Pages
▼
Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011
Ý Đảng – Lòng dân: Hai đường thẳng song song
Trần An Nam –“Một hệ thống không còn khả năng trả lời là một hệ thống chết. Sau bao nhiêu tiêu cực, thoái hóa trong hàng ngũ đảng viên, nếu không có gì thay đổi sau Đại hội X thì Đảng quả là quá khinh thường nhân dân.”1Đó là cảm nghĩ của một thanh niên đầy nhiệt huyết Nguyễn Tiến Trung trước kỳ Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2006. Cho đến hôm nay trước Đại hội XI, các văn kiện đại hội vẫn tiếp tục kiên quyết “chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Một việc hệ trọng có liên quan đến tương lai của cả dân tộc nhưng chỉ có một đảng, nói đúng hơn là một nhóm người quyết định, thì những thanh niên tuổi trẻ như chúng ta ngày nay nghĩ gì?
‘Hệ thống chết’
Đã hơn 65 năm từ khi Đảng Cộng sản tự cho mình quyền hành lãnh đạo đất nước, nhưng nhìn lại 65 năm, Việt Nam đang ở vị trí nào trên bản đồ thế giới?
Chúng ta nên ngừng đỗ lỗi cho chiến tranh hay bom đạn… mà hãy nhìn vào thực tế. Vấn đề thực chất mà tất cả chúng ta đều thấy rõ về sự tụt hậu, kém phát triển của đất nước là do hệ thống gây ra.
Một “hệ thống chết” tất nhiên không thể dẫn dắt đất nước vươn ra biển lớn, đặc biệt sau khi phạm sai lầm này sang sai lầm khác. Cựu chủ tịch Nguyễn Văn An đã nói rõ như ban ngày rằng “SỬA LỖI HỆ THỐNG, khuynh hướng đổi mới tư duy toàn diện và triệt để, cả kinh tế và chính trị thì chúng ta mới khắc phục được lỗi hệ thống…”
Một trong những vấn đề nghiêm trọng của hệ thống hiện hành là làm cho những người tốt trở thành xấu; và nguy hại hơn, nó đã đạo tạo ra những con người dối trá như Thủ tướng Đức Quốc Angela Merkel đã từng tuyên bố. Cảnh sát – gương mẫu của những người tốt – lại đánh đập và đàn áp người dân lành. Thầy cô phải dối trá khi dạy những điều đi ngược lại lịch sử, sai lệch sự thật.
Chính vì thế mà hệ thống cần phải được thay đổi. Ở thế kỷ 21, khi mà một cái nhấp chuột cũng có thể quan sát được thế giới, thì việc tiếp tục ngụy biện và quanh co là khinh thường trình độ người dân, cũng như đánh mất lòng tin trong quần chúng.
Dân chủ là khát vọng của đất nước
Một quốc gia muốn phá triển phải dựa trên sự tín nhiệm của nhân dân. Làm sao để có được sự tin tưởng đó? Đó chính là để cho người dân trở về với đúng vai trò của họ – vai trò dân làm chủ. Hai từ dân chủ đã tự nó là cách sửa cái “hệ thống chết” hiện nay đang hoành hoành trong cơ chế lãnh đạo.
Trong nhu cầu xã hội văn minh ngày nay, lãnh đạo nhà nước phải có đường lối hoàn toàn phụ hợp với thời đại mới. Đó chính là hệ thống thượng tôn pháp luật, tôn trọng sự thật và cơ chế chính trị minh bạch. Có như vậy, trong xã hội mới có niềm tin và sự tín nhiệm – nguồn góc của đoàn kết dân tộc, ổn định xã hội và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người.
Những thanh niên yêu chuộng dân chủ cho chính họ và cho đất nước đã không còn tin tưởng sự dẫn dắt của một hệ thống, mà trong đó lợi ích người dân không được xem là trụ cột.
“Những ông vua tập thể” tự xem mình là lãnh đạo không thông qua bầu cử tự do, công bằng đã không còn phù hợp với xã hội dân chủ, văn minh. Thanh niên ngày nay khó chấp nhận một hệ thống chồng chéo song trùng giữa đảng và nhà nước. Một khi niềm tin đã bị đánh mất thì ý đảng – lòng dân chỉ là hai đường thẳng song song: đồng hành nhưng không bao giờ có được một giao điểm.
Bất kỳ thể chế nào cũng đòi hỏi chuyển đổi và điều hành xã hội bằng pháp luật. Bất kỳ đảng chính trị nào lãnh đạo thì cũng phải xây dựng một nhà nước pháp trị và chính danh.
Hệ thống một đảng hiện hành tại Việt Nam rõ ràng đã có vấn đề nghiêm trọng, gây trì trệ và kiềm hãm những bước tiến của cả 90 triệu dân. Vấn đề đó cần phải giải quyết cấp bách đúng theo khác vọng của nhân dân nhằm “bảo đảm phát huy tự do dân chủ, dân là người chủ đích thực của đất nước, dân phải được phúc quyết Hiến pháp…”2
Liệu Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam có mạnh dạn đặt quyền lợi dân tộc lên trên và sửa đổi hệ thống, hay vẫn tiếp tục “khinh thường nhân dân”?
Trần An Nam
©2011 Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ
phiatruoc.wordpress.com
1. Đại hội X và cảm nghĩ của một thanh niên. Nguyễn Tiến Trung. Đăng trên Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ. Truy cập tại đây.
2. Nguyên chủ tịch quốc hội khuyến nghị đổi mới hệ thống chính trị. Nguyễn Văn An. Đăng trên Tuần Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét