Cuối cùng thì Tổng Thống Hosni Mubarak cũng phải ra đi dù cho đến ngay trước “đêm trừ tịch của độc tài” ông vẫn cố bám lấy chức Tổng thống trên danh nghĩa. Quần chúng Ai cập đã thắng, sức mạnh của nhân dân đã thắng. Cuộc biểu tình của mấy trăm ngàn người kiên trì nhưng ôn hòa bất bạo động, diễn ra trong trật tự, với sự đồng tình và bảo vệ của quân đội, đã biến thành những ngày hội dân chủ, một sự kiện độc đáo chưa từng có, đã làm nức lòng mọi người yêu dân chủ trên toàn thế giới, nhất là tại những nước như Việt Nam. Dù tình hình Ai cập còn nhiều bấp bênh nhưng sau những gì đã xẩy ra ngoài đường phố Cairo, chắc chắn không một thế lực độc tài nào còn có thể dễ dàng khuynh loát được sinh hoạt chính trị tại Ai cập. Theo tôi, Ai cập cho chúng ta 3 bài học vô giá:
(1) Nếu có cơ hội người dân có đủ sức mạnh tinh thần và sự sáng suốt để bầy tỏ ý nguyện của họ một cách ôn hòa, trong đoàn kết và trật tự. Chính bạo quyền, sử dụng quân đội và công an, đã tạo ra bạo động trong các cuộc xuống đường của quần chúng ở nhiều nước khác. Rất may là quân đội Ai cập đã bảo vệ quyền biểu tình bất bạo động của quần chúng. Chúng ta cần vận động thành phần cấp tiến trong đảng CSVN và trong quân đội đứng về phía nhân dân khi nhân dân xuống đường.
(2) Cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng gần như tự phát mà lại có trật tự, không phải nhờ có một lãnh tụ xuất chúng hay một tổ chức chặt chẽ, mà là qua sự phối hợp hữu hiệu, có kỹ thuật của một nhóm nhỏ những người thật sự có công tâm và vì công ích, không vì cá nhân hay bè nhóm, đảng phái riêng tư nào. Mạng truyền thông điện tử giúp phối hợp nhanh chóng nhưng chỉ là phương tiện phối hợp thành công nếu nối mạng được với tất cả các khuynh hướng, các nhóm khác nhau, không phân biệt và kỳ thị.
(3) Quần chúng là động lực, xuất phát điểm và mục đích cuối cùng của cuộc biểu dương dân chủ. Cá nhân, tổ chức họat động trong và cùng với quần chúng như là lực lượng khởi động, tạo điều kiện và hỗ trợ cho cuộc biểu dương xuất hiện, tồn tại và tiếp tục phát triển trong trật tự và bất bạo động.
Những gì xẩy ra ở Ai cập một lần nữa cho thấy rất nhiều điều không thể tiên liệu trước được trong các chính biến dẫn đến dân chủ. Mỗi trường hợp mỗi khác. Đối với Việt Nam, chúng ta cần vận dụng các bài học nêu trên, nhưng cần lưu ý đến đặc điểm là ở Viêt Nam có đảng CS, khác với những nhóm và đảng cầm quyền ở những nước không có chế độ CS. Tôi cho rằng, biến chuyển chính trị tại Việt Nam đi theo một lộ trình khác với Tunisie, Ai Cập, đó là lộ trình chuyển hóa dân chủ, vừa từ dưới lên, vừa từ trên xuống.
Tôi cho rằng cuộc cách mạng mầu mang đặc tính Việt Nam đang xẩy ra, và là một hợp thể của ít nhất 3 nhân tố: (1) đại đa số quần chúng bất mãn dù thầm lặng (hiện đã có); (2) phe chống đối ngày càng mạnh lên, hoạt động tích cực, bền bỉ (dù bị đàn áp), hữu hiệu, dưới mọi hình thức, chính trị và phi chính trị (hiện chưa đủ mạnh); và (3) thành phần và quan điểm cấp tiến trong ban lãnh đạo đảng CS ngày càng thắng thế (hiện chưa đủ). Đây là chưa kế đến các yếu tố bên ngoài tác động vào, như kế hoạch bành trướng của Trung quốc, thay đổi tài trợ của quốc tế cho Việt Nam (vì không còn là nước nghèo), Hoa Kỳ gia tăng họat động tại vùng ĐNA, người Việt hải ngọai tác động hữu hiệu hơn vào trong nước… Ba nhân tố chính đều cần thiết và tương quan với nhau trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, một tíến trình không thể đảo ngược. Câu hỏi hiện nay không còn là dân chủ hay không mà là dân chủ như thế nào và bao giờ. Tất cả 3 biến số chính nêu trên trong tiến trình chuyển hóa dân chủ tại Việt Nam đều luôn luôn “động’ và hỗ tương tác động lẫn nhau nên các bên liên quan cần theo dõi sát để có thái độ và hành động thích ứng và kịp thời.
Đoàn Viết Hoạt
11.2.2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét