Pages

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Thân phận của những giáo dân lâm nạn tại Cồn Dầu

Hai tiếng Cồn Dầu được vọng lên với những tiếng kêu cứu của các giáo oan là những nạn nhân bị nhà nước cầm quyền Đà Nẳng khủng bố dã man và một số giáo dân đã bị bắt giam một cách phi pháp. Tiếng kêu cứu đầy đau thương được loan truyền khắp nơi trên các trang mạng trong suốt thời kỳ mà Giáo Hội Công giáo Việt Nam long trọng đón mừng Năm Thánh. Trong Năm Thánh này, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam loan báo cho toàn thể dân Chúa sống Năm Thánh nghe rất thánh thiện: MẦU NHIỆM- HIỆP THÔNG- SỨ VỤ.

Thật vậy, “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Thiên Chúa, Ngài tạo dựng con người có nam có nữ( St 1,27) ’’. Như thế, con người nằm trong mầu nhiệm do Thiên Chúa tạo dựng và từ đó phẩm giá của con người thật vô cùng cao quý vì đó là hình ảnh của Chúa. Bởi lẻ đó phẩm giá của con người phải được tôn trọng, và không ai có quyền chà đạp đến nhân phẩm của bất cứ ai. Nhà cầm quyền Đà Nẳng dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Bá Thanh đã cho công an hành hung, đánh đập nhiều giáo dân tại xứ Cồn Dầu một cách dã man, họ đã xúc phạm đến phẩm giá con người một cách trắng trợn qua việc đàn áp 6 giáo dân Cồn Dầu vô cùng man rợ chỉ vì 6 giáo dân này, đã tham dự vào việc đưa đám tang cụ bà Hồ Nhu. Các ngài nghĩ gì khi Mầu Nhiệm phẩm giá của 6 giáo dân và nhiều giáo dân khác tại Cồn Dầu bị xúc phạm?

Trước tiếng kêu cứu đầy đau thương từ Cồn Dầu các ngài Hiệp Thông ở chỗ nào trong Năm Thánh với lời loan truyền và mời gọi dân Chúa sống Hiệp Thông?

Sứ vụ của Giáo Hội há chẳng phải là Sứ Vụ bênh vực cho những người nghèo khó, bênh đỡ những kẻ bị áp bức, bị đàn áp hay sao? Đứng trước cảnh giáo dân Cồn Dầu lâm nạn, bị nhà nước áp bức bắt họ phải rời bỏ ruộng vườn, nhà cửa, rời bỏ Thánh Đường kể cả mồ mã của tổ tiên của họ để phải di dời đến một nơi khác, các ngài thực thi Sứ Vụ gì đối với những kẻ bất hạnh này?

Nước mắt nào cho những giáo dân tại Giáo xứ Cồn Dầu ! Theo dõi các tin tức về những biến cố nơi Cồn Dầu, từ phương trời xa, tôi cảm thấy thân phận của những giáo dân nạn nhân tại Cồn Dầu thật quá bi ai. Niềm đau đến với cư dân xứ Cồn Dầu khi những tên tư bản đỏ nào đó đã cấu kết với ông Nguyễn Bá Thanh bí thư thành uỷ Đà Nẳng để thực hiện kế hoạch thu lợi nhuận ở vùng đất này một cách rất lý thú, khi họ nghĩ ra kế hoạch thành lập một khu du lịch tại Cồn Dầu, thế là một danh xưng nghe rất mỹ miều được xuất hiện, đó là khu du lịch sinh thái Hoà Xuân. Tư tưởng tham lam này khi đã được xuất hiện trong đầu óc của những kẻ độc tài, họ liền bắt tay ngay vào việc thực hiện. Bởi vậy, năm 2008, giới cầm quyền Đà Nẳng liền ban hành lệnh giải toả trắng để chiếm đoạt 430 hecta đất dùng vào việc xây dựng khu du lịch.

Để chia sẻ với nổi đau vô cùng tận của giáo dân Cồn Dầu, người viết xin điểm lại vài nét về những diễn biến trước âm mưu thực hiện kế hoạch chiếm đoạt đất đai của dân chúng để giao cho các nhà đầu tư, hầu thu lợi nhuận và làm giàu trên sự khốn khổ tận cùng của người dân tại Cồn Dầu.

Được biết, ngày 25-01-2010, nhà cầm quyền Đà Nẳng bắt đầu mở cuộc tấn công khủng bố dân Cồn Dầu dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Bá Thanh bí thư thành uỷ Đà Nẳng cùng với lực lượng đông đảo gồm công an, chó nghiệp vụ bao vây giáo xứ Cồn Dầu bằng cuộc lục soát, niêm phong nhà cửa, dở ngói nhiều mái nhà…Cuộc khủng bố đã làm nhiều người hoảng sợ, có người đã ngất xỉu phải đi cấp cứu như bà Nguyễn Thị Kim Cúc, cô giáo Tống Thị Mai. Nhiều người vì quá khiếp sợ đã kêu la than khóc thảm thiết như cô giáo Thương, bà cụ Vững, ông Sinh…

Tối ngày 04-03-2010, ông Nguyễn Bá Thanh lại đem lực lượng công an và cán bộ Cồn Dầu đến khu dân phố 20 để họp, nhưng dân chúng chẳng ai đến họp nên ông Thanh và cán bộ tức giận đã cùng nhau ở lại để ngày hôm sau, ông ta ra lệnh trấn áp, bắt dân phải ký giấy chấp nhận việc giải toả. Cuộc trấn áp bất thành vì nhà nhà đóng cửa, cổng vào các nhà đều được khóa kín, chủ nhà lánh mặt đi nơi khác, do đó việc truy bức bị thất bại.

Kế đến, ông Bí thư Đà Nẳng lại nghĩ đến cách chiêu dụ linh mục chánh xứ Cồn Dầu, nên ngày 09-03-2010 ông ta cùng với một số công an đã đến gặp linh mục Emmanuel Nguyễn Tấn Lục để yêu cầu cha phổ biến trong nhà thờ khuyên giáo dân nên ký giấy đồng ý việc giải toả, cha chánh xứ đã từ chối với lời lẻ minh bạch: “Tôi chỉ làm nhiệm vụ rao giảng lời Chúa trong Thánh lễ và khuyên giáo dân ăn ngay ở lành, còn việc mua bán là việc giữa các đối tác, thuận mua vừa bán, tôi không có trách nhiệm”. Qua sự trả lời rõ ràng khẳng khái của cha Lục, ông Thanh bèn lên tiếng hăm doạ rằng: tháng tư ông ta sẽ cho hàng ngàn xe ủi đất đến san bằng ruộng vườn tại Cồn Dầu.

Ngày 10-04-2010, nhà cầm quyền Đà Nẳng thông báo lệnh cấm chôn xác người chết tại nghĩa trang để chuẩn bị giải toả. Chỉ 20 ngày sau khi có lệnh cấm chôn người chết tại nghĩa trang của Giáo xứ, sáng ngày 01-05-2010 lúc 4 giờ 30 cụ bà Hồ Nhu nhũ danh là Maria Đặng Thị Tân qua đời. Giờ hấp hối cụ bà có trối lại với con cháu muốn được chôn gần mộ phần của chồng bà là ông Hồ Nhu tại nghĩa trang Giáo xứ. Ước ao của người quá cố chỉ có bấy nhiêu, nếu không có những tay tư bản đỏ ngấm nghé chỗ đất này để làm giàu thì câu chuyện bi thương chắc chắn đã không xẩy ra.

Từ sáng sớm ngày 04-05-2010, chuyện khủng khiếp vô tiền khoáng hậu lại đến với tang gia cụ bà Hồ Nhu và những giáo dân xứ Cồn Dầu. Ông Nguyễn Bá Thanh đã ra lệnh cho công an thực hiện cho bằng được việc tấn công những người đưa đám tang để cướp quan tài của cụ bà Hồ Nhu. Để thực hiện việc đàn áp có hiệu quả, giới cầm quyền Đà Nẳng đã điều động khoảng 300 công an, cảnh sát cơ động với trang bị súng ống, lựu đạn, dùi cui có cả lưới thép B40 để bao vây phong toả nghĩa trang.Sáng hôm đó, trên đường tiến đến nghĩa trang, những người tiễn đưa linh cửu của cụ bà đã bị công an dùng dùi cui, roi điện đánh đập một cách tàn nhẫn, lực lượng khủng bố đã cướp được quan tài của cụ bà Hồ Nhu và đưa đến chôn tại nghĩa trang Hoà Sơn, cách Cồn Dầu khoảng 20 cây số. Trong cuộc đàn áp giáo dân để cướp quan tài, công an đã bắt khoảng 60 người đưa về quận Cẩm Lệ để tra khảo và sau đó có 11 người bị giữ lại, cuối cùng có 6 giáo dân bị bắt giam, đó là các ông : Matthêu Nguyễn Hữu Liêm,Giuse Trần Thanh Việt, Tađêô Lê Thanh lâm, Simon Nguyễn Hữu Minh( thành viên Hội Đồng Mục vụ giáo xứ Cồn Dầu) và các bà gồm:Terrexa Nguyễn Thị Thế, Maria Phan Thị Nhẫn. Sáu giáo dân này đã bị đưa ra xét xử vào ngày 27-10-2010 với tội danh:”Gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ”. Đìều oái ăm trong phiên xử 6 giáo dân này, vị chánh án đã nêu một lý do để kết tội các giáo oan thật khôi hài và chỉ nghe được ở những con người luôn được tự hào sống và thực hiện cái đạo đức xã hội chủ nghĩa, cũng như học theo đạo đức của ông Hồ, vị chánh ánh nêu: “Tại sao không phải là thân nhân của Bà Hồ Nhu mà lại tham gia đám tang? chống người thi hành công vụ, đó là vi phạm pháp luật.”. Lối kết tội rất ư là xã hội chủ nghĩa, sao không bà con chi với người chết mà lại đi đưa đám nhỉ? Công an có quyền cướp quan tài sao lại la khóc ồn ào, như thế là chống lại người cướp quan tài phải không ? Thi hành công vụ là đi cướp quan tài ư?

Điều đau thương nhất sau đám tang của bà Hồ Nhu là cuộc khủng bố dân làng và đã tạo nên cái chết oan ức cho ông Nguyễn Thành Năm.

Ngày 03-07-2010, công an lại đến nhà ông Tôma Nguyễn Năm vào khoảng 11 giờ, được biết ông Năm là một thành viên trong đội Chung sự của giáo xứ Cồn Dầu, ông ta đã bị hành hung tàn bạo trong khi ông tham gia đưa đám bà Nhu. Sự xuất hiện của công an vào ngày giờ nêu trên đã làm ông ta hoảng sợ nên ông Năm đã chạy trốn. Lực lượng công an và dân phhòng liền đuổi theo và bắt được, chúng còng tay ông Năm, đánh đập ông ta rất dã man trước sự chứng kiến của nhiều người. Bà vợ của ông Năm là bà Hồng Anh đã khóc lóc, quỳ lạy xin tha, sau đó ông Năm được thả về, khi về đến nhà, ông cảm thấy đau đớn và đã trối lại với bà vợ là cố gắng nuôi con, có lẻ ông ta biết mình không thể sống được do trận đòn chí tử vừa qua quá tàn nhẫn, và thật vậy chỉ vài giờ sau tức khoảng 1 giờ chiều cùng ngày thì ông Năm đã tắt thở, máu tuôn trào từ 2 lỗ tai, từ miệng, mũi…

Đó là những sự việc vô cùng oan trái cho những giáo dân Cồn Dầu đã xẩy ra trong Năm Thánh của Giáo hội Công giáo Việt Nam vừa qua. Những điều oan trái này do lòng tham vô đáy của những tay vô thần vốn có bản chất sống vô cảm trước sự khốn khổ của người dân, miễn sao họ vơ vét được của cải để làm giàu.

Tôi viết những dòng này để cùng đau với cái đau vô cùng tận của những giáo dân bị oan trái tại xứ Cồn Dầu. Nhớ lại vụ án của 8 giáo dân tại Thái Hà năm nọ, khi đến ngày xử án, từ sáng sớm đã có hàng ngàn giáo dân tiễn đưa 8 giáo dân lên đường tới toà án với những cành thiên tuế, vạn tuế thật hùng hồn được sự hướng dẫn và hổ trợ của nhiều mục tử từ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà. Nhớ lại sự kiện hiếm có này để liên tưởng đến thân phận của 6 giáo oan Cồn Dầu, ngày xử phúc thẩm của 6 giáo oan này cũng đã gần kề. Được biết ngày 16-01-2011, bốn giáo oan trong số 6 vị , ( 2 vị còn trong tù ngục) đó là Tađêô Lê Thanh Lâm, Matthêu Nguyễn Hữu Liêm, Giuse Trần Thanh Việt, Têrêxa Nguyễn Thị Thế đã viết một bức thư thống thiết gởi đến Đức cha Chủ Tịch HĐGMVN, Đức cha Chủ Tịch Uỷ Ban Công Lý và Hoà Bình, cùng Quý Đức cha, Quý Bê Trên các Dòng tu và toàn thể dân Chúa để thông báo ngày xử Phúc Thẩm của các giáo oan này vào ngày 26-01-2011. Chắc họ đã thấm thía với những đau thương và cam lòng chịu để nói lên tiếng nói mơ ước được thấy công lý trên quê hương Việt nam nên họ đã đặt bút viết ngay đầu trang giấy với hàng chữ đầy trịnh trọng:

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM

“Mầu Nhiệm- Hiệp Thông- Sứ Vụ’’.

Mở đầu bức thư, bốn vị giáo oan đã viết để trình bày xác thực về tình trạng oan trái của họ, thư viết:

“ Trọng kính Quý Đức cha, Quý cha và Quý vị.

Như quý Đức cha và mọi người đều biết, chỉ vì muốn trấn áp tinh thần giáo dân hầu thực hiện việc giải toả trắng giáo xứ Cồn Dầu mà chúng con bị nhà cầm quyền Đà Nẳng bắt giữ khi tham dự đám tang bà Maria Đặng Thị Tân, bị đánh đập, tra tấn và phải ra hầu toà trong phiên xử sơ thẩm ngày 27-10-2010, với hai tội danh:” Gây rối trật tự cộng và chống người thi hành công vụ”.

Tại phiên xử sơ thẩm, bất chấp tiếng nói lương tri, bất chấp những đề nghị đúng đắn, hợp pháp của Đức cha Chủ tịch Uỷ Ban Công lý và Hoà bình, nhà cầm quyền Đà Nẳng đã ngang nhiên thách thức công luận, coi thường pháp luật không những không cấp giấy bào chữa cho văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ mà còn áp đặt cho chúng con những bản án hết sứ bất công…”

Vâng, tất cả 6 giáo oan bị kết tội chỉ vì họ đã tham gia đám tang mà vị chánh án trong phiên xử sơ thẩm đã cho rằng họ không phải thân nhân tại sao lại đi đưa đám bà Hồ Nhu?

Cuối bức thư, 4 vị giáo oan đã viết rất thành khẩn với ước mơ là họ xin được có sự Hiệp Thông bằng lời cầu nguyện của tất cả mọi người. Bức thư được kết thúc như sau:

“ Trọng kính Quý Đức cha, Quý cha và Quý vị,

Ngày 26-01-2011, một lần nữa những anh chị em của chúng con lại phải ra trước tòa để làm chứng cho công lý và sự thật. Đứng trước sự dữ, sự bất công như đã từng xẩy ra với chúng con trước đây tại toà sơ thẩm. Chúng con tự hỏi, liệu công lý có được thực thi tại phiên toà phúc thẩm tới đây không?

Chúng con xin Quý Đức cha, Quý cha và Quý vị thương cầu nguyện cho chúng con…’’

Qua tiếng kêu cứu chân thành của bốn giáo dân là những nạn nhân của chế độ bất công, đã cùng nhau nói lên ước vọng của mình là xin được mọi người Hiệp Thông cầu nguyện. Mới đây, quý ngài đã hứa cùng đồng hành với dân tộc, thì đây những con chiên bé bọn nơi Cồn Dầu là những phần tử đau khổ của dân Tộc trong thời đại cộng sản, lẻ nào lại không được Quý ngài cùng đồng hành với sự Hiệp Thông cầu nguyện?

Seattle, những ngày gần cuối năm Canh Dần 2011.

Nguyễn An Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét