Vũ Thư Hiên là con ông Vũ Đình Huỳnh, bí thư của HCM trong nhiều năm. HCM vẫn coi gia đình ông Huỳnh không chỉ như những đồng chí đáng tin cậy mà còn như thành viên trong gia đình, dù chưa bao giờ ông có một mái ấm gia đình. Vì thế ngay từ khi còn nhỏ, Vũ Thư Hiên đã có nhiều dịp gặp mặt chuyện trò với HCM, thậm chí nằm chung giường. (1)
Trong tác phẩm Đêm giữa ban ngày (2) với dòng ghi chú hồi ký chính trị của một người không làm chính trị, tác giả đã đưa ra nhận định về hàng trăm nhân vật chính trị cũng như nhà văn, nhà báo, bạn bè và các đồng chí của cha ông, trong số đó có HCM mà tác giả nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần, khi khen, khi chê dựa trên những sự việc cụ thể từng chứng kiến.
Tuy nêu ra nhiều sự kiện thực tế, tác giả cũng không có vẻ biết về HCM hơn những tác giả khác, mặc dù có dịp gần gụi ngay từ khi còn bé và khi ở trong tù Cộng Sản hơn 9 năm, đã có thì giờ “rà soát lại” (chữ của tác giả) tất cả những gì được biết về HCM, kể cả về cảm tình từng dành cho nhân vật này.
Lần đầu nhắc đến HCM, tác giả không đưa ra nhận xét của mình mà chỉ nhắc lại ý kiến của mẹ, một đồng chí trung kiên từng săn sóc HCM ngay tại nhà bà trong lúc ông ta đau ốm. Khi chồng và con bị bắt, bà được nhiều bạn bè khuyên “cầu cứu ông Hồ”. Họ nghĩ HCM không biết vì “không còn trực tiếp điều khiển công việc đất nước. Mẹ tôi không tin. Bà cho rằng…ông Hồ không thể không biết. Vụ bắt bớ chỉ có thể được tiến hành khi có sự đồng ý của chủ tịch nước.”
Rồi tác giả trưng những bằng cớ mà bà mẹ đã nêu ra khiến “bà không xin gặp, không viết một dòng chữ nào cho ông HCM” (3)
Tác giả cũng nêu nhận xét của mẹ về chế độ của HCM kèm theo nhiều bằng chứng cụ thể: “Mẹ tôi nhận xét: “Mật thám Pháp đối với kẻ thù lịch sự và tử tế hơn công an ta đối với dân” (4)
Về việc Cộng Sản bắt giam người, tác giả dẫn lời một bạn tù tên Thành: “Khi bắt người, việc trước tiên phải làm là bắt hắn nhận tội cái đã… tôi biết có người hoàn toàn vô tội, ở tù sơ sơ cũng vài năm, thế mà ra tù… còn nói đảng bắt anh ta là đúng … và nhờ đảng khoan hồng mới được tha … là vì anh ta đã nhận tội rồi …” Rồi người bạn tù kết luận trong tiếng thở dài: “Trong xã hội chúng ta, ông ạ, mỗi công dân là một người tù dự khuyết.” (5)
Tiếp tục không nêu ý kiến riêng, tác giả thuật lại nhận định của cha khi đề cập tới trách nhiệm của HCM đối với những tội ác do chính sách cải cách ruộng đất.
Tác giả viết: “Cha tôi khẳng định người chịu trách nhiệm chính là ông HCM chứ không phải Trường Chinh. Trường Chinh là con dê tế thần cho sai lầm của ông Hồ…Bên cạnh ngôi sao sáng HCM, tổng bí thư Trường Chinh không có vai trò lớn như nhiều người lầm tưởng. Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp không bao giờ dám, và cũng không bao giờ được phép tự mình quyết định những việc lớn.”
Nhưng theo tác giả, HCM không thể cưỡng lại áp lực của Trung Cộng và việc ban hành chính sách Cải Cách Ruộng Đất là do bị Mao Trạch Đông chi phối: “Ông đã buộc phải làm cải cách ruộng đất khi bị Mao nhắc nhở.” (6)
Dù vậy, tác giả khẳng định ý kiến của mình: “Câu chuyện ông HCM trong thâm tâm chống lại chủ trương cải cách ruộng đất, bực bội vì nó mở màn bằng việc bắn một người đàn bà như một số người muốn bào chữa cho ông là chuyện tầm phào. Một lệnh ông Hồ ban ra không chỉ cứu một bà Nguyễn Thị Năm, nó còn cứu hàng ngàn người bị giết oan trong cả Cải Cách Ruộng Đất lẫn Chỉnh Đốn Tổ Chức do Lê Văn Lương song song tiến hành.” (7) Nhưng HCM đã im lặng!
Tác giả thuật lại những điều rùng rợn mà tác giả mắt thấy tai nghe trong Cải Cách Ruộng Đất khiến…“tôi cảm thấy trong mình cục cựa một cái gì giống như sự thức tỉnh.” Đó là những màn đấu tố với đủ mọi cực hình man rợ trút xuống thân xác nạn nhân, thậm chí đem nạn nhân ra thiêu sống: “…Ở một xã khác, một người đàn bà bị trói vào hai cây nứa bắt chéo, bên dưới là một đống lửa … người đàn bà quằn quại mãi, tới khi ngất đi rồi mới được người ta hạ xuống.
… Cha bạn tôi bị vu khống là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, thắt cổ tự tử…
… Người ta lấy gai bưởi cắm vào đầu ngón tay một cô gái, có trời biết cô ta bị tội gì, có thể chỉ là con địa chủ, cứ mỗi câu hỏi lại nhấn những gai nhọn sâu thêm một chút làm cho cô ta rú lên…
…Một cụ già tóc bạc phơ bị tròng dây vào cổ, bị lôi xềnh xệch trên đường như một con chó….”
Một thực tế khác cũng khiến tác giả băn khoăn là sự hiện diện của quân đội Trung Cộng. Sau khi nhắc lại tiết lộ của Hoàng Văn Hoan về việc HCM yêu cầu Trung Cộng phái sang Việt Nam hơn 300 ngàn quân (8), tác giả kể chính tác giả có lần đi công tác tại khu tự trị Việt Bắc đã chứng kiến những người dân đi kiếm củi và thợ mỏ bị lính Trung Cộng đuổi khi lai vãng đến gần vị trí đóng quân của họ.
Cha của tác giả đã “rơm rớm nước mắt” khi nghe tác giả thuật lại vào lúc trở về nhà. Cha tác giả cũng “rất bất bình về việc Nguyễn Chí Thanh, người nắm thực quyền trong quân đội thời ấy đã đặt Cục Đồ Bản của Trung Quốc in bản đồ 1/1000 là thứ bản đồ dùng cho pháo binh – Đó là bí mật quốc gia, không một nước nào tự nguyện trao cho nước khác. Sao nó ngu thế! Sao nó bậy thế!” (9)
Nơi trang 342, Vũ Thư Hiên cũng kể Nguyễn Lương Bằng từng là phó chủ tịch nước, rất thân cận với HCM, và là tay chuyên kinh tài cho đảng, đã đứng đầu tổ chức buôn lậu rất lớn có cái tên Công Ty Bắc Thắng ở Tuyên Quang: “Bề ngoài Công Ty Bắc Thắng chuyên sản xuất lương khô… Bề trong… công ty mua gom thuốc phiện ở các vùng tây bắc Việt Bắc, rồi bán qua Thái Lan lấy tiền mua súng đạn… Lao vào hoạt động kinh tế, Nguyễn Lương Bằng chìm đắm trong đó, chẳng được biết đến, không có tên tuổi trong nhân dân xứng với vị trí và uy tín của ông với tư cách là một nhà lãnh đạo. Nhưng người Pháp không quên ông. Mùa hè năm 1947 địch lần ra dấu vết những hoạt động của Nguyễn Lương Bằng. Bốn máy bay Spitfire quần đảo bên trên kho thuốc phiện của ông ở cây số 7 đường Tuyên-Hà, bắn đui-xết (12,7 ly) không ngừng cho tới khi cái kho cháy rụi. Vụ thiệt hại rất lớn – hơn 4 tấn thuốc phiện biến thành khói. Ông gầy rọc đi sau trận oanh kích bất ngờ. Hôm đó tôi ở gần cái kho bị cháy….”
4 tấn thuộc phiện không phải số lượng nhỏ và buôn lậu ma túy là một tội ác của các tổ chức đen mafia. Nhưng đó lại là chủ trương của đảng Cộng Sản, được giao cho một người thân tín nhất của HCM lúc ấy!
So sánh phương pháp cai trị của Cộng Sản với thực dân, Vũ Thư Hiên cho rằng Cộng Sản “tinh tế hơn những ông chủ cũ.” Tác giả viết: “Mọi sự bóc lột đè nén giờ đây được tiến hành trong tiếng kèn hoan hỉ ngợi ca cuộc đời mới, trong cờ xí rợp trời, trong ánh lấp lánh của vàng mạ phủ lên mọi tối tăm, tủi nhục, tiếng rìu đao phủ chìm nghỉm trong khúc quân hành, và đám đông bị mê mẩn bởi những lời cổ vũ hùng hồn rầm rập kéo nhau đi tới miền đất hứa ở tít mù tầm mắt không nhận thấy máu đồng bào nhơm nhớp dưới chân mình.…Tôi đã đi trong đám đông bị thôi miên, trong cuộc lên đồng vĩ đại.” (10)
Tác giả tự chê mình chậm hiểu, “ngu lâu” vì đã kéo quá dài thời gian bị thôi miên, mặc dù đã được nghe nhiều lời cảnh báo từ người bạn thân là tiểu đoàn trưởng Đích, từ vợ tác giả và đặc biệt là từ người cô ruột từng có kinh nghiệm xương máu với Cộng Sản đã nhắc tác giả từ thuở thiếu thời: “Cháu phải tỉnh trí, chớ có nghe Cộng Sản. Cộng Sản bất nhân lắm. Mình là người tử tế phải biết chọn bạn mà chơi. Nghe ngon ngọt lắm vào rồi đi theo họ, hối không kịp.”
Tác giả bảo người cô này được cả họ tin phục nhưng tác giả không nghe theo cảnh báo của bà cũng như đã gạt ngoài tai lời của tiểu đoàn trưởng Đích gọi HCM là quỷ vương.
Là người có dịp kề cận HCM nên tác giả nhận rõ HCM thường gọi tất cả kẻ thù là thằng và xác định: “Chính ông HCM dùng cách gọi này trong những cuộc nói chuyện với cán bộ và trong những bài viết trên báo Cứu Quốc: Thằng Mỹ, thằng Pháp, thằng Sihanouk, thằng Lý Quang Diệu, thằng Măng-Đét-Phrăng…”
Đề cập tới việc này, tác giả mỉa mai giới trí thức Việt Nam: “Không ở đâu trong các nước xã hội chủ nghĩa có được một tầng lớp trí thức NGOAN như thế!” (11)
Tác giả thuật lại với nhiều chi tiết vụ Dương Bạch Mai bị đầu độc, chỉ vì sắp sửa đọc (trong ít phút sau đó) một diễn văn nảy lửa phê bình đảng. Dương Bạch Mai lúc đó là ủy viên trung ương đảng, phó chủ tịch quốc hội, nhưng từng bị coi là thuộc nhóm Tờ-rốt-kít mà HCM đã kết án: “Đối với bọn Tờ-rốt-kít không thể có một thỏa hiệp hay nhân nhượng nào cả…”
Tuy không khẳng định đây là một vụ thủ tiêu theo lệnh trên nhưng cách trình bày của tác giả ngầm diễn tả ý đó. Tác giả cũng kết tội HCM đạo văn: “Nếu hai tác phẩm của Trường Chinh là đạo văn thì cuốn Sửa đổi lề lối làm việc (12) cũng là đạo văn nốt. Nó là bản diễn nôm cuốn Chỉnh đốn văn phong của Mao cộng một chút Sự tu dưỡng của người đảng viên Cộng Sản của Lưu Thiếu Kỳ. (13)
Dù nhìn HCM như vậy, tác giả vẫn tỏ ra thán phục HCM về việc ký bản Hiệp Ước Sơ Bộ 6-3-1946:
“…Trong hoàn cảnh ấy HCM đã đi một nước cờ táo bạo – ký hiệp định 6-3-46, thỏa thuận cho các lực lượng Pháp vào thay thế các lực lượng Đồng Minh. Cần phải thoát khỏi ngay lập tức đám ma đói từ bên Tàu, lực lượng thổ phỉ này bất cứ lúc nào cũng có thể biến thành một trận hồng thủy từ phương Bắc tràn xuống. Lấy bọn xâm lược rành rành đẩy bọn xâm lược giấu mặt ra ngoài, tranh thủ thời gian để bước vào cuộc kháng chiến không thể tránh né.” (14)
Về việc này, tác giả không nhìn theo mục đích loại trừ các lực lượng chống Cộng mà chính Thường Vụ Trung Ương Đảng đã xác nhận vào thời gian đó qua nghị quyết ngày 9-3-1946 và xác nhận cả thế liên minh với Pháp vì Pháp đang cần tiêu diệt các lực lượng quốc gia yêu nước hơn là đối phó với Việt Minh.
Tuy nhiên, Vũ Thư Hiên vẫn thấy rõ cách đẩy người vào chỗ chết của HCM qua trường hợp tướng Lê Liêm.
Lê Liêm trình với HCM về tư tưởng chống Mao của mình và được HCM khuyến khích “ra hội nghị chú cứ nói. Tôi ủng hộ”.
Nhưng khi Lê Liêm đọc bài tham luận chống Mao-ít trước hội nghị thì “Lê Duẩn bĩu môi, Lê Đức Thọ hầm hầm …” Lê Liêm nhìn HCM chờ đợi một lời ủng hộ “nhưng ông Hồ tránh ánh mắt của ông, quay đi nơi khác.” (15)
Tác giả nói về xu hướng tư tưởng của Lê Duẩn qua đánh giá của Hoàng Văn Hoan: “Hoàng Văn Hoan lầm to khi cho rằng Lê Duẩn theo Khrutshchev chống Mao, Lê Duẩn là xét lại. Trên thực tế, Lê Duẩn gần với Hoàng Văn Hoan hơn bất cứ ai trong ban lãnh đạo đảng thời kỳ đó. Cả hai đều là Tiểu Mao về tư tưởng.” (16)
Về việc cha con tác giả bị đảng bắt giam, tác giả nhận xét một cách chua cay: “Cũng nhờ Đảng, tôi trút bỏ được niềm sùng kính đối với ông HCM. Tại sao tôi lại có thể mê muội đến thế nhỉ? Ông làm sao yêu được đồng chí khi người làm việc sát cánh cùng ông trong những năm khó khăn gian khổ bị Lê Đức Thọ bắt giam mà ông vẫn điềm nhiên không hề can thiệp, dù chỉ để tìm hiểu ngọn nguồn?” (17)
“…Trong xà lim tôi có thừa thời gian để suy gẫm. Trong những điều tôi suy gẫm, có sự rà soát lại bệnh sùng bái ông Hồ mà thế hệ chúng tôi, kẻ ít người nhiều, đều mắc phải …Chúng tôi sùng bái ông bởi đạo đức vô song của ông. Chúng tôi coi ông là người tốt nhất trong mọi người. Ông là người duy nhất rũ sạch được mọi toan tính cá nhân để chỉ sống cho tổ quốc, cho đồng bào. Không gia đình, không tài sản, không công danh. Nhưng không phải thế.”
Vũ Thư Hiên trưng dẫn nhiều sự việc để chứng minh bốn chữ “nhưng không phải thế”.
Tác giả nhớ lại có lần HCM nói theo Mao và Stalin “con người là vốn quý”, và nhận định: “Mà đúng: con người chỉ là vốn thôi, để kinh doanh cái gì đó. Khi là vốn nó thôi là người… Khi hành xử ông là một diễn viên kỳ tài.”
Tác giả đưa tiếp hàng loạt sự việc nêu rõ tài đóng kịch của HCM nhưng nhìn nhận qua những việc đó, HCM đã tự chứng tỏ “như một thuyền trưởng can trường, bình tĩnh chỉ huy con tàu trong cơn bão” và vì thế đã thu phục tình cảm của tác giả – “Lúc đó ông HCM còn là bác Hồ kính yêu của tôi. Ông mở đầu pho sử hoành tráng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống lại chế độ thuộc địa toàn cầu, với tư cách một phong trào, chứ không phải cuộc đấu tranh của riêng một Việt Nam. Trận thắng Điện Biên Phủ đã thổi vào lòng các dân tộc bị trị niềm phấn khích chưa từng có, mở ra cao trào đấu tranh cho độc lập dân tộc trên khắp thế giới, thúc đẩy sự chấm dứt chế độ thực dân, làm tan rã hệ thống thuộc địa. Thế giới biết tên ông cùng với đất nước nhỏ bé dám dùng gậy tầm vông chống lại vũ khí hiện đại để giành độc lập, tự do. Tượng đài cho ông, với tư cách nhân vật lịch sử, đã được đúc…Nhưng tôi buồn. Tôi còn tiếc nữa. tôi đã quen nhìn ông không phải là chủ tịch HCM, mà là bác Hồ của tôi. Không buồn sao được khi nhìn lại thấy trong tôi chỉ còn trơ trọi một niềm tôn trọng duy lý, một tình cảm lạnh lẽo đối với ông, như đối với một nhân vật lịch sử. Mà một thời ông đã từng có vị trí không nhỏ trong tim tôi.” (18)
Trước mắt Vũ Thư Hiên, HCM đã bị xô khỏi vị trí thần tượng trong tim của một người để trở về vị trí của một nhân vật lịch sử có đủ mọi mặt từ tài ba đến tham vọng, từ xảo trá đến tàn ác. Về những đau thương bi thảm suốt nửa thế kỷ qua diễn ra trên đất nước Việt Nam, HCM không thể rũ bỏ trách nhiệm của mình, nhưng theo tác giả, cũng không thể tách rời HCM khỏi những kỳ tích của một phong trào đấu tranh suốt thời gian đó.
Tác giả còn so sánh HCM với Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Kim Nhật Thành, Ceaucescu… mà tác giả đã được biết nhiều về họ và nhận thấy rằng dù sao HCM cũng còn chút lòng nhân ái hơn những kẻ đó.
Tác giả tâm sự nếu HCM là những người đó thì “hẳn tôi đã đi tù sớm hơn, hoặc đã chết trong tù, nếu không bị bắn. Tôi cho rằng sự biết ơn người có quyền giết mà không giết mình cũng là cái nên có…”
Tác giả mỉa mai hay thành thực ?
Điều này không quan trọng bằng sự việc đã có hàng triệu người chết. Những oan hồn uổng tử này liệu có đồng ý với tác giả là nên biết ơn HCM chăng ?
Trong tác phẩm của mình, Vũ Thư Hiên có nhắc mấy vần thơ của Chế Lan Viên lấy hứng từ lời tuyên bố của Lê Duẩn trong một bài nói chuyện nội bộ: “Ta đánh Mỹ là ta đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại…” (19)
Những kỳ tích mà HCM đạt được với tư cách một nhân vật lịch sử chắc khó tách rời khỏi cái hướng nhắm mà Lê Duẩn đã nói rõ. Trong trường hợp này, vị trí dành cho nhân vật lịch sử HCM có lẽ không xa với những nhân vật lịch sử đã quen tên như Trần Di Ái, Lê Chiêu Thống… Những kẻ này chỉ khác ở chỗ không đóng tốt đẹp nổi vai trò do ngoại bang trao phó nên cũng có thể coi là đã may mắn hơn HCM về mức độ phạm tội đối với dân tộc.
Minh Võ – HCM, Nhận Định Tổng Hợp – Chương 38
CHÚ THÍCH CHƯƠNG 38
(01) Đêm Giữa Ban Ngày, tr. 458
(02) Nxb Văn Nghệ, Cali 1997.
(03)-(05)-(06)-(07) SĐD tr. 25, 201- 202, 221, 222
(04)-(08) SĐD tr. 178, . 229, phần cước chú.
(09)-(10)-(11)-(13) SĐD tr. 230, 247, 266, 332
(12) HCM viết với bút hiệu XYZ
(14)-(15)-(16)-(17)-(18)-(19) SĐD tr. 347, 360, 369, 456, 229, 422. @@@
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét