Pages

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Kinh tế Việt Nam lưỡng đầu thọ địch

Tiền Ðồng sụt giá nghiêm trọng


HÀ NỘI (TH) - Vừa muốn kềm chế lạm phát, lại vừa tiếp tục bơm tiền kích cầu với hy vọng kinh tế tăng trưởng cao, hai tham vọng ngược chiều của nhà cầm quyền Hà Nội khiến các chuyên gia tài chính quan ngại.


Gần một chục năm sau khi Việt Nam từ bỏ chính sách kinh tế cứng ngắc để theo đuôi kinh tế thị trường mà họ gọi là đổi mới, năm 1994, báo tài chính Wall Street Journal dự đoán Việt Nam là xứ phát triển tăng tốc ngoạn mục nhất ở Á Châu - Một con rồng nhỏ trỗi dậy.

Sau nhiều năm giới đầu tư quốc tế đổ tiền vào, cho đến năm ngoái, nền kinh tế Việt Nam trở thành quá nhiệt (overheated) vì các quyết định sai lầm. Một nhà bình luận Á Châu cho rằng, tỷ lệ tăng trưởng cao, ngoạn mục của Việt Nam, đã làm mờ đi những yếu kém quan trọng khác, là cán cân mậu dịch bị thâm thủng nặng và lạm phát tăng tốc phi mã.

Ðiều phải đến đã đến

Thứ Sáu tuần trước, Hà Nội cho phá giá đồng tiền hơn 9% so với đồng đô la Mỹ, một điều mà giới chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng, đáng ra đã phải được làm từ nhiều tháng trước. Năm ngoái Hà Nội từng hai lần phá giá tiền đồng.

Lần phá giá này, lần thứ tư kể từ tháng 11, 2009, là điều không thể tránh khỏi. Mỗi một tháng, trung bình Việt Nam thâm thủng mậu dịch 1 tỉ Mỹ kim. Một quan chức cao cấp của chế độ nói với thông tấn Reuters rằng, dự trữ ngoại hối chỉ còn khoảng $10 tỉ vào tháng 12, 2010, chỉ đủ cho hơn một tháng nhập cảng và chi trả ngoại quốc.

Quyết định phá giá tiền đồng có giúp Việt Nam giải quyết được các khó khăn kinh tế, tài chính hay không, còn là một điều ngờ vực.

Nhà cầm quyền Hà Nội tin rằng, phá giá đồng nội tệ sẽ giúp hàng hóa xuất cảng hấp dẫn hơn, qua đó thu nhỏ thâm thủng mậu dịch. Nhưng, như nhận định của nhiều kinh tế gia, tình trạng thâm thủng mậu dịch nói riêng, và các khó khăn kinh tế nói chung, lại là hệ quả của chính sách kinh tế kém cỏi, sai lầm, của chính phủ.

Một bà gánh hàng rong đi ngang một cửa hàng bán các món quà tặng Ngày Tình Yêu trên một đường phố Hà Nội hôm Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011.


Người ở Việt Nam những năm gần đây bắt chước một số phong tục Mỹ. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Những năm gần đây, Hà Nội theo đuổi chiến lược tăng trưởng kinh tế “bằng mọi giá.” Một mặt, Việt Nam thành công khi hấp dẫn đầu tư ngoại quốc; năm ngoái, kinh tế thế giới tồi tệ, Việt Nam vẫn kêu gọi được $9 tỉ đầu tư. Mặt khác, chính phủ khuyến khích công ty quốc doanh vay tiền trên thị trường tài chính quốc tế, đồng thời khuyến khích ngân hàng quốc doanh cho công ty quốc doanh vay ồ ạt, để làm ăn.

Về mặt tăng trưởng, nhìn ở một giới hạn nhất định, Việt Nam đạt được thành công: Năm ngoái, tỉ lệ phát triển kinh tế đạt gần 7%, trong khi năm 2009 chỉ đạt 5.3%.

Nhưng, cái giá phải trả cho sự tăng trưởng này thì quả là rất đắt.

'Lỗ hổng không đáy'

Mức độ tín dụng mà hệ thống ngân hàng của Việt Nam bơm vào nền kinh tế khoảng 140% của tổng sản lượng quốc gia (GDP). Tỉ lệ này cao hơn cả tỉ lệ tín dụng 130% so với GDP mà Thái Lan đã vấp phải, khiến nền kinh tế nước này rơi vào khủng hoảng trầm trọng năm 1997, kéo theo khủng hoảng cho cả khu vực Á Châu.

Nguy hiểm hơn nữa, đang có những sợ hãi, rằng cái núi tín dụng khổng lồ của Việt Nam đang rơi vào một “lỗ hổng không đáy.” Các công ty quốc doanh Việt Nam xưa nay nổi tiếng lời giả, lỗ thật. Người ta không biết tổng số nợ khó đòi, mà trong rất nhiều trường hợp là “không thể đòi được,” mà các ngân hàng của nhà nước bơm cho các hãng quốc doanh là bao nhiêu. Không ai biết sự thật, vì sự thật luôn bị che giấu. Khoảng 30% đến 40% tài sản tín dụng của hệ thống ngân hàng quốc doanh ở Việt Nam là bơm cho nhóm quốc doanh, kinh tài đảng, đoàn, vốn kém cỏi về quản trị và kinh doanh.

Các nhà đầu tư hiện đang cho rằng, tập đoàn đóng tàu Vinashin không trả nổi nợ. Thật ra, Vinashin chỉ là phần nổi nhỏ bé của khối băng sơn khổng lồ và nguy hiểm. Hiện tại, người ta đang chú ý đến tổng công ty than và khoáng sản TKV (Vinacomin), xem nó trả nợ ra sao.

Dù nhóm quốc doanh có trả nổi nợ hay không, sự vay nợ tràn lan tác động rất mạnh lên nền kinh tế nội địa. Khác với Trung Quốc, nền kinh tế không dựa vào chi tiêu của quần chúng, Việt Nam thì cho nhập cảng ồ ạt hàng tỉ đô la các loại hàng hóa xa xỉ. Thị trường hàng hóa tiêu thụ chiếm đến một phần ba GDP của Việt Nam.

Hậu quả, tiền mà hệ thống ngân hàng bơm tín dụng bừa bãi đã đẩy lạm phát lên kinh hoàng, tới gần 12% hồi năm ngoái. Kinh hoàng hơn nữa, nhu cầu hàng hóa xa xỉ nhập cảng làm cho thâm thủng mậu dịch nặng hơn nữa, tương ứng với 10% GDP, hồi năm ngoái.

Khi quyết định phá giá tiền ngày 11 tháng 2, 2011, Hà Nội hy vọng giải quyết được thâm thủng mậu dịch. Nhưng nhìn ở tương lai gần, nó làm cho tình hình khốn đốn hơn.

Khó khăn sinh khó khăn

Hàng hóa và nguyên liệu nhập cảng sẽ khiến hàng hóa trên thị trường và thành phẩm có giá đắt hơn khi tính theo tiền đồng. Lạm phát trong vài tháng tới đây có thể lên đến 15%, nhất là khi nhà cầm quyền bắn tiếng sẽ tăng giá điện từ 11% đến 18%. Chẳng bao lâu nữa lại còn tăng giá xăng, giá than, sắt thép xây dựng, vì nhà nước không thể trợ giá mãi được. Giá cả dịch vụ và thực phẩm, sẽ ùn ùn tăng theo.

Trong khi đó, khả năng trả nợ ngoại quốc của Việt Nam (tương đương 30% GDP) sẽ “cảm thấy” khó khăn hơn, dẫn đến tình trạng nhiều công ty quốc doanh không trả nổi nợ. Chưa hết, mọi người, trước sự cảm nhận rõ ràng sự mất giá của tiền đồng, sẽ tranh nhau vơ vét đô la để tích trữ. Áp lực mất giá đề lên đồng nội tệ ngày càng cao.

Hành động phá giá đồng bạc lại càng làm cho người ta cảm thấy sợ hãi hơn. Chẳng vậy, giá chợ đen đồng đô la mỗi ngày mỗi cách biệt so với giá chính thức.

Dù vậy, những người làm chính sách kinh tế ở Hà Nội tin rằng, các căn bản của nền kinh tế vẫn mạnh và viễn ảnh tăng trưởng lâu dài vẫn khỏe mạnh.

Cho dù họ đúng, nếu nhìn gần trước mặt, họ đang đối diện với sự lựa chọn khắc nghiệt. Ði theo hướng này, họ có thể tăng lãi suất, giới hạn tín dụng để kềm chế tiêu thụ, giảm lạm phát và thu hẹp thâm thủng mậu dịch. Kiểu này, họ sẽ phải chấp nhận tăng trưởng chậm.

Ði theo hướng kia, họ tiếp tục chiến lược tăng trưởng nhanh như đang làm và có nguy cơ rơi vào lạm phát phi mã, khủng hoảng nợ nần và đồng bạc mất giá.

Ði theo hướng nào, trong con mắt của giới đầu tư, Việt Nam cũng đã, và đang, không còn là điểm đến hấp dẫn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét