Pages
▼
Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011
Internet và ngoại giao Việt Nam
GS. Nguyễn Văn Tuấn – Đọc bản tin của TTXVN về hồi đáp của Bộ Ngoại giao Việt Nam trước lời cáo buộc của bà Bộ trưởng Ngoại giao Mĩ, Hillary Clinton, thấy lấn cấn đồi điều.
Trước hết là bản tin viết sai tên của bà Bộ trưởng Ngoại giao. Bản tin viết “Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton”, nhưng tên đầy đủ của bà là “Hillary R. Clinton” (chú ý có hai mẫu tự “l” nhé). Điều thú vị là bản tin dùng từ “Ngoại trưởng”, vốn là một cách gọi thời Việt Nam Cộng Hòa. Tôi tự hỏi tại sao không là “Bộ trưởng Bộ ngoại giao Hoa Kĩ”? Nói gì thì nói, việc viết sai tên của một nhân vật quan trọng là một thiếu sót khó chấp nhận được trong quan hệ quốc tế.
Kế đến là cách nói quanh co, lòng vòng. Bà Clinton cáo buộc rằng “Internet vẫn bị hạn chế bằng nhiều cách. […]tại Việt Nam, những blogger nào chỉ trích chính phủ bị bắt bớ.” Một cáo buộc rất cụ thể. Còn trả lời của bà Nguyễn Phương Nga thì lặp lại một câu hết sức nhàm chán “Ở Việt Nam các quyền tự do, dân chủ của mọi người dân, trong đó có quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận được ghi rõ trong Hiến pháp, pháp luật và được đảm bảo thực hiện trên thực tế,” rồi bà nói tiếp “Internet được tạo điều kiện thuận lợi và đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Tính đến tháng 12/ 2010, có gần 26,8 triệu người tại Việt Nam sử dụng Internet, chiếm 31,11% dân số, trong đó có hơn 1,5 triệu blog cá nhân. Tuy nhiên, cũng như ở các quốc gia khác, mọi thông tin trên Internet phải tuân thủ các quy định của pháp luật để không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, trật tự công cộng và an ninh quốc gia.” Sự phát triển internet ở Việt Nam là sự thật, cũng như sự phát triển internet ở nhiều nhiều nước khác cũng là sự thật. Những con số về số người sử dụng internet có ăn nhập gì đến việc bắt bớ blogger? Còn “cũng như ở các quốc gia khác” là quốc gia nào? Nói tóm lại, nguyên câu phát ngôn không trả lời được cáo buộc của bà Clinton. Có hay không có các vụ bắt bớ blogger phê bình Nhà nước? Có thì nói có, không thì nói không. Thế thôi. Tự do thông tin, vậy tại sao ngăn chận facebook, tại sao có chuyện đánh sập mấy trăm blog hay website “lề trái”? Sao lại trưng bày con số phần trăm chính xác đến 2 số lẻ? Để nói lên cái gì?
Những hồi đáp trên chỉ hiện diện trong phần tiếng Việt trên website của Bộ Ngoại giao, chứ phần tiếng Anh thì hoàn toàn không có. Chẳng hiểu hồi đáp đó nhắm vào ai, đối tượng nào? Có lẽ nhắm vào độc giả Việt Nam chứ không phải bà Clinton?
Mà, cũng lạ: ngày cuộc họp báo (17/2) mà bà Nguyễn Phương Nga không hề nhắc đến cuộc xâm lăng của bọn bành trướng Tàu gây ra cái chết cho hàng vạn người Việt Nam! Cũng chẳng có phóng viên nào hỏi. Đúng là vô cảm.
Ôi, ngoại giao Việt Nam!
PS. Mới ghé qua trang web tiếng Anh của Bộ Ngoại giao tôi mới thấy có nhiều chỗ họ viết tiếng Anh không nhất quán, có khi không chuẩn. Chẳng hạn như họ viết “Office of Vietnamese Ministry of Foreign Affairs” (thiếu mạo từ), hay như cái tên “Vietnamese Ministry of Foreign Affairs” (mà theo tôi đáng lẽ phải là Vietnam chứ không phải Vietnamese, hay trịnh trọng hơn là “Ministry of Foreign Affairs of Viet Nam” — người ta nói US Department of State chứ có ai nói “American Department of State” đâu). Trong phần người phát ngôn, phía trên thì đề là “Spokesman of the Ministry of Foreign Affairs of Viet Nam”, nhưng phía dưới thì viết “Spokeswoman of the Ministry of Foreign Affairs of Viet Nam” Loạn. Còn rất nhiều câu chữ thiếu chuẩn như thế trong trang web. Một trang web của Bộ Ngoại giao mà còn như thế thì phải nói là … quá thất vọng.
http://nguyenvantuan.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét