Pages

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Ai Cập – Ai Sẽ Nhập Trận?

Huynh đệ Hồi giáo hay Huynh đệ Tương tàn?

Trong khi chúng ta ăn Tết hay bị Tết ăn thì địa cầu vẫn xoay – thời sự vẫn vần vũ khói mù. Chúng ta phải trở lại chuyện Ai Cập, còn với những ai chờ xem Super Bowl trên đất Mỹ thì người viết xin đoán, đội giỏi nhất sẽ là vô địch!
Trước khi bình nghị về thời sự Ai Cập và cách ứng xử của Hoa Kỳ, ta nên ghi rõ bối cảnh để biết là nói về cái gì. Bình luận theo truyền thông Hoa Kỳ hoặc chỉ phiên dịch những gì họ loan tải thì ta không giúp gì cho độc giả, nếu như một việc tương tự xảy ra tại Việt Nam!

Xin hãy nói về luật chơi đã…

Hiến pháp Ai Cập được trưng cầu dân ý năm 1971 rồi tu chính ba lần sau đó (1980, 2005 và 2007) có quy định việc thành lập lưỡng viện Quốc hội.

Viện trên hay Thượng nghị viện có tên là “Hội đồng Tư vấn” (Shura Council) thành lập năm 1980 gồm 264 thành viên; 174 được dân bầu lên và 88 người là do Tổng thống đề cử; nhiệm kỳ mỗi người là sáu năm, ba năm bầu lại phân nửa. Quyền làm luật của Thượng viện thật ra rất giới hạn so với Hạ viện, là cơ chế nắm quyền tối hậu nếu có khác biệt.

Viện dưới, “Quốc hội Nhân dân”, thì có 454 Dân biểu cho một nhiệm kỳ năm năm trừ phi bị Tổng thống giải tán yêu cầu bầu lại. Hạ viện này gồm 444 người do dân bầu lên và 10 người do Tổng thống đề cử. Hiến pháp còn quy định là phân nửa số dân biểu phải là công nhân và nông dân. Hạ viện có quyền làm luật, phê chuẩn các hiệp định, biểu quyết ngân sách, giám sát hoạt động của Hành pháp, giải tán Nội các do Tổng thống bổ nhiệm, thảo luận với Tổng thống về kế sách quốc gia, tu chính Hiến pháp và chuẩn thuận các quyết định khai chiến hay thủ tục khẩn cấp.

Xét như vậy – và nếu so sánh với… Việt Nam – hệ thống chính trị Ai Cập không đơn giản là một chế độ độc tài độc đảng.

Thủ tướng và hội đồng chính phủ của Ai Cập phải thuộc chính đảng chiếm đa số trong Quốc hội nhưng vẫn có thể bị đối lập chất vấn hay đàn hặc. Tổng thống có nhiều quyền hạn mà vẫn phải tôn trọng một số luật chơi có hình thức dân chủ. Nội một việc đó cho thấy Hosni Mubarak không có toàn quyền, kể cả đưa con trai là Gamal Mubarak vào vị trí kế nhiệm: ông vẫn sợ sự phê phán của dân chúng, của các đảng đối lập, của đảng đa số là Dân chủ Quốc gia NDP, và của các tướng lãnh vì ông phải minh bạch hóa các quyết định của mình.

Kim Chính Nhật tại Bắc Hàn hay Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam không bị phiền hà như vậy nếu cần có những quyết định về nhân sự lãnh đạo.

Đằng sau hệ thống chính trị, cơ chế có ảnh hưởng mạnh nhất Ai Cập vẫn là Quân đội, với các tướng lãnh ít tham gia chính trị nhưng có quyền kinh doanh, và các binh lính vẫn được người dân quý trọng vì tin rằng họ mới thực sự bảo vệ quốc gia. Thế lực thứ nhì là hệ thống mật vụ, công an và cảnh sát võ trang trong tay Thủ tướng và đảng NDP để bảo vệ chế độ. Thế lực này có quân số ngang ngửa với quân đội, nhưng chỉ được trang bị võ khí nhẹ và dụng cụ… chống biểu tình. Khi mật vụ như lang sói ra tay đàn áp mà gặp quân đội thì… bó tay.

Như vậy, hệ thống chính trị của Ai Cập chưa hoàn hảo và dân chủ, có thể tương tự như nhiều quốc gia chậm phát triển và chịu ách chuyên chế. Nhưng dù sao, nền chính trị này vẫn có hạt mầm đa nguyên và một không gian nào đó cho đối lập lên tiếng.

Những ngả đường đối lập

Trong hiện tại, ngoài đảng NDP cầm quyền, những người đối lập có một số lực lượng kết tụ vào sáu nhóm chính trị lớn nhỏ cũ mới khác nhau.

Lâu đời nhất, với ảnh hưởng lịch sử thì rất mạnh mà thực chất lại rất yếu vì thiếu cán bộ và ít được quần chúng ngoài đời chú ý là Tân đảng WAFD. Từ Thế chiến I, đảng WAFD đã thành hình khi đấu tranh cho độc lập nhưng bị giải tán sau cuộc Cách mạng lật đổ chế độ Quân chủ năm 1952. Năm 1974, đảng này tái xuất hiện nên có tên là Tân đảng với chủ trương cải cách hệ thống chính trị thế quyền theo xu hướng tự do và dân chủ hơn (“thần quyền” là cai trị bằng tôn giáo, “thế quyền” là cai trị bằng cơ chế phát luật do con người bầu ra, dựng lên).

Đảng thứ nhì cũng theo khuynh hướng cải lương mà không liên hệ với các xu hướng Hồi giáo là đảng El Ghad – Ngày Mai, theo tiếng Á Rập. Đảng này do ông Ayman Nour thành lập năm 2004 sau những mâu thuẫn với lãnh tụ Norman Gomaa của Tân đảng và có vẻ trẻ trung hơn, với một số quần chúng là thanh niên. Ayman Nour thực tế là khuôn mặt đối lập nổi tiếng nhất, cho tới khi ông Mohammed ElBaradei hồi hương. Một số lãnh tụ trẻ của đảng El Ghad đã phát động ra phong trào chống đối có tên là “Mùng Tám Tháng Tư”.

Với truyền thông Tây phương, Phong trào Mùng Tám Tháng Tư là nhóm đấu tranh cho dân chủ nổi tiếng nhất Ai Cập, được thành lập và có danh xưng đó từ vụ tổng đình công ngày tám Tháng Tư năm 2008. Đặc tính là đấu tranh cho dân chủ thế quyền trong tinh thần bất bạo động và phi chính trị (không theo hay của đảng nào). Bích chương “Đả đảo Mubarak” được phổ biến rộng rãi trong các đường phố Cairo là do phong trào này tung ra.

Một phong trào khác cũng có tôn chỉ bất bạo động là Phong Trào Kifaya. Chữ Á Rập này có thể dịch thành “Đủ Rồi”, và được Tây phương biết đến với tên gọi là Phong trào Cải cách Ai Cập – Egyptian Movement for Change. Xuất phát từ xu hướng Hồi giáo mà không chủ trương thiết lập chế độ cai trị của đạo Hồi, Phong trào Kifaya là trường hợp đại đoàn kết dân tộc vì quy tụ các nhóm Hồi giáo ôn hoà, thành phần đấu tranh cho tự do dân chủ, các nhân vật thân cộng hoặc thiên về chủ nghĩa xã hội kiểu Nasser năm xưa. Mục tiêu đề ta là chấm dứt chế độ Mubarak qua chống đối hoà bình, bất bạo động.

Một lực lượng non trẻ, mới nổi lên, là Hiệp hội Đổi mới Quốc gia – National Association for Change – quy tụ mảnh vụn của các đảng nhỏ quanh tên tuổi của Giáo sư Luật khoa Mohamed ElBaradei. Ông này là luật gia, công chức ngoại giao lão thành của Liên hiệp quốc rồi làm Tổng giám đốc Nguyên tử lực cuộc IAEA, được giải Nobel Hoà bình cùng cơ quan IAEA trước khi về hưu. Tên của ông ta được Tây phương hoá theo tiếng La tinh thay vì tiếng Á Rập nên người ta suy đoán rằng ElBaradei có tinh thần cởi mở Tây phương dù ông có thậm cảm với lực lượng khủng bố Hamas và thực tế còn che chắn cho chế độ Iran khi cầm đầu tổ chức IAEA.

Khi biến động Ai Cập bùng nổ, ông hồi hương và trở thành thủ lãnh của Hiệp hội Đổi mới với chủ trương cải cách Hiến pháp để thiết lập một chế độ dân chủ. ElBaradei nhắm vào việc kết hợp hay quy tụ mọi xu hướng chống Mubarak thành một lực lượng có thực lực.

Sau cùng, có 88 ghế Dân biểu và là đảng đối lập mạnh nhất là lực lượng “Huynh đệ Hồi giáo” Muslim Brotherhood, hay được viết tắt thành MB. Nôm na là Em-Bi. Được thành lập từ năm 1928 – năm Hosni Mubarak ra đời – Huynh đệ Hồi giáo là phản ứng thần quyền trước phong trào đấu tranh cho độc lập quốc gia của các lực lượng thế quyền. Đây là lực lượng Hồi giáo kỳ cựu nhất thế giới nhưng bên trong thường xuyên bị giằng xé giữa hai ngả đấu tranh. Một là cực đoan và bạo động của các nhóm dân quân – thực tế là đặc công – như cánh tay nối dài của đạo Hồi. Hai là cải cách chính đạo Hồi cho tiến bộ và hiện đại hơn để theo kịp đà tiến hoá của nhân loại hầu có thể xây dựng được sự thống trị của tôn giáo. Chúng ta còn cơ hội trở lại tổ chức Em-Bi này.

Chỉ cần nhớ rằng một thủ lãnh người Ai Cập của xu hướng cực đoan này chính là Ayman Al-Zawahiri, nhân vật số hai hiện nay của Al-Qaeda đầu não. Nhóm sĩ quan trẻ đã ám sát Tổng thống Anwar Sadate năm 1981 cũng từ xu hướng cực đoan của Huynh đệ Hồi giáo Em-Bi mà ra.

Sau khi các đặc công của lực lượng này mưu sát Mubarak mà không thành, Huynh đệ Hồi giáo bị giải tán, các tay sát thủ bị truy lùng và tiêu diệt. Lực lượng MB bèn thoát xác, một số chủ trương tham gia đấu tranh chính trị và ra ứng cử với tư cách độc lập. Việc họ được phép ra tranh cử có cho thấy chế độ Mubarak không hà khắc nghiệt ngã như ta thường nghĩ. Và việc 88 người đắc cử và trở thành đảng đối lập mạnh nhất cũng cho thấy khả năng tổ chức rất đáng nể của Huynh đệ Hồi giáo.

Sau khi điểm danh sáu nhóm đối lập với Hosni Mubarak, câu hỏi đang làm nhiều người nhức đầu là nếu như động loạn có thể êm và quân đội Ai Cập có đủ khả năng và uy tín tổ chức bầu cử như mọi người yêu cầu hay đòi hỏi, thì tình hình sẽ ra sao?

Những kịch bản đáng ngại

Trong thời gian tới, từ vài tuần đến vài năm, Ai Cập sẽ đi về đâu?

Có thể nào là một chuỗi hỗn loạn khác nếu ngần ấy phe nhóm đều không kết hợp nổi thành lực lượng đủ mạnh để lâm thời cầm quyền, tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến, soạn thảo Hiến pháp mới và căn cứ trên văn kiện này tổ chức bầu ra Quốc hội Lập pháp và Chính quyền mới? Đấy là nỗi gian nan của tiến trình dân chủ hóa rất dễ hiểu mà khó thực hiện. Nhưng là kịch bản lạc quan nhất.

Tuy nhiên, nếu Huynh đệ Hồi giáo thắng lớn, và bên trong, xu hướng dân quân cực đoan lại nắm thế chủ động thì sao? Năm xưa, Tổng thống George W. Bush bị đả kích vì yêu cầu dân Palestine phải có quyền bầu cử mà đa số lại bầu cho lực lượng cực đoan và chống Mỹ nhất là Hamas! Quyền dân có thể là quyền chọn lựa sai lầm. Có thể nào vì đó mà không cho dân bỏ phiếu?

Giả thuyết này dựa trên ảnh hưởng kín đáo của của các nhóm quá khích bị kết án là khủng bố: từ lực lượng Hamas tại Palestine – do Huynh đệ Hồi giáo nặn ra – đến Hezbollah tại Lebanon – do Iran thành lập và Syria yểm trợ, thậm chí khủng bố ngụy danh “Thánh chiến” hay Hồi giáo cực đoan do các Giáo chủ Tehran điều động từ xa… Ngần ấy nhóm đều có quan hệ với Huynh đệ Hồi giáo, nông sâu ra sao, chúng ta không biết – chỉ mong là CIA có biết chứ không bị lạc quẻ như trong cuộc Cách mạng Iran năm 1979!

Trong giả thuyết Ai Cập có bầu cử sau cơn đại loạn như chúng ta thấy từ 10 hôm nay thì kết quả bầu cử có khi là sự tranh đua ngay trong nội bộ Huynh đệ Hồi giáo.

Đây là một lực lượng thực ra quốc tế, bán văn bán võ, nửa ôn hoà nửa khủng bố, có mục tiêu là khôi phục lại quyền cai trị của đạo Hồi. Trong kịch bản lớn có sự kiệm nhỏ, như một ngòi nổ: Huynh đệ Hồi giáo có khi thành huynh đệ tương tàn ngay trên nền móng lung lay của xã hội Ai Cập. Ly nước đầy vơi này có khi là ly thuốc độc.

Nhìn trên toàn cảnh, đâm ra vấn đề không chỉ nằm trong lực lượng Huynh đệ Em-Bi mà còn trong não trạng của các nhóm dân chủ thế quyền: họ thiếu thống nhất về ưu tiên, không có khả năng tổ chức chặt chẽ và chẳng xây dựng được sự đồng thuận tối thiểu để cầm quyền. Trừ có một việc ai ai cũng muốn là lật đổ Mubarak.

Sự phân hoá và suy nhược của họ khiến Huynh đệ Hồi giáo có thể thắng cử – như Hamas đã thắng cử năm 2005 tại Palestine – nhưng rồi bản thân lại chia hai, như các lực lượng Palestine bị vỡ đôi giữa xu hướng cực đoan là Hamas trên Dải Gaza và lực lượng Fatah ôn hoà hơn tại Tây ngạn sông Jordan. Nếu Huynh đệ Hồi giáo bị chia đôi trên một xứ Ai Cập bị tam phân, tình hình Trung Đông sẽ ra sao?

Và – nếu nhìn từ Hoa Thịnh Đốn – ai sẽ bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ?

Sau khi trình bày bối cảnh để chúng ta cùng theo dõi tình hình, người viết mới xin bình luận…

Tổng thống Obama loạn chiêu lạc quẻ

Trong vụ khủng hoảng Ai Cập, chính trường Hoa Kỳ tranh luận như ong.

Cả hai đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hoà đều chia hai trên lằn ranh lý tưởng đối chiếu với thực tiễn. Lý tưởng là Mubarak phải đi để dân Ai Cập có dân chủ. Thực tiễn là chế độ mới vẫn là một đồng minh của Mỹ giữa một khu vực chiến lược. Đây là chuyện bình thường và cần thiết của một xã hội đa nguyên và một nền chính trị dân chủ.

Nhưng lãnh đạo có thẩm quyền và trách nhiệm về đối ngoại – theo Hiến pháp là Tổng thống – phải vượt qua được những ồn ào đó để nhìn xa hơn vào tương lai hầu thỏa mãn cả hai nhu cầu đạo lý – dân chủ – và quyền lợi. Hành pháp không chỉ có thẩm quyền mà còn có khả năng vì có một bộ máy thông tin và hành động để nhìn sâu hơn và tiến xa hơn vào tiến trình chuyển hoá Ai Cập. Chúng ta đều chờ đợi điều ấy xem Chính quyền Obama phù phép ra sao….

Vì vậy, cột báo này mới viết từ trước Tết “Ai Cập Làm Ai Run Lập Cập” (trong số ra ngày 28 Tháng Giêng) khi nói về các diễn viên, đạo diễn và phù thủy….

Điều đáng tiếc là sau khi đã gửi đặc sứ đến Cairo và gặp Tham mưu trưởng Quân lực Ai Cập ngay tại thủ đô Mỹ, Chính quyền Barack Obama lại công khai nhảy vào cuộc. Và làm diễn viên ồn ào khi Nội các và bản thân Tổng thống trực tiếp lên tiếng yêu cầu Hosni Mubarak phải đi! Đi ngay lập tức! Mubarak có thể đi, hoặc đứt gân máu mà chết tại chỗ, mà tình hình vẫn chưa êm.

Việc Chính quyền Mỹ công khai nhập cuộc và đòi đuổi Tổng thống một xứ đồng minh – khác hẳn thái độ quá thận trọng hồi tháng Sáu năm 2009 khi Iran có bầu cử và Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử trong điều kiện mờ ám khiến đối lập biểu tình và bị thẳng tay đàn áp – cho thấy Mỹ rất anh hùng với đồng minh mà lại ôn hoà – thay cho chữ hèn nhát – với đối thủ.

Làm dân Ai Cập ủng hộ Mubarak bỗng thành chống Mỹ và nghĩ rằng các nhóm đối lập là tay sai của Mỹ! Đổ dầu vào lửa làm cháy chân mình là như vậy!

Ở tại chỗ, các tướng lãnh Ai Cập và các lãnh tụ Huynh đệ Hồi giáo đang thi đua để kiểm soát được tình hình hầu tiến vào giai đoạn đấu tranh chính trị của thời kỳ “hậu Mubarak”. Còn các khuôn mặt dân chủ thì tranh thủ ống kính truyền hình quốc tế, kiểu tranh cử của họ. Bi hài!

Ngẫm lại, hài kịch thực ra bắt đầu từ bài diễn văn của ông Obama ngày bốn tháng Sáu năm 2009 tại Cairo khi ông nói đến một vận hội mới của thế giới Hồi giáo. Tay mơ! Ông không ngờ là vận hội đó xoay theo hướng khác và trong khi Ngoại trưởng Hillary Clinton còn cố vớt vát tình hình với những tuyên bố thận trọng thì Đại sứ Mỹ Suzan Rice tại Liên hiệp quốc thì vẫn đòi đuổi Tống thống Ai Cập! Nội các của Obama không chỉ vụng về trong vụ khủng hoảng Ai Cập mà thực tế là đang bị khủng hoảng. Vì Tổng thống bị loạn chiêu…

Chúng ta sẽ còn tiếp tục theo dõi chuyện này trong những ngày tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét