Pages

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Bắt đầu từ những thay đổi trong suy nghĩ!


Song Chi – Bao giờ mà trong suy nghĩ của chính người dân phải tự thay đổi, trước hết về mối quan hệ giữa nhân dân-quan chức (chính quyền), và việc người dân có những cái quyền gì, thì lúc đó đất nước này may ra mới thay đổi được!
Báo Tuổi Trẻ ngày 23.1. 2011 có bài “Quan chức Trung Quốc tiếp tục gây sốc: “Chống đối chính quyền là cái ác đấy!” dẫn lại hàng loạt phát biểu được các tờ báo khác nhau của Trung Quốc bình chọn là gây sốc nhất trong năm của các quan chức nước này. Chẳng hạn, theo báo Tân hoa xã,“câu nói đáng sợ nhất thuộc về Vương Ngân Phong – bí thư Quận uỷ Giang Tân, Trùng Khánh: “Anh biết tại sao phải đấu tranh với thế lực ngầm? Anh có biết cái ác là gì không? Chống đối chính quyền chính là cái ác đấy!”.

Trang web Huê Thương (hsw.cn) bình chọn câu “Tôi chỉ quan tâm sự an toàn của lãnh đạo, các anh là ai cơ chứ?” của một cảnh sát giao thông khi yêu cầu người dân tránh đường cho xe lãnh đạo đi qua là câu gây sốc nhất. Tiếp theo còn có các câu như “Tôi không tham nhũng, làm quan để làm gì?” (lời ông Vương – Bí thư chi bộ làng Lữu Lương, Thượng Thuỷ, Sơn Tây – nhậm chức chưa được một năm mà thái độ hống hách, tham nhũng, tiêu cực, còn trả thù những người đi kiện cáo), “Sao anh lại tùy tiện gọi điện cho thủ trưởng cơ quan? Chẳng biết phép tắc là gì à?” (lời của ông Lương Tuyền – phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Chăm Giang, Quảng Đông – chất vấn phóng viên khi gọi điện tìm hiểu về cái chết bất minh của người dân bị bắt tạm giam),… hay câu ví von của một quan chức: “Chị như miếng thịt trên thớt, tôi muốn băm thế nào cũng được!” (bà Đới – Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch hóa Gia đình quận Lộc Thành, Ôn Châu – xử lý trường hợp sinh con thứ ba).”

Phải công nhận là các câu được trích dẫn, câu nào cũng rất… ấn tượng! Những câu nói đó không chỉ thể hiện sự thô lỗ, kém văn hóa mà quan trọng hơn, sự ngạo mạn, hống hách, chẳng coi nhân dân ra cái đinh gì của các quan chức Trung Quốc. Đồng thời nó cũng cho thấy thực chất mối quan hệ giữa nhân dân và quan chức trong một chế độ độc tài như Trung Quốc là như thế nào.

Nếu nhìn sang các câu phát biểu của quan chức Việt Nam, một quốc gia có mô hình thể chế chính trị gần như “anh em song sinh” với nhà nước Trung Quốc, chúng ta cũng thấy một tình trạng chẳng khác gì. Bề ngoài, nhà nước Việt Nam luôn luôn dùng những từ ngữ rất đẹp đẽ, mỵ dân như nhân dân làm chủ, cán bộ là đầy tớ, là nô bộc của nhân dân…nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Chịu ảnh hưởng nặng nề của chế độ phong kiến trước kia, thực chất cho đến bây giờ cả hai nhà nước cộng sản Trung Quốc và Việt Nam có cái kiểu cai trị dân cũng chẳng khác gì dưới chế độ phong kiến. Nếu chế độ phong kiến đặt nặng tư tưởng trung quân, thì chế độ cộng sản cũng luôn luôn tìm cách gắn liền khái niệm Đảng, chế độ với Tổ quốc, chống lại đảng, chống lại chính quyền là chống lại Tổ quốc. Đảng to hơn cả đất nước, trong các cuộc diễu binh, diễu hành, cờ Đảng đi trước cờ nước, trong các khẩu hiệu thì “Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước”, Đảng đứng trước cả… mùa xuân!


Ảnh: Những khẩu hiệu như thế này nhan nhản ở khắp mọi nơi…




Trong quan hệ giữa quan chức với nhân dân thì quan là cha là mẹ, dân là con – tư tưởng y như thời phong kiến. Thế nên mới có chuyện bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của VN tại Liên hiệp Châu Âu (EU), Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ba Đình, Ủy viên TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, trong buổi họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ hồi tháng 10 năm 2004, khi bị chất vấn về tình trạng vi phạm nhân quyền ở VN, đã tuyên bố rằng: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”. Và bà Tôn Nữ Thị Ninh này được xem là thành phần trí thức, từng đi du học tại Paris, từng giảng dạy tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn từ niên khóa 1973, nghĩa là cũng thuộc loại “có học thật chứ không phải học… giả” trong hàng ngũ các quan chức VN, thế mà lại có cái kiểu suy nghĩ như vậy!




Bà Tôn Nữ Thị Ninh.



Một người khác, cũng được xếp vào hàng ngũ trí thức, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà thơ, nhà biên kịch, nguyên là lãnh đạo quản lý ngành điện ảnh VN, tác giả của nhiều kịch bản phim truyện VN, trong một cuộc phỏng vấn của phóng viên Evan Williams đài truyền hình ABC bên Úc (lúc đó Hồng Ngát còn đương chức Cục phó Cục Điện ảnh VN), đã nói về mối tương quan dân-đảng là: “Con cái không chê cha mẹ khó…” (từ câu nói dân gian “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”).

Chính từ lối suy nghĩ như vậy mà cả một hệ thống chính quyền từ trên xuống dưới, từ trước đến nay, từ việc nhỏ cho đến những việc hệ trọng lớn lao có liên quan đến vận mệnh của cả quốc gia, ảnh hưởng đến cuộc sống của 86 triệu dân VN, cứ tự cho phép mình muốn làm gì thì làm, người dân hoàn toàn không được biết hoặc nếu biết thì sự đã rồi, có góp ý, phản biện thì cũng chỉ như rơi vào khoảng không!

Điều đáng nói hơn, ngay chính người dân, sau một thời gian dài sống trong một chế độ có mối quan hệ giữa quan và dân như vậy cũng có lối suy nghĩ không khác. Tác giả Trần Huy Thuận viết trong bài “Dân…hỗn”: “DÂN gọi CÁN BỘ bằng THẰNG là DÂN hỗn rồi, không thể cãi được. Nhưng CÁN BỘ nào bị DÂN gọi bằng THẰNG, thì trước hết CÁN BỘ đó phải tự kiểm tra lại chính mình, về mọi mặt “ăn ở”… Phải luôn ghi nhớ lời Bác dạy: “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Câu ca dao cổ, nhưng vẫn rất “thời sự”: “Bề trên ở chẳng chính ngôi, để cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào”!

Vậy đấy, hãy ăn ở cho CHÍNH NGÔI, thì dân chúng chẳng ai dám HỖN HÀO!”

Trong rất nhiều comment của những người tự cho là trung thành với chế độ, yêu đất nước, yêu Đảng, “mắng” lại những bài viết của những người nói lên sự thật về đảng, về chế độ trên những trang báo “lề trái”, thường hay có những luận điệu giống nhau như thế này: “Bạn tự cho mình là ai, là cái gì mà dám lên án chính quyền?” Và nhất là nếu người viết thuộc thế hệ 7x, 8x thì những kẻ trung thành với chế độ càng mắng xối xả: “Chế độ này đã nuôi cho bạn ăn học, bạn lớn lên dưới chế độ này, mà bạn trả ơn như vậy sao? Nếu không có đảng, không có chính quyền này thì nhân dân VN có được như ngày hôm nay không?” v.v.

Nếu những người mắng mỏ như vậy biết rằng trong những chế độ dân chủ thực sự, các quan chức cho đến Thủ tướng, Tổng thống…sợ dân một phép ra sao, mọi lời ăn tiếng nói hành vi việc làm của các ngài đều được người dân và giới truyền thông báo chí săm soi từng ly từng tí. Hãy xem các đời Tổng thống Mỹ mà hiện nay là Tổng thống Barack Obama bị dân và báo chí săm soi, “quần” cho tả tơi, việc gì đã làm được đến đâu, việc gì chưa làm được, phải báo cáo với dân rõ ràng. Bởi trong những chế độ dân chủ, các quan chức kể cả Tổng thống đều hiểu rất rõ rằng vị trí của mình có được là do lá phiếu của người dân bầu nên, nếu làm không được việc thì nhân dân sẽ mời anh đi chỗ khác ngay tức khắc, bộ máy chính quyền tồn tại được là do người dân đóng thuế nuôi (chứ không phải như suy nghĩ ở VN, chế độ này nuôi cho người dân ăn học!), và mọi thể chế chính trị, mọi đảng phái chỉ là tạm thời, Tổ quốc và nhân dân mới là lâu dài.

Và khi nói đến “công ơn của đảng, của chế độ” đã làm được gì cho đất nước này, dân tộc này, xin đừng so sánh với VN của thời miền Bắc xã hội chủ nghĩa trước năm 1975 hay thời bao cấp nghèo đói, lạc hậu để rồi vui mừng với những thay đổi bước đầu về kinh tế của ngày hôm nay, hãy so sánh với các quốc gia khác, chỉ ngay trong khu vực Đông Nam Á thôi để biết VN đang đứng ở đâu, VN cần phải mất bao nhiêu năm để đuổi kịp Thái Lan, Singapore, Indonesia…chứ chưa nói gì đến các nước phát triển khác!

Bao giờ mà trong suy nghĩ của chính người dân phải tự thay đổi, trước hết về mối quan hệ giữa nhân dân-quan chức (chính quyền), và việc người dân có những cái quyền gì, thì lúc đó đất nước này may ra mới thay đổi được!

Song Chi

http://rfavietnam.com/node/398

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét