Pages

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Tuổi trẻ Việt Nam, học lịch sử để làm lịch sử

Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh Sài Gòn những ngày cuối tháng Giêng ba mươi ba năm trước. Sau những trận hải chiến dữ dội chung quanh quần đảo Hoàng Sa để chống lại các lực lượng hải quân Trung Quốc đông hơn và mạnh hơn gấp nhiều lần, chiều 20 tháng 1 năm 1974, các đơn vị hải quân Việt Nam Cộng hoà đã buộc phải triệt thoái khỏi quần đảo Hoàng Sa, nơi tổ tiên chúng ta đã bao đời gìn giữ. Trong vùng biển mẹ thân yêu, từ đó đã nhuộm thêm máu của những người con ruột thịt. Các anh Ngụy Văn Thà, Nguyễn Thành Trí, Vũ Văn Bang, Ngô Chí Thành và nhiều thanh niên Việt Nam khác đã theo dấu chân của bao nhiêu anh hùng dân tộc mà đền nợ nước. Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc.

Sài Gòn ngày tháng đó buồn như một đám ma. Những cụm mai vàng chào đón xuân sang không làm phai đi màu đen tang chế đang phủ trùm lên cả miền Nam. Những cuộc biểu tình rầm rộ từ Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ không làm vơi đi nỗi buồn nhược tiểu trong lòng những người đang ưu tư cho vận nước. Những bản hùng ca xen lẫn với những tiếng kèn truy điệu của các chương trình phát thanh quân đội đã làm người dân rơi nước mắt xót thương cho số phận hẩm hiu của tổ quốc mình. Hạm đội thứ bảy hùng hậu của Mỹ khóa súng an toàn nhìn hải quân Trung Quốc đổ bộ Hoàng Sa, hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam từ chối lời kêu gọi của phái đoàn Việt Nam Cộng hoà tố cáo Trung Quốc xâm lăng. Đồng minh dửng dưng, đồng bào ngoảnh mặt. Có nỗi xót xa nào lớn hơn nỗi xót xa của số phận một tiền đồn và có vết thương tâm linh nào sâu hơn, đau hơn vết thương của một người mẹ bị bỏ rơi bởi chính những đứa con yêu quý của mình.

Chiều năm đó ngồi trong thư viện tôi có làm một bài thơ và viết một đoản văn. Tôi không còn nhớ bài thơ nhưng đoản văn tôi còn nhớ rất rõ, và sau này khi làm website xuQuang tôi có ghi lại trong phần tưởng niệm Hoàng Sa: “Mỗi người Việt Nam phải ghi khắc trong tim mình: Hoàng Sa là đảo Việt Nam, là biển Việt Nam, là đất Việt Nam. Ðất nước Việt Nam có khi thịnh khi suy, lịch sử Việt Nam có khi hưng khi phế, thế hệ hôm nay không giữ được Hoàng Sa nhưng không phải vì thế mà Hoàng Sa trở thành đất của Trung cộng bá quyền hay của bất cứ một quốc gia nào khác. Dân tộc Việt Nam, các thế hệ Việt Nam mai sau phải nhớ rằng: Bất cứ khi nào các điều kiện kinh tế, chính trị và quân sự cho phép, một trong những việc đầu tiên là phải lấy lại Hoàng Sa.”

Ba mươi ba năm sau. Cũng những ngày cuối năm, ngồi xem hình ảnh các cuộc biểu tình ở Hà Nội, đọc bản tin được viết vội vàng trên đường phố Sài Gòn, đọc danh sách của những người ký tên, trong đó đa số là tuổi trẻ, để phản đối Trung Quốc vi phạm lãnh thổ Việt Nam trên Internet, tôi vui mừng và cảm động. Trung Quốc không phải vì các cuộc biểu tình của các em mà trao trả lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách bá quyền của họ trên biển Đông. Để duy trì mức phát triển kinh tế hiện nay và chạy đua với các cường quốc kinh tế, Trung Quốc đang cần sự ổn định chính trị và kinh tế hơn bất cứ quốc gia nào khác trong vùng.

Nhìn các em tôi lại nhớ đến chính mình. Đường phố Sài Gòn, nơi các em đang đứng hôm nay cũng là nơi tôi đã đứng đọc từng tên của những người đã ở lại trong lòng biển cả. Khẩu hiệu “Hoàng Sa là của Việt Nam” cũng là khẩu hiệu mà sinh viên chúng tôi đã hô ba mươi ba năm trước. Chúng ta có thể còn vài điểm khác nhau nhưng có chung một tổ quốc. Đó là điều hệ trọng. Lòng yêu nước đã thúc giục các em vượt qua bức tường sợ hãi, bất chấp sự ngăn cản của Đảng, của nhà nước, của ban lãnh đạo trường để cùng xuống đường nói tiếng của một người Việt Nam khi tổ quốc lâm nguy. Lịch sử bao giờ cũng mang tính thời đại, và trang sử Việt Nam hôm nay đang được viết bởi các em, những người Việt Nam đang đứng trước toà đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội, trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn. Và cũng qua những biến cố lịch sử này, các em sẽ có cơ hội thấy những sự thật đắng cay, những bài học bẽ bàng mà từ trước đến nay đã bị che lấp bởi hệ thống tuyên truyền lừa dối của Đảng. Các em đang học lịch sử và đang làm lịch sử.

Trong các cuộc xung đột về lãnh thổ, bằng chứng và di tích lịch sử thì bên nào cũng có thể có nhưng văn kiện pháp lý được cả hai bên xung đột công nhận thì thường rất hiếm hoi. Tôi nhớ có đọc đâu đó một câu chuyện bên lề các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Liên Xô về chủ quyền của các đảo Trân Bảo, Ẩn Long và Hắc Hạt Tử trong khu vực sông Ussuri. Theo câu chuyện này, mỗi lần có một cuộc họp giữa hai nước, phái đoàn Trung Quốc thường chở theo cả một toa xe lửa chứa đầy tài liệu và đồ vật để chứng minh chủ quyền Trung Quốc trên các đảo này. Trung Quốc là một nước đông dân, diện tích rộng, có nền văn minh phát triển rất sớm, có chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, do đó, việc tổ tiên họ đã từng đến, từng đi đánh cá, từng đặt chân, từng mô tả trong văn chương thơ phú về các hòn đảo đó thì cũng không có gì là đáng ngạc nhiên. Những tài liệu phía Trung Quốc đưa ra hay vật dụng họ góp nhặt được dù bao nhiêu cũng không thuyết phục được Liên Xô về chủ quyền của Trung Quốc trên lãnh thổ đang bị tranh chấp. Sau hơn 20 năm đánh rồi đàm, một hiệp ước biên giới Nga – Hoa đã được ký kết lần đầu vào tháng 10 năm 1995 và lần nữa vào tháng 10 năm 2004. Theo nội dung hiệp ước, phần thắng nghiêng về phía Trung Quốc nhiều hơn. Trung Quốc được kiểm soát cả hai đảo Trân Bảo, Ẩn Long và một nửa Hắc Hạt Tử. Giả thiết hiệp ước này được ký kết vào năm 1969, với nội dung tương tự, có lẽ nhân dân Trung Quốc đã được nghỉ một tuần lễ để ăn mừng chiến thắng và ngày ký đã trở thành ngày lễ lớn của quốc gia. Nhưng hiệp ước ký kết vào tháng 10 năm 2004 trôi qua gần như trong âm thầm. Cả Trung Quốc và Nga đều biết, ngay từ trong căn bản, lý do chính của xung đột không phải là lãnh thổ mà là sự tranh chấp quyền lực, uy thế của hai nước cộng sản đàn anh trong phong trào cộng sản quốc tế. Về phía Nga, sau khi Liên Xô sụp đổ, họ cần sự ổn định để phục hồi nền kinh tế gần như bị phá sản, và do đó sự xung đột chủ quyền trên các đảo vốn không chứng tỏ một tiềm năng kinh tế nào đã không còn lý do để kéo dài thêm.

Việc xung đột lãnh thổ với Việt Nam thì khác. Để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng Sa và Trường Sa, chính quyền Trung Quốc không cần phải chở một toa xe lửa tài liệu hay bằng chứng nào cả. Những lời tuyên bố của phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc dù nói vòng vo từ chuyện đời xưa đến đời nay cho có lệ, cuối cùng cũng chỉ rút trong túi ra một văn kiện khá mới mẻ, rất hợp pháp, dài vỏn vẹn 121 chữ tính cả phần chào hỏi nhưng lại đầy thuyết phục, đó là công hàm của Thủ tướng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Phạm Văn Đồng. Nội dung chính của công hàm: “Thưa đồng chí Tổng lý. Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.

Khi đọc bản tuyên bố này lần đầu cách đây khá lâu thú thật tôi không tin đó là văn bản thật mà là tài liệu giả mạo do Trung Quốc viết hay chỉ là sản phẩm tuyên truyền của một tổ chức chống cộng nào đó dựng lên để bêu xấu Đảng. Hai tiếng Hoàng Sa và Trường Sa thân thương quen thuộc từ bao đời là một phần của ngôn ngữ Việt Nam như hai quần đảo vẫn được xem là phần da thịt, máu xương bất khả phân ly của thân thể Việt Nam.

Các chính phủ Trung Quốc, Philippines, Malaysia có quyền không công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam hay hoàn toàn của Việt Nam. Nhân dân Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Đài Loan, Brunei cũng có thể cho rằng Trường Sa là đất của họ. Tình cảm đất nước là một tình cảm thiêng liêng nhưng cũng ít nhiều bảo thủ mà dân tộc nào cũng có. Tình cảm đó cũng cần được xem xét và tôn trọng. Các quốc gia tranh chấp phải giới thiệu các bằng chứng lịch sử, các văn kiện pháp lý trong một hội nghị quốc tế đa phương để thương thảo và tìm một giải pháp phù hợp với công pháp quốc tế cũng như quyền lợi của các nước trong vùng tranh chấp. Những hòn đảo không người ở, những triền đá nhọn nhô lên giữa đại dương mênh mông từ mấy ngàn năm, trong thời đại dầu hoả bỗng trở thành quan trọng, việc xung đột vì thế là điều khó tránh, tuy nhiên, sự kiện một ông thủ tướng Việt Nam nhân danh nước Việt Nam để công nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc mà không cần phải đưa ra trước quốc hội để biểu quyết, không cần tranh luận, hội họp, không cần phải bắn nhau một viên đạn nào, quả là một việc không thể nào tin được và đương nhiên cũng không thể nào chấp nhận được.

Văn bản do ông Phạm Văn Đồng ký là một vết nhơ trong lịch sử dân tộc và tên tuổi ông Phạm Văn Đồng cũng sẽ dơ như chữ ký của ông. Tuy nhiên, thật bất công nếu chỉ đổ tội lên một mình ông Phạm Văn Đồng. Trong cương vị Thủ tướng, ông phải là người ký công hàm gởi cho Chu Ân Lai, Thủ tướng Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, nhưng ông Phạm Văn Đồng không phải là người tự quyết định mà chỉ thừa hành quyết định chung của Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Vào thời điểm tháng 9 năm 1958, những người sau đây phải chịu trách nhiệm cho việc triều cống hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc, và danh sách của họ được sắp xếp theo thứ tự trong Bộ Chính trị Đại hội lần II năm 1951 cũng như được bổ túc trong những năm sau đó: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan.

Tại sao họ đã làm như thế? Họ bị áp lực của Trung Quốc? Không. Không có một tối hậu thư nào của nhà cầm quyền Trung Quốc buộc Việt Nam phải thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc, nếu không họ sẽ dùng võ lực để tiến chiếm hai quần đảo, vượt biên giới Lạng Sơn hay đổ bộ lên Hải Phòng. Cho dù có tối hậu thư đi nữa thì cũng không phải lần đầu Việt Nam nhận tối hậu thư của quân xâm lược. Trước đây, các vua Lý, vua Trần đã nhận và mới đây Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương đã nhận, và các anh hùng dân tộc đã chọn chiến đấu tới cùng và đã chết trên nắm đất của tổ tiên thay vì dâng thành cho giặc.

Trên thế giới chưa có một cuộc phân định biên giới nào giữa hai quốc gia mà không phải trải qua những hội nghị, những cuộc thảo luận, đo đạc cần thiết về các giới hạn trên biển cả cũng như lằn ranh trên đất liền. Trong các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất là quan trọng nhất. Câu “tấc đất tấc vàng” không chỉ đúng cho trường hợp một nước đất hẹp người đông như Việt Nam mà đúng cho bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Hãy lấy trường hợp Bắc Hàn làm ví dụ. Nếu theo dõi các hội nghị về biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Hàn chúng ta có thể nghĩ rằng Trung Quốc muốn gì chắc là được nấy, muốn vẽ biên giới đâu thì vẽ. Không. Bắc Hàn tự cô lập khỏi thế giới giới văn minh, trong nhiều năm đã lệ thuộc vào Trung Quốc không những chính trị, ngoại giao mà cả từng chén cơm manh áo, nhưng họ nhất định không nhượng cho Trung Quốc một tấc đất nào qua các hội nghị về đường biên giới dài 1416 kilomét giữa hai nước. Mặc dù cai trị đất nước bằng một lý thuyết ngu dân hoang tưởng, bằng một chính sách độc tài sắt máu bị phần lớn nhân loại rẻ khinh, xa lánh, cha con Kim Nhật Thành ít ra có một điểm đáng khen mà giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không có, đó là quyết tâm giữ đất của tổ tiên họ để lại.

Nhiệt tình cao độ của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chắc đã làm không chỉ Mao mà cả Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phải ngạc nhiên hết sức. Tôi tin bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hẳn đã tốn rất nhiều thời gian, tổ chức nhiều phiên họp tìm hiểu, phân tích, đánh giá nội dung công hàm của ông Phạm Văn Đồng để xem phía Việt Nam có ẩn ý gì trong 121 chữ đó không, chẳng lẽ Việt Nam tự nguyện dâng hai quần đảo một cách dễ dàng như thế. Không, không có ẩn ý, âm mưu nào cả ngoài việc chứng tỏ lòng trung thành tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam với Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cấp lãnh đạo Trung ương Đảng thời đó còn lo ngại đàn anh Trung Quốc không tin vào lòng dạ chí thành của mình nên đã cho đăng toàn bộ nội dung công hàm trên báo Nhân dân ngày 22 tháng 9 năm 1958 để toàn Đảng, toàn dân và toàn thế giới biết hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ nay không còn là của Việt Nam nữa. Không giống như hiệp ước biên giới Việt Trung vào các năm 1999 và năm 2000 được ký kết lén lút đến mức ngay cả những ông bà đại biểu quốc hội khi đưa tay phê chuẩn cũng không biết nội dung hiệp ước nói gì, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, qua công hàm 1958, chẳng những “ghi nhận”, “tán thành” mà còn chỉ thị cho các cấp “triệt để tôn trọng” hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của lục địa Trung Hoa, có đính kèm luôn bản đồ về đường ranh giới lãnh hải, bao gồm cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa.

Tại sao họ đã làm như thế? Họ không rành lịch sử Việt Nam? Chẳng lẽ họ chưa thấm thía câu “Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt” và không cảm thông cho sự chịu đựng vô bờ bến của tổ tiên suốt một ngàn năm qua bốn lần Bắc thuộc, phải xuống biển tìm ngọc trai, lên non tìm sừng tê, ngà voi, bạc vàng châu báu hay sao? Tôi không nghĩ vậy, vì ít nhất trong số 11 ủy viên Bộ Chính trị thời đó cũng có một người đã từng dạy sử. Họ làm thế chỉ vì niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa cộng sản. Niềm tin mù quáng vào một xã hội đại đồng đã làm giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nghĩ rằng Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và những người cộng sản Trung Quốc mà họ đang thần phục là những bậc thánh hiền chứ không phải là giống dân đã hàng ngàn năm đày đoạ tổ tiên Việt Nam. Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đã thú nhận sự lệ thuộc vào Trung Quốc hay đúng hơn là quan hệ chủ tớ này trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 2 tháng 12 năm 1992 và được Thông tấn xã Việt Nam loan ngày 3 tháng 12 năm 1992: “Tình hữu nghị Việt – Trung đang thắm thiết và hai nước hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Việt Nam xem Trung Quốc là một nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị. Trong tinh thần đấy thì do tình thế cấp bách, quan điểm của lãnh đạo ta (tức ủng hộ Trung Quốc công bố chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là cần thiết vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ tổ quốc.” Cuộc chiến bảo vệ tổ quốc mà ông Nguyễn Mạnh Cầm nhắc trong buổi họp báo nêu trên, tương tự như khi ông Phạm Văn Đồng trả lời báo Far Eastern Economic Review tháng 3, 1979 hay hầu hết các lãnh đạo Đảng khác đã nhiều lần viện dẫn là “cuộc chiến chống Mỹ cứu nước”, thế nhưng, năm 1958, ngoại trừ một số ít nhân viên thuộc Nhóm Cố vấn Quân sự (Military Assistance Advisory Group), làm gì có quân Mỹ để mà chống?

Tại sao họ đã làm như thế? Khi đem hai quần đảo vô cùng quan trọng của đất nước về chiến lược quân sự cũng như về tiềm năng kinh tế dâng hiến cho Trung Quốc để gọi là “ bảo vệ tổ quốc” thì tổ quốc mà các giới lãnh đạo Đảng cần phải bảo vệ là tổ quốc nào? Như giải thích trong hầu hết tài liệu học tập, giáo trình trung, đại học tại Việt Nam, người cộng sản không có tổ quốc theo nghĩa thông thường mà chúng ta thường hiểu. Khái niệm tổ quốc đối với giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ đơn thuần là dải giang sơn từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau mà bao nhiêu thế hệ tiền nhân đã dày công gìn giữ, không phải chỉ gồm 40 triệu người ngày đó hay 80 triệu người ngày nay có cùng huyết thống, cùng một ngôn ngữ, cùng một lịch sử, mà phải là tổ quốc xã hội chủ nghĩa, một đất nước bị thống trị trong bàn tay sắt của Đảng Cộng sản. Mụch đích của Đảng như đã đề ra trong Đại hội Đảng lần thứ II tại Tuyên Quang bao gồm giai đoạn từ 1951 đến 1960: “Giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.” Năm 1958, một nửa nước chưa trở thành chủ nghĩa xã hội và do đó mục đích của Đảng chưa hoàn thành. Để thôn tính miền Nam và hoàn thành mục đích cộng sản hóa cả nước, họ cần súng đạn của Liên Xô và Trung Quốc. Hoàng Sa và Trường Sa là giá mà giới lãnh đạo Đảng phải ứng trước để đổi lấy nhiều vạn trái mìn, mấy trăm ngàn khẩu AK, mấy ngàn chiếc tăng đủ loại để đem về cày xéo lên các thành phố miền Nam, đốt cháy thôn làng miền Nam và tàn sát nhiều triệu dân miền Nam vô tội.

Tuổi trẻ phải làm gì?

Đứng trước sự phân hóa, chia rẻ do hậu quả của mấy trăm năm phong kiến, đế quốc thực dân và cộng sản, chọn lựa duy nhất của thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay là đoàn kết và vượt qua mọi thử thách để đoàn kết thành một khối đúng như khẩu hiệu “Ta là một” mà các em đang phát động trong nước. Lịch sử như một dòng sông. Dòng sông Việt Nam vẫn chảy dù phải băng qua bao nhiêu ghềnh đá cheo leo. Tương tự, các thế hệ Việt Nam lớn lên và vẫn phải tiếp tục nhận lãnh trách nhiệm lịch sử của thế hệ mình. Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay không cần một ngọn hải đăng của bất cứ cường quốc nào để rọi sáng đêm tối trời dân tộc, nhưng ngay từ trong lòng họ đã bùng cháy lên ngọn đèn tự chủ được thắp sáng bằng tâm thức Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay không cần chờ đợi một minh quân ra đời hay một lãnh tụ xuất hiện để dẫn dắt họ trên đường cứu nước bởi vì chính họ sẽ là những minh quân của thời đại và con đường dẫn đến điểm hẹn lịch sử được soi sáng bằng trí tuệ Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay không cần vay mượn một chủ nghĩa, một ý thức hệ, một lý thuyết ngoại lai nào làm kim chỉ nam để giải phóng dân tộc, bởi vì chính họ đã được trang bị bằng các đặc tính dân tộc, nhân bản và khai phóng kết tinh và kế thừa từ hơn bốn ngàn năm lịch sử.

Lãnh đạo Đảng đã, đang và chắc sẽ làm tất cả những gì họ có thể làm để ngăn cản các cuộc biểu tình dù ôn hoà và bất bạo động của tuổi trẻ Việt Nam. Tuần trước họ ra chỉ thị cấm biểu tình, tuần này họ chụp mũ các em chống phá trật tự xã hội, tuần sau họ sẽ đem xe chữa lửa đến đàn áp và tuần sau nữa có thể trục xuất khỏi trường, bắt giam, kết án, tù đày. Tuy nhiên, lịch sử đã nhiều lần chứng minh, khi một chế độ chỉ còn trông cậy vào các phương tiện bạo lực trấn áp để tồn tại, chỉ còn biết sử dụng bộ máy công an kềm kệp để duy trì quyền cai trị, ngày tàn của chế độ đó chỉ là vấn đề thời gian. Hành động tuyệt vọng của Nicolae Ceausescu khi ra lệnh công an bắn vào cuộc biểu tình của nhân dân Rumania sáng ngày 17 tháng 12 năm 1989 chỉ để dẫn đến bản án tử hình dành cho vợ chồng ông ta một tuần sau đó. Lãnh tụ cộng sản Slobodan Milosevic một thời là tổng thống Serbia đầy quyền lực nắm trọn quyền sinh sát trong tay, cuối cùng cũng phải chết trong tù. Erich Honecker hung thần Đông Đức, Idi Amin đao thủ phủ của Uganda hay Mobuto bạo chúa của Uganda đều đã gởi tấm thân tàn trên đất khách, để lại tiếng xấu muôn đời. Nếu giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam còn nghĩ đến tương lai của chính họ và còn biết lo cho tương lai của đất nước, họ phải chọn đứng về phía dân tộc.

Con đường duy nhất để đạt đến một tương lai tự do, dân chủ, nhân bản và thịnh vượng là con đường dân tộc và cũng chỉ có một Việt Nam tự do, dân chủ, nhân bản và thịnh vượng thì các thế hệ Việt Nam mai sau mới có cơ may giành lại được Hoàng Sa và Trường Sa.

Trần Trung Đạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét