Pages

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

10 tới 15 % ĐBQH không đảng viên: Quốc Hội có là cơ quan quyền lực của toàn dân ?


Nguyễn Thành Long – Cơ cấu thành phần đại biểu đại biểu Quốc hội ngoài Đảng chỉ vẻn vẹn 10 -15% có phát huy, bảo vệ được quyền lợi của đa số nhân dân; có là diễn đàn thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân?…
Theo như đưa tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, sáng 23/2, tại trụ sở Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để tiến hành hiệp thương thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được bầu làm đại biểu Quốc hội theo dự kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và hiệp thương thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên Trung ương ra ứng cử đại biểu Quốc hội XIII.

Dự kiến Quốc hội khoá mới có 500 đại biểu, đại biểu ngoài Đảng 10 – 15%.

Ngay lập tức, dư luận xã hội tiếp tục đặt câu hỏi: Quốc hội là cơ quan dân cử hay vẫn là một tổ chức Đảng cử dân bầu ? Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Mục tiêu của nhà nước là bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân… Những điều này đã được ghi nhận rất rõ trong bản Hiến pháp hiện hành nước ta. Vậy thì cơ cấu thành phần đại biểu đại biểu Quốc hội ngoài Đảng chỉ vẻn vẹn 10 -15% có phát huy, bảo vệ được quyền lợi của đa số nhân dân; có là diễn đàn thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân?

Số đại biểu trong Đảng từ 85 – 90% là con số quá lớn để cho thấy tiếng nói của đa số nhân dân vẫn còn lẻ loi tại diễn đàn Quốc hội… Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng tuyên bố
“phải chấp hành ý chí của Đảng”. Vậy, với cơ cấu 85 – 90% đại biểu Quốc hội là Đảng viên thì thực chất đây là một tổ chức của Đảng chứ chưa phải là nơi thu hút trí tuệ toàn dân, nơi thể hiện ý chí của đa số nhân dân; Do đại biểu Quốc hội không là đảng viên còn là thiểu số do đó việc phát huy hết được trí tuệ của toàn dân sẽ còn là điều hạn chế.

Theo quy định của Điều lệ Đảng, đã là đảng viên thì phải chấp hành Nghị quyết của cấp ủy và cấp ủy cấp dưới phục tùng cấp ủy cấp trên; Sẽ có tới 85 – 90% đại biểu Quốc hội gật theo ý kiến chỉ đạo của tổ chức Đảng. Vậy thì nguyện vong, ý chí của nhân dân sẽ được phân bổ bao nhiêu phần trăm tại diễn đàn Quốc hội ? Với cơ cấu: Đại biểu Quốc hội không là đảng viên vẫn còn là thiểu số, do đó có được ý kiến phản biện đích thực của nhân dân là điều hy hữu, hiếm hoi.

Đành rằng Điều 4 Hiến pháp quy định vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều hành đất nước, nhưng để đảm bảo tính chất nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân; quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân thì phải xem xét lại việc cơ cấu tăng những đại biểu Quốc hội không là đảng viên hợp lý nhất phải là 50 %… Nên nhớ hiện nay dân số có 86 triệu người, không rõ số cử tri đi bầu là bao nhiêu và số người trong độ tuổi được quyền ứng cử đại biểu Quốc hội là bao nhiêu nhưng chắc chắn vẫn đông hơn số lượng đảng viên. Hiện nay cả nước có 3,6 triệu đảng viên.

Nếu chúng ta cơ cấu tăng được các đại biểu Quốc hội không là đảng viên sẽ làm cho diễn đàn này phát huy được trí tuệ của toàn dân;đất nước sẽ phát huy được mọi nguồn tiềm năng tham gia vào quản lý xã hội.

Trước khi kết thúc bài viết này tôi xin được trích dẫn nguyên văn Điều 3 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997, sửa đổi bổ sung năm 2001 để hi vọng những nhân sỹ trí thức yêu nước, thương dân hãy tích cực tham gia tự ứng cử Đại biểu Quốc hội thay vì thụ động ngồi đợi kết quả bầu cử và rồi lại tích cực “la ó” trong tuyệt vọng những quyết sách của một Quốc hội mới.

Điều 3

Đại biểu Quốc hội có những tiêu chuẩn sau đây:

1 – Trung thành với tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;

2 – Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham
nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật;

3- Có trình độ năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;

4 – Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân
dân, được nhân dân tín nhiệm;

5 – Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Nguyễn Thành Long
Hà Nội, ngày 25/02/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét