Pages

Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

Khi Ai Cập nổi dậy


Trần Khải – Có phải Mỹ đã bí mật xúi giục biểu tình tại Ai Cập? Và có phải Mỹ đã bí mật yểm trợ các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam trong cuộc chiến dân chủ hóa toàn cầu?
Thực tế, dân chủ hóa được chính phủ Mỹ luôn luôn xem như vũ khí của hòa bình, bởi vì chính nền dân chủ đa đảng sẽ bứng gốc mọi cội nguồn của độc tài, của khủng bố cực đoan. Cuộc chiến chống lại Hồi Giáo cực đoan phải hiểu là cần làm sạch môi trường nuôi sống khủng bố — nghĩa là các xã hôị Hồi Giáo cần thế tục hóa, cần đưa thêm nhiều giáo hội Thiên Chúa Giáo vào để quân bình mọi cực đoan.

Chính vì xem dân chủ hóa như chìa khóa của hòa bình, Mỹ đã nhiều lần bực dọc với các đồng minh độc tài như Saudi Arabia và Ai Cập. Tương tự, Mỹ hy vọng rằng nếu Trung Quốc thực sự có dân chủ đa đảng, thì kho vũ khí nguyên tử của TQ chắc chắn sẽ không làm các nước nhỏ trong vùng lo sợ… Bởi vì khi tiếng nói người dân được tôn trọng, thì ước mơ đầu tiên của dân chúng chỉ là hòa bình và no ấm thôi, chứ không phải là bành trướng, là lấn đất, lấn biển…

Cuộc chiến chống khủng bố sẽ là cuộc chiến của thế kỷ, kéo dài có thể sẽ hơn cả trăm năm. Và bây giờ, trong cuộc chiến này, cuộc nổi dậy của dân Ai Cập đòi quyền tự do và no ấm tất nhiên sẽ có nhiều ảnh hưởng, bởi vì Ai Cập trước giờ vẫn là đồng minh thân thiết của Mỹ và cả Israel.

Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ra lệnh triệu tập gần như tất cả các đại sứ và tổng lãnh sự từ 260 tòa đại sứ, tòa lãnh sự và các văn phòng ngoaị giao khác từ hơn 180 quốc gia về Bộ Ngoaị Giao Mỹ họp kể từ Thứ Hai. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ họp như thế.

Bên cạnh việc ban chỉ thị mới về chính sách, bà Clinton sẽ gặp riêng một số đaị sứ để nghe trực tiếp và có chỉ thị riêng. Đề tài chung chắc chắn là về Trung Đông, về hồ sơ mật ngoại giao bị lộ trên WikiLeaks, và về tình hình quốc hội đòi cắt giảm viện trợ cho quốc tế.

Cũng hôm Thứ Hai, Bộ Ngoại Giao Mỹ ban lệnh cảnh báo về “hành vị đe dọa khủng bố” nhắm vào công dân Mỹ ở toàn cầu, và lệnh thứ nhì là cảnh báo về du lịch sang Anh Quốc, cơ nguy Al-Qaeda và các nhóm khủng bố liên hệ sẽ “tấn công bằng các phương tiện như bom tự sát, ám sát, bắt cóc, cướp xe/phi cơ, và nổ bom.”

Thực tế, tất cả vẫn không đáng ngại bằng tình hình ở Ai Cập, nơi Mỹ có nguy cơ sẽ mất đồng minh thân thiết này. Toàn dân Ai Cập đã biểu tình liên tục cả tuần qua để đòi TT Mubarak ra đi. Và nhà độc tài Mubarak lại là đồng minh thân tín của CIA.

Báo Washington Post hôm Chủ Nhật nói rằng Sở Tình Báo Mỹ CIA có quan hệ thân cận với nhiều chính phủ Ai Cập qua sở tình báo Ai Cập. Năm 1952, chính CIA đã hỗ trợ cho Phong Trào Các Sĩ Quan Trẻ lật đổ vương triều, và CIA có quan hệ với tình báo Ai Cập để liên minh chống khủng bố Hồi Giáo cực đoan từ năm 1995.

Chính Ai Cập đã bí mật giúp nơi để CIA giam giữ tù khủng bố Hồi Giáo cho Hoa Kỳ để điều tra từ năm 1995, theo lời Michael Scheuer, trưởng đơn vị truy lùng Osama Bin Laden của sở CIA khi điều trần trước quốc hội năm 2009. CIA đã đưa từ 60 tới 70 nghi can khủng bố sang Ai Cập giam để khai thác. Nhân vật mà CIA liên lạc tại Cairo là Omar Suleiman, giám đốc tình báo Ai Cập, người mà Mubarak vừa đưa ra hôm thứ bảy để giữ chức Phó Tổng Thống.
Cần nhắc rằng, hồ sơ mật do báo Anh Quốc The Daily Telegraph lấy được cho thấy chính phủ Hoa Kỳ đã bí mật ủng hộ các nhà dân chủ đang tổ chức biểu tình đòi lật đổ nhà nước Ai Cập — và hỗ trợ bí mật này có từ 3 năm qua.

Tòa Đại Sứ Mỹ tại Cairo đã giúp 1 nhà bất đồng chính kiến trẻ tham dự một hội nghị thượng đỉnh các nhà hoạt động do Mỹ bảo trợ tại New York, trong khi tìm cách bí mật giữ kín lai lịch nhà hoạt động này đối với công an Ai Cập.

Khi nhà dân chủ này về Cairo hồi tháng 12-2008, nhà dân chủ này nói với các nhà ngoaị giao Mỹ rằng một liên minh các nhóm đối lập đã soạn ra kế hoạch để lật đổ Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarak và sẽ dựng một chính phủ dân chủ trong năm 2011.

Nhà dân chủ này đã bị công an Ai Cập bắt giữ trong khi biểu tình, và lai lịch vẫn còn được báo The Daily Telegraph giữ kín.

Điều chúng ta suy nghĩ rằng, tại sao trong khi CIA gửi tù khủng bố cho tình báo Ai Cập giam và khai thác giùm, sao Bộ Ngoại Giao Mỹ lại giúp cho một nhà hoạt động dân chủ Ai Cập?

Câu hỏi cũng cần đặt về tình hình Việt Nam: tại sao Mỹ liên tục hỗ trợ các nhà hoạt động dân chủ VN, và liên tục kêu gọi nhà nước Hà Nội dân chủ hóa, mà vẫn kết thân giao thương, và mới đây, qua lời ông Đại Sứ Lê Công Phụng thì hai nước Mỹ-Việt “sắp trở thành đối tác chiến lược”…

Thử nhìn về các trường hợp có vẻ như Mỹ hỗ trợ các nhà dân chủ VN và bây giờ đang bị CSVN giam:

– luật sư Lê Công Định đã từng du học Hoa Kỳ hai lần (không kể thời du học ở Pháp, thì dự học bổng Fulbright ở Mỹ năm 1998, rồi 1999-2000 học ở Tulane-Colombia).

– luật sư Nguyễn Văn Đài, hình như từng đi Mỹ, nhưng trong các bản tiểu sử trên mạng không ghi rõ lý do. Có thể là du lịch, có thể vì lý do tôn giáo, hay thăm thân nhân.

– kỹ sư Nguyễn Tiến Trung, từng được Tổng Thống Bush đón tiếp như một quan khách tại trang trại ở Texas.

Cả ba trường hợp sau khi bị bắt đều được Bộ Ngoại Giao Mỹ và các dân biểu Mỹ kêu gọi phải có tòa án công bằng, và rồi phản đối vì các quyền pháp lý của các nhà dân chủ này đã bị chính phủ CSVN vi phạm thô bạo.

Câu hỏi là, có phải Mỹ hỗ trợ dân chủ VN? Hay chỉ là giả vờ hỗ trợ, giống như trường hợp Ai Cập? Bởi vì không lẽ Mỹ yểm trợ dân chủ VN, mà lại ký kết đối tác chiến lược với nhà nước CSVN?

Cũng có thể hiểu rằng, Mỹ muốn đặt tiền đánh bài nhiều cửa, nghĩa là đàng nào cũng có bàn tay của Mỹ?

Như trường hợp Ai Cập hiện nay?

Thực tế, nếu Hồi Giaó cực đoan có ảnh hưởng lên chính phủ hậu Mubarak, tình hình Trung Đông sẽ diễn biến khó lường.

Cần phải thấy rằng, mồi lửa dân chủ tại Tunisia và tại Ai Cập cũng phần nào tương tự như hoàn cảnh tại Việt Nam.

Guồng máy chính phủ quá tham nhũng, trí thức trẻ không tìm được việc làm, tài sản quôc gia gom vào tay người có quyền lực.

Trong danh sách chấm điểm các nước tham nhũng do cơ quan Transparency International (Minh Bạch Quốc Tế) đưa ra, theo thứ tựù 178 nước tính từ các nước ít tham nhũng nhất trở xuống: Tunisa (điểm 4.3 trên 10) đứng hạng 59 từ trên xuống, nghĩa là nước ít tham nhũng thứ 59. Còn Ai Cập điểm 3.1 trên 10, đứng hạng thứ 98.

Các nước tham nhũng tệ hại hơn Ai Cập là, theo thứ tự từ đỡ cho tới tệ hại: Dominican Republic; Sao Tome and Principe, Tonga, Zambia, Algeria, Argentina, Kazakistan, Moldova, Senegal, Benin, Bolivia, Gabon, Indonesia, Kosovo, Solomon Islands, Ethiopia, Guyana, Mali, Mongolia, Mozambique, Tanzania, Vietnam…

Như thế, Việt Nam đã sẵn mồi lửa cho cuộc nổi dậy vì dân chủ và no ấm. Trong khi đó, Mỹ lộ vẻ ủng hộ dân chủ VN (cũng như lộ vẻ ủng hộ dân chủ Ai cập) nhưng vẫn tìm cách hưởng lợi nhờ bàn tay độc tài của cả Hà Nội lẫn Cairo.

Vận mệnh của nhà độc tài Mubarak hiện nhờ vào sự trung thành của quân đội Ai Cập.

Tương tự, Việt Nam cũng thế. Bài toán dân chủ cho thấy, nếu chế độ CSVN không tìm cách đối thoại với đối lập, nới mở các quyền dân chủ căn bản, viễn ảnh cũng sẽ là những cuộc nổi dậy của toàn dân. Chìa khóa thực sự cho Việt Nam tận cùng vẫn là một nền dân chủ đa đảng.

Không thể khác hơn được.

Trần Khải
http://www.vietbao.com/D_1-2_2-66_4-169428_15-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét