Dung Quất đã chế biến gần 7 triệu tấn sản phẩm dầu, bán hơn 6 triệu 8 trăm ngàn tấn xăng, dầu đủ loại, thu về gần 54 ngàn tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2011, nhà máy lọc dầu đầu tiên này có thể đạt mức doanh thu trên 73 ngàn tỷ đồng.


Trong giai đoạn tới, bên cạnh nhà máy Dung Quất sẽ có thêm nhiều nhà máy phụ trợ, tận dụng các phụ phẩm từ dầu để chế biến các sản phẩm phục vụ cho công nghiệp và xuất khẩu, sau này công suất của nhà máy Dung Quất có thể nâng lên tới 10 triệu tấn dầu, một năm.


Mang tính chính trị hay kinh tế?

Qua câu chuyện với hai chuyên gia kinh tế hiện làm việc ở Hà Nội, khi được hỏi ý kiến về “Điểm Sáng” Dung Quất, theo đánh giá của báo chí Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu IDS đã bị giải thể, giải thích:


“Việc xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất là một đề tài được bàn cãi nhiều ở Việt Nam, nó là một việc đã rồi, đấy là một quyết định mang tính chính trị nhiều hơn là kinh tế để thúc đẩy sự phát triển vùng Miền Trung nhất là Quảng Ngãi, đây là chuyện cần rút kinh nghiệm cho các dự án đầu tư về sau.”
Kế đó, ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia, cố vấn kinh tế tài chánh cho các tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài tại Hà Nội góp ý về sự vận hành của nhà máy Dung Quất:

“Đây là sự đầu tư rất lớn của nền kinh tế Việt Nam, số tiền từ một tỷ mấy đô la, lên hai tỷ mấy, không phải là nhỏ. Nước Việt Nam lần đầu tiên có nhà máy lọc dầu, trong đó có các kỹ nghệ về hóa học nữa, xét về phát triển thì đây là điểm tiến tới tốt cho nền kinh tế.


Vấn đề ở đây là sự lựa chọn địa điểm để xây dựng nhà máy lọc dầu, có nhiều quan điểm khác nhau, nhiều chuyên gia nghĩ rằng nên xây dựng nhà máy ở nơi nào thuận lợi nhất về thị trường, cảng, biển. Dung Quất không đáp ứng những chỉ tiêu ấy.




Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong giai đoạn hoàn thành tháng 2/2009. AFP photo



Quan điểm của chính phủ Việt Nam là tạo nên điểm phát triển cho Miền Trung để cân bằng sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong Nam có thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc có Hà Nội, là trung tâm kinh tế, miền Trung thì chưa có gì. Nhà nước nghĩ là cần phải có một trung tâm phát triển đời sống nhân dân miền Trung. Xét về kinh tế nhân dân thì cần đặt nơi nào có thể tạo lợi ích nhiều nhất cho dân, quan niệm nào thì cũng đều có lý do của nó thôi.”


Dịp này, ông Nguyễn Quang A cũng phân tích thêm về việc thi công và tính hiệu quả của nhà máy Dung Quất:


“Đầu tư kéo dài rất lâu, kinh phí cũng đã tăng đáng kể so với dự kiến ban đầu, có những cái dở của nó về vị trí hay sự hiệu quả, hình như khi đó, ông Võ Văn Kiệt là thủ tướng, có nói nếu là nhà kinh tế thì ông không đặt nhà máy nơi đó, nhưng vì là nhà chính trị nên ông tính đến chuyện phát triển khu vực đó nên đã chọn Dung Quất. Nhà máy có rồi, lại thêm khu công nghiệp quanh đó nữa, trước đây là một khu vực nghèo nàn, nay nhất định sẽ thúc đẩy kinh tế của khu vực đó phát triển theo.”


Bàn thêm về hiệu quả kinh tế mà nhà máy Dung Quất có thể mang lại cho thị trường cả nước, kinh tế gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh:


“Cần xem công suất như thế nào, chi phí sản xuất bao nhiêu, giá sản xuất, giá bán ra bao nhiêu đô la một lít xăng, dầu, đó là một cách tính, còn cách khác là tính lợi ích kinh tế cho nhân dân vùng đấy, cho sự phát triển chung của vùng đó, thì là vấn đề khác.


Thí dụ, khi chúng ta xây một cái cầu, làm một con đường, tự nó có thể không có hiệu quả kinh tế để tạo ra lợi nhuận để hoàn trả cả vốn và lãi, nhưng con đường đó là một sơ sở hạ tầng, tạo ra lợi ích kinh tế cho cả một vùng, thì những lợi ích ấy là cộng hưởng của công trình đó.


Hãy suy nghĩ và xem lợi ích của nhà máy Dung Quất đặt tại đấy, thu hút đầu tư khác vào trung tâm công nghệ này, sẽ mang lại kết quả như thế nào cho cả một vùng, đây không phải là bài toán riêng cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, mà tính tới sự phát triển tổng thể của một vùng, cần phải làm một bài toán kỹ càng hơn là chỉ một máy lọc dầu Dung Quất, đứng riêng một mình nó.”

Đề cập đến tương lai của khu công nghiệp được xem là niềm tự hào của ngành lọc, sản xuất hóa dầu Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Quang A trình bày những suy nghĩ của ông:


“Nói đây là khu vực có đẳng cấp thế giới thì khó có thể nói, nhưng chắc chắn nó là khu công nghiệp hóa dầu đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam hiện nay, đó là điều không thể chối cãi được, chưa bàn đến tính hiệu quả kinh tế hay những chuyện không thuận lợi, nhưng ở đó đã có một nhà lọc dầu và kéo theo một loạt phát triển khác, ở vùng xung quanh đó.


Đấy là một thực tiễn, còn chuyện xem đó là nhất Việt Nam thì hiển nhiên rồi, thế nhưng nó có cạnh tranh được, có khá hơn các nước trong khu vực, hay so với thế giới hay không thì khó có thể nói được. Những người nói như vậy, có thể là họ chưa cân nhắc kỹ mà thôi.”


Khi gọi nhà máy Dung Quất là một “Điểm Sáng” đã đem lại hiệu quả thiết thực, báo chí không nói đến chi tiết là nhà máy này bị chậm tiến độ thi công và xây dựng đến 9 năm, mức vốn đầu tư ban đầu là một tỷ rưỡi đô la, nay đã lên tới trên 3 tỷ đô la.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét