Pages

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Cách mạng Hoa Lài và nghệ thuật nhiếp ảnh

Vào chủ nhật tuần trước 20/2, cuộc cách mạng Hoa Lài đã diễn ra bất ngờ tại Trung Quốc. Vương Phủ Tỉnh McDonald, Bắc Kinh và Hòa Bình Ảnh Đô, Thượng Hải đã để lại những hình ảnh “môn tiền nhiệt náo” cạnh tranh ưu thế giữa hai lực lượng công an và báo chí. Công an tới làm nhiệm vụ trấn áp. Báo chí tới vì sự hiếu kỳ.
Chắc là có lẽ để xem công an dàn trận như thế nào mà chụp vài nháy đưa lên mạng không chừng lại nhận được được giải Pulitzer với lại World Press Photo.

Lợi ích tương tranh, thế lực thành quần tự dưng biến công an và báo chí tạo cảnh đông người làm cho cuộc tập hội Hoa Lài đơn sơ này trở thành quốc hồn và quốc cấm trong cả tuần vừa qua. Thông tin còn bảo là chủ nhật tuần này vào lúc 2 giờ trưa chiều (27/2/11) nhân dân còn rục rịch tụ tập tiếp tại các quảng trường công viên trung tâm của các thành phố lớn tung hô khẩu hiệu.

Trong lúc này, vào xem Facebook nhà Vương Đan thì thấy đăng bài “Nhân Diện Đào Hoa” lấy từ ý thơ của Thôi Hiệu gợi ý mông lung.

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ tại
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

Vương Đan sau khi cảm nhận bài này còn có nói là con người và thực vật sẽ rồi già yếu. Thực vật suy lão về lá cành, chúng ta rồi cũng suy lão về tâm… Sau một cơn mưa, chợt thấy mùa xuân đã về, tay chân dang đón gom góp tâm tình, bên ngoài song cửa thấy bát ngát nở rộ muôn vạn hoa đào.

Thế là các fan nhà Vương Đan ào ào tán tụng ý nghĩa sâu xa của đoạn văn chương này và cho rằng chương trình “Hoa Lài” đang đổi thế trận sang “Hoa Đào” vốn là quốc hoa, gần gũi với cảm tình và tâm hồn người Trung Quốc. Nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay chưa kịp kiểm duyệt hai chữ “Đào Hoa”. Nếu mà kiểm duyệt thật thì bao nhiêu văn chương thi phú, tâm sự trữ tình của người Trung Quốc đều bị biến mất. Thật là một nguy cơ văn hóa. Cả nước Trung Quốc rồi sẽ không biết mua hoa gì mà cắm trong bình.

Có thể nói rằng các lực lượng dân chủ từ tay không đã đưa một khái niệm cách mạng màu hoa khiến cho nhà cầm quyền độc tài hết sức bối rồi. Có lẽ tuần nào cũng có hoa làm chủ đề biểu tượng cho cuộc đấu tranh dân chủ thì chế độ độc đảng chuyên chế lung lay sắp tới ngày rồi.

Tuy nhà cầm quyền Trung Quốc đang cố giảm nhẹ hình ảnh Hoa Lài “mang tính ngoại lai” từ Bắc Phi để nhân dân không liên tưởng được cao trào cách mạng thế giới nhưng họ không thể nào ngăn chặn hết các cảm khái của màu hoa bản điạ có duyên căn những loài cổ thụ già nua, khi gặp lại mưa xuân mùa xuân thì bừng rộ ngút ngàn.

Việt Nam ta bắt đầu rạo rực Hoa Lài nhưng chưa mang dấu ấn kết nụ đâm chồi như ở Trung Quốc tuần trước.

Cuộc cách mạng Hoa tự thân đã mang tính chất trình diễn xuống đường và nghệ thuật ghi nhận hình ảnh. Vô hình trung biến công an với nhiếp ảnh là đối thủ của nhau. Nếu công an có súng đạn thì súng đạn của phe kia là ống kính ống nhòm chụp rồi truyền sang các mạng truyền thông, tạo nên hiệu ứng làn sóng, sức lan tỏa vô bờ.

Nhân dân xuống đường chỉ còn là chất xúc tác cho hai nhóm này đấu nhau. Đánh một vào nhân dân thì phải đánh mười phe nhiếp ảnh bởi vì một bức hình không khéo là như viên đạn bắn vào chế độ. Báo chí và nhiếp ảnh chuyên môn lẫn nghiệp dư đã thấy được vai trò của mình trong việc tụ tập cho nên trở thành nhân tố của đám đông. Công an cũng là nhân tố của đám đông cho nên người dân chỉ cần một tiếng thất thanh là làm hai phe kia động loạn.

Ngoài ra công an Việt Nam hiện nay vẫn dùng chó nghiệp vụ để trấn áp nhân dân cho nên kịch tính của sự va chạm càng cao. Do đó, nếu nói đến cuộc tụ tập của nhân dân Việt Nam ở khu cột cờ trong quảng trường Ba Đình, Hà Nội hay là cửa trước Diamond Plaza ở Sài Gòn diễn ra lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật này vào lúc trời nắng chang chang tự thân là một bố cục. Khu vực trung tâm và sầm uất thế mà có một hàng công an dắt chó đứng thè lưỡi ra đợi chờ như thế mà cũng được à.

Người muốn biểu tình thì có thể bi quan đứng xa nhưng nhiếp ảnh thì vô tình ngoạn mục nhắm gần. Giương máy ảnh lên đúng thời điểm thì bố cục nó tự lăn vào. Sức lan tỏa của một tích tắc trở thành muôn câu ngàn chữ.

© 2011 Trần Đông Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét