Cuối cùng thì chế độ độc tài tại Ai Cập cũng đã sụp đổ và ông Hosni Mubarak đã ra đi theo chân ông Ben Ali của Tunisia trước đó không đầy 1 tháng.
Nhìn lại những căng thẳng trong suốt 18 ngày trước khi ông Mubarak buông chiếc ghế quyền lực của ông ra, người ta sẽ thấy, nếu phong trào chống đối không hành xử khôn khéo, như họ đã làm, trước những chiêu thức của ông Mubarak thì chưa chắc kết quả cuối cùng đã diễn ra như vậy.
Ông Mubarak đã dùng những chiêu thức gì và phía biểu tình đã phản ứng ra sao?
Trước khi đi vào vấn đề cần nhần mạnh một điều hiển nhiên là, bước đầu của việc xây dựng dân chủ là phải chấm dứt được chế độ độc tài cũng như loại bỏ được những người lãnh đạo của chế độ đó. Tại Ai Cập, điều mà ai cũng thấy được là, sau 30 năm nắm giữ và củng cố quyền lực, ông Mubarak và tập đoàn cầm quyền xung quanh ông ta sẽ không từ bỏ quyền lực một cách dễ dàng. Do đó, chắc chắn họ sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để duy trì quyền lực.
Việc đầu tiên mà các chế độ độc tài đều làm là xử dụng hệ thống công an cảnh sát rất hùng hậu của họ, một trụ cột cốt yếu của mọi chế độ độc tài, để giải tán các cuộc biểu tình, đồng thời bắt giữ hoặc cô lập những người được coi là có ảnh hưởng trong phong trào phản kháng. Rất nhiều phong trào chống đối đã bị dẹp tan ngay ở bước đầu này. Ông Mubarak cũng theo đúng bài bản đó, và hàng trăm người đã bị thương vong vì những “giãy giụa” như vừa kể của ông ta.
Trước sự đàn áp và những thương vong to lớn phải hứng chịu, thay vì sợ hãi, xuống tinh thần và cuối cùng tan rã, thì phong trào chống đối tại Ai Cập lại ngày càng mạnh mẽ và quyết tâm hơn. Khi số người biểu tình lên tới con số nhiều chục ngàn, trăm ngàn, thì lực lượng công an cảnh sát phải thúc thủ. Người ta thấy cảnh sát mặc sắc phục biến mất trên đường phố, nhiều người cởi bỏ sắc phục, lẫn vào đám đông để trốn khi các trụ sở công an bị bao vây. Trường hợp tương tự cũng đã diễn ra trong cuộc cách mạng nhung tại Đông Âu, Liên Xô, và trong cuộc cách mạng màu tại những nước Trung Á mấy năm trước đây. Tại Việt Nam, những cuộc biểu tình bất bạo động của vài chục, vài trăm người đã bị công an đàn áp thẳng tay; nhưng những cuộc cầu nguyện cho công lý của hàng chục, hàng trăm ngàn giáo dân tại Hà Nội, Tam Toà, La Vang,… dù rằng đó là một hình thức biểu tình phản đối, và không được nhà cầm quyền cho phép, nhưng công an cũng chẳng dám làm gì.
Trờ lại Ai Cập thì chiêu thức tiếp theo của chế độ Mubarak là dùng công an chìm và thuê bọn đầu gấu giả làm thường dân, giả danh những người ủng hộ chính phủ, (tương tự như cái gọi là ’quần chúng bức xúc, quần chúng tự phát’ tại Việt Nam), để tấn công người biểu tình một cách tàn bạo, gây ra nhiều thương vong. Những tên này trang bị vũ khí, xử dụng cả ngựa và lạc đà để tấn công thẳng vào đoàn người biểu tình. Đối với người Việt Nam thì hình ảnh bạo lực của lực lượng an ninh Ai cập không khỏi khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh cảnh cát cơ động 113, (cho dù lực lượng 113 không có lạc đà và ngựa). Với chiêu ném đá giấu tay này, chế độ hy vọng sẽ làm cho người biểu tình sợ hãi và lôi kéo được dư luận khi chế độ tung ra chiến dịch tuyên truyền rằng, những người biểu tình “gây bạo loạn”, làm bất ổn chính trị và kinh tế, tạo cơ hội cho những nhóm quá khích lợi dụng thời cơ nhẩy ra nắm quyền.
Nhưng, sự việc không diễn ra như chế độ mong đợi. Phe chống đối đã dễ dàng nhận ra những thủ thuật của chế độ, và do đó không hề bị ảnh hưởng bởi những đòn phép đó. Không những thế, lực lượng biểu tình đã khôn khéo không trả đũa bằng bạo lực, mà ngược lại, họ đã lập tức phổ biến rộng rãi những hình ảnh bạo động và gây hấn của những tên công an chìm và đầu gấu trên truyền thông để tranh thủ dư luận trong và ngoài nước. Ngoài ra, phiá biểu tình cũng đã khéo léo dùng một biểu tượng ôn hoà, đồng thời là niềm tự hào của Ai Cập, để làm làm đại diện cho họ. Đó là ông Mohammed El Baradei, người từng được giải Nobel Hoà Bình.
Khi cột trụ công an bị đốn gãy, ông Mubarak chỉ còn biết trông cậy vào trụ cột duy nhất còn lại là quân đội, vì chính ông ta cũng xuất thân từ quân đội. Nhưng điều ông Mubarak mong đợi đã không xẩy ra. Sau một vài đàn áp lẻ tẻ lúc ban đầu, quân đội cũng đã sớm khẳng định là sẽ không can thiệp, và chỉ giữ nhiệm vụ duy trì an ninh. Đây là điều cốt lõi mà tất cả những phong trào nổi dậy chống độc tài đều mong đợi.
Chính thái độ của quân đội đã quyết định số phận của chế độ, và ngày tàn của ông Mubarak chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nhưng, còn nước thì còn tát! Ông Mubarak sau đó đã đưa ra một chiêu thức khác để mong cứu vãn tình thế, hay ít ra cũng để câu giờ. Một mặt ông thương thuyết với một vài nhóm riêng lẻ trong lực lượng đối kháng để tạo chia rẽ, một mặt ông hứa hẹn với dân chúng nào là sẽ thực hiện thêm một số biện pháp cải tổ nhằm thăng tiến dân sinh, nào là sẽ gia tăng tự do cho người dân. Cùng lúc ông cách chức, thay đổi một số nhân sự, và hứa hẹn không ra ứng cử vào tháng 9 tới, v.v… nhưng ông nhất quyết phải ở tại vị để “điều hành sự chuyển tiếp”. Tuy nhiên, những hứa hẹn và chiêu “giết dê tế thần”, tức một chiêu thức mà mọi chế độ độc tài luôn xử dụng vào những giây phút cuối, được ông Mubarak đưa ra đã không thay đổi hay ngăn cản được sự tiến hoá của bánh xe lịch sử Ai Cập. Điều này cũng dễ hiểu. Sự khăng khăng bám giữ quyền lực của ông Mubarak, dù chỉ mấy tháng cuối cùng, không khỏi tạo ra lo ngại rằng, với quyền lực vẫn nằm trong tay, ông ta dễ dàng lèo lái sự chuyển tiếp để tạo nên một chính quyền “Mubarak khác không có Mubarak”. Chính vì nhận thức được điều này mà phe biểu tình đã dứt khoát là ông Mubarak phải ra đi.
Cuối cùng như người ta đã thấy, trước sự khéo léo của phe biểu tình, tất cả những chiêu thức chế độ Mubarak đem ra áp dụng đều không hiệu quả. Với thế lực tại hiện trường ngày một lên cao, thể hiện ý chí của người dân; cộng thêm với sự hỗ trợ ngày càng mạnh mẽ của thế giới, phong trào đối kháng Ai Cập muốn nước này có những thay đổi một cách triệt để, mà sự ra đi của ông Mubarak là bước đầu tiên, dứt khoát phải đạt được. Đối với họ, những giải pháp lẻ tẻ mà chế độ đưa ra chỉ là những biện pháp hoãn binh, câu giờ, chứa đựng đầy cạm bẫy và bất trắc.
Đây cũng là những điều Tiến Sĩ Gene Sharp đã minh định rất rõ trong tài liệu hướng dẫn đấu tranh bất bạo động của ông. Theo đó thì trong tiến trình lật đổ một chế độ độc tài, việc thương lượng với chế độ là điều vô cùng nguy hiểm. Nếu có thương lượng thì đó là giai đoạn cuối cùng để sắp xếp máy bay cho nhà độc tài đi lưu vong ở nước ngoài hầu tránh đổ máu.
Trong khi hiệu ứng domino diễn ra tại các quốc gia Ả Rập, mà những cuộc biểu tình trong mấy ngày qua ở Bahrain, Libya, Yemen, Algeria, Jordan, Iran,… đang chứng tỏ hiệu ứng đó, thì người ta mừng cho hai nước Tunisia và Ai Cập đã qua được bước đầu tiên trong tiến trình xây dựng dân chủ, gỡ bỏ được chế độ độc tài và người cầm đầu của nó. Sẽ còn nhiều bước kế tiếp mà hai quốc gia này phải thực hiện để đạt được mục tiêu sau cùng là thể chế dân chủ với những cơ cấu để làm nền tảng cho nền dân chủ bền vững.
Cuộc cách mạng tại Tunisia và Ai Cập, hiện đang lan sang những nước lân cận, đã cống hiến thêm cho thế những bài học vô cùng quý giá về đấu tranh bất bạo động. Sự khôn khéo, anh dũng và kiên cường của những dân tộc này cũng là những tấm gương sáng trong đấu tranh cho những dân tộc đang sống dưới các chế độc độc tài học hỏi và khéo léo áp dụng cho mình, vì không một cuộc cách mạng nào hoàn toàn giống cuộc cách mạng trước đó, và không có một cuộc cách mạng nào dễ dàng cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét