Pages
▼
Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011
Chính danh để nhập cuộc với thế giới – yêu cầu bắt buộc để tồn tại & phát triển
Nguyễn Hữu Quý - Đã từ lâu, tôi rất thích đọc các bài viết của tác giả Đinh Hoàng Thắng; Tôi được biết TS Đinh Hoàng Thắng là nhà ngoại giao kỳ cựu, mà trong suy nghĩ của mình, tôi luôn cho rằng, những người làm công tác ngoại giao thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước.
Sáng nay 07/02/2011 (tức ngày 05 tết); ngay từ dòng thứ 2 trong bản tin sáng của BA SÀM là đoạn:
“Chính danh để nhập cuộc với thế giới“ (VNN). Liệu có tin được khẳng định của tác giả, TS Đinh Hoàng Thắng, rằng “Hội nhập đã 15 năm rồi nhưng vào khoảnh khắc tiễn Canh Dần đón Tân Mão này mới thực sự đạt chính danh khi Việt Nam khẳng định “hội nhập toàn diện” vào khu vực và thế giới, thay vì chỉ nhấn mạnh “hội nhập kinh tế” như thời kỳ đầu“? Hay là chớ có tin vô lời của ông Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu một thời:“Đừng tin cộng sản nói, hãy nhìn cộng sản làm”?
Đoạn mà Ba Sàm trích dẫn trên đây, là đoạn đầu trong bài viết nêu trên của tác giả Đinh Hoàng Thắng; phải chăng, do tiêu đề bài viết của tác giả Đinh Hoàng Thắng là chưa rõ ràng; đặc biệt là đoạn mở đầu như đã là một sự khẳng định, nên để Ba Sàm hiểu sai?
Cũng đang gọi là tết; tôi viết nên dòng này là bởi sự tò mò, hiểu theo cách nói của Ba Sàm; nhưng có lẽ, Ba Sàm đã nhầm hoặc chưa đọc kỹ ở đoạn cuối, có thể do bác Ba Sàm chỉ đọc lướt để “điểm tin” cho trang nhà của mình; tôi nghĩ thế.
Khi đọc đến cuối bài, tác giả Đinh Hoàng Thắng kết luận nhưng đồng thời như vừa mang tính cảnh báo:
“Mọi lý thuyết chưa hẳn đã là xám xịt. Nhưng phải có chính danh mới nhập cuộc được với thế giới…”.
Đồng thuận số đông chưa hẳn đã là chân lý?!
Như vậy là, theo lối ẩn dụ trong cách viết của mình, tác giả Đinh Hoàng Thắng vô hình dung để người đọc hồ nghi ngay từ cái tiêu đề của bài viết; đặt biệt lại cộng thêm một nội dung như đang muốn lấy làm viện dẫn ngay từ đầu bài viết của mình, cho nên mới có sự hiểu nhầm là vậy (?!).
Theo tôi (xin phép TS Đinh Hoàng Thắng), để hoàn chỉnh trong bài viết của mình tránh sự hiểu nhầm như trên, tác giả nên đặt tên cho tiêu đề là “Phải chính danh để hội nhập với thế giới”, như ở câu cuối bài tác giả như muốn cảnh báo (?!). Có thể đây là ngôn ngữ… ngoại giao chăng?
Trở lại với bài viết của tác giả Đinh Hoàng Thắng:
Tôi thống nhất với tác giả, rằng, để hội nhập toàn diện, Việt Nam ta cần hội đủ 3 yếu tố trong thế chân kiềng: (1): Nhà nước pháp quyền; (2) Kinh tế thị trường; và (3) xã hội công dân.
Xem ra, còn gian nan, thậm chí không thể đạt được; và sau đây, xin được nói lên một góc nhìn trên cả 3 yếu tố ấy:
1. Nhà nước pháp quyền.
Rõ ràng là, đến hôm nay, đất nước ta chưa có được một Quốc hội (QH) thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân; thực tế đã chứng minh như vậy và báo chí đã nói rất nhiều rồi; Mọi người đều biết, QH và Chính phủ… chỉ là (hoặc như) một trong các phòng ban của Đảng; trong 65 năm tồn tại của mình, QH mới chỉ có hai sự kiện đáng nhớ, đó là lần đầu tiên bác một tờ trình của Chính Phủ về dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tại kỳ họp thứ 7; và việc đại biểu Nguyễn Minh Thuyết “Đề nghị lập ủy ban lâm thời điều tra vụ Vinashin”, tại kỳ họp thứ 8 vừa rồi.
Như vậy, Việt Nam chưa có một Nhà nước pháp quyền đúng nghĩa.
Tín hiệu mới cho năm 2011 chính là: “Sửa Hiến pháp để dân nắm mọi quyền lực”, mà trước ngày khai mạc ĐH XI báo chí đã nêu.
2. Kinh tế thị trường.
Hẳn mọi người còn nhớ, có hai trong các chủ đề được tranh cãi nhiều nhất ngay từ năm 2010, khi các báo đưa tin “Lấy ý kiến góp ý dự thảo văn kiện ĐH XI”, đó chính là “Hình thức sở hữu về TLSX” và “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”; và đến hôm nay, một trong 5 quan điểm phát triển của ĐH XI là: “Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Phần trích trên đây là quan điểm thứ 4 trong 5 quan điểm phát triển mà ĐH XI đã đề ra; theo đó, từ nay đến 2020, Việt Nam sẽ không có được một nền Kinh tế thị trường đúng nghĩa.
3. Xã hội công dân.
Yếu tố này có thể chẳng cần phải bàn cãi nhiều; bởi vì, mọi ý kiến trái với “Đường lối và nghị quyết của Đảng”, đều có thể được xem là “tự diễn biến” hoặc “âm mưu của các thế lực thù địch”.
Thưa bác Đinh Hoàng Thắng, điều mà bác như muốn cảnh báo còn xa vời lắm; và vì vậy, Việt Nam chưa thể “chính danh” được trong cách nhìn nhận (và là tất yếu) của Bác!
Và vì vậy, Việt Nam chưa thể hội nhập với thế giới được; còn trong bài viết của Bác, Bác có nói là “Ngày nay, có nhà tư vấn đang đề xuất một quy trình công nghệ nhằm xây dựng nền chính trị đối ngoại dành cho chính phủ trong mọi tình huống”; thực ra, đây chỉ là “giải pháp tình thế”; giống như “đem sở đoản để chọi với trường trận”; nó có thể đạt kết quả trong một thời điểm (tình thế), hoặc dành chiến thắng trong một trận đánh… mà không phải là kế sách lâu dài ở tầm nhìn trị quốc (?!).
Còn nếu đặt Đất nước, dân tộc và nhân dân lên trên hết; thì cái sự “Chính danh” như Bác nói, nó phải là một yêu cầu bắt buộc, trước hết là để tồn tại, không bị mất nước; rồi sau đó mới nói đến hội nhập và phát triển.
Đầu năm xin phép tản mạn với Bác Đinh Hoàng Thắng, người em rất kính trọng và mong được đọc nhiều bài viết của Bác, có gì không phải, mong Bác và bạn đọc thông cảm cho em nhé!
Năm mới, chúc mọi người ANH KHANG & THÀNH ĐẠT!
Với Đất nước của chúng ta, việc “Sửa Hiến pháp để dân nắm mọi quyền lực”, mà theo góc nhìn riêng của mình, tôi cho rằng, đây là sự sống còn của dân tộc Việt Nam!
Suy cho cùng, “Chính danh để nhập cuộc với thế giới” chính là từ đây, tức là “Sửa Hiến pháp để dân nắm mọi quyền lực”; và đây là yêu cầu bắt buộc để tồn tại và phát triển.
07.02.2011
———————————————————
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 đã đề ra 5 quan điểm phát triển:(trích tại diễn văn khai mạc được ông Nông Đức Mạnh trình bày tại phiên khai mạc ĐH XI ngày 12/01/2011)
(1) Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược.
(2) Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
(3) Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.
(4) Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
(5) Kiên trì xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
http://nguyenhuuquy2.blogspot.com/2011/02/chinh-danh-e-nhap-cuoc-voi-gioi-yeu-cau.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét