Pages

Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

Những chuyện “cười” ra nước mắt

Trong không khí vui tươi chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán – Tân Mão 2011. Chúng ta hãy cùng nhìn lại năm Canh Dần 2010 đầy sóng gió trên mảnh đất thân yêu Việt Nam. Năm 2010 có nhiều chuyện cười…ra nước mắt, mang nhãn hiệu chính gốc “Made in Vietnam” mà nhân dân trong cũng như ngoài nước được chứng kiến.

Chuyện phiên tòa “công khai”
Phiên tòa xét xử bốn nhà dân chủ tại Sài Gòn hôm 20/01/2010 gồm luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, hai doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long đã gây xôn xao dư luận trong nhiều tháng, chẳng khác một cuộc chạy xô theo tuồng diễn.

Thật trái ngược với tuyên bố của tòa án rằng đây là buổi xử công khai, đủ loại công an sắc phục và thường phục được huy động để bao vây toàn bộ khu vực xung quanh tòa án và kiểm soát từ xa. Ngay bên ngoài cổng tòa án tại số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, nhiều toán công an đứng rải rác và một số khác được ẩn nấp trong các xe tải lớn quanh đó. Bên trong khuôn viên tòa án, một hàng rào lưới B40 đã được dựng lên, với lực lượng công an trấn giữ.

Trong phiên tòa này, Lê Công Định đã nói: ”Trong quá trình học tập ở nước ngoài, tôi đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng phương Tây về dân chủ, tự do và nhân quyền. Khi về Việt Nam, tôi cũng mong muốn đất nước mình có tự do dân chủ. Tôi nhận là đã vi phạm Điều 79 (Bộ Luật Hình sự)”.

Lời phát biểu này được truyền thông Việt Nam, nhất là chương trình thời sự đài truyền hình Việt Nam VTV1 ”hả hê” đưa lên, vì cho rằng Lê Công Định đã biết ăn năn nhận tội. Nhưng ông Định đã dùng chính truyền thông Việt Nam làm cái ”loa phóng thanh” cho cả thể giới biết rằng, ở Việt Nam không có dân chủ tự do nhân quyền gì ráo cả! Điều này chỉ có ở các nước phương Tây…

Chuyện “nói dóc”

Trong phiên đăng đàn trước Quốc Hội ngày 12-6-2010 Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lạc quan: “Thu nhập bình quân đầu người hiện nay 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng 6.000, lên 12.000 và sẽ đạt 20.000 năm 2050″.

Một tốc độ phát triển thật đáng khâm phúc. Chắc Việt Nam sẽ hóa rồng và để các nước trên toàn thế giới “ngậm khói” chơi!

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới thì thu nhập đầu người của Việt Nam chỉ khoảng $950 USD/năm. Nhưng cứ giả định là 1.200 USD, chúng ta thử tính xem tới năm 2020 liệu con số này có lên tới $3000 USD không?

Có thể tính tốc độ tăng thu nhập đầu người bằng cách lấy tốc độ tăng trưởng bình quân trừ đi tốc độ tăng dân số. Trong năm 2009, tốc độ tăng dân số của Việt Nam là 1,2%. Giả sử rằng trong 10 năm tới, dân số Việt Nam tăng ổn định ở mức 1%/năm thì tốc độ tăng trưởng GDP cần phải bao nhiêu để đạt tới mức thu nhập bình quân đầu người $3000 USD trong 10 năm tới? Gọi tăng trưởng GDP là ta sẽ có công thức: 1200*(1+g-0.01)^10=3000.

Không khó để tính ra g=0.106 hay 10,6%. Như vậy chúng ta sẽ phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP thường xuyên liên tục ở mức 10,6% trong 10 năm tới mới có thể đạt được điều này. Không biết ông Hùng dựa vào đâu để tin là Việt Nam có thể lập được kỳ tích này khi trong quá khứ, chưa có năm nào Việt Nam đạt tăng trưởng 2 chữ số cả và tăng trưởng GDP trung bình trong 9 năm qua cũng chỉ vào khoảng 7,2%. Trên thế giới cực kỳ hiếm nước nào có thể đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 2 chữ số trong suốt một thập niên. Thành tích thần kỳ như Trung Quốc trong thập niên 1990 cũng chỉ đạt 9,5% một năm.

Chuyện siêu nhân

Ngày 11/9/2010, Báo Thanh Niên đưa bản tin “Hơn 3 triệu bài dự thi về Thăng Long – Hà Nội” trong đó có nêu ra ” Sau gần 1 năm phát động, cuộc thi đã nhận được 3.273.479 bài dự thi trên cả nước”. Thật là một con số ấn tượng hết sức!

Một năm có 365 ngày, cứ cho là ngày nào, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ các bạn dự thi đều gửi bài đều đều về Ban Chỉ đạo 1000 năm Thăng Long. Thế là mỗi ngày nhận được khoảng 8,968 bài. Để mà chấm thi, thì cho rằng mỗi bài phải được 1 vị giám khảo đọc trong 15 phút, vị chi mỗi ngày phải cần tới 134.520 phút chỉ để đọc. Mà thời gian của 1 ngày chỉ có 1,440 phút thôi. Vậy là Ban chỉ đạo cần có đến 93.4 vị giám khảo ngồi đọc bài thi không nghỉ ngơi, không ăn ngủ… liên tục trong vòng một năm qua.

Thật là phi thường, đến siêu nhân cũng không thể tưởng tượng được!

Chuyện ông họ Cù

Với sự cần cù cộng thêm sự khôn ngoan trí tuệ, ngành công an “còn-đảng-còn-mình” đã tập trung và phát huy mọi sáng tạo để viết kịch bản nửa khóc nửa cười khi vu khống và cầm tù ông Cù Huy Hà Vũ.

Chuyện là rạng sáng 5/11, qua công tác “kiểm tra hành chính thường kỳ”, công an phường 11, quận 6, “phát hiện” tại phòng 101 của khách sạn Mạch Lâm, ông Vũ ở chung phòng với một phụ nữ “không có giấy đăng ký kết hôn”. Và 2 bao cao su đã qua sử dụng. Là một người am hiểu về luật pháp, chàng ”trạng sư” lớn tiếng phản đối cho hành vi vu khống vi phạm pháp luật một cách vô cùng trắng trợn này, nhưng bọn ”nha sai” vẫn lờ đi. Chúng lập biên bản và dùng vũ lực còng tay và áp giải chàng về đồn.

Ngày hôm sau, có mật lệnh từ phủ tể tướng gửi đến tất cả các cơ quan truyền thông phải đăng bài bôi nhọ thanh danh chàng trạng sư họ Cù ngay lập tức. Sau khi nhận được mật lệnh này, tất cả các báo, đài truyền thanh nhà nước còng lưng ra viết bài để làm nhục danh dự của chàng trạng sư. Nhưng, những hành vi xấu xa đó đã không qua mặt được giới còm-sỹ. Họ đã phanh phui sự việc ra trước công luận và chỉ rõ đây là sự vu khống tồi tệ nhất chưa từng sảy ra. Theo trang blog Trương Duy Nhất, vụ bắt giữ ấn tượng nhất đã đứng hạng thứ 4 trong bài Top Ten Ấn Tượng Việt Nam 2010.1

Vì biết được rằng với âm bất thành này đã không thể che được mắt thiên hạ, nên an ninh đã thay đổi tội danh và gán cho chàng trạng sư họ Cù với một tội danh mới: vi phạm điều luật 88 tuyên truyền chống phá nước! Mặc cho mọi tầng lớp xã hội lên án hành động này, họ vẫn tiếp tục giam giữ và chờ ngày đưa trạng sư họ Cù ra tòa phán quyết….

Ôi! Thật là cong lý!

Chuyện facebook

Trong thời gian gần đây, cộng đồng Việt trên mạng xã hội Facebook lại một phen xôn xao vì những biện pháp chặn Facebook đã trở nên mạnh mẽ và triệt để hơn. Mạng Facebook bị chặn ở Việt Nam chẳng phải là điều mới mẻ, nhưng lần này các Facebookers phải rất vất vả mới “trèo tường” (từ lóng chỉ việc vượt tường lửa firewall để đến được một website nào đó) vào được, gây nản lòng không ít cho những ai muốn tiếp cận thông tin và chia sẻ cùng bạn bè bốn phương.

Rất nhiều Facebookers sau khi vượt tường lửa bằng cách này hay cách khác đã không dấu diếm sự tự hào. Họ cười đùa nhau như muốn thách thức: cứ chặn kiểu này thì chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ sản sinh ra những tay chuyên môn về IT hàng đầu trên thế giới. Còn có cả những ”đứa trẻ lì lợm” tuyên bố: các chú các bác cứ chặn, các cháu cứ trèo!

Chuyện ông tể tướng chỉ đạo

Tại lễ khai mạc Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 66 ở Hà Nội vào chiều ngày 04/01, Thủ tướng Dũng lớn tiếng: lực lượng công an phải “làm nòng cốt dẹp bỏ ngay các âm mưu diễn biến hòa bình, nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ” và “kiên quyết không để xảy ra khủng bố, gây rối, bạo loạn, lật đổ và hình thành các tổ chức đối lập”.

Không hiểu là do vô tình hay cố ý mà ông Dũng đã thừa nhận rằng chế độ hiện hành đang và không thể đứng vững trước các ”thế lực thù địch”.

Ngẫm lại, nếu không “hoang mang cao độ” hoặc nếu không “lo sợ thật sự” thì tại sao ông Dũng nhấn mạnh về việc: “lực lượng công an phải nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ”?

Phải chăng “công an nhân dân” trong thời gian qua “đã bị động”, “đã bất ngờ”, “đã không nắm chắc tình hình”? Có thể lắm! Hơn cả điều đó, trong năm qua công an nhân dân đã chẳng làm gì được ngoài việc quanh quẩn “canh me” hết ông này đến bà nọ có ”tư tưởng lệch lạc”.

Nghĩ mà buồn…cười! Thử hỏi ai đã tạo ra cái khẩu hiệu, ghi bằng chữ đỏ “Công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình” để cho những kẻ “phản động” “lợi dụng”, “xuyên tạc”, “nói xấu”, “phỉ báng”, “gây hoang mang trong nhân dân” ?

Chuyện ông ngoại quốc ”gây rối”

Sự kiện hành hung viên tùy quán Hoa Kỳ là một hành động rất xấu và kém văn hóa của một chính thể cứ luôn nói về việc “Việt Nam muốn làm bạn với thế giới”(!).

“Một nhân viên Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nhẹ nhàng khuyên giải nhưng người đàn ông ngoại quốc vẫn hùng hổ nói ông ta là nhân viên ngoại giao có thể đi bất cứ đâu, gặp bất cứ ai mà không cần phải xin phép. Tiếp đó, ông này còn gạt người nhân viên ngã dúi dụi, sau đó đấm vào mặt một người dân đứng gần đó, xô đẩy cả một số người đang đứng xem..” theo báo Thanh Niên.

Người ta thắc mắc vậy sao “công an nhân dân” không cắm trước Nhà Chung một bảng báo có nội dung đại loại như “Khu vực cấm tụ tập, lai vãng” hay “ngôi nhà chứa phản động” để người dân và cả viên tùy quán Hoa Kỳ biết mà tránh xa?

Thật “hổ thẹn” cho ông tùy viên chính trị của Hoa Kỳ khi gặp một “nhân viên Sở ngoại vụ” “rất văn hóa” để “nhẹ nhàng khuyên giải” mà ông không nghe lại còn “đấm vào mặt người dân”(!)

Ông ngoại quốc này tới một đất nước xa lạ mà dám đấm vào mặt người dân… mà không biết tên tuổi của người dân thường nào, “khờ” đến mức đứng đó cho ông đấm vào mặt!?

Lạc quan vì… quá bi quan!

Người Việt Nam tiếp tục lạc quan nhất thế giới, theo kết quả cuộc thăm dò mang tên “Tiếng nói của người dân” do Viện thăm dò BVA của Pháp và Viện Gallup của Mỹ thực hiện cuối năm 2010. Kết quả đã được thực hiện tại 53 quốc gia, với 64.203 người được hỏi về triển vọng kinh tế nước mình trong năm 2011. Tại Việt Nam, có tới hơn 70% trong số 1000 được hỏi trực tiếp tự tin về triển vọng kinh tế năm 2011, bỏ xa nhóm nước thứ hai với Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, nơi “chỉ” 49% người dân lạc quan về sự phát triển kinh tế, trong khi tỷ lệ trung bình của cả 53 quốc gia là 30%.

Cảm giác đầu tiên khi đọc kết quả khảo sát là thấy…vui! Vui vì hóa ra người Việt mấy năm nay vẫn tràn đầy lạc quan vào tương lai, tin tưởng rằng năm sau tốt hơn năm trước. Hình như lạc quan vốn là một “tính tốt” của người Việt, vì cứ lâu lâu lại đọc trên báo chí một kết quả khảo sát chứng tỏ người mình rất lạc quan, lúc thì 35 năm sau chiến tranh: Người Việt Nam lạc quan về tương lai (kết luận sau một cuộc thăm dò của hãng thông tấn AP), hay Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất thế giới (theo kết quả cuộc khảo sát Niềm tin người tiêu dùng toàn cầu của Công ty The Nielsen).

Sống trong một nền kinh tế chưa vượt khỏi cái ao làng Đông Nam Á mà đa phần người dân lại vẫn an nhiên tự tại, mỉm cười lạc quan tin tưởng, dễ bằng lòng, dễ chấp nhận thì có đáng để…vui không?

Lạc quan chỉ tốt, nếu đi cùng với nó là sự không bằng lòng với chính mình, không chấp nhận Việt Nam mãi mãi “đi sau” các nước láng giềng. Khi nằm chung nhóm những nước lạc quan với chúng ta lại có những quốc gia rất “bất ổn” như Nigeria hay Afghanistan thì có nên tự hào?

Nếu thái độ sống lạc quan song hành với nỗ lực vươn lên thì xin chúc mừng những người Việt lạc quan (!), Nhưng chúng ta đã thực sự nổ lực chưa, khi 35 năm vẫn nằm trong nhóm nước nghèo? Hay các bạn quá bi quan trước viễn cảnh trước mắt, nên cứ… lạc quan cho nó… vui?

Thay lời kết!

Năm Canh Dần 2010 quả là một năm có quá nhiều biến động ở Việt Nam. Một năm trước thềm Đại hội Đảng đã làm cho danh sách những ”chuyện cười ra nước mắt” ngày một dài thêm.

Còn rất nhiều chuyện cười ra… nước mắt, có một không hai trên thế giới nhưng chỉ có Việt Nam là đã đăng ký ”sản phẩm độc quyền”.

Nhưng trong giới hạn nhỏ hẹp của bài viết này, tôi không thể kể ra hết ”những nụ cười bất tận”. Mong các bạn hãy cùng tôi viết thêm những chuyện cười ”độc hàng” này nhé!

L.P.T.
Viết riêng cho Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC
Hà Nội
10/1/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét