Pages

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Nhân chuyện ông Đảm từ chức


Trương Duy Nhất – Đọc mấy bài báo thổi ca ông Huỳnh Đảm “xin thôi chức chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam” khiến tôi cứ phì cười mãi, nhịn không được.
Ông Đảm, và tất nhiên đến cả mấy anh bảo vệ gác cổng 46 Tràng Thi đều thừa biết rằng ông Đảm đúng ra phải nghỉ từ lâu rồi. Và đến giờ thì ông có muốn cũng không ngồi thêm được nữa.
Trong tất cả các đời Chủ tịch Mặt trận mà tôi biết, ông Huỳnh Đảm là nhân vật mờ nhạt nhất. Hơn một nhiệm kỳ ngồi ghế Chủ tịch, ông chả để lại ấn tượng gì đặc biệt. Cứ thử hỏi các quan chức Mặt trận cả nước xem có ai tìm ra và nhớ được dấu ấn gì ông Đảm để lại sau hơn một nhiệm kỳ?

Năm tôi ra Hà Nội dự tổng kết cơ quan, được nghe ông huấn thị gần 2 tiếng đồng hồ. Lâu lâu mới được ra họp, tôi cố ngồi im lắng nghe nhưng chẳng hiểu ổng nói cái gì. Buột miệng tỏ thái độ với cậu chuyên viên Mặt trận ngồi bên thì được cậu ta chêm cho một câu: Một năm anh chỉ nghe có một lần mà cũng than, bọn tôi ngoài này nghe cụ nói quanh năm suốt tháng mà còn chịu được nữa là, mà chịu thôi chứ hổng có hiểu cụ nói chi đâu nghe!

Nghe mà thương mấy tay chuyên viên ngoài Hà Nội quá.

Vì thế, cái sự “từ chức” của ông Đảm thật ra là tự ông đã nhìn thấy cái hất tay kín đáo của tổ chức rồi. Ông có cố ngồi cũng chả ai cho ngồi. Điều đáng mừng (nếu có) trong vụ “từ chức” này là mừng cho Mặt trận qua được triều ông Đảm, có cơ để hi vọng vào một vị Chủ tịch mới khác hơn, đỡ nhạt hơn.

Trước ông Đảm, Chủ tịch Phạm Thế Duyệt là người ít nhiều để lại ấn tượng khá đặc biệt. Nhưng cái ấn tượng mà ông Duyệt để lại cũng chỉ là công tác xây nhà cho người nghèo, gây dựng mấy nguồn quĩ “vì người nghèo”, cứu trợ nạn nhân thiên tai bão lụt… Vì người nghèo là tốt, xây nhà cho người nghèo là tốt, cứu trợ là tốt, nhưng những công việc đấy chẳng khác gì mấy tổ chức từ thiện. Ông Duyệt đã xây dựng Mặt trận chẳng khác gì một Hội từ thiện trung ương. Ấn tượng ông Duyệt để lại, xây tạo cho ông không phải là một vị Chủ tịch Mặt trận mà là một “đồng chí” Chủ tịch… Hội từ thiện trung ương.

Trước ông Duyệt có một ông tuy chỉ là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, nhưng tạo cho tôi ấn tượng quí nể. Đó là ông Trần Văn Đăng. Tôi hay được đi với ông. Không hiểu sao mà trong tất cả các văn bản ông soạn, các bài phát biểu của ông, bất kể về vấn đề tập hợp đoàn kết, về nhân sĩ trí thức, xóa đói giảm nghèo hay phòng chống HIV/AIDS, ông đều tìm cách đưa câu “Đảng là thành viên của Mặt trận” vào. Câu đó tôi thấy ông luôn viết đậm và gạch đít. Hồi tôi làm vụ “bò Zê-bu” chấn động Quảng Ngãi, đánh rớt một Phó Chủ tịch thường trực đang là ứng viên Chủ tịch tỉnh ngay sát ngày bầu cử có sự ủng hộ và che đỡ tích cực từ ông. Sau khi đăng báo, tôi “tư vấn” cho Mặt trận tỉnh “căn cứ điều 9 Hiến pháp” làm văn bản yêu cầu thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra báo cáo sự việc. Tỉnh ủy nóng mặt, lệnh Ban kiểm tra đảng triệu tập lãnh đạo Mặt trận tỉnh. Ông Đăng nghe được công khai đứng trên bục chỉ đạo báo không được bỏ cuộc, phải làm cho đến nơi đến chốn và lệnh cho văn phòng ra văn bản khẩn tốc yêu cầu Thường vụ tỉnh ủy giải thích và trả lời báo cáo cho ông vì sao Ban kiểm tra đảng và Thường vụ Tỉnh ủy lại dám triệu tập và bắt phía Mặt trận phải “giải trình sự việc”.

Trong mắt tôi, ông Đăng dù Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký nhưng để lại nhiều dấu ấn mà chưa chắc các đời Chủ tịch sau có được.

Có 2 đời Chủ tịch Mặt trận đáng ngả mũ khâm phục nhất, đó là Nguyễn Hữu Thọ và Lê Quang Đạo. Khi mất, tang lễ của 2 ông tôi thấy các nguyên thủ và chính khách nước ngoài gửi vòng hoa viếng nhiều hơn cả đám tang mấy ông nguyên thủ. Lịch sử Mặt trận tổ quốc Việt Nam đáng dành cho Nguyễn Hữu Thọ và Lê Quang Đạo những trang kính trọng nhất. Đây là 2 ông Chủ tịch Mặt trận nhưng xứng tầm nguyên thủ.

Nghe nhiều người bảo rằng: Cái chi chứ Chủ tịch Mặt trận ai làm chả được. Không phải thế. Muốn tập hợp nhân sĩ trí thức, hoặc chí ít không tập hợp được nhưng để đứng được trên bục nói cho họ chịu ngồi im lắng nghe, thì trước hết bản thân anh phải là nhân sĩ. Nhiều vị không xứng là nhân sĩ thì làm sao ngồi ghế Chủ tịch Mặt trận được.

Lâu rồi tôi đã viết những dòng này: Để Mặt trận lớn hơn, không chỉ và không phải là một tổ chức… hội từ thiện, có thể nói ngắn gọn trong 6 chữ: giám sát, phản biện, tập hợp. Không đảm được 6 chữ này, Mặt trận sẽ mãi mãi chỉ như một tổ chức từ thiện, hoặc tựa bình hoa đẹp làm mỗi cái chức phận… trang trí cho các dịp lễ hội. (Xem thêm bài: Mặt trận không phải là tổ chức từ thiện).

Một bức ảnh kỷ niệm thời Chủ tịch Lê Quang Đạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét