Pages

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Libya dậy sóng


Chế độ Libya bị bao vây trong khi những cuộc biểu tình leo thang
Những tin tức từ Libya cho thấy nhà lãnh đạo hơn 40 năm qua tại nước này, ông Moammar Gadhafi đang trong vòng vây của cuộc nổi dậy quần chúng ngày càng tăng, trở thành bạo động và gây nhiều tàn phá. Tin trích lời các nhân chứng từ thủ đô Tripoli của Libya cho biết máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu oanh kích nhiều nơi trong thành phố hôm thứ Hai.
Các nhân chứng tại thủ đô Libya nói trụ sở quốc hội của nước này nằm trong số những tòa nhà chính phủ bị phóng hỏa trong khi những nhà hoạt động đối lập đang xung đột với lực lượng an ninh và những người ủng hộ chính phủ. Có tin các phần tử dân quân vũ trang đã nổ súng tại nhiều nơi trong thủ đô Libya và các cuộc đụng độ được ghi nhận gia tăng từng giờ.

Trong một diễn biến khác, các giới chức quân sự tại đảo quốc Malta gần đó loan báo có 2 máy bay phản lực chiến đấu của Libya đáp xuống tại đây và phi công đào thoát nói họ được lệnh tấn công các người biểu tình.


Hình: AP -Người dân đứng trên 1 chiếc xe tăng giương cao 1 lá cờ thời kỳ tiền Gadhafi tại Benghazi, Libya, 21/2/2011


Phó đại sứ Libya tại Liên Hiệp Quốc Ibrahim Dabbashi hôm thứ Hai kêu gọi ông Gadhafi từ chức và nói thêm là ông này nên bị xét xử vì tội phạm chiến tranh. Cũng có tin một số viên chức nhà nước đã tẩu thoát ra nước ngoài và một loạt các đại sứ Libya tại ngoại quốc cũng đào tị.

Một số thành phố chính yếu hiện do các người biểu tình chống đối chính phủ kiểm soát. Người ta khó thu thập được thông tin vì không có cơ sở truyền thông nước ngoài tại Libya và truyền hình Libya nằm dưới quyền kiểm soát của nhà nước.

Hôm thứ Hai, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền có trụ sở tại Paris loan báo có ít nhất 9 thành phố Libya gồm cả Benghazi, Sirte và Misrata đã lọt vào tay những người biểu tình.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói con số tử vong tiếp tục gia tăng và có ít nhất 233 người thiệt mạng trong 5 ngày bạo động.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh cho gia đình các nhân viên làm việc tại Tòa Đại sứ và những nhân viên không bắt buộc phải có mặt tại chỗ rời khỏi Libya. Bộ này cũng yêu cầu công dân Mỹ hoãn du hành đến Libya.

http://www.voanews.com/vietnamese/news/libya-protests-4th-upd-02-21-11-116620673.html

*
Muammar Gaddafi xuất hiện trên truyền hình
Lãnh tụ Libya, Muammar Gaddafi, bác tin nói rằng ông bỏ nước ra đi trong bối cảnh các cuộc phản đối xuất hiện trên toàn quốc.

Ông gọi các hãng tin quốc tế là “chó má”.

Nói chuyện trên truyền hình nhà nước bên ngoài tòa nhà bị cháy rụi, ông Gaddafi khẳng định: “Tôi vẫn đang ở Tripoli, tôi không đến Venezuela.”

Trước đó trong ngày, Ngoại trưởng Anh William Hague nói ông thấy thông tin nói rằng Đại tá Gaddafi đang trên đường tới Caracas.

Phát biểu của Đại tá Gaddafi xuất hiện sau khi lực lượng an ninh và người phản đối đụng độ nhau tại thủ đô sang tối thứ hai.

Nhân chứng cho hay chiến đấu cơ và trực thăng bắn vào người biểu tình tại thành phố lớn. Ở phía tây của Libya, tin nói rằng quân đội giao tranh với lực lượng trung thành với Đại tá Gaddafi.

Trước đó Hội đồng Quốc phòng, cơ quan mới thành lập, cho hay lực lượng của họ sẽ loại bỏ các phần tử chống chính phủ Libya.

Tuyên bố của Hội đồng gọi những người phản đối là “nhóm khủng bố với thành phần là thanh niên bất mãn bị lợi dụng và bị uống thuốc gây ảo giác” qua tin đưa trên truyền thông ngoại quốc.

Cạnh đó quan chức ngoại giao hàng đầu của Libya tại Liên Hiệp Quốc ở New York kêu gọi quốc tế can thiệp nhằm ngăn chặn hành động bạo lực của chính phủ đàn áp người biểu tình trên đường phố.

Phó đại diện Phái đoàn Libya, Ibrahim Dabbashi nói cần bảo vệ người dân trước hành động “diệt chủng”. Ông kêu gọi LHQ áp đặt vùng cấm bay.

Ali Aujali, nhà ngoại giao cao cấp nhất của Libya tại Hoa Kỳ chỉ trích Đại tá Gaddafi. Ông nói với đài BBC rằng ông “không hậu thuẫn chính phủ giết hại người dân”.

‘Hài lòng’


Con trai của lãnh tụ Libya, Islam Gaddafi cảnh báo nội chiến.



Đại tá Gaddafi xuất hiện chưa đầy một phút trên truyền hình, lúc đó là hai giờ sáng, giờ địa phương (0000 GMT).

Ông ngồi trên ghế của một chiếc xe hơi màu trắng, khá cũ, tay cầm ô khi nói, vì lúc đó trời mưa.

“Tôi hài lòng khi nói chuyện với những người trẻ tại Quảng trường Green tối nay, tuy nhiên trời mưa tý chút, cầu mong Thượng đế mọi việc an bình,” ông nói.

“Tôi muốn xác nhận rằng tôi đang ở Tripoli, chứ không phải ở Venezuela. Đừng tin vào các kênh truyền hình đó. Họ là chó má. Tạm biệt.”

Hai ngày qua tại Tripoli có mưa liên tục.

Tin đồn xuất hiện nhiều hôm thứ Hai (21/2) nói rằng Đại tá Gaddafi đã bỏ nước ra đi. Nhất là khi ông Hague cho ký giả ở Brussels biết rằng ông đã nhìn thấy thông tin nói đến “lãnh tụ Libya đang trên đường tới” Venezuela.

Tuy nhiên Thứ trưởng ngoại giao Libya, Khaled Kayem tuyên bố trên truyền hình nhà nước rằng, ông Gaddafi và các quan chức chính phủ vẫn có mặt tại Libya.

Phái viên BBC Jon Leyne, tường thuật từ Ai Cập cho hay đại tá Gaddafi đã mất đi sự ủng hộ của hầu hết các tầng lớp dân chúng tại Libya.

Chính quyền chấp nhận rằng các thành phố phía đông, trong đó có al-Bayda và Benghazi – những nơi được coi là ổ đề kháng chính phủ, hiện đang thuộc kiểm soát của phe đối lập.

Cuộc phản đối chỉ xuất hiện tại Tripoli bắt đầu hôm Chủ nhật, với hàng trăm người kéo về thủ đô, và họ đã bị lực lượng an ninh trấn áp.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/02/110222_gaddafi_on_tivi.shtml

*
Phong trào phản kháng tại Libya lan đến thủ đô Tripoli
Tú Anh – Cuộc nổi dậy của dân chúng từ thành phố Benghazi miền Đông Libya đã lan đến thủ đô Tripoli. Nhiều cơ quan chính phủ và truyền thông bị người biểu tình tấn công đốt phá. Trong lúc lãnh đạo Kadhafi hoàn toàn giữ im lặng thì một trong những người con trai của ông là Seif Al-Islam công khai khẳng định Libya “đang bên bờ nội chiến”, nạn nhân của một âm mưu khuynh đảo quốc tế.


Theo tổ chức Human Rights Watch, thiệt hại nhân mạng đã lên đến 233 người. Các nhà ngoại giao Libya từ chức hàng loạt và kêu gọi ủng hộ cuộc nổi dậy.

Lần đầu tiên từ khi bùng phát phong trào biểu tình đòi lật đổ chế độ độc tài của đại tá Kadaffi hôm 15/02/2011, chính quyền Libya mới chính thức phản ứng.


Người biểu tình trước trụ sở lực lượng an ninh tại Benghazi (Libya) ngày 20/2/2011. Ảnh lấy từ video công bố trên mạng YouTube – REUTERS/Youtube via Reuters TV


Trong chương trình chiều chủ nhật 20/02/ của đài truyền hình nhà nước, một trong những người con của lãnh đạo Kadhafi là Seif Al-Islam tuyên bố rằng : “Quân đội sẽ bảo vệ lãnh đạo đến cùng và sẽ tái lập trật tự bằng mọi giá”.

Ông Self Al-Islam thừa nhận là nhiều thành phố lớn trong đó có Benghazi và Al- Baida chìm trong hỗn loạn và người biểu tình đã chiếm được súng đạn từ tay quân đội. Trong nỗ lực được giới truyền thông nước ngoài mô tả là “cố gắng sau cùng” , con trai nhà lãnh đạo trị vì 42 năm trên đất nước này đã kêu gọi thương lượng, và hứa hẹn là sẽ cải cách dân chủ, mở rộng tự do. Ông nhấn mạnh đến “nguy cơ nội chiến” mà quân đội sẽ thẳng tay đàn áp, không để cho xảy ra kịch bản “Ai Cập và Tunisia”.

Theo AFP và Reuters, trong khi nhân vật này phát biểu trên đài truyền hình, thì cảnh sát dùng lựu đạn cay đối phó với cuộc biểu tình hàng ngàn người. Tiếng súng vang dậy tại nhiều khu phố ở thủ đô. Sảnh đường Nhân dân, nơi tổ chức các cuộc hội họp hoặc yến tiệc của nhà nước bị đốt cháy. Trụ sở một đài truyền hình nhà nước Al- Jamahiriya số 2 và đài phát thanh Al- Shababia bị đập phá.

Sáng hôm nay, khoảng 500 người đã tràn vào một cơ sở xây dựng của một công ty Hàn Quốc gần thủ đô Tripoli gây thương tích cho nhiều nhân viên người Bangladesh và Hàn Quốc.

Nhiều quốc gia Tây phương chuẩn bị di tản kiều dân

Con trai đại tá Kadhafi đưa ra con số 84 người chết sau một tuần nổi loạn, nhưng tổ chức nhân quyền Human Rights Watch khẳng định là được các nguồn tin y tế và luật gia địa phương cung cấp danh sách 233 nạn nhân tử vong.

Trước thái độ đàn áp đẩm máu của chính quyền Tripoli, nhiều nhà ngoại giao Libya theo nhau từ chức. Đại sứ Libya tại Ấn Độ , một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh, và đại diện thường trực của Libya bên cạnh Liên đoàn Ả Rập kẻ trước người sau, thông báo từ chức trong 24 tiếng đồng hồ vừa qua để phản đối chế độ và kêu gọi ủng hộ “cách mạng”.

Nhà ngoại giao Libya phục vụ tại thủ đô Trung Quốc, ông Hussein Sadiq al Mousrati còn kêu gọi các đồng nghiệp đồng loạt từ chức.

Liên Hiệp Châu Âu, sau cuộc họp chiều hôm qua tại Bruxelles, kêu gọi đại tá Kadhafi đáp ứng nguyện vọng của dân chúng. Luân Đôn triệu mời đại sứ Libya lên Bộ Ngoại giao để phản đối các biện pháp đàn áp bằng vũ lực.

Trong khu vực Trung Cận Đông, chính quyền Hồi giáo Iran, một lần nữa huy động một lực lượng an ninh hùng hậu ngăn chận một cuộc tập họp của đối lập vào ngày hôm qua tại thủ đô Teheran.

Trong khi đó ở Bahrain, phe cải cách trong hoàng tộc kêu gọi dân chúng tiếp tục biểu tình gây sức ép.

Còn tại Yemen, sinh viên và nhiều dân biểu đối lập biểu tình ngồi trước đại học Saana đòi Tổng thống Saleh, cầm quyền suốt 32 năm qua, ra đi.

Trong một thông cáo đặc biệt, hội đồng Ulema gồm đại diện lãnh đạo hồi giáo, tộc trưởng, lãnh đạo chính trị toàn quốc phản đối chính phủ dùng vũ lực đàn áp biểu tình.

Sáng nay, một người biểu tình ở Aden bị bắn chết nâng tổng số nạn nhân tử vong lên 12 người từ khi phát xuất phong trào đòi dân chủ.


http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20110221-phong-trao-phan-khang-tai-libya-lan-den-thu-do-tripoli

*

Bạo lực tiếp tục trầm trọng ở thủ đô Libya


Những người phản đối treo băng cờ khẩu hiệu biểu tình trên một tòa nhà chính quyền mà họ đốt cháy và chiếm cứ.


Các lực lượng an ninh và những người biểu tình phản đối tiếp tục đụng độ ác liệt ở thủ đô Libya trong đêm thứ hai, sau khi chính quyền của Đại tá Muammar Gaddafi tuyên bố ra tay đàn áp.

Các nhân chứng cho hay nhiều phi cơ chiến đấu đã bắn hỏa lực vào những người phản đối ở Tripoli.

Các nguồn tin cũng cho BBC biết, trong khi đó từ mạn Tây của thành phố, một cánh quân đội đang giao chiến với các lực lượng trung thành với nhà cầm quyền Gaddafi, người có vẻ đang cố kháng cự hòng níu giữ quyền lực.

Phó đặc sứ tại Liên hiệp quốc của Libya cũng lên tiếng kêu gọi Đại tá Gaddadif từ chức và lên án chính quyền của ông này phạm tội diệt chủng.

Ông Ibrahim Dabbashi nói rằng nếu ông Gaddafi không chịu từ bỏ quyền lực, “nhân dân Libya sẽ phế bỏ ông ta.”

Thủ tướng Anh, David Cameron chuẩn bị thăm Kuwait, sau khi vừa bất ngờ tới thăm Ai Cập, nói với BBC rằng “cuộc đàn áp của chính quyền Libya với những người biểu tình là không thể chấp nhận.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói Hoa Kỳ hòa đồng với cộng đồng quốc tế trong việc “mạnh mẽ lên án bạo lực ở Libya”.

“Nay đã đến lúc chấm dứt cuộc tắm máu không thể chấp nhận này”, bà Clinton nói.

Khói lửa


Người biểu tình ở thủ đô Libya vẫn không nao núng trước bạo lực đàn áp của chính quyền Đại tá Gaddafi.


Phóng viên của BBC, Jon Leyne tường thuật từ nước láng giếng Ai Cập, cho biết Đại tá Gaddafi hiện đã mất đi sự hậu thuẫn của hầu như tất cả cách thành phần nhân dân, viên chức trong xã hội.

Tin tức từ các thành phố cho tới thủ đô Tripoli cho thấy rất nhiều khu vực của quốc gia này đã tuột khỏi bàn tay kiểm soát của ông Gaddafi.

Nhiều nhà báo nước ngoài làm việc dưới những điều kiện bị hạn chế khắc nghiệt tại Libya và nhiều thông tin xuất phát từ nội bộ quốc gia này là không thể kiểm chứng.

Thế nhưng chính quyền đã phải thừa nhận rằng các thành phố ở mạn đông như al-Bayda và Bengazi – vốn là các căn cứ kháng cự chính của chính phủ – hiện đang nằm trong tay của những người đối lập.

Cuộc nổi dậy còn chưa nổi bật ở Tripoli cho tới ngày Chủ Nhật, khi hàng trăm người phản đối đã tràn ngập các đường phố và bị các lực lượng an ninh của chính quyền Gaddafi đàn áp thẳng tay.

Các nhân chứng cho biết máy bay của chính quyền nã súng trực tiếp và không phân biệt vào những người phản đối, trong khi trên bộ, các bộ phận vũ trang khác, với nhiều người mặc thường phục, cũng nổ súng, phóng hỏa lực và bắn tỉa vào người biểu tình.

Trong một diễn biến gần nhất, hai máy bay phản lực chiến đấu của quân đội Libya đã từ chối ném bom xuống thủ đô Tripoli và bay lệch đường bay định trước để đáp khẩn cấp xuống đảo Malta láng giềng.

“Họ đã ra lệnh cho chúng tôi ném bom và trút hỏa lực vào đám đông biểu tình,” các phi công được cho là “phản chiến” nói với các phóng viên và giới chức ở Malta.

Thống kê chưa kiểm chứng được kênh truyền hình Euro News từ Lyon của Pháp loan trong đêm thứ Hai và qua đầu buổi sáng ngày thứ Ba cho hay có thể có tới 400 người bị thiệt mạng tới nay, tính tới trước 12 giờ đêm, giờ London.

Trong khi đó, các nguồn tin vào buổi chiều thứ Hai được BBC trích thuật cho biết đã có ít nhất 233 người bị giết tới thời điểm đó.

Trước đó, các nhân chứng cho hay hơn 50 người đã bị hạ sát tại thủ đô Tripoli từ hôm Chủ Nhật.

Trong một tuyên bố mới được đưa ra, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-moon, kêu gọi “chất dứt ngay bạo lực không thể chấp nhận được” ở quốc gia Bắc Phi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét