Pages

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Sớm muộn sẽ có sai lầm khi quyền lực trong tay rất ít người


Tuần Việt Nam - Chắc chắn không có ai là toàn diện cả và trong điều kiện quyền lực nằm trong tay rất ít người thì sớm hay muộn họ cũng gây ra những sai lầm – Học giả hàng đầu nước Mỹ, GS Stephen Walt chia sẻ.
Trung Quốc không phát triển mãi mãi

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy theo ông, trong vòng ít nhất là 5 năm tới, sự thay đổi của Trung Quốc như thế nào và sự thay đổi đó có có tác động gì tới chính trường Mỹ?

GS Stephen Walt: Rất khó dự đoán sự phát triển của Trung Quốc, tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy Trung Quốc đang đối diện với những thách thức nội bộ rất lớn. Vấn đề thứ nhất là dân số Trung Quốc đang ngày càng già đi, dân số quá tuổi lao động đang trở thành giánh nặng cho kinh tế xã hội. Một số chính sách giúp nhiều cho sự phát triển của Trung Quốc trước đây nhưng hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập, điều này thể hiện qua việc lạm phát đang ngày càng gia tăng của nước này.

Ông đã đề cập tới sự nổi lên của tầng lớp doanh nhân ở Trung Quốc, nếu như tầng lớp doanh nhân này của Trung Quốc mạnh như doanh nhân Mỹ, họ sẽ tác động trở lại với những chính sách của Trung Quốc. Họ là những người kinh doanh nên không muốn Trung Quốc gây thù oán với những nước xung quanh, như thế sẽ gây ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ.

Vì thế, tôi tin tưởng vào tương lai phát triển hòa bình của Trung Quốc nếu nhìn vào những vấn đề họ đang gặp phải, việc họ phải hành động một cách khôn ngoan, hòa bình và không tổn hại đến những nước xung quanh hoàn toàn có thể xảy ra.



Ảnh: Lê Anh Dũng

Vấn đề đặt ra là, nếu như lãnh đạo của Trung Quốc luôn luôn khôn ngoan và thông minh, và lãnh đạo của Mỹ cũng vậy, rõ ràng chẳng bao giờ chúng ta phải lo lắng. Nhưng việc đó hoàn toàn là bất khả thi. Sớm hay muôn gì thì Trung Quốc cũng gặp phải nhà lãnh đạo hạn chế hay Mỹ cũng gặp phải một nhà lãnh đạo không sáng suốt lắm, những vấn đề và khó khăn sẽ xảy ra. Tôi không lạc quan lắm, tuy nhiên tôi muốn điều tôi nói là sai.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chính trị Mỹ cho phép hạn chế những lãnh đạo kiểu như ông vừa nói, còn với những nước tập trung quyền lực trong một nhóm nào đó và không có sự kiểm soát, hạn chế quyền lực, sẽ dễ xảy ra hậu quả . Vì vậy, nếu Trung Quốc mở rộng dân chủ nhiều hơn thì thế giới sẽ an bình hơn?

GS Stephen Walt: Dân chủ là một cơ chế tốt, tuy nhiên, nó không phải là cơ chế hoàn hảo và có thể sẽ không giúp chúng ta tìm ra những nhà lãnh đạo như mong muốn. Điều có được là có một lãnh đạo tồi thì nền dân chủ cũng sẽ buộc họ phải nghe và nghi nhận ý kiến quần chúng. Khi họ phạm sai lầm, họ có thể nhanh chóng sữa chữa và nếu họ sai phạm nhiều lần không sửa, người dân có thể bỏ phiếu phế truất họ.

Về câu chuyện của Trung Quốc, theo tôi, trong vòng 20 vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra các quyết sách rất khôn ngoan và đúng đắn, tuy nhiên, nhiều quyết sách sẽ khiến họ phải trả giá trong tương lai. Ví dụ như chính sách phát triển kinh tế bằng mọi giá đã ảnh hưởng đến môi trường và thiên nhiên.

Chắc chắn không có ai là toàn diện cả và chắc chắn trong điều kiện quyền lực nằm trong tay rất ít người thì sớm hay muộn họ cũng gây ra những sai lầm. Trung Quốc bây giờ đang vấp phải một số sai lầm. Với lý do đó, các nước cũng không nên nghĩ rằng Trung Quốc sẽ phát triển mãi mãi.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Sự phát triển nào cũng không phải là mãi mãi, lên rồi lại xuống, xuống rồi lại lên, Trung Quốc bây giờ đang đi lên nhưng vấn đề là đã đến đỉnh hay chưa. Ông tiên đoán sau bao nhiêu năm nữa Trung Quốc sẽ lên đỉnh và xuống?

GS Stephen Walt: Rất khó dự đoán để đưa ra câu trả lời, vì thực chất nước Mỹ cũng có lúc phát triển không có điểm dừng, cho đến năm 2007, thách thức mới thực sự là nghiêm trọng. Trường hợp của Trung Quốc, có thể khoảng 20 – 30 năm tới họ sẽ phát triển với tốc độ chậm lại bởi những hậu quả của phát triển nhanh vừa qua, còn lúc nào họ đi xuống thì tôi không rõ.

Internet là sức mạnh tiềm ẩn

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chuyển qua một chủ đề khác khá thú vị, đó là việc internet đã làm thay đổi loài người, thay đổi cán cân quyền lực quốc tế và lý thuyết về quan hệ quốc tế. Vậy, ông có thể đưa ra một lý thuyết mới về quan hệ quốc tế trong nền thời đại Internet , như giáo sư Joseph Nye đã từng có lý thuyết “quyền lực mềm” ?



Ảnh: doandanchinhdang.hue.gov.vn


GS Stephen Walt: Quả tình tôi rất muốn mình có thể đưa ra một lý thuyết mới, nổi tiếng như Joseph Nye với lý thuyết “quyền lực mềm” của ông ấy. Tuy nhiên, bây giờ tôi vẫn chưa làm được. Nhưng có rất nhiều để nói về Internet.

Internet đã mang lại những cuộc cách mạng trong chính trị. Nó đã tạo ra sự giao tiếp trực tiếp với tất cả mọi người và những lợi thế cực lớn cho kinh doanh cũng như những hoạt động xã hội khác. Nhưng đồng thời nó cũng gây ra những áp lực với chính quyền, vì họ sẽ khó giữ được những bí mật. Wikileaks là ví dụ cực kỳ điển hình.

Khi một sự kiện diễn ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới và một người nào đó có thể ghi hình, ngay lập tức, họ giúp cho cả thế giới chứng kiến được sự việc đó. Đấy chính là điều đặc biệt mà internet mang lại.

Ngay tuần này đã có một ví dụ, đó là sự thay đổi chính trị ở Tuynidi. Việc ông Tổng thống không được bầu và buộc phải rời khởi đất nước đều được cả thế giới biết đến và theo dõi. Những điều nay trong vòng hơn 10 năm trước là điều bất khả thi.

Chính quyền không thể đảo ngược xu thế này. Mặt khác, họ phải ủng hộ vì đây chính là toàn cầu hóa với mức độ thụ hưởng và lan tỏa thông tin ngày càng cao. Nhưng đó là câu chuyện lâu dài, trước mắt, vẫn không thể biết được rằng liệu phát triển của internet có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi chính trị như thế nào?

Bởi nếu như người dân tận dụng được lợi thế của internet, chính phủ cũng có thể làm được như vậy. Nếu như họ dùng internet vào mục đích làm sao nhãng quần chúng bằng cách tung ra những chương trình mang tính giải trí nhiều hơn là nhận thức, hay là tìm cách áp đặt suy nghĩ lên quần chúng. Nếu biết cách sử dụng một cách khôn ngoan, họ có thể làm được.

Theo nhận thức của tôi, internet là quyền lực cho người dân, nhưng đó là câu chuyện của tương lai xa, chưa phải ngay lập tức.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy tương lai xa có thể là 5 năm, 10 năm nữa và Việt Nam có thể sử dụng internet để tạo ra sức mạnh mới, thông qua internet để liên kết sâu sắc với thế giới và tạo ra một sức mạnh mới cho mình?


GS Stephen Walt: Internet cũng như những cơ chế khác của toàn cầu hóa đang ngày càng tạo ra những điều kiện có thể giúp cho những nước không cần lớn, không cần có quyền lực vẫn có thể ảnh hưởng đến thế giới. Vấn đề đặt ra là không phải là diện tích, dân số mà đó là tri thức, dân trí và chất lượng của nền giáo dục, môi trường tạo điều kiện cho kinh doanh…

Cũng chính từ những khả năng mới đó do internet tạo ra, sức cạnh tranh của một số quốc không chỉ là kinh tế, quân sự mà đó là văn hóa để thu hút không chỉ nước mình mà là cả thế giới nữa, và khi đó họ sẽ trở thành một cường quốc.

Điều này nước Mỹ đã làm được, họ tạo ra những thứ như phim ảnh, những thứ văn hóa phổ biến trên thế giới. Như vậy, tôi nghĩ rằng, nếu nước nào tạo ra được những sản phẩm văn hóa cho đất nước đó, họ là cường quốc. Tôi biết, Việt Nam và Vietnamnet, cũng như nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đang có tham vọng tương tự.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn ông, và cũng mong ông giúp đỡ cho Mạng doanh nhân – trí thức mới ra đời để phát triển?

GS Stephen Walt: Tôi sẽ cố gắng hết sức.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vâng, thời gian cũng đã dài và câu hỏi cuối cùng tôi muốn dành cho ông đó là: Với tư cách chuyên gia quan hệ quốc tế, theo ông làm thế nào để các quốc gia quan hệ với nhau đem đến lợi ích tốt nhất. Có một mâu thuẫn là kinh tế hiện nay đã phát triển, các nước đang ngày càng đi lên, nền văn minh mới tạo cho con người gần nhau hơn. Tuy nhiên, lòng đố kỵ, hận thù trong lòng người, giữa một số quốc gia, giữa một số dân tộc vẫn chưa thể dứt bỏ . Vậy, có cách nào thưa ông?

GS Stephen Walt: Về điểm này tôi xin phép lạc quan một chút, số lượng các cuộc xung đột trên thế giới hiện nay có thể nói đang ở mức thấp nhất trong lịch sử loài người từ trước tới nay. Rõ ràng chúng ta nhìn thấy rất nhiều các cuộc xung đột nhỏ lẻ ở các nơi trên thế giới nhưng nguy cơ về một cuộc chiến tranh lớn sẽ không xảy ra. Ở châu Âu không có chiến tranh, ở châu Á trong tương lai gần chắc chắn cũng không có chiến tranh.

Tuy nhiên, tôi không hiểu được bản chất của vấn đề này cũng như rất nhiều người cũng đang đặt ra câu hỏi và băn khoăn tại sao tình hình bây giờ lại có vẻ tốt hơn so với các thời điểm khác trong lịch sử loài người. Tôi không có một lý giải chính xác nào nhưng tôi có thể đưa ra một số kiến giải, có thể tình hình hiện nay yên bình là nhờ vai trò tích cực của Mỹ ở châu Âu và châu Á, hoặc sự liên kết sâu rộng của các thị trường cũng như sự phát triển dân chủ ở một số nơi trên thế giới.

Đó là tất cả những gì gọi là tin tốt tôi có thể đem đến cho các bạn. Con tin xấu, lịch sử đã chứng minh, mỗi khi cán cân quyền lực trên thế giới có sự thay đổi và chênh lệch đáng kể, khi ấy, tình hình sẽ không còn giữ được mức độ ổn định nữa. Vì thế, theo dự đoán của tôi, trong những năm tới đây, việc cố gắng hạn chế hoặc ngăn chặn những cuộc xung đột nhỏ lẻ nổ ra ở các nơi trên thế giới sẽ khó khăn hơn nhiều so với những gì chúng ta đã làm được trong 20-30 năm vừa rồi.

Các nước, các quốc gia sẽ phải gắn kết và hợp tác với nhau nhiều hơn để có thể ngăn chặn nguy cơ xung đột có khả năng bùng nổ ở rất nhiều nơi trên thế giới.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Đây là những ngày đầu tiên của năm 2011, cũng chuẩn bị vào năm mới của Việt Nam, một cái Tết đang tới với người dân Việt Nam. Không khí đầu năm bao giờ cũng rất háo hức, rất phấn khởi với nhiều dự cảm mới. Mọi người hy vọng, kỳ vọng những điều tốt đẹp. Xin mời ông gửi lời chúc mừng với người dân Việt Nam nhân dịp năm mới này.

GS Stephen Walt: Tôi xin được gửi lời chúc một năm mới nhiều điều may mắn đến cho nhân dân Việt Nam. Mặc dù Việt Nam cũng như phần còn lại của thế giới đang đối mặt với không it khó khăn cả về kinh tế và ngoại giao, thế nhưng mỗi nước chúng ta đều có thể chọn cho mình con đường đi để thành công. Tôi tin chắc tương lai của Việt Nam rất tươi sáng, tương lai này nằm trong tay chính Việt Nam, Việt Nam sẽ là người quyết định tương lai tươi sáng của đất nước mình. Mỹ cũng như các nước khác ở châu Á chắc chắn sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam. Tôi hy vọng quan hệ Mỹ – Việt sẽ ngày càng tốt đẹp hơn trong năm tới và trong tương lai.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-21-som-muon-se-co-sai-lam-khi-quyen-luc-trong-tay-rat-it-nguoi-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét